25/3/12

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI NGHỊ Ở QUỐC(1948 – 1958)


CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI NGHỊ Ở  QUỐC(1948 – 1958)
Th.S Lê Tùng Lâm - Khoa SP. Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn

Tháng 11 năm 1943, Hội nghị Cairo đã được tổ chức với sự tham gia của Tổng thống Mĩ F. Roosevelt, Thủ tướng Anh W. Churchill và Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek), các bên đã thông qua tuyên bố Cairo. Theo đó, “vào một lúc thích hợp, Triều Tiên sẽ trở nên tự do và độc lập”[1,251]. Tuy nhiên, ý tưởng này đã nhanh chóng được thay thế bằng một kế hoạch mới: “thiết lập chế độ Ủy trị quốc tế đối với Triều Tiên”.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, sau khi tuyên chiến với Nhật, Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng tiến vào lãnh thổ Triều Tiên từ phía Bắc xuống. Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng đánh bại các thế lực phát xít Nhật ở Bắc Triều Tiên mà không vấp phải một sự kháng cự nào đáng kể. Đây là điều mà Mĩ không lường trước được. Sự suy yếu và tan rã nhanh chóng của quân đội Nhật đã tạo cơ hội thuận lợi cho Liên Xô chiếm đóng toàn bộ bán đảo Triều Tiên trước khi quân đội Mĩ đến. Do đó, Mĩ đã đề nghị Liên Xô phân chia Triều Tiên thành hai vùng hoạt động quân sự dọc theo vĩ tuyến 38: Miền Bắc (77.539 km2) là vùng thuộc Liên Xô kiểm soát, miền Nam (59.589,3km2) là vùng thuộc Mĩ kiểm soát. Stalin đã đồng ý với đề nghị này và ra lệnh cho quân đội của mình dừng chân ở vĩ tuyến 38.
Ngày 6 tháng 9 năm 1945, 72.000 quân đội Mĩ dưới sự chỉ huy của Trung tướng  J. R. Hodge đã đến Nam Triều Tiên. Khi vào Seoul, nhà cầm quyền Mĩ đã chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản, giải giới quân đội Nhật và bắt tất cả  kiều dân Nhật sống tại Triều  Tiên hồi hương [1, 255]. Đồng thời, người Mĩ đã không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ Cộng hòa nhân dân Triều Tiên. Họ đã thiết lập Chính phủ quân quản của quân đội Mĩ ở Triều Tiên (USAMGIK) và đặt Nam Triều Tiên dưới sự cai trị quân sự. Tuy nhiên, những việc làm này của Mĩ đã làm cho người dân Triều Tiên thất vọng cai đắng và tỏ ra căm thù với sự cai trị quân sự của Mĩ. Để xoa dịu dư luận cũng như những phản đối của nhân dân Triều Tiên, Mĩ đã thành lập Hội đồng tư vấn Triều Tiên (10.1945) do Tiến sĩ Rhee Sungman đứng đầu. Mong muốn của Mĩ là tìm một giải pháp hòa hợp trong vấn đền Triều Tiên. Người Mĩ muốn Triều Tiên được thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người thân Mĩ.
Tháng 12 năm 1945, tại hội nghị Moscow, các bộ trưởng các nước Anh, Mĩ, Liên Xô đã chấp nhận kế hoạch đặt Triều Tiên dưới sự Ủy trị quốc tế của tứ cường là Liên Xô, Mĩ, Anh và Trung Quốc. Kế hoạch này đã bị nhân dân Triều Tiên phản kháng kịch liệt [47,545]. Phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra sôi nổi, các cửa hiệu, công ty đóng cửa, các cuộc biểu tình, tuần hành trên đường phố ngày càng nhiều. Tình trạng này làm cho quá trình thống nhất Triều Tiên gặp trở ngại nghiêm trọng. Trong tình thế đó, Tướng Hodge đã thực hiện chính sách Hàn hóa nền cai trị quân sự của Mĩ. Để chuẩn bị cho người Triều Tiên đảm nhận an ninh quốc gia của chính mình, tháng 1 năm 1946, Chính phủ quân quản Mĩ thành lập sở cảnh sát gồm 25.000 người và đội biên phòng 2.500 người, huấn luyện quân sự cho họ với các thiết bị tịch thu của người Nhật. Sau đó, Ngày 14 tháng 2 năm1946, Hội đồng đại diện cho nền dân chủ Triều Tiên được thành lập do Rhee Sungman đứng đầu. Đây là cơ quan tư vấn và chấp hành mệnh lệnh của tư lệnh quân đội chiếm đóng Mĩ – tướng Hodge. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa Mĩ và Liên Xô về vấn đề Ủy trị quốc tế cho Triều Tiên đang gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản do bất đồng quan điểm giữa hai cường quốc Xô – Mĩ.
Tháng 11 năm 1946, người Mĩ thành lập Nghị viện lập pháp quá độ Nam Triều Tiên (SKILA) với 90 thành viên, trong đó Mĩ bổ nhiệm 45 thành viên, 45 thành viên còn lại được bầu ra qua những cuộc bầu cử gián tiếp [83, 43]. Như vậy, Nghị viện lập pháp này do người Mĩ lập ra và nắm quyền chi phối nó với 50% đại biểu. Do đó, số phận của Viện lập pháp tùy thuộc vào thái độ của Mĩ.
Tháng 5 năm 1947 người đứng đầu bộ máy chính quyền phong tỏa Mĩ công bố sắc lệnh 141 về việc thay đổi tên Viện  lập pháp và bộ máy hành chính dân sự thành Chính phủ quá độ Nam Triều Tiên (SKIG) gồm cơ quan lập pháp, Tòa án, bộ máy cảnh sát và bộ máy hành chính [83,44]. Tuy nhiên, cả hai cơ quan Nghị viện lập pháp quá độ (SKILA) lẫn chính phủ quá độ Nam Triều Tiên (SKIG) đều không có thực quyền. SKILA không có quyền lập pháp độc lập đúng nghĩa, SKIG không được giao quyền ra quyết định. Mọi quyền hành do Đốc quân sự Mĩ và Tướng Hodge nắm giữ và chi phối hai tổ chức này. Rõ ràng, Mĩ đã từng bước xây dựng bộ máy chính quyền thân Mĩ tại Nam Triều Tiên.
Như vậy, đến nửa đầu năm 1947, hàng loạt sự kiện đã diễn ra như: sự ra đời Ủy ban nhân dân Bắc Triều Tiên (2.1947) do Kim Il Sung làm chủ tịch; Tổng thống Mĩ Truman đã công bố “ chủ thuyết  Truman ” (3. 1947) chính thức phát động cuộc chiến tranh lạnh; Chính phủ quá độ Nam Triều Tiên được thành lập (5.1947) do Rhee Sung man đứng đầu…  đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đặt Triều Tiên dưới chế độ ủy trị quốc tế. Thay vào đó, xuất hiện xu hướng thành lập hai nhà nước riêng biệt ở hai miền Nam – Bắc.
Trước tình thế mới này, tháng 9 năm 1947, Mĩ tuyên bố sẽ đưa vấn đề Triều Tiên lên Liên Hiệp Quốc xem xét. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối của Liên Xô và các nước đồng minh. Liên Xô đã tuyên bố “tẩy chay Liên Hiệp Quốc” vì Liên Xô cho rằng “ Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại” và “ Liên Xô yêu cầu phải mời đại diện của hai miền Nam Bắc Triều Tiên (chưa phải là các chính phủ có chủ quyền, không phải là hội viên của Liên Hiệp Quốc) tham gia vào cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên [33, 47]. Nhưng tất cả các đề nghị này của Liên Xô đã bị bác bỏ. Do đó, Liên Xô và các nước đồng minh của mình  quyết định không tham gia thảo luận và biểu quyết về vấn đề Triều Tiên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bất chấp sự phản đối của Liên Xô và các nước cùng phe, ngày 10 tháng 10 năm1947, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã họp để bàn về vấn đề Triều Tiên. Tại đây, Mĩ và các nước đồng minh đã thông qua nghị quyết về vấn đề Triều Tiên (với 43 phiếu thuận, 6 trắng, 0 chống) với nội dung:
- Tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước trước ngày 31 tháng 3 năm 1948 để bầu Quốc hội và lập chính phủ chung của cả nước Triều Tiên.
- Thành lập “Ủy ban lâm thời của Liên hiệp Quốc về Triều Tiên” (The United Nations Temporary Commission on Korea- UNTCOK)  với sự tham gia của 9 nước là Australia, Canada, Trung Quốc (Đài Loan của Tưởng Giới Thạch), Pháp, Ấn Độ, Philippines, El Salvador, Syria và Ukraina (riêng Ukraina từ chối tham gia Ủy ban). Ủy  ban này có nhiệm vụ xúc tiến và kiểm soát việc tổng tuyển cử và việc thành lập chính phủ cho cả nước Triều Tiên  trên cơ sở hiến pháp dân chủ, thúc đẩy việc rút quân đội chiếm đóng nước ngoài ra khỏi Triều Tiên.
- Quân đội Mĩ và Liên Xô còn được trú đóng tại Triều Tiên 90 ngày kể từ khi Chính phủ Triều Tiên được thành lập với lực lượng cảnh sát có đủ khả năng giữ gìn trật tự trị an [35,44].
Như vậy, Mĩ đang ngày càng can thiệp sâu hơn vào Triều Tiên. Ý tưởng tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước Triều Tiên mà không có sự tham gia của Liên Xô đã tạo điều kiện cho việc thành lập chính phủ thân Mĩ tại Triều Tiên được thuận lợi hơn. Do đó, tháng 11 năm 1947 Ủy ban lâm thời Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên (UNTCOK) được chính thức thành lập và bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, Liên Xô không công nhận tổ chức này và không cho nó hoạt động ở miền Bắc. Ủy ban này đành phải giới hạn hoạt động trong phạm vi miền Nam mà thôi. Đối phó với tình thế khó xử này, sau khi tham khảo ý kiến Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, UNTCOK quyết định tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam – nơi 2/3 dân số Triều Tiên cứ trú. UNTCOK xem tổng tuyển cử là hợp pháp khi cho phép 2/3 dân số Triều Tiên quyết định tương lai chính trị của mình và thành lập một chính phủ cho cả Triều Tiên. Do đó, Tướng Hodge đã thông báo ngày 1 tháng 3 năm 1948, các cuộc bầu cử chuẩn bị được tiến hành cho cuộc tổng tuyển cử ở Nam Triều Tiên (nơi có 21,3 triệu dân) vào ngày 10 tháng 5 năm 1948 dưới sự bảo trợ và giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Bất chấp sự chống đối của những người cộng sản Triều Tiên, đến ngày 9 tháng 4 – ngày cuối cùng đăng ký cử tri, đã có 7,8 triệu cử tri có đủ điều kiện đi bầu (chiếm 79,9% dân số trên 21 tuổi) đã đăng ký và có 842 ứng cử viên (kể cả 17 phụ nữ) ứng cử vào Quốc hội [1,271]. Ngày 10 tháng 5 năm 1948, UNTCOK chính thức tổ chức cuộc tổng tuyển bầu Quốc hội Triều Tiên ở miền Nam với sự tham gia của 7,7 triệu cử tri, chiếm 95% cử tri đăng ký. Kết quả bầu ra được 198 đại biểu Quốc hội cho miền Nam, 100 ghế đại biểu còn bỏ trống cho đại biểu nhân dân miền Bắc và 2 ghế cho đại biểu nhân dân tỉnh Tế Châu – nơi đang diễn ra cuộc xung đột do cộng sản gây ra. Quốc hội đầu tiên được bầu ra gồm 198 đại biểu, trong đó có 84 địa chủ, 32 nhà tư sản, 23 quan lại và 59 người lãnh đạo các tổ chức cực đoan khác [83,45]. Theo kết quả bầu cử này, có đến 107/198 đại biểu Quốc hội là địa chủ, quan lại – những người thuộc hệ tư tưởng phong kiến.
Ngày 31 tháng 5 năm 1948, Quốc hội họp phiên đầu tiên, bầu tiến sĩ Rhee Sungman làm chủ tịch Quốc hội. Đảng cánh hữu của Rhee Sungman giành được đa số ghế và đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 17 tháng 7, Hiến pháp được thông qua. Quốc hội quyết định đặt tên nước là: Đại Hàn Dân Quốc ( ROK – Republic of Korea), thiết lập thể chế dân chủ và bầu Rhee Sungman làm Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Ngày 20 tháng 7, Rhee Sungman chính thức trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Ngày 15 tháng 8 năm 1948, nước Đại Hàn Dân Quốc chính thức được thành lập. Chính phủ Hàn Quốc đóng tại Seoul và kiểm soát khu vực Nam Triều Tiên. Ngay sau đó, ngày 12 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thừa nhận chính phủ Đại Hàn Dân Quốc do Tổng thống Rhee Sungman đứng đầu là chính phủ hợp pháp, duy nhất tại Triều Tiên. Ngày 1 tháng 1 năm 1949, Mĩ chính thức thừa nhận chính phủ của Rhee Sungman.
Như vậy, Nhật đầu hàng đồng minh là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân Triều Tiên giải phóng dân tộc, giành lại độc lập. Tuy nhiên, nội bộ Triều Tiên đã bị phân hóa thành những luồng tư tưởng khác nhau là: chủ nghĩa dân tộc của người Triều Tiên; chủ nghĩa cộng sản theo Liên Xô và tư tưởng dân chủ thân Mĩ. Cuộc bất đồng, chia rẽ nội bộ cùng với sự can thiệp của Mĩ và Liên Xô đã đẩy những nổ lực thống nhất Triều Tiên của những người theo chủ nghĩa dân tộc đi vào con đường bế tắc. Cuối cùng, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị những thế lực mạnh hơn cùng với đế quốc gạt ra bên lề chính trị. Hậu quả là trong vòng hai tháng: tháng 8 và tháng 9 năm 1948, nhân dân Triều Tiên phải chứng kiến sự ra đời của hai nhà nước trên cùng một đất nước là : Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ở miền Nam  (8.1948) và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở miền Bắc (9.1948). Vĩ tuyến 38 trở thành ranh giới chia đôi đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét