25/3/12

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI NGHỊ Ở QUỐC(1948 – 1958)


CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI NGHỊ Ở  QUỐC(1948 – 1958)
Th.S Lê Tùng Lâm - Khoa SP. Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn

Tháng 11 năm 1943, Hội nghị Cairo đã được tổ chức với sự tham gia của Tổng thống Mĩ F. Roosevelt, Thủ tướng Anh W. Churchill và Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek), các bên đã thông qua tuyên bố Cairo. Theo đó, “vào một lúc thích hợp, Triều Tiên sẽ trở nên tự do và độc lập”[1,251]. Tuy nhiên, ý tưởng này đã nhanh chóng được thay thế bằng một kế hoạch mới: “thiết lập chế độ Ủy trị quốc tế đối với Triều Tiên”.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, sau khi tuyên chiến với Nhật, Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng tiến vào lãnh thổ Triều Tiên từ phía Bắc xuống. Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng đánh bại các thế lực phát xít Nhật ở Bắc Triều Tiên mà không vấp phải một sự kháng cự nào đáng kể. Đây là điều mà Mĩ không lường trước được. Sự suy yếu và tan rã nhanh chóng của quân đội Nhật đã tạo cơ hội thuận lợi cho Liên Xô chiếm đóng toàn bộ bán đảo Triều Tiên trước khi quân đội Mĩ đến. Do đó, Mĩ đã đề nghị Liên Xô phân chia Triều Tiên thành hai vùng hoạt động quân sự dọc theo vĩ tuyến 38: Miền Bắc (77.539 km2) là vùng thuộc Liên Xô kiểm soát, miền Nam (59.589,3km2) là vùng thuộc Mĩ kiểm soát. Stalin đã đồng ý với đề nghị này và ra lệnh cho quân đội của mình dừng chân ở vĩ tuyến 38.
Ngày 6 tháng 9 năm 1945, 72.000 quân đội Mĩ dưới sự chỉ huy của Trung tướng  J. R. Hodge đã đến Nam Triều Tiên. Khi vào Seoul, nhà cầm quyền Mĩ đã chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản, giải giới quân đội Nhật và bắt tất cả  kiều dân Nhật sống tại Triều  Tiên hồi hương [1, 255]. Đồng thời, người Mĩ đã không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ Cộng hòa nhân dân Triều Tiên. Họ đã thiết lập Chính phủ quân quản của quân đội Mĩ ở Triều Tiên (USAMGIK) và đặt Nam Triều Tiên dưới sự cai trị quân sự. Tuy nhiên, những việc làm này của Mĩ đã làm cho người dân Triều Tiên thất vọng cai đắng và tỏ ra căm thù với sự cai trị quân sự của Mĩ. Để xoa dịu dư luận cũng như những phản đối của nhân dân Triều Tiên, Mĩ đã thành lập Hội đồng tư vấn Triều Tiên (10.1945) do Tiến sĩ Rhee Sungman đứng đầu. Mong muốn của Mĩ là tìm một giải pháp hòa hợp trong vấn đền Triều Tiên. Người Mĩ muốn Triều Tiên được thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người thân Mĩ.
Tháng 12 năm 1945, tại hội nghị Moscow, các bộ trưởng các nước Anh, Mĩ, Liên Xô đã chấp nhận kế hoạch đặt Triều Tiên dưới sự Ủy trị quốc tế của tứ cường là Liên Xô, Mĩ, Anh và Trung Quốc. Kế hoạch này đã bị nhân dân Triều Tiên phản kháng kịch liệt [47,545]. Phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra sôi nổi, các cửa hiệu, công ty đóng cửa, các cuộc biểu tình, tuần hành trên đường phố ngày càng nhiều. Tình trạng này làm cho quá trình thống nhất Triều Tiên gặp trở ngại nghiêm trọng. Trong tình thế đó, Tướng Hodge đã thực hiện chính sách Hàn hóa nền cai trị quân sự của Mĩ. Để chuẩn bị cho người Triều Tiên đảm nhận an ninh quốc gia của chính mình, tháng 1 năm 1946, Chính phủ quân quản Mĩ thành lập sở cảnh sát gồm 25.000 người và đội biên phòng 2.500 người, huấn luyện quân sự cho họ với các thiết bị tịch thu của người Nhật. Sau đó, Ngày 14 tháng 2 năm1946, Hội đồng đại diện cho nền dân chủ Triều Tiên được thành lập do Rhee Sungman đứng đầu. Đây là cơ quan tư vấn và chấp hành mệnh lệnh của tư lệnh quân đội chiếm đóng Mĩ – tướng Hodge. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa Mĩ và Liên Xô về vấn đề Ủy trị quốc tế cho Triều Tiên đang gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản do bất đồng quan điểm giữa hai cường quốc Xô – Mĩ.
Tháng 11 năm 1946, người Mĩ thành lập Nghị viện lập pháp quá độ Nam Triều Tiên (SKILA) với 90 thành viên, trong đó Mĩ bổ nhiệm 45 thành viên, 45 thành viên còn lại được bầu ra qua những cuộc bầu cử gián tiếp [83, 43]. Như vậy, Nghị viện lập pháp này do người Mĩ lập ra và nắm quyền chi phối nó với 50% đại biểu. Do đó, số phận của Viện lập pháp tùy thuộc vào thái độ của Mĩ.
Tháng 5 năm 1947 người đứng đầu bộ máy chính quyền phong tỏa Mĩ công bố sắc lệnh 141 về việc thay đổi tên Viện  lập pháp và bộ máy hành chính dân sự thành Chính phủ quá độ Nam Triều Tiên (SKIG) gồm cơ quan lập pháp, Tòa án, bộ máy cảnh sát và bộ máy hành chính [83,44]. Tuy nhiên, cả hai cơ quan Nghị viện lập pháp quá độ (SKILA) lẫn chính phủ quá độ Nam Triều Tiên (SKIG) đều không có thực quyền. SKILA không có quyền lập pháp độc lập đúng nghĩa, SKIG không được giao quyền ra quyết định. Mọi quyền hành do Đốc quân sự Mĩ và Tướng Hodge nắm giữ và chi phối hai tổ chức này. Rõ ràng, Mĩ đã từng bước xây dựng bộ máy chính quyền thân Mĩ tại Nam Triều Tiên.
Như vậy, đến nửa đầu năm 1947, hàng loạt sự kiện đã diễn ra như: sự ra đời Ủy ban nhân dân Bắc Triều Tiên (2.1947) do Kim Il Sung làm chủ tịch; Tổng thống Mĩ Truman đã công bố “ chủ thuyết  Truman ” (3. 1947) chính thức phát động cuộc chiến tranh lạnh; Chính phủ quá độ Nam Triều Tiên được thành lập (5.1947) do Rhee Sung man đứng đầu…  đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đặt Triều Tiên dưới chế độ ủy trị quốc tế. Thay vào đó, xuất hiện xu hướng thành lập hai nhà nước riêng biệt ở hai miền Nam – Bắc.
Trước tình thế mới này, tháng 9 năm 1947, Mĩ tuyên bố sẽ đưa vấn đề Triều Tiên lên Liên Hiệp Quốc xem xét. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối của Liên Xô và các nước đồng minh. Liên Xô đã tuyên bố “tẩy chay Liên Hiệp Quốc” vì Liên Xô cho rằng “ Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại” và “ Liên Xô yêu cầu phải mời đại diện của hai miền Nam Bắc Triều Tiên (chưa phải là các chính phủ có chủ quyền, không phải là hội viên của Liên Hiệp Quốc) tham gia vào cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên [33, 47]. Nhưng tất cả các đề nghị này của Liên Xô đã bị bác bỏ. Do đó, Liên Xô và các nước đồng minh của mình  quyết định không tham gia thảo luận và biểu quyết về vấn đề Triều Tiên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bất chấp sự phản đối của Liên Xô và các nước cùng phe, ngày 10 tháng 10 năm1947, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã họp để bàn về vấn đề Triều Tiên. Tại đây, Mĩ và các nước đồng minh đã thông qua nghị quyết về vấn đề Triều Tiên (với 43 phiếu thuận, 6 trắng, 0 chống) với nội dung:
- Tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước trước ngày 31 tháng 3 năm 1948 để bầu Quốc hội và lập chính phủ chung của cả nước Triều Tiên.
- Thành lập “Ủy ban lâm thời của Liên hiệp Quốc về Triều Tiên” (The United Nations Temporary Commission on Korea- UNTCOK)  với sự tham gia của 9 nước là Australia, Canada, Trung Quốc (Đài Loan của Tưởng Giới Thạch), Pháp, Ấn Độ, Philippines, El Salvador, Syria và Ukraina (riêng Ukraina từ chối tham gia Ủy ban). Ủy  ban này có nhiệm vụ xúc tiến và kiểm soát việc tổng tuyển cử và việc thành lập chính phủ cho cả nước Triều Tiên  trên cơ sở hiến pháp dân chủ, thúc đẩy việc rút quân đội chiếm đóng nước ngoài ra khỏi Triều Tiên.
- Quân đội Mĩ và Liên Xô còn được trú đóng tại Triều Tiên 90 ngày kể từ khi Chính phủ Triều Tiên được thành lập với lực lượng cảnh sát có đủ khả năng giữ gìn trật tự trị an [35,44].
Như vậy, Mĩ đang ngày càng can thiệp sâu hơn vào Triều Tiên. Ý tưởng tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước Triều Tiên mà không có sự tham gia của Liên Xô đã tạo điều kiện cho việc thành lập chính phủ thân Mĩ tại Triều Tiên được thuận lợi hơn. Do đó, tháng 11 năm 1947 Ủy ban lâm thời Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên (UNTCOK) được chính thức thành lập và bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, Liên Xô không công nhận tổ chức này và không cho nó hoạt động ở miền Bắc. Ủy ban này đành phải giới hạn hoạt động trong phạm vi miền Nam mà thôi. Đối phó với tình thế khó xử này, sau khi tham khảo ý kiến Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, UNTCOK quyết định tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam – nơi 2/3 dân số Triều Tiên cứ trú. UNTCOK xem tổng tuyển cử là hợp pháp khi cho phép 2/3 dân số Triều Tiên quyết định tương lai chính trị của mình và thành lập một chính phủ cho cả Triều Tiên. Do đó, Tướng Hodge đã thông báo ngày 1 tháng 3 năm 1948, các cuộc bầu cử chuẩn bị được tiến hành cho cuộc tổng tuyển cử ở Nam Triều Tiên (nơi có 21,3 triệu dân) vào ngày 10 tháng 5 năm 1948 dưới sự bảo trợ và giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Bất chấp sự chống đối của những người cộng sản Triều Tiên, đến ngày 9 tháng 4 – ngày cuối cùng đăng ký cử tri, đã có 7,8 triệu cử tri có đủ điều kiện đi bầu (chiếm 79,9% dân số trên 21 tuổi) đã đăng ký và có 842 ứng cử viên (kể cả 17 phụ nữ) ứng cử vào Quốc hội [1,271]. Ngày 10 tháng 5 năm 1948, UNTCOK chính thức tổ chức cuộc tổng tuyển bầu Quốc hội Triều Tiên ở miền Nam với sự tham gia của 7,7 triệu cử tri, chiếm 95% cử tri đăng ký. Kết quả bầu ra được 198 đại biểu Quốc hội cho miền Nam, 100 ghế đại biểu còn bỏ trống cho đại biểu nhân dân miền Bắc và 2 ghế cho đại biểu nhân dân tỉnh Tế Châu – nơi đang diễn ra cuộc xung đột do cộng sản gây ra. Quốc hội đầu tiên được bầu ra gồm 198 đại biểu, trong đó có 84 địa chủ, 32 nhà tư sản, 23 quan lại và 59 người lãnh đạo các tổ chức cực đoan khác [83,45]. Theo kết quả bầu cử này, có đến 107/198 đại biểu Quốc hội là địa chủ, quan lại – những người thuộc hệ tư tưởng phong kiến.
Ngày 31 tháng 5 năm 1948, Quốc hội họp phiên đầu tiên, bầu tiến sĩ Rhee Sungman làm chủ tịch Quốc hội. Đảng cánh hữu của Rhee Sungman giành được đa số ghế và đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 17 tháng 7, Hiến pháp được thông qua. Quốc hội quyết định đặt tên nước là: Đại Hàn Dân Quốc ( ROK – Republic of Korea), thiết lập thể chế dân chủ và bầu Rhee Sungman làm Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Ngày 20 tháng 7, Rhee Sungman chính thức trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Ngày 15 tháng 8 năm 1948, nước Đại Hàn Dân Quốc chính thức được thành lập. Chính phủ Hàn Quốc đóng tại Seoul và kiểm soát khu vực Nam Triều Tiên. Ngay sau đó, ngày 12 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thừa nhận chính phủ Đại Hàn Dân Quốc do Tổng thống Rhee Sungman đứng đầu là chính phủ hợp pháp, duy nhất tại Triều Tiên. Ngày 1 tháng 1 năm 1949, Mĩ chính thức thừa nhận chính phủ của Rhee Sungman.
Như vậy, Nhật đầu hàng đồng minh là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân Triều Tiên giải phóng dân tộc, giành lại độc lập. Tuy nhiên, nội bộ Triều Tiên đã bị phân hóa thành những luồng tư tưởng khác nhau là: chủ nghĩa dân tộc của người Triều Tiên; chủ nghĩa cộng sản theo Liên Xô và tư tưởng dân chủ thân Mĩ. Cuộc bất đồng, chia rẽ nội bộ cùng với sự can thiệp của Mĩ và Liên Xô đã đẩy những nổ lực thống nhất Triều Tiên của những người theo chủ nghĩa dân tộc đi vào con đường bế tắc. Cuối cùng, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị những thế lực mạnh hơn cùng với đế quốc gạt ra bên lề chính trị. Hậu quả là trong vòng hai tháng: tháng 8 và tháng 9 năm 1948, nhân dân Triều Tiên phải chứng kiến sự ra đời của hai nhà nước trên cùng một đất nước là : Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ở miền Nam  (8.1948) và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở miền Bắc (9.1948). Vĩ tuyến 38 trở thành ranh giới chia đôi đất nước.

Hồ Chí Minh và Nước Mĩ


NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ NƯỚC MỸ (1911 – 1930)
PHẠM THỊ THU NGA (*)
I. Đầu thế kỷ XX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp cùng nhiều ảnh hưởng của các sự kiện lớn trên thế giới đã tác động đến một loạt các phong trào vận động cứu nước diễn ra theo xu hướng tư tưởng mới thay thế tư tưởng phong kiến, từ đó chi phối phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta đầu thế kỷ XX. Tuy là xu hướng tiến bộ, song tầng lớp sĩ phu đang trên đường “tư sản hoá” do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây đã sớm tỏ ra bất lực trước tình hình và nhiệm vụ mới của dân tộc. Vì vậy phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân ta thời bấy giờ dường như “trong đêm tối không có đường ra”.
Xuất hiện trong bối cảnh lịch sử đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không chỉ kế thừa những tinh hoa của nhân loại mà còn vượt lên những người cùng thời đại, cùng hoàn cảnh. Tuy rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… nhưng Nguyễn Tất Thành lại hoàn toàn không tán thành cách làm của một người nào. Vì thế hơn hẳn Bùi Viện trước đó gần 40 năm, khi quyết định đi ra nước ngoài (1911) nhằm thực hiện hoài bão cứu nước cứu dân, Nguyễn Tất Thành đã dám “phủ định con đường xuất dương truyền thống” của cha ông. Sang phương Tây chứ không phải Trung Quốc, Nhật Bản. Tại sao Người không theo con đường truyền thống của cha ông, mà lại sang phương Tây? Trả lời nhà văn Mỹ Anna Louis Strong, Người nói rõ: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho Mỹ; tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.” [1,13]. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, có hoài bão cứu nước và thấu hiểu được sức mạnh của ý chí độc lập, tự cường dân tộc, lại có tư chất thông minh, nhãn quan chính trị sắc sảo và chí lớn tìm đường cứu nước, bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của các từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” từ các cuộc cách mạng tư sản Âu - Mỹ lan truyền sang Việt Nam, Người đã không đi theo con đường mòn của các bậc tiền bối, mà chọn cho mình hướng đi hoàn toàn mới, đó là “một quyết định đúng ở vào thời điểm cần quyết định” [2,29]. Điều này có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với bản thân Người mà đối với cả dân tộc Việt Nam. Quả thật “…con đường đi đến phương Tây đầy bí ẩn với tất cả những triển vọng chưa lường hết được. Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ đây, vận mệnh lớn của nước, của dân gắn bó mật thiết với một quyết định mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt phi thường.” [3]
II. Trong quá trình bôn ba hải ngoại, tìm con đường cứu nước, Mỹ là chặng dừng chân tương đối lâu của Nguyễn Tất Thành. Vào khoảng 1912 Nguyễn Tất Thành đến Mỹ, trong thời gian ở Mỹ, Người đã sống làm việc và tiếp tục học tập tại New York rồi Brooklin và Người cũng đã qua nhiều thành phố như Boston, New York, tạm trú một thời gian ngắn ở khu Harlen (nơi sinh sống của người da đen Mỹ). CuốI năm 1913 Người sang Anh, nhưng nếu theo như lá thư đề ngày 16 tháng 4 năm 1915 từ Mỹ Nguyễn Tất Thành gửi Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn để tìm địa chỉ cụ thể Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thì có lẽ năm 1915 Người trở lạI Mỹ. Sau này (1966) trong lần tiếp một nhà báo Mỹ: David Dellinger, Chủ tịch Hồ Chí Minh có kể rằng: “… Tôi đã đi ở cho người ta ở Brooklin với lương tháng 40 đôla, tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và tôi dùng một số thời gian rảnh rỗi để học tập và đi thăm những khu vực khác trong thành phố.” [4]. Thời gian sống và làm việc trên đất Mỹ, nhất là khu vực Harlem đã để lại cho Người nhiều ấn tượng rất sâu sắc về sự thống khổ của người Mỹ đen, đặt biệt là “hành hình kiểu Lynch” và những hoạt động đầy tội ác của đảng 3K [5,26], những cuộc bãi công của công nhân Mỹ chống chiến tranh, đòi tăng lương. Sau này (1924) các ấn tượng đó đã được thể hiện lại trong những bái báo của Người như: “Hành hình kiểu Lynch, một phương diện ít người biết đến của nền văn minh Mỹ” và “Đảng Ku – Klux – Klan” [6,206 – 312].
Những bài báo đó có giá đặc biệt: tố cáo mạnh mẽ tệ phân biệt chủng tộc dã man, và đồng thời cũng biểu lộ sự cảm thông với người da đen, “là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong giống người” [7,306]. Từ sự cảm thông đó Người đã tỏ thái độ căm giận bọn người áp bức thống trị, và rồi sự căm giận đã được thể hiện bằng hành động cụ thể.
Theo như báo Caribbe (tập IX, số 1) của Mỹ thì Hồ Chí Minh đã dự đều đặn các cuộc họp của tổ chức UNIT (Universal Negro Improvement Trust - Hội tin tưởng cải thiện người da đen của thế giới) và đã hào hiệp góp tiền hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của Hội”. Trong một cuộc mít tinh do những người da đen tổ chức “Hồ Chí Minh đã dốc tất cả tiền trong túi của mình để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ” [8,26]. Người luôn tỏ thái độ ủng hộ nhiệt tình và chân thành cuộc đấu tranh chính nghĩa của những người Mỹ da đen và luôn quan tâm đến phong trào đấu tranh của nhiều dân tộc khác, từ đó đã góp phần vào “cuộc chiến đấu cho người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ da đen” [9, 178]. Cũng trong thời gian này, Người có điều kiện tìm hiểu về lịch sử - xã hội Mỹ, tìm hiểu cuộc Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII (1775 – 1783), nghiên cứu truyền thống văn hoá Mỹ, đặc biệt là tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ do Th. Jefferson khởi thảo. Những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận và trích dẫn nhiều lần sau này, và tên tuổi G. Washington, Th. Jefferson đã thu hút sự chú ý của Người.
Năm 1919 khi đang hoạt động ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã biết tới chương trình 14 điểm nổi tiếng của Tổng thống Mỹ  Wilson được lấy làm cơ sở cho hội nghị hoà bình Paris (1. 1919) sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918). Chính điểm thứ 5 của chương trình 14 điểm hứa sẽ “giải quyết rộng rãi, tự do và hoàn toàn vô tư tất cả các yêu sách về thuộc địa. Trong khi giải quyết các vấn đề chủ quyền thì phải chiếu cố đến quyền lợi của nhân dân bản xứ, nhưng cũng phải chiếu cố đến đòi hỏi hợp lý của chính phủ…”. Nội dung này thu hút sự chú ý của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, Người hy vọng và “chờ đợi quyền dân tộc tự quyết thiêng liêng ấy thực hiện được công nhận thật sự” [ 10, 270]. Tuy ngờ vực vào thiện chí của các nước đế quốc trong việc giải quyết vấn đề độc lập, tự do cho nhân dân các nước thuộc địa trong hội nghị của các nước thắng trận, nhưng nhân dịp này để thu hút sự chú ý của thế giới đối với vấn đề thuộc địa. Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam – yêu nước, gửi thư đến Tổng thống Mỹ [11, 437] và gửi đến Hội nghị Versailles một bản yêu sách gồm 8 điểm của nhân dân Việt Nam [12, 435]. Rất khiêm tốn và đúng mực, bản yêu sách không trực tiếp đặt vấn đề đòi độc lập, giải phóng khỏi áp thực dân mà mơớ chỉ dừng lại ở chỗ đòi các nước thắng trận thực hiện những cải cách mà họ đã hứa trong thời kỳ chiến tranh. Tuy không được xét đến và bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng không gặp được đại diện Mỹ để trình bày và Người cũng không nhận được một sự đáp lại nào, nhưng như trên đã đề cập, với việc đưa yêu sách đến hội nghị Versailles, lần đầu tiên vấn đề Việt Nam được đặt ra trước công luận thế giới, nó có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các nước thuộc địa nhân dân Việt Nam. Đánh giá những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và tác dụng của bản yêu sách…, nhà sử học Pháp Charles Fourniau viết: “Từ ngày Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách đến Hội nghị thì Việt kiều hướng cả về Anh…Việt kiều tìm đến với Nguyễn Ái Quốc để được Anh khuyên bảo, giao nhiệm vụ… và vạch cho họ thấy cần phảI đi theo con đường nào. Vậy từ Paris, Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt giống cho cách mạng khắp bốn phương trời.” [13, 29]. Vì vậy bản yêu sách này đã gây được tiếng vang trong dư luận quốc tế, đặc biệt có ảnh hưởng đối với 8 vạn người Việt Nam ở Pháp sắp về nước và những người yêu nước ở Việt Nam, và cả nhân dân Pháp ở chính quốc nữa. Ngay lúc bấy giờ, tờ “Le courrier de Saigon” (“Tin tức Sài Gòn”) đã xem “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” của Nguyễn Ái Quốc như một “quả bom đặt giữa tất cả những người Pháp ở Đông Dương”. Cho nên, dù “không có kết quả gì hết, nhưng không thể nói những lời yêu cầu ấy là không có tác dụng, bởi vì nó đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc” [14,33]. Đồng thời qua đó Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ cơ sở để ngờ vực lòng “cao cả’ của các nước Đồng Minh trước hết là Mỹ. Như vậy người thanh niên Nguyễn Tất Thành sang Mỹ không phải là một sự tình cờ, mà chính cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ chống ách thống trị của thực dân Anh, và tên tuổi của G. Washington, Th. Jefferson đã thu hút sự chú ý của Người. Đối chiếu với thực tế cuộc sống không có tự do của nhân dân lao động, Người đã hiểu được rõ hơn bản chất của chế độ xã hội Mỹ. Cuối năm 1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ quan điểm chính trị của mình liên quan đến nước Mỹ bằng việc tham gia mít tinh ở Paris để phản đối nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình 2 công nhân Mỹ Sarco và Vanzetti nhằm đòi trả tự do cho họ [15,7]. Sau đó tháng 4 năm 1924 xuất hiện một bài viết đăng trên tờ Imprecator ký tên Nguyễn Ái Quốc, với nội dung lên án Mỹ đã cùng một số nước đế quốc mang danh “đồng minh” để tấn công nước Nga Xô Viết. Cùng thời gian này, Người còn viết một số bài lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tham luận tại phiên họp thứ 25 đại hội V Quốc tế cộng sản. Đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần lên án gay gắt sự dã man của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tội ác man rợn của bọn 3K. Trong cuống Đường cách mệnh (1927) Người đã chỉ rằng: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai” [16,270]. Qua nghiên cứu lý luận cũng như theo dõi tình hình thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra thực chất của chủ nghĩa Wilson chỉ là một “chiếc bánh vẽ”, là một “trò bịp bợm lớn” [17, 416]. Người đã nhận thức rõ bản chất của “chủ nghĩa Wilson” được che đậy bằng những lời lẽ mị dân về “dân chủ” và “quyền dân tộc tự quyết”, “dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc khác đã bị mê hoặc theo những lời tuyên bố rộng rãi của Wilson”.
Mặc dù không còn ảo tưởng gì vào “chủ nghĩa Wilson”, nhưng trong quá trình hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn có sự phân biệt rất rõ giữa cách mạng Mỹ, nhân dân tiến bộ Mỹ và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Người luôn trân trọng những đóng góp của nhân dân Mỹ vào nền văn minh của nhân loại. Chính vì thế mà trong tác phẩm nổi tiếng Đường kách mệnh (1927) viết về đường lối cách mạng Việt Nam, Người đã nêu tóm tắt lịch sử cách mạng Mỹ, ca ngợi cuộc cách mạng 1776 vì thực chất đó là cuộc chiến tranh giải phóng và Người xem cách mạng Mỹ là một trong ba cuộc cách mạng điển hình trên thế giới để phân tích, rút kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam học Mỹ mà làm cách mạng” [18, 270]. Sau này trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nước Mỹ, nhân dân Mỹ và quan hệ Việt - Mỹ là nội dung được Hồ Chủ tịch đề cập đến nhiều lần với những ấn tượng rất đẹp. Người nói: “Tôi hiểu nhân dân Mỹ rất tôn trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng”[19], và: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ”[20,101]. Không phải ngẫu nhiên mà sau này trong tuyên ngôn độc lập của Việt Nam (2-9-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn những tư tưởng tiến bộ của Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (4-7-1776), và Người cũng đã từng đánh giá:”Hoa Thịnh Đốn (1732 – 1799) đã đánh đuổi thực dân  Anh; Lincoln (1809 – 1865) đã tuyên bố giải phóng những người da đen khỏi ách nô lệ; F. Roosevelt (1882 – 1945) đã đưa Mỹ tham gia cuộc thế giới đại chiến thứ hai, góp phần đánh bại phát xít Đức, Ý, Nhật [21, 335].
III. Như vậy trong buổi đầu đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đi qua, dừng lại ở nhiều trung tâm của các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng có lẽ Người lưu lại, sống và làm việc nhiều hơn cả là Pháp, Anh, Mỹ. Từ thực tiễn đó, Người có điều kiện để quan sát hai loại quốc gia chủ yếu: các nước tư bản đế quốc phương Tây và các quốc gia lệ thuộc, các thuộc địa của phương Tây. Qua những điều tai nghe mắt thấy ở các nước thuộc địa và các nước công nghiệp hàng đầu của phương Tây. Người đã hiểu được điều bí ẩn sau những chữ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” và rút ra những nhận xét khái quát ban đầu về mối quan hệ giữa con người, giữa các quốc gia dân tộc, từ đó cũng hình thành quan điểm cơ bản đầu tiên về nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng… trong đó nổi bật hơn cả là quan điểm phân chia nhân loại thành hai hạng người “giống người bóc lột và giống người bị bốc lột” [22,226]. Cũng chính trong giai đoạn này. Người đã có một cái nhìn thiện cảm với cách mạng Mỹ, nhân dân Mỹ. Vì thế sau này Người luôn chú ý tìm cách mở ra con đường ngoại giao nhân dân nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Đảng cộng sản Mỹ, của nhân dân Mỹ đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện cuộc kháng chiến cứu nước.
NGUYEN AI QUOC AND AMERICA (1911 – 1930)

PHAM THI THU NGA

In the early periods of national salvation, NGUYEN TAT THANH had gone through and stopped in many countries in Asia, Africa, Europe and North America. Most of all, he lived and worked in France, England, U.S.A form his practical experience, he was in sympathy with American revolution and American people. Therefore, later he always paid close attention to the people diplomatic channel in order to strive to win sympathy of the Unites States of American and American people in Vietnamese anticolonial resistance movement.
CHÚ THÍCH
1.     Trần Dân Tiên (1976), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội.
2.     Phan Ngọc Liên (2000), Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3.     Phạm Văn Đồng, (1998), Những nhận thức cơ bản về Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân.
4.     David Dellinger, (1969), Nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Liberation, tháng 10. (Bản dịch tiếng Việt lưu tại VLSQS).
5.     Christiane Pasgnel Ragenant (1970): Hồ Chí Minh, Ed. Press Universitaire Paris.
6 –7.Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1995), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
8. Phan Ngọc Liên - Trịnh Vương Hồng (1972), Lịch sử nước Mỹ trong tác phẩm của Hồ Chí Minh, TCNCLS, số 5.
9. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1971), Nxb Sự thật, Hà Nội.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1995), Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
11- 12. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1995), Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
13. Charles Fourniau, Hồ Chí Minh (1970), Notre camarade, Edition sociale Paris.
14. Trần Dân Tiên (1976), Những mâu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội.
15. Dương Trung Quốc (2000), Bác Hồ và nước Mỹ, Tạp chí Xưa và nay, số 81b tháng 11.
16. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1995), xuất bản lần thứ 2, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
17- 18. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1995), xuất bản lần thứ 2, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
19. Hồ Chí Minh, Trả lời phỏng vấn của tạp chí Mỹ Minority of one – Bút tích, Chính trị Quốc gia, Hà Nội  tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
20. Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ (1990), Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris, Viện Quan hệ Quốc Tế.
21. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 (1995) Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
22. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1995), Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

www.hcmussh.edu.vn/ussh/ImportFile