28/3/12

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ NHÀ TRẮNG

Hồ sơ: Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam - Kỳ cuối:
Sử gia Mỹ David Zierler: Trách nhiệm tối hậu thuộc về Nhà Trắng
TTCT - Trước ngày lên đường quảng bá Phát minh hủy diệt môi trường (nguyên văn tựa sách: The invention of ecocide: Agent Orange, Vietnam, and the scientists who changed the way we think about the environment) tại Mỹ, tác giả David Zierler đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi chân tình.
Trong chương trình Đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức năm 2004 tại công viên 30-4, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
* Trước hết, xin ông giải thích thêm về tựa đề của cuốn sách, đặc biệt là khái niệm tội ác môi trường (tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh “ecocide”).
Sử gia David Zierler - Ảnh: uga.edu
- David Zierler: Phát minh tội ác môi trường, theo tôi, là quá trình bao gồm ba nhân tố chính: một là những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã ra lệnh phát động loại hình chiến tranh diệt cỏ, hai là lực lượng quân đội Mỹ đã thực thi lệnh phát động này và ba là các nhà khoa học đã phản đối loại hình chiến tranh trên.
Nói cách khác, khái niệm hủy diệt môi trường không thể tồn tại nếu thiếu một trong ba nhân tố nói trên. Còn cụm từ tội ác môi trường là do tiến sĩ Arthur Galston đặt ra. Ông dùng cụm từ này để truyền đạt quan điểm rằng chất độc da cam không chỉ hủy hoại thiên nhiên Việt Nam mà còn hủy hoại con người nữa.
* Trong sách ông viết rằng sự quan tâm của ông đối với chất độc da cam là một phần trong sự quan tâm chung về mối liên hệ giữa môi trường và quan hệ quốc tế. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này?
- Môi trường luôn là vấn đề mang tính xuyên quốc gia. Khi thế giới ngày càng trở nên gắn kết về kinh tế và chính trị, nguồn tài nguyên chung mà cư dân thế giới đang chia sẻ sẽ trở thành trọng điểm trong chính sự toàn cầu. Trước chiến tranh Việt Nam, thế giới chưa quan tâm đến điều này.
Chính những tranh cãi xung quanh chất độc da cam đã nâng tầm các vấn đề môi trường trong nghị trình quốc tế. Chất độc da cam là một minh chứng của sự hủy diệt môi trường Việt Nam, đồng thời sự dễ dàng và rẻ mạt của việc tiến hành loại hình chiến tranh hóa chất đồng nghĩa với nguy cơ loại chiến tranh này có thể bị nhân rộng ở các quốc gia khác. Đó là lý do vì sao các nhà khoa học Mỹ (mà tôi nhắc đến trong sách) đã cố gắng hết sức để ngăn chặn (loại hình chiến tranh này).
* Tuy nhiên, các nhà khoa học mà ông nhắc đến đã thất bại trong việc ngăn chặn loại hình chiến tranh này trước khi nó diễn ra, do đó hàng ngàn người đã trở thành nạn nhân ở cả hai đầu cuộc chiến. Đây có phải là một nhận định công bằng không, theo ông?
- Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn những nỗ lực của các nhà khoa học trong bối cảnh rộng lớn hơn. Trong vô vàn công dân trên toàn thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam, những nhà khoa học mà tôi nhắc đến là những người thật sự thay đổi chính sách của Chính phủ Mỹ thời bấy giờ. Dĩ nhiên mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu họ đạt được mục tiêu (ngăn chặn rải chất độc da cam) sớm hơn.
Nhưng nhờ những nỗ lực của họ, quân đội Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam từ năm 1970, năm năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đó là điều cần phải được ghi nhận. Thêm vào đó, những nỗ lực nói trên đã tạo tiền đề cho việc cấm sử dụng độc chất trong chiến tranh sau này - thành quả đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
* Bản thân cụm từ chiến tranh hủy diệt mang trong đó khái niệm tội ác. Ông có đồng ý với nhận định này?
- Theo quan điểm riêng của tôi, như đã được thể hiện trong sách, việc diễn dịch pháp lý hạn hẹp không phản ánh được toàn bộ bức tranh sự thật. Đứng từ góc nhìn của dư luận quần chúng và đạo đức nói chung, rõ ràng việc rải hóa chất độc hại xuống đất đai của dân thường là một hành động vô cùng sai trái. Nhờ những nỗ lực của các nhà khoa học nói trên, dẫn đến việc tổng thống Gerald Ford ký kết công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học, nếu ngày nay nước Mỹ tiến hành loại hình chiến tranh này sẽ bị coi là tội ác.
* Qua những cuộc phỏng vấn tiến sĩ Arthur Galston, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học Mỹ phản đối chiến tranh diệt cỏ và cũng là người phát minh chất diệt cây cỏ được sử dụng trong hợp chất da cam, ông có thể nói gì về quan điểm của tiến sĩ Galston? Ông ấy có bày tỏ sự trăn trở về thực tế lịch sử mà ông ấy là một phần trong đó?
- Tiến sĩ Galston nhận ra rất rõ sự nguy hiểm của việc leo thang chiến tranh diệt cỏ, và đó là lý do ông dành rất nhiều trí lực cho đề tài này. Mối lo lắng cấp kỳ của ông vào thời điểm đó (những năm 1960) là làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh diệt cỏ vì ông hiểu rõ tiềm năng hủy diệt tàn khốc của các loại độc chất đối với thiên nhiên và con người.
Còn mối quan tâm lớn hơn của ông là làm sao để trong tương lai không bao giờ còn loại hình chiến tranh này nữa. Tiến sĩ Galston cũng quan tâm sâu sắc đến vai trò của khoa học và đạo đức - quan điểm của ông là khoa học chỉ nên được dùng để cải thiện chất lượng sống của nhân loại - và cũng chính vì nền tảng đạo đức này mà ông lao vào cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh diệt cỏ. Là một trong những người phát triển ngành khoa học hóa chất diệt cỏ vào những năm 1940, câu hỏi “nếu như...” là nỗi ám ảnh thường trực đối với ông.
* Trong chương cuối cùng, ông chỉ ra rằng chính quyền của tổng thống Johnson, Lầu Năm Góc và nhiều cá nhân trong cộng đồng khoa học Mỹ vào những năm 1960 đã cố tình dập tắt phong trào phản đối sử dụng chất độc da cam. Vậy có thể nói rằng những định chế và cá nhân này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự hủy diệt của chất độc da cam? Liệu chúng ta có thể đưa ra tên những nhân vật cụ thể không?
- Trách nhiệm tối hậu của việc rải chất độc da cam thuộc về Nhà Trắng. Chiến tranh diệt cỏ được phát động từ thời tổng thống Kennedy, mở rộng ra dưới thời tổng thống Johnson và kết thúc dưới thời tổng thống Nixon. Mỗi vị tổng thống đều chịu trách nhiệm một phần trong khoảng thời gian mười năm chiến tranh diệt cỏ dưới quyền chỉ đạo của họ.
* Trong thời gian thu thập tư liệu cho Phát minh hủy diệt môi trường, ông đã đến Việt Nam. Ông cảm thấy gì khi nhìn thấy tận mắt thực tế những điều ông từng nghiên cứu qua sách vở?
- Đã đi khắp nơi trên thế giới, tôi có thể nói thật lòng rằng Việt Nam là một trong những đất nước vĩ đại nhất trên quả đất này. Tôi đến Việt Nam với mục tiêu nghiên cứu sự hủy hoại và nỗi đau khổ, nhưng thay vào đó, điều tôi tìm thấy lại sự kiên cường, sức mạnh, sự thông hiểu và thái độ thân thiện. Đi dọc chiều dài Việt Nam, tôi thật lòng khó hình dung nổi nước Mỹ đã thả nhiều bom trên đất nước này hơn là toàn bộ Thế chiến thứ hai, và chất diệt cỏ đã bị rải xuống mảnh đất miền Nam Việt Nam trên một diện tích rộng hơn cả bang Massachusetts của Mỹ.
Tôi không có ý nói rằng quá khứ đã bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng tôi nhìn thấy ở Việt Nam quyết tâm hướng tới tương lai và củng cố vị trí văn hóa, kinh tế của mình trên thế giới. Là một sử gia, thực tế đó càng làm tôi tăng quyết tâm nắm bắt sự thật về chất độc da cam trước khi nó phai nhạt dần vào quá khứ.
* Xin cảm ơn ông.
CAM LY thực hiện
Không bộc lộ cảm xúc của tác giả, không dựa vào thân phận đau lòng của những nạn nhân, không dùng những hình ảnh thương tâm để minh họa cho nội dung, David Zierler, với tâm thức của một sử gia, khám phá sự thật qua các sự kiện lịch sử. Và trong vai trò của một sử gia, ông cố gắng đưa những sự kiện ấy đến với công chúng bằng con đường thẳng nhất.
Phát minh hủy diệt môi trường cho thấy thành quả, dù muộn màng, của phong trào phản đối chiến tranh diệt cỏ trong lòng nước Mỹ không chỉ dừng ở việc chấm dứt rải chất độc da cam tại Việt Nam kể từ năm 1970, mà còn là việc thúc đẩy cộng đồng quốc tế thông qua một điều luật trong công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Sức hủy diệt của chất độc da cam, qua con mắt của sử gia David Zierler, cũng là bài học lịch sử lớn lao cho nhân loại về ứng xử với môi trường: không thể tàn phá môi trường mà tránh được hủy hoại con người sống trong môi trường đó.
NGUỒN: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/445793/Su-gia-My-David-Zierler-Trach-nhiem-toi-hau-thuoc-ve-Nha-Trang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét