8/12/17

CĂN CỨ DƯƠNG MINH CHÂU TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP – MỸ DƯỚI GÓC ĐỘ ĐỊA QUÂN SỰ

CĂN CỨ DƯƠNG MINH CHÂU
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP – MỸ
DƯỚI GÓC ĐỘ ĐỊA QUÂN SỰ
TS. Lê Tùng Lâm([1])

Trong cuộc kháng chiến “thần thánh” chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, quân dân Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã anh dũng cùng toàn dân đứng lên chống giặc Pháp, Mỹ xâm lược. Trong đó, quân dân Dương Minh Châu đã đứng vững và đánh bại những cuộc hành quân tìm diệt của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn trong hai mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967. Đồng thời, căn cứ Dương Minh Châu còn là nơi đóng quân quan trọng của Quân giải phóng miền Nam và Bộ chỉ huy miền. Vậy căn cứ Dương Minh Châu có vị thế “địa quân sự” như thế nào? Điểm đặc biệt của căn cứ này là gì? Đó là những vấn đề chính của bài viết.

1. Khái quát Căn cứ Dương Minh Châu
Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, việc xây dựng các căn cứ địa làm bàn đạp là một vấn đề rất quan trọng, đã được khẳng định trong lịch sử và trở thành một kinh nghiệm quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, khi cả dân tộc đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập đất nước, ông cha ta đã chọn những vùng đất “đứng chân” để tiến hành kháng chiến thường là “khi tìm nơi rừng núi, khi chọn vùng đầm lầy, khi dựa vào miền đồng bằng để khai thác sức người, sức của trong nhân dân để xây dựng và phát triển lực lượng”[2]. Đặc điểm chung của căn cứ địa là phải ở những vùng hiểm trở, tránh được sự càn quét thường xuyên của kẻ thù. Căn cứ địa là nơi đóng quân, phát triển lực lượng về mọi mặt để chuẩn bị tiến lên đánh bại kẻ thù xâm lược. Vì vậy, căn cứ địa giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều căn cứ địa ở Nam Bộ, căn cứ Dương Minh Châu từng được xem là “Thủ đô” của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1948, trước yêu cầu ngày càng cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định chọn vùng Trà Vong xây dựng căn cứ địa của tỉnh. Tháng 6-1948, căn cứ Dương Minh Châu cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh gồm 04 khu vực: Khu Tỉnh ủy và cơ quan hành chính kháng chiến tỉnh, khu văn phòng Chi đội 11 (C 11), khu Công binh xưỏng và khu dân cư khoảng 1.000 dân[3]. Đây là cơ sở chỉ huy quan trọng của cách mạng miền Nam. Việc xây dựng được căn cứ ổn định góp phần nâng cao uy tín và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của các cơ quan tỉnh ủy. Trong năm 1949-1950, các hội nghị, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tây Ninh đều tổ chức tại đây. Đồng thời, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta từng bước giành nhiều thắng lợi quan trọng.
Sau khi thất bại ở Việt Bắc (1947), thực dân Pháp đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn nên Pháp đẩy mạnh quá trình đàn áp ở Nam Bộ. Pháp thực hiện âm mưu bao vây, cô lập, chia cắt các tỉnh miền Đông với miền Tây Nam Bộ. Chúng ra sức triệt phá hậu cần, lương thực của ta. Pháp muốn đánh bại lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ do Xứ ủy Nam Bộ và Bộ Tư lệnh miền lãnh đạo.
Để đập tan âm mưu của địch, Xứ ủy, Bộ tư lệnh Nam Bộ thực hiện liên kết các chiến trường miền Tây, miền Đông Nam bộ hỗ trợ cho nhau, chi viện cho nhau. Tháng 4-1950, trong cuộc họp Xứ ủy Nam Bộ, Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy xác định rằng Chiến trường càng ngày mở rộng thì căn cứ địa đứng chân càng phải được củng cố. Nay phạm vi lãnh đạo chỉ huy của Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Nam bộ đã được Trung ương giao đảm trách đến vùng Cực Nam Trung bộ (khu 6) và chiến trường Campuchia. Do vậy, căn cứ lãnh đạo chỉ huy phải được bố trí ở một vùng trung tâm hơn, vùng trung tâm đó không ở đâu tốt bằng vùng phía Đông tỉnh Tây Ninh[4]. Như vậy, Bí thư Xứ ủy đã chọn vùng phía Đông của Tây Ninh làm nơi xây dựng căn cứ đóng quân lâu dài.
Trước yêu cầu mới của tình hình và cuộc kháng chiến, ngày 5-5-1951, phiên họp đầu tiên của tỉnh Gia - Định - Ninh[5] (gọi tắt là Gia Ninh) đã đi đến quyết định thành lập một huyện mới theo chủ trương của Xứ ủy. Hội nghị thảo luận quyết nghị về việc lây tên Liệt sĩ Dương Minh Châu đặt tên cho huyện mới[6]. Từ đây, huyện Dương Minh Châu được chính thức thành lập và trở thành trung tâm của căn cứ Dương Minh Châu.
Từ tháng 5-1951 đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc (1954), căn cứ Dương Minh Châu trở thành nơi đứng chân của các lực lượng như: chủ lực của Bộ Tư lệnh Nam Bộ - Tiểu đoàn 304; chủ lực của Phân liên khu miền Đông - Tiểu đoàn 302, có lúc có Trung đoàn Đồng Nai, lực lượng địa phương tỉnh Gia Định Ninh - Tiểu đoàn 306, bộ đội địa phương huyện Dương Minh Châu - Đại đội 31[7]. Đây là những lực lượng nòng cốt phối hợp cùng cả nước đứng lên đánh bại thực dân Pháp. Buộc Pháp phải rút quân về nước, giành lại nền độc lập cho dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vai trò của căn cứ Dương Minh Châu càng to lớn hơn. Căn cứ là nơi tụ hội, đóng quân của các đơn vị chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 (Q16) từ vùng Bình - Trị - Thiên vượt Trường Sơn vào miền Nam đầu năm 1964. Tại Dương Minh Châu, Q16 không ngừng lớn mạnh. Lúc đầu vào Nam, Q16 chỉ có “khung Trung đoàn” và 01 Tiểu đoàn thực binh. Đến đầu năm 1965, Q16 đã phát triển thêm 01 Tiểu đoàn bộ binh và 01 Tiểu đoàn binh chủng Trinh sát đặc công, công binh, thông tin. Ngày 1-1-1965, Trung đoàn 16 chính thức ra mắt tại Tà Dơ - Đồng Kèn[8].
Đồng thời, căn cứ Dương Minh Châu cũng nơi chiêu mộ lực lượng cho quân giải phóng, là nơi huấn luyện quân đội và học tập, rèn luyện tư tưởng chính trị cho cách mạng. Ngày 10-6-1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Quân ủy Miền đến thăm Trung đoàn 16, thăm và làm việc với Ban chỉ huy Sư đoàn 9, thăm chúc mừng Trung đoàn 763 (Q763 - Sư đoàn 9) mới được bổ sung đủ biên chế. Lúc này trên chiến trường miền Nam, quân viễn chinh Mỹ đã trực tiếp tham chiến cùng với quân đội các nước đồng minh Mỹ như: Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines và New Zealand. Quân Mỹ với ưu thế mạnh về vũ khí, kỹ thuật chiến tranh đã mở hàng loạt cuộc hành quân “tìm – diệt” vào Vùng giải phóng. Tình hình này làm cho quân ta không khỏi lo lắng.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy các đơn vị của quân giải phóng rất trăn trở về các vấn đề như: Đánh quân Mỹ như thế nào và bằng cách nào để đánh thắng chúng. Đây là lo lắng chung của cuộc kháng chiến. Trước tình hình này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng Mỹ”. Cán bộ chỉ huy các đơn vị băn khoăn, lo lắng về binh khí kỹ thuật, hỏa lực vượt trội của quân Mỹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thông báo vắn tắt về trận đánh Núi Thành của bộ đội Quân khu V và bộ đội địa phương Quảng Nam, Đại tướng kết luận: “Muốn đánh thắng Mỹ phải hạn chế tối đa uy lực của binh khí kỹ thuật Mỹ, muốn làm được điều đó ta áp dụng lối đánh gần, nói một cách dễ hình dung là ta phải bám sát lính Mỹ, nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh”[9]. Câu nói “bám thắt lưng Mỹ mà đánh” đã nhanh chóng trở thành phương châm hành động của quân dân miền Nam. Đó cũng là nguồn động lực to lớn để nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ.
Có thể nói, sự tồn tại của căn cứ Dương Minh Châu là nhân tố quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng. Căn cứ Dương Minh Châu đã “dang tay” ôm trọn trong lòng mình: toàn bộ cơ quan Xứ uỷ, sau đó là Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Định Ninh…Trong kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh Trung ương Cục còn có Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền...[10]. Hầu như tất cả những cơ quan lãnh đạo tối cao cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đều được căn cứ Dương Minh Châu bảo vệ. Do đó, căn cứ Dương Minh Châu còn được mệnh danh là “Thủ đô cuộc kháng chiến ở Nam Bộ”. Vậy căn cứ Dương Minh Châu có những yếu tố thuận lợi gì mà có thể đứng vững trong những cuộc hành quân bình định của Pháp, tìm diệt của Mỹ?
2. Địa quân sự của căn cứ Dương Minh Châu
“Địa quân sự” là tác giả muốn xem xét vị thế địa lý của căn cứ Dương Minh Châu đối với vai trò của mặt trận Quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của quân dân Nam Bộ. Những đặc điểm riêng về yếu tố địa lý của căn cứ Dương Minh Châu để lý giải nguyên nhân căn cứ có thể đứng vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những cuộc tấn công của kẻ thù. Vị trí của căn cứ Dương Minh Châu có đặc điểm nổi bậc sau:
Nơi đây:
Rừng bát ngát vùng Đông Bắc
Người lừng danh đất phương Nam
Đồng ruộng núi sông tạo thế liên hoàn
Nam Bắc Tây Đông thuận đường trung chuyển…
(Văn bia truyền thống huyện Dương Minh Châu)
Chỉ bốn câu đầu tiên được khắc trên bia đá chữ vàng trong rừng lịch sử Dương Minh Châu đã có thể khái quát về địa thế Dương Minh Châu:
1- Phía Tây - Bắc có Núi Bà Đen với điểm cao 986 mét (so với mực nước biển), rất nhiều hang động tự nhiên có khả năng che chắn an toàn cho lực lượng kháng chiến. Núi Bà Đen là “bức tường thành che đỡ cho lực lượng kháng chiến ở căn cứ. Đặc biệt, hệ thống hang động kiên cố trên Núi Bà là nơi ẩn nấp an toàn cho Quân giải phóng mỗi khi quân địch càn quét hay ném bom.
2- Phía Đông căn cứ nối liền với sông Sài Gòn chảy suốt theo chiều dài của huyện. Đây là một điều kiện rất thuận lợi để quân giải phóng tiếp tế lương thực, thuốc men hoặc di chuyển quân theo kế hoạch. Quan trọng hơn, căn cứ cách chiến khu Đ không xa lắm. Nếu có biến, lực lượng kháng chiến có thể vượt sông Sài Gòn, vượt Quốc lộ 13 lên chiến khu Đ một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, sông Sài Gòn đoạn chảy qua huyện dài 123km. Trong chiến tranh rất nhiều những con suối chảy xuyên rừng, dòng sông Sài Gòn là nguồn sông chính, nguồn nước nuôi sống lực lượng cách mạng, hàng triệu lượt người đã từng qua đây, từng lưu trú tại đây, những bến nước một thời nổi danh như Bến Tha La, Bến Huỷnh, Bến Còng, Bến Bà Hảo... gắn liền với cán bộ, chiến sĩ ta một thời chinh chiến[11].
3- Phía Nam có địa hình thấp dần dọc theo lưu vực sông Sài Gòn. Căn cứ liên thông với chiến khu Bời Lời, nối liền với Bến Đình, Bến Dược (Củ Chi) và nối liền xuống tận căn cứ An Phú Đông[12] - cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Gia Định. Từ đó, Quân giải phóng có thể tiếp cận được đầu não địch ở Gia Định - Sài Gòn. Chúng ta sẽ có điều kiện nắm bắt nhanh chóng tình hình của kẻ thù, nắm được nội tình của đối phương để có chiến lược phù hợp.
4- Phía Bắc giáp với vùng Đông Bắc Campuchia. Trước đây, khi chưa có hồ Dầu Tiếng, phần lớn đất đai của căn cứ là rừng đại ngàn với hàng triệu các loài cây mọc chen chúc, ken dầy, cổ thụ xen với rừng tre, rừng le, dây leo chằng chịt. Rừng kéo dài giáp với tỉnh Thủ Dầu Một và kéo dài suốt dọc tuyến biên giới nối thông với vùng Đông Bắc Campuchia. Toàn bộ phía Bc nối liền với vùng đại ngàn Đông Bắc Campuchia tạo nên một vùng căn cứ liên hoàn rộng lớn. Rừng che phủ kín là lợi thế quan trọng để quân giải phóng tránh những cuộc tấn công của kẻ thù. Có thể nói, rừng ở căn cứ Dương Minh Châu là “người bảo vệ” cho lực lượng quân giải phóng miền Nam. Rừng Dương Minh Châu che bộ đội, vây quân thù. Rừng Dương Minh Châu che đỡ những đoàn quân, nhiều tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, có lúc cả quân đoàn, binh đoàn xuất phát từ rừng Dương Minh Châu ra trận[13].
5- Từ trung tâm căn cứ đi về phía Tây, quân dân ta có thể cơ động theo tỉnh lộ 13 phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông đến các căn cứ Cây Chò, Ninh Điền, Hòa Hội huyện Châu Thành. Theo sông Vàm Cỏ Đông phía tả ngạn xuôi về thông nối với chiến khu Đồng Tháp Mười. Giao thông đường thủy khá thuận lợi và nối liền được với chiến khu Đồng Tháp Mười là điều kiện quan trọng để đưa những chỉ thị, chỉ đạo của Đảng kịp thời, nhanh chóng xuống miền Tây Nam Bộ.
Như vậy, căn cứ Dương Minh Châu là một vùng rộng lớn hơn huyện Dương Minh Châu hiện nay rất nhiều. Xét dưới góc độ “địa quân sự”, vị thế của căn cứ Dương Minh Châu nổi lên những điểm quan trọng như sau:
Trước hết, căn cứ Dương Minh Châu là khu vực có địa thế “nhân hòa”. Nhân dân trong căn cứ một lòng yêu nước và trung thành với cách mạng. Ngay từ khi thành lập huyện căn cứ Dương Minh Châu, Đảng bộ huyện đã có gần 100 đảng viên. Đảng viên luôn giữ vững tinh thần kiên trung, là yếu tố lãnh đạo quan trọng để đưa đường lối kháng chiến của Đảng vào thực tiễn. Đồng thời, đến năm 1951, căn cứ có khoảng 1 vạn dân là những “dân chí cốt cách mạng”. Họ luôn luôn ủng hộ, che chở cho lực lượng kháng chiến. Đây là nhân tố quyết định sự tồn vong của căn cứ. Trong những cuộc chiến chống càn quét, tìm diệt của kẻ thù, nhân dân trong căn cứ huyện luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt và cung cấp thêm sức người, sức của cho Quân giải phóng miền Nam. Có thể nói, yếu tố “nhân hòa” đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của lực lượng cách mạng tại đây.
Thứ hai, căn cứ Dương Minh Châu là vùng rộng lớn, có ưu thế tuyệt đối về địa lợi mà không một căn cứ địa kháng chiến nào có được. Chính địa giới tự nhiên đã làm nên thế trận đặc thù chỉ riêng căn cứ Dương Minh Châu mới có. Căn cứ Dương Minh Châu đã hội tụ các tính chất của ba vùng chiến lược, trong đó vùng rừng núi chiếm vị trí đặc biệt, có thế liên hoàn ở phía sau, là một vùng rừng già rộng lớn ăn thông lên biên giới Campuchia, liên quan mật thiết với chiến khu Đ. Vùng rừng núi này đủ điều kiện thuận lợi xây dựng căn cứ kháng chiến và cả hệ thống căn cứ vệ tinh, xa, gần, tạo thế trận hậu phương chiến lược, vừa thuận lợi với việc chỉ huy, chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn miền Nam. Do đó, căn cứ Dương Minh Châu là trung tâm của lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ.
Thứ ba, căn cứ Dương Minh Châu đảm bảo được yêu cầu quan trọng nhất của một chiến khu là nơi đóng quân và phát triển lực lượng cách mạng. Với vị thế “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, căn cứ Dương Minh Châu trở thành nơi đứng chân của lực lượng vũ trang Tỉnh Gia Ninh, lực lượng chủ lực của Quân giải phóng miền Nam. Huyện căn cứ Dương Minh Châu trở thành nơi đắc địa của nhiều lực lượng về đây đứng chân rèn cán, luyện binh, xây dựng nơi đây thành nhiều căn cứ tiến lui chiến đấu, dừng quân, giấu quân, bổ sung quân, bổi dưỡng sức quân, làm điểm xuất phát an toàn để đánh quân địch[14]. Chính từ căn cứ này, xuất phát các chỉ thị đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn miền Nam và là nơi củng cố, rèn luyện của các đơn vị bộ đội trực thuộc tỉnh và Trung ương Cục.
Thứ tư, căn cứ Dương Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến, đánh bại các cuộc hành quân càn quét, tìm diệt của kẻ thù. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ Dương Minh Châu là trọng điểm tấn công của quân Mỹ, quân các nước đồng minh và quân đội Sài Gòn.
Từ năm 1965, Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh cục bộ trên toàn miền Nam và mở rộng ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Mỹ - Lyndon B.Johnson muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong mùa khô 1966-1967, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở hàng loạt cuộc hành quân tìm diệt vào Tây Ninh – Trụ sở của Mặt trận Dân tộc Gải phóng miền Nam Việt Nam và đầu não lực lượng kháng chiến ở miền Nam. Trong đó, tiêu biểu nhất là hai cuộc hành quân Attleboro[15] (từ ngày 14-9 đến ngày 24-11-1966) với 30.000 quân và cuộc hành quân Junction City (từ ngày 22-2 đến ngày 15-4-1967) với 45.000 quân[16] đều nhắm thẳng vào căn cứ Dương Minh Châu để “bẻ gãy xương sống của Việt Cộng” và tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Các nhà quân sự Mỹ, báo chí phương Tây tuyên truyền ầm ĩ về hai cuộc càn này, rằng: lớn nhất, quy mô nhất chưa từng có từ trước đến thời điểm lúc bấy giờ ở miền Nam Việt Nam, “mỗi gốc cây rừng Dương Minh Châu có 01 lính Mỹ đặt chân đến để “tìm và diệt”[17].
Căn cứ địa Dương Minh Châu, quân và dân huyện Dương Minh Châu gồng lên để gánh chịu một khối lượng sắt thép, bom đạn khổng lồ chưa từng có. Thế nhưng, với tinh thần quyết đánh thắng giặc Mỹ và địa hình hiểm trở, quân dân Dương Minh Châu đã đánh bại hoàn toàn hai cuộc hành quân “lớn nhất, quy mô nhất” của Mỹ và Sài Gòn. Thậm chí, giới lãnh đạo Mỹ phải cách chức hai viên tướng chỉ huy là Chuẩn tuớng Edward H. De Saussure (tổng chỉ huy cuộc càn Attleboro) và Tướng ba sao - Jonathan.O.Seaman, Tư lệnh dã chiến II (tổng chỉ huy cuộc càn Juntion City) trong lúc cuộc hành quân đang diễn ra. Đây là một điều rất hiếm xuất hiện ở Mỹ. Sự kiện này chứng tỏ sự thiếu hiệu quả và bị động trong những cuộc càn quét của Mỹ. Đồng thời, nó cũng chứng minh cho thắng lợi của quân dân Dương Minh Châu. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ nhận xét: Cuộc hành quân Junction City là một cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại cao của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng”[18].
Thứ năm, sự tồn tại, phát triển của căn cứ Dương Minh Châu  trong kháng chiến đã chứng minh đường lối quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản về vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương trực tiếp và tại chỗ. Trong lịch sử chống ngoại xâm, căn cứ địa kháng chiến luôn giữ vai trò rất quan trọng. Việc xây dựng các căn cứ địa làm bàn đạp là một vấn đề rất quan trọng trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Vai trò của căn cứ địa kháng chiến đã được khẳng định trong lịch sử và trở thành một kinh nghiệm quý báu của dân tộc Việt Nam. Khi cả dân tộc đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập đất nước, ông cha ta đã chọn những vùng đất “đứng chân” để tiến hành kháng chiến. Từ căn cứ địa, lực lượng ta ngày càng trưởng thành và tiến tới đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Trong đó, căn cứ Dương Minh Châu cũng là một trong những căn cứ địa quan trọng nhất của chiến trường Nam Bộ.
Thứ sáu, Căn cứ Dương Minh Châu cũng là đầu mối hành lang chiến lược quan trọng bậc nhất. Từ căn cứ Dương Minh Châu, quân giải phóng có thể ra Trung ương, lên Chiến khu Đ, Tây Nguyên, xuống đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia. Vị thế giao thông thuận lợi, là đầu mối liên lạc giữa các chiến khu với nhau và là nơi nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những chỉ đạo từ Trung ương. Cũng vì thế, căn cứ Dương Minh Châu là chỗ dựa tin cậy của Trung ương Cục và lực lượng vũ trang Tây Ninh, nơi đảm bảo một phần quan trọng tiềm lực cho kháng chiến.
Như vậy, do địa hình và thế trận rất đặc biệt, huyện căn cứ Dương Minh Châu trở thành vùng đất “địa quân sự” của nhiều lực lượng về đây dừng chân rèn cán bộ, luyện binh, xây dựng nơi đây thành điểm tựa tiến, lui chiến đấu, dừng chân, giấu quân, bổ sung quân, bồi dưỡng sức quân, làm điểm xuất phát an toàn để bung ra các chiến trường đánh địch[19]. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Dương Minh Châu đã phát huy rất tốt vị thế “địa quân sự” để giữ vững được lực lượng cách mạng, bảo toàn cơ quan đầu não kháng chiến. Từ căn cứ, nhiều quyết định quan trọng đã được thực hiện và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
3. Căn cứ huyện Dương Minh Châu ngày nay
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc đã hơn 4 thập kỉ, quân và dân Dương Minh Châu vẫn giữ vững tinh thần kiên trung và phát huy được sức mạnh tinh thần dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Ngày nay, di tích căn cứ Dương Minh Châu tọa lạc tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, Căn cứ huyện Dương Minh Châu vẫn tồn tại giữa khu rừng lịch sử bạt ngàn. Căn cứ vinh dự được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, theo Quyết định số 61/1999/QĐ-BVHTT, ngày 13-9-1999 của Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là một sự ghi nhận rất đáng trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với vùng đất “nắng cháy da người mà anh dũng” của Dương Minh Châu. Nó cũng là niềm tự hào của mỗi người con huyện Dương Minh Châu hiện nay.
Trước mặt căn cứ Dương Minh Châu là Hồ Dầu Tiếng – là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á. Với diện tích mặt nước là 27.000ha, dung tích chứa khoảng 1,58 tỷ m³ nước, Hồ Dầu Tiếng giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối nước tưới, tiêu và rửa mặn cho hơn 93.00 hecta đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh với 3 hệ thông kênh chính kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng. Trước khi có Hồ nước Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu là vùng đất “nắng cháy da người”. Một năm chỉ có hai mùa (6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô). Những năm mưa ít, thiếu nước, ruộng đồng khô cháy, mùa màng thất thu, cuộc sống người dân thiếu đói. Từ khi hồ Dầu Tiếng được xây dựng xong, “nước về nội đồng, tưới đủ hai mùa mưa nắng, hầu hết diện tích đất trong tỉnh đều có khả năng làm 3 vụ/năm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nước hồ làm cho người Dương Minh Châu, người Tây Ninh thế hệ hôm nay trắng da, dài tóc, tươi sáng hơn”[20]. Đặc biệt, giữa lòng Hồ Dầu Tiếng mênh mông, Đảo Nhím lại trở thành nơi lý tưởng để Dương Minh Châu phát triển nhanh trong tương lai ngành dịch vụ du lịch sinh thái.
Đảo Nhím không có những công trình kiến trúc quy mô, đồ sộ để thu hút khách du lịch như chùa Cậu (núi Cậu) – nơi phong thủy hữu tình sông núi, hay chùa Bà (núi Bà Đen) – nổi tiếng du lịch tâm linh, Đảo Nhím vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của một vùng quê Nam Bộ nguyên thủy. Đảo Nhím hiện ra với những bãi cỏ xanh mượt, là địa điểm lý tưởng để đàn trâu hàng trăm con sinh sống, gặm cỏ. Xung quanh đảo, nước hồ trong xanh, mát rượi với đầy rong đuôi chồn, nguồn thủy sinh đa dạng và nguồn thủy sản phong phú cung cấp cho đời sống cư dân trên đảo. Trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đảo Nhím vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với hệ thực vật, động vật khá phong phú. Đây là nơi lý tưởng để phát triển ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh khu tưởng niệm Di tích lịch sử-văn hóa Căn cứ Dương Minh Châu, hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu cũng còn rất nhiều địa điểm quan trọng khác dưới góc độ quân sự. Đặc biệt, huyện Dương Minh Châu cũng có đến 4 xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” là Phước Ninh, Lộc Ninh, Bến Củi và Suối Đá. Tại các xã Anh hùng này, còn rất nhiều di tích kháng chiến của quân và dân Dương Minh Châu như: khu Di tích Lịch sử Văn hóa núi Bà Đen (Suối Đá), Cánh đồng Trâm Sụ (Suối Đá), Căn cứ Suối Ông Hùng (Lộc Ninh), căn cứ Bàu Tràm, Bàu Dài, Bàu Trẹt (Phước Ninh)….
Có thể nói, với truyền thống cách mạng hào hùng, quân và dân Dương Minh Châu đã và đang chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn, văn minh hơn. Với những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và di tích những căn cứ kháng chiến, Dương Minh Châu hứa hẹn một tương lai không xa sẽ trở thành “điểm đến” của nhân dân trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng rất tự hào vì được sinh ra, lớn lên trên mãnh đất hào hùng, đầy truyền thống cách mạng Dương Minh Châu.
KẾT LUẬN
Căn cứ Dương Minh Châu nằm ở phía Đông của tỉnh Tây Ninh. Căn cứ Dương Minh Châu có một vị thế địa quân sự rất đặc biệt. Căn cứ đã hội đủ những yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để Đảng Cộng sản chọn làm nơi “đúng chân” trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Quan trọng hơn, căn cứ Dương Minh Châu đã đảm bảo được những yếu tố quan trọng nhất của một căn cứ địa là nơi “tích lũy và phát triển lực lượng của mình về mọi mặt, tạo thành những trận địa vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lấy nó làm nơi xuất phát để mở rộng dần, cuối cùng tiến lên đánh bại kẻ thù lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước”[21]. Chính nhờ vào đị thế hiểm trở, lòng dân trung thành và nhiệt huyết cách mạng, lực lượng kháng chiến và cơ quan đầu não kháng chiến của Nam Bộ vẫn được che chở an toàn cho đến ngày toàn thắng.
Căn cứ Dương Minh Châu là nơi mà chúng ta tiến có thể đánh và đánh thắng kẻ thù, lui có thể thủ. Căn cứ được xem là “hiểm địa” của quân Giải phóng miền Nam và lực lượng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, nơi mà  kẻ địch khó vào lại càng khó ra. Căn cứ rất gần dân, có đủ tiềm lực, lực lượng để tạo nguồn tiếp tế phục vụ lực lượng, nuôi quân khi lực lượng chủ lực ra đời, phát triển. Từ đây, cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi cuối cùng tháng 4-1975.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua hơn 4 thập kỉ nhưng căn cứ Dương Minh Châu vẫn mãi mãi lưu lại những hình ảnh về cuộc sống và chiến đấu, mồ hôi và xương máu của hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã từng lăn lộn chiến đấu trên vùng đất này, giành lại sự độc lập cho đất nước. Ngày nay, Dương Minh Châu đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Đất và Người Dương Minh Châu quyết tâm chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp hơn, mãi mãi xứng đáng là “Thủ đô” của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]    Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951-2015), Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh.
[2]    Võ Nguyên Giáp (1983), Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, NXB Sự thật, Hà Nội, tr. 203.
[3]    Võ Nguyễn Giáp (1970), Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.90
[4]    Thanh Nam, Chiến thắng Junction City, nguồn: http://baotayninh.vn/dap-tan-tham-vong-quan-xam-luoc-a15248.html.



[1] Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn.
[2] Võ Nguyên Giáp (1983), Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, NXB Sự thật, Hà Nội, tr. 203.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951-2015), Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh, tr.83.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.109
[5] Theo Nghị định 252/NĐ-51, tỉnh Tây Ninh với 2 huyện Đức Hòa Thành và Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn cùng 2 huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Định sáp nhập lại thành tỉnh Gia Định Ninh (gọi tắt là tỉnh Gia Ninh). Ngày 19/5/1951 chính thức hợp nhất tỉnh. Tỉnh ủy được chỉ định gồm 13 đồng chí (Gia Định 9, Tây Ninh 2, Chợ Lớn 2 đồng chí). Đồng chí Phạm Văn Chiêu làm Bí thư Tỉnh ủy (6/1952 - 12/1953).
[6] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.109.
[7] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.23.
[8] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.24.
[9] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.24-25.
[10] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.21.
[11] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.30-31.
[12] Ngày 25-12-1945, Hội nghị cán bộ tỉnh Gia Định (tại vườn Cau Đỏ, xã Thạnh Lộc) nhận định “ta có thể bám trụ được ở bán đảo này (An Phú Đông – ND) để vừa chiến đấu, vừa củng cố xây dựng lực lượng kháng chiến…giữ được lòng tin của đồng bào đối với kháng chiến”. Vì thế, Hội nghị đã quyết định chính thức thành lập chiến khu An Phú Đông, lấy hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (trước đây thuộc Gò Vấp, nay là Quận 12) làm trung tâm căn cứ đứng chân để giữ vững lòng tin của nhân dân và xây dựng lực lượng kháng chiến.
[13] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.28-29.
[14] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.22-23.
[15] Attelboro là đặt theo tên của một thành phố ở tiểu bang Massachusetts, đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của Lữ Đoàn 196 khi đến miền Nam Việt Nam mùa hè năm 1966.
[16] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.27. Còn theo các tài liệu của Mỹ, cuộc hành quân Attelboro là 22.000 quân và Junction City là 35.000 quân (bao gồm cả quân Mỹ và Sài Gòn).
[17] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.27.
[18] Thanh Nam, Chiến thắng Junction City, nguồn: http://baotayninh.vn/dap-tan-tham-vong-quan-xam-luoc-a15248.html.
[19] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.11.
[20] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (2015), tlđd, tr.30-31.
[21] Võ Nguyễn Giáp (1970), Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.90.
Nguồn: Bài đăng trên: NAM BỘ ĐẤT VÀ NGƯỜI, Tập XII, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2017, tr.381-394.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét