5/10/21

Các trường phái cơ bản trong nghiên cứu QHQT

 

Các trường phái trong nghiên cứu QHQT


Chủ nghĩa tự do (liberalism)
hay cách “tiếp cận tự do” là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Xuất hiện từ thời kỳ cải cách tôn giáo thế kỷ 16 ở Châu Âu, chủ nghĩa tự do đã phát triển thành một trường phái gồm nhiều nhánh tư tưởng khác nhau mặc dù cùng chung những giả định cơ bản. Theo đó, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, hạn chế vai trò của nhà nước, nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật đồng thời bảo vệ các quyền tự do dân sự cá nhân, quyền sở hữu tư nhân… Theo đó, đối với chính trị trong nước, chủ nghĩa tự do cho rằng các chính thể cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của các cá nhân, đặc biệt là các quyền tự do dân sự, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động của nền kinh tế.


Chủ nghĩa tân tự do
(neo-liberalism), còn được biết đến với tên gọi “chủ nghĩa tự do thể chế” (institutional liberalism), là một dòng nghiên cứu quan trọng trong các lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tân tự do ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước.

Chủ nghĩa hiện thực, bên cạnh chủ nghĩa tự do, là một trong hai trường phái lý thuyết quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế, được hình thành từ lâu đời và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư duy hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia. Chủ thể chính trong hệ thống quốc tế là các quốc gia – dân tộc có chủ quyền trong khi các chủ thể khác như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các nhóm hay các cá nhân không có vai trò đáng kể. Về bản chất, hệ thống quan hệ quốc tế là một hệ thống vô chính phủ, không tồn tại một quyền lực đứng trên các quốc gia nhằm điều chỉnh và quản lý mối quan hệ giữa họ với nhau.

Chính vì vậy mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài.

Chủ nghĩa hiện thực cổ điển

Cũng cho rằng các quốc gia luôn tìm cách theo đuổi quyền lực nhưng chủ nghĩa hiện thực cổ điểncho rằng chính bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người đã khiến các quốc gia và các cá nhân đặt lợi ích dưới dạng quyền lực lên trên các giá trị khác. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân trong chính trị quốc tế. Theo đó, Hans Morgenthaus, một trong những học giả chủ chốt của tư tưởng hiện thực cổ điển nhận xét rằng con người, tự bản thân nó, là con người của quyền lực, thể hiện qua việc chiếm đoạt hay tích lũy các nguồn lực để đạt đến mục đích cá nhân của mình. Dưới góc nhìn xã hội học, xu hướng theo đuổi quyền lực là nguyên tắc có thể tìm thấy trong mọi kết cấu tổ chức giữa người với người: từ nhà thờ cho tới các hội đoàn. Nơi nào có các nhóm liên kết giữa các cá nhân thì nơi đó xuất hiện các cuộc chiến giành quyền lực. Vì vậy, các quốc gia theo đuổi quyền lực và chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia bắt nguồn từ bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người, đặc biệt là cá nhân các nhà lãnh đạo.

Chủ nghĩa tân hiện thực

Khác với chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân, chủ nghĩa tân hiện thực nhấn mạnh cấp độ phân tích hệ thống quốc tế khi phân tích nguyên nhân các quốc gia tìm cách theo đuổi quyền lực. Theo đó, các nhà tân hiện thực cho rằng trong một hệ thống vô chính phủ, sự phân bổ quyền lực tương đối giữa các quốc gia trong hệ thống chính là yếu tố then chốt đối với an ninh của mỗi quốc gia. Vì thế các quốc gia tìm cách nâng cao quyền lực, vì càng có nhiều quyền lực thì vị trí của nước đó trong hệ thống thế giới càng cao và an ninh của quốc gia đó càng được đảm bảo.


Chủ nghĩa kiến tạo
lại cho rằng bản sắc, các chuẩn tắc, niềm tin và các giá trị cũng mang tính cấu trúc và tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ lên các hoạt động chính trị – xã hội. Chủ nghĩa kiến tạo nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của những cấu trúc chuẩn tắc tương đương nếu không nói là vượt trội hơn so với cấu trúc vật chất. Theo các nhà kiến tạo, mỗi quốc gia có một bản sắc quốc gia, hay cách quốc gia đó nhận thức về bản thân mình, và bản sắc quốc gia này giúp định hình các mục tiêu mà quốc gia đó theo đuổi, như an ninh, chính sách đối ngoại hay phát triển triển kinh tế. Tuy nhiên cách thức mà các quốc gia hiện thực hóa các mục tiêu này như thế nào lại phụ thuộc vào bản sắc xã hội, hay là cách các quốc gia nhận thức về bản thân mình trong mối quan hệ với các quốc gia khác trong xã hội quốc tế. Các quốc gia sẽ xác định lợi ích quốc gia của mình dựa trên cơ sở là những bản sắc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét