30/8/15

SỰ TRỖI DẬY VÀ VỊ THẾ GIA TĂNG CỦA ẤN ĐỘ

Thế giới và Việt Nam, mục Thế giới toàn cảnh
Sự trỗi dậy và vị thế gia tăng của Ấn Độ
Vai trò và vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế thời gian qua tăng cao khiến Mỹ không thể không nhận ra sức mạnh tương lai cũng như vai trò quan trọng của nước này trong chính sách “xoay trục” trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Đầu thế kỉ XXI, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều tác động đến tình hình nước Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm suy giảm nghiêm trọng vai trò của Mỹ tại khu vực này. Do đó, từ năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực này nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng.
Những lợi ích chung
Mỹ và Ấn Độ có lợi ích chiến lược lâu dài hợp tác để đối phó với “nguy cơ” từ Trung Quốc. Trong lịch sử, quan hệ Trung - Ấn vốn tồn tại nhiều bất ổn và tranh chấp lẫn nhau. Ấn Độ cũng đang vấp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm… Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về mặt quân sự cũng không khỏi gây cho Dehli sự lo lắng.
Cùng với Ấn Độ, Mỹ cũng tỏ ra quan ngại khi cho rằng “Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với những lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Á”. Vì vậy, trong chính sách xoay trục, Mỹ phải tiếp tục nuôi dưỡng một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Trong tình hình xuất hiện nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc như hiện nay, Mỹ cho rằng, “sự trỗi dậy của Ấn Độ dân chủ và ngày càng hùng mạnh đem lại cơ hội tích cực duy nhất để thúc đẩy những lợi ích toàn cầu của Mỹ”.
Như vậy, xuất phát từ lợi ích chung khi đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Trong thời gian gần đây, quan hệ thương mại Ấn Độ - Mỹ cũng có những chuyển biến tích cực. Ấn Độ ngày càng trở thành thị trường quan trọng của Mỹ.
Kim ngạch thương mại Mỹ - Ấn giai đoạn 1990 – 2011
Đơn vị: Tỷ USD
Năm
1990
1995
2000
2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
Mỹ XK
2.5
3.3
3.7
7.9
9.7
15.1
17.7
16.4
19.3
21.6
Mỹ NK
3.2
5.7
10.7
18.8
21.8
24.1
25.7
21.2
30.0
36.2
Cân bằng
-0.7
-2.4
-7.0
-10.9
-12.1
-9.0
-8.0
-4.8
-10.7
-14.6
Nguồn: Phạm Thái Quốc (cb, 2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.127.
Qua bảng số liệu, chúng ta nhận thấy cán cân thương mại giữa xuất và nhập khẩu của Mỹ với Ấn Độ luôn âm và tình trạng thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng lớn. Năm 2000, mức độ thâm hụt là 0,7 tỷ USD thì năm 2011 đã tăng lên 14,6 tỷ USD (tăng gần gần 21 lần). Do đó, Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của mình.
Ấn Độ là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc. Đến năm 2030, Ấn Độ dự kiến sẽ có dân số lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ ba. Vì vậy, Mỹ nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với Ấn Độ. Tổng thống Obama từng đánh giá cao sự phát triển của Ấn Độ và cho rằng “từ Chính sách Hướng Đông cho đến những đóng góp cho an ninh hàng hải của Ấn Độ lẫn việc họ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức khu vực, Ấn Độ có thể làm được nhiều điều cho châu Á và thế giới”. Đồng thời, Tổng thống Obama cũng cho rằng “trong thập kỷ qua, Ấn Độ và Mỹ đã phát triển một quan hệ đối tác toàn cầu quý giá…”. Rõ ràng, tuyên bố trên đã chứng minh cho vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong chính sách của Mỹ ở châu Á.
Những chuyển biến tích cực
Thời gian qua, quan hệ Mỹ - Ấn đang có nhiều chuyển biến tích cực. Cuối tháng 1/2014, nhiều thông tin nghiên cứu cho thấy Mỹ đang tiếp cận Ấn Độ thông qua việc thiết lập các đơn vị quân đội và tình báo tại nước này nhằm chống lại các nhóm khủng bố ở Pakistan, vốn đe dọa lợi ích của cả Mỹ lẫn Ấn Độ. Đây có thể được xem là “sự thay đổi trong nhận thức” về Ấn Độ của Mỹ. Mục đích quan trọng trong sự thay đổi này của Mỹ nhằm thể hiện nỗ lực của Washington trong việc tạo một mắt xích mới trong chính sách bao vây Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Ấn không ngừng được Tổng thống Obama quan tâm và tìm cách tăng cường. Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 25-27/1 vừa qua của Tổng thống Obama, hai bên đã cùng thừa nhận về sự “bất an trước những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời quan tâm hơn tới các cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc”. Chính sự tương đồng trong nhận thức này đã thúc đẩy Mỹ nâng tầm quan hệ với Ấn Độ. Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký tuyên bố chung và tái khẳng định "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không". Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cấp cao cũng đồng ý ký hiệp định hợp tác quân sự mới - “Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn” (thời hạn 10 năm). Theo đó, hai nước đã nhất trí là trong tương lai sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hơn. Hiệp định nói trên cũng kêu gọi Washington và New Dehli tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Ngược lại, Thủ tướng Ấn Độ cũng muốn thông qua sự hợp tác với Mỹ để nâng cao vai trò của nước này tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm góp sức để cân bằng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong tổ chức này. Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ quyết tâm giữ một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại châu Á với chính sách mang tên "hành động Phương Đông". Chính sách này của Ấn Độ cũng gần giống với chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Mục đích chung của hai nước nhằm kiềm chế sự trỗi dậy về mọi mặt Trung Quốc tại khu vực châu Á.
Nhận định về những động thái này, tờ South China Morning Post cho rằng, “chuyến thăm và sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama với tư cách khách mời danh dự tại lễ diễu hành nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ hôm 26/1 đã làm nổi bật mối quan hệ đang ngày càng khăng khít hơn giữa hai nước, đồng thời gửi đi thông điệp rằng nếu cần thiết, Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ bắt tay để cùng đối phó Trung Quốc.
Rõ ràng, Trung Quốc cũng rất quan ngại khi quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng tốt đẹp hơn. Sự hợp tác này mang lại thời cơ cho cả Ấn Độ và Mỹ trong sự phát triển và nâng cao vị thế của hai nước. Ấn Độ đã trở thành nhân tố “trực tiếp” và là “đối tác chiến lược” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tùng Lâm, nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/8/3E2B060F243F2AD2/, truy cập ngày 30/8/2015.


3/8/15

Liệu Mỹ đã biết trước nhưng lừa Nhật tấn công Trân Châu Cảng?

Liệu Mỹ đã biết trước nhưng lừa Nhật tấn công Trân Châu Cảng?

Liệu Mỹ đã biết trước nhưng lừa Nhật tấn công Trân Châu Cảng?
1. Cuộc tấn công không báo trước
Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng,
Trong vòng vài giờ, quân Nhật cũng đánh Philippines, Wake Island, Guam cùng các mục tiêu khác ở Thái Bình Dương. Các căn cứ của Mỹ ở nơi nào cũng bị bất ngờ.
Điều kì lạ là các căn cứ quân sự Mỹ không hề được cảnh báo về một cuộc tấn công quy mô lớn của Nhật.
Vì thế khi quân Nhật tấn công, quân đội Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ, toàn bộ các chiến hạm của Mỹ đều bị đánh chìm hoặc bị hư hỏng nặng, 2400 lính Mỹ thiệt mạng.
chiến hạm USS West Virginia bị đánh chìm
Chiến hạm USS West Virginia bị đánh chìm.
Một ủy ban của quốc hội Mỹ đã tiến hành điều trần sâu rộng về thảm họa Trân Châu Cảng sau khi chiến tranh kết thúc.
Trong số những kết luận được đưa ra có kết luận rằng lực lượng Mỹ đã tập trung quá nhiều vào huấn luyện đến nỗi họ bị “mù” trước một cuộc tấn công có thể xảy ra.
Các chỉ huy quân đội Mỹ đã quá lo lắng về sự phá hoại đến nỗi họ “khóa” hết các kho đạn dược chống máy bay, thay vì phân phát nó cho các điểm bắn. Hải quân không duy trì các cuộc tuần tra bằng máy bay trên biển do thiếu thiết bị.
Ngoài ra, hai nhà sử học Jonathan Parshall và J. Michael Wenger cho biết trên tạp chí Lịch sử Hải quân lý do Mỹ bị bất ngờ là các chỉ huy không hiểu được một cuộc chiến với sự tham gia của tàu sân bay phát triển nhanh tới mức nào.
2. Liệu đây có phải khổ nhục kế của Roosevelt
Tuy nhiên, càng điều tra người ta càng phát hiện ra những điều bí ẩn và khó giải thích. Nhiều người cho rằng đây chính là một khổ nhục kế của Chính phủ Mỹ.
Dù chính phủ Mỹ gọi đây là '' cuộc tấn công bất ngờ '' của Nhật Bản, nhưng giới chức lại cho rằng Tổng thống Roosevelt biết trước về cuộc tấn công này.
Tuy nhiên ông đã chọn cách “im lặng” vì ông tin rằng cú sốc của cuộc tấn công sẽ thuyết phục người Mỹ về sự cần thiết can dự vào cuộc chiến.
Quả nhiên, chỉ một ngày sau vụ tấn công ở Trân Châu Cảng, được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Roosevelt tuyên chiến với Nhật Bản, chính thức đưa nước Mỹ tham gia vào Thế chiến thứ 2.
Điều đó càng có sức thuyết phục hơn khi người ta đặt câu hỏi tại sao radar của quân Mỹ không thể phát hiện nổi 6 tàu chiến của Nhật chở theo 400 chiếc máy bay đậu cách mục tiêu 350km?
Tối 6/12/1941, ngay trước ngày Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, tại Nhà Trắng, Tổng thống Roosevelt triệu tập một cuộc họp hiếm có mà thành phần tham dự là những cố vấn chiến tranh cao cấp.
Bao gồm trong đó có Đô đốc hải quân Mỹ Knox, Tư lệnh Tác chiến hải quân Stark, Bộ trưởng Chiến tranh Stimson và Cố vấn Tình báo Harry Hopkins.
Không khí trong phòng Bầu dục hết sức nặng nề. Dường như họ đang chờ đợi những gì sắp xảy ra với hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng?
USS Pennsylvania, phía sau xác tàu đắm của những tàu khu trục USS Downes và USS Cassin
USS Pennsylvania, phía sau xác tàu đắm của những tàu khu trục USS Downes và USS Cassin
Theo cơ quan giải mã MAGIC của Mỹ, năm 1941, trung bình mỗi tuần, MAGIC thu và giải 200 bản mật mã, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến Trân Châu Cảng. Ví dụ, ngày 24/9/1941, hải quân Nhật gửi điện mật đến Lãnh sự quán Nhật tại Mỹ yêu cầu tìm hiểu vị trí neo đậu của các quân hạm Mỹ tại Trân Châu Cảng. 
Hay ngày 18/11/1941, Lãnh sự quán Nhật đánh điện mật thông báo cho quân đội Nhật biết về thời gian cũng như góc độ thay đổi phương hướng của những quân hạm Mỹ sau khi tiến vào Trân Châu Cảng…
Có thể thấy thông qua những hoạt động giải mã của MAGIC, chính phủ Mỹ Chính phủ Mỹ đã gần như nắm được toàn bộ ý định của Nhật nhằm vào Trân Châu Cảng. Thế nhưng chính quyền Mỹ lại không hề thông báo cho Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương E.Kimmel và Tư lệnh Căn cứ Hawaii - Trung tướng lục quân Walter Short, về việc quân hạm Thái Bình Dương sắp bị Nhật Bản tấn công.
3. Những hoạt động đáng ngờ.
Trước ngày Trân Châu Cảng bị tấn công, các hoạt động tăng cường và rút lui các tàu chiến tại hạm đội Thái Bình Dương đặt ra nhiều nghi vấn.
Đầu năm 1941, ¼ lực lượng tác chiến của hạm đội Thái Bình Dương gồm một tàu hàng không mẫu hạm, ba chiến hạm chủ lực, 4 tàu tuần dương, 17 tàu bảo vệ được điều động sang hạm đội khác. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng điều những sĩ quan giỏi nhất trong hạm đội ở Trân Châu Cảng và đội thủy binh đến hạm đội khác.
Thêm nữa, dù Đô đốc Kimmel từng nhiều lần trình bày với Tư lệnh tác chiến hải quân Stark về tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh cho hạm đội Thái Bình Dương, song Chính phủ Mỹ không hề lưu tâm.
Trong thư gửi Tư lệnh Stark ngày 22/9/1941, Đô đốc Kimmel viết: “Một hạm đội Thái Bình Dương mạnh sẽ là một sự đe doạ với người Nhật, còn một hạm đội yếu, mỏng sẽ thu hút sự chú ý của Nhật. Trước khi chúng ta có đủ thực lực để chống lại Nhật, chúng ta sẽ thất thủ ở Trân Châu Cảng”.
4. Tại sao phải dùng khổ nhục kế?
Theo nhà sử học Charles Beard, chính thái độ không quan tâm đến cuộc chiến của người dân Mỹ đã thúc đẩy ông Roosevelt dùng khổ nhục kế cho quân Mỹ.
Tổng thống Roosevelt quyết định phải đưa nước Mỹ vào cuộc chiến trước khi các nước phát xít chinh phục toàn châu Âu và Á. Do vậy, Tổng thống dùng đến “khổ nhục kế” này. 
Đó là lí do vì sao ông Roosevelt điều ba mẫu hạm chủ lực ra khỏi Trân Châu Cảng để làm giảm tổn thất cho quân Mỹ
Tuy nhiên, nếu dùng khổ nhục kế này tại sao Roosevelt không rút quân số xuống mức 1500 người, điều mà nhiều người Mỹ thắc mắc, và cộng với việc thiếu chứng cứ xác thực nên đến nay, có hay không '' khổ nhục kế '' của người Mỹ vẫn là một bí ẩn.

Jean Lacouture - cây bút đại thụ luôn sát cánh với Việt Nam.

Jean Lacouture - cây bút đại thụ luôn sát cánh với Việt Nam

Nhà báo, nhà văn, nhà viết tiểu sử Jean Lacouture trong phòng làm việc của mình thời trẻ. (Nguồn: Báo Le Monde)

Truyền thông Pháp ngày 17/7 đã đồng loạt đưa tin và có bài viết bày tỏ sự kính trọng, niềm thương tiếc trước sự ra đi của một nhà báo-nhà viết tiểu sử nổi tiếng Jean Lacouture.

Tổng thống Pháp François Hollande gọi Jean Lacouture là "chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi cho tiến trình phi thực dân hóa," "một nhà báo độc lập, can đảm và đam mê, đã viết lại lịch sử Pháp đúng như những gì đã diễn ra."

Còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls thì viết trên trang Twitter của mình: "Là nhà văn lớn, ông có cuộc đời phong phú giống như cuộc đời của các nhân vật mà ông đã viết tiểu sử. Tư tưởng của ông sẽ còn mãi với những người theo cánh tả và nước Pháp."

Jean Lacouture - cây bút đại thụ của làng báo chí Pháp, người luôn ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam và có sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã qua đời ngày 16/7 ở tuổi 94 tại quê hương ông - làng Roussillon, tỉnh Vaucluse, vùng Đông Nam nước Pháp. 

Nhà báo nổi tiếng đã để lại một di sản vô cùng phong phú với hàng nghìn bài báo và 71 cuốn sách viết về tiểu sử của nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng của Pháp và thế giới trong thế kỷ 20 trong đó có Tướng Charles de Gaulle, Tổng thống Pháp François Mitterrand, Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Sinh ngày 9/6/1921 tại Bordeaux, Jean Lacouture tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris, trở thành tùy viên báo chí của Tướng Leclerc vào cuối Thế chiến II. 

Sau chiến tranh, ông cộng tác với các báo Combat, France-Soir, Nouvel Observateur. Jean Lacouture có sức làm việc ấn tượng cộng với khả năng tổng hợp tài tình khiến báo giới phải nể phục.

Trong gần 20 năm, từ 1957-1975, ông làm việc tại báo Le Monde. Jean Lacouture từng giữ chức vụ Trưởng ban Hải ngoại và được tặng danh hiệu Nhà báo lớn (Grand reporter) - danh hiệu mà báo chí Pháp dành cho những ngòi bút sắc sảo, có bản lĩnh. 

Trong những năm 1950, ông theo dõi và đưa tin về các cuộc khủng hoảng tại Tunisia và Maroc, về cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương. Chính công việc này cùng với các lần gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp hình thành trong ông quan điểm phản đối các chính sách thực dân và các cuộc chiến tranh tại các nước thuộc địa. 

Jean Lacouture đến Đông Dương lần đầu vào năm 1946, trở lại vào đầu những năm 1950 và sau đó còn quay lại nhiều lần.

Qua các bài báo, ông thể hiện quan điểm cánh tả tiến bộ của mình. Ông cũng không giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủng hộ dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Cuốn sách "Việt Nam giữa hai nền hòa bình" được nhà xuất bản Le Seuil ấn hành năm 1965 tập hợp nhiều bài báo, phần lớn được in trên báo Le Monde từ năm 1959 đến năm 1965, trong đó, ông đã chỉ rõ những cơ hội hòa bình bị đánh mất vào năm 1946 khi các thế lực hiếu chiến ở Pháp quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa.

Ông cũng nêu bật việc Mỹ thế chân Pháp tại miền Nam Việt Nam với suy nghĩ rằng Mỹ sẽ làm tốt hơn Pháp trong việc "ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản," nhưng đã phạm phải sai lầm khi dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm và sa lầy vào một cuộc chiến tranh không nhìn thấy hồi kết. 

Jean Lacouture cũng là tác giả của cuốn "Hồ Chí Minh" được Nhà xuất bản Le Seuil ấn hành năm 1967 và được tái bản năm 1976. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều cuốn sách khác về Việt Nam chủ yếu về thời kỳ chống Mỹ cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. 

Ngày 5/9/1969, ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Jean Lacouture đã có bài viết chiếm nhiều cột trên trang nhất và các trang tiếp theo của báo Le Monde về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam với nhan đề: "Nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng."

Bài báo đã điểm lại những mốc chính và bước ngoặt trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tuổi thơ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương cách mạng, cho đến ngày bước chân lên con tàu buôn Latouche-Tréville làm phụ bếp, ra đi tìm đường cứu nước, những đêm người thanh niên yêu nước trằn trọc mất ngủ viết "Bản án chế độ thực dân Pháp" và chặng đường cách mạng tiếp theo với bao gian nan thử thách. 

Bài báo cũng cho biết trong mọi hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, nhưng không bao giờ từ bỏ nguyên tắc và xa rời mục tiêu là đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam, hòa bình cho đất nước Việt Nam. 

Trong tháng Ba vừa qua, báo Le Monde cũng đã xuất bản cuốn sách "Hồ Chí Minh, nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam." Ðây là tập số 11 trong bộ sách lịch sử gồm 20 tập mang tên "Những người làm thay đổi thế giới."

Cuốn sách đã tập hợp nhiều bài báo được in trên báo Le Monde của nhiều tác giả viết về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của Việt Nam trong đó có nhiều bài viết của tác giả Jean Lacouture.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những bài viết của Jean Lacouture được đăng trên báo Le Monde, tờ báo có uy tín nhất tại Pháp đã tác động đến một bộ phận chính giới và người dân Pháp về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ. 

Các bài báo của ông cũng là nguồn cổ vũ động viên cho kiều bào và sinh viên Việt Nam, giúp cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thêm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Năm 2013, Jean Lacouture đã được tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vì những đóng góp vào tiến trình phi thực dân hóa những năm sau Thế chiến II và hơn 70 tác phẩm để lại cho lịch sử. Trước đó, năm 2003, ông cũng được nhận Giải thưởng lớn về Lịch sử của Viện Hàn lâm Pháp../. 
ngồn: http://www.vietnamplus.vn/jean-lacouture-cay-but-dai-thu-luon-sat-canh-voi-viet-nam/333335.vnp.