5/10/21

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VÀ AN NINH CHUNG CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU.

 

 CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VÀ AN NINH CHUNG CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU.

Một quốc gia hay một tổ chức, một liên minh mạnh trước hết phải có một chính sách đối ngoại mạnh, hoàn chỉnh, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và hiệu quả. Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu sau chiến tranh lạnh đến nay, thực tế, là một chính sách đối ngoại mạnh, hiệu quả và được hoàn chỉnh, phù hợp theo thời gian. Có lẽ vì thế mà đã từ lâu nay, bên cạnh các cường quốc trên thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đã luôn tồn tại một “cường quốc đặc biệt” – Liên minh châu Âu. Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu sau chiến tranh lạnh được chia làm ba giai đoạn như sau: Chính sách dựa trên Hiệp ước Masstricht; Chính sách châu Á mới; Chính sách đối ngoại sau sự kiện 11-9.

 Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu là giữ cho châu Âu có một nền hoà bình lâu bền và về cơ bản là hoà bình với Mỹ thì từ sau chiến tranh lạnh, chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu được điều chỉnh qua Hiệp ước Masstricht (Hà Lan) 7-2-1992. Hiệp ước này xác định chính thức các vấn đề liên quan đến khối đồng tiền chung duy nhất châu Âu, cơ chế vận hành các thể chế châu Âu, chính sách đối ngoại và an ninh chung, chương trình hợp tác chung, trương trình hợp tác tư pháp. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 1-1-1993. Chính sách này quy định rõ ràng đối với toàn bộ châu Âu và thế giới.

Thứ nhất, đối với châu Âu, các nước liên minh châu Âu đặt ra các mục tiêu chiến lược là: Xây dựng một châu Âu thống nhất, không ranh giới với một nền kinh tế ổn định và phát triển cao; Tăng cường an ninh của liên minh và của các nước thành viên dưới mọi hình thức.  Để đạt được các mục tiêu chiến lược này, các nước Liên minh châu Âu nêu ra một số biện pháp thực hiện. Các biện pháp này nhằm đẩy mạnh các quan hệ giữa liên minh với toàn bộ các nước trong khu vực.

Biện pháp thứ nhất là xây dựng một “Liên bang châu Âu” hay ngôi nhà chung châu Âu. Ý tưởng này đã có từ lâu và đến năm 1992 Hiệp ước Masstricht, thông qua nhiều nội dung, đã đánh dấu những nỗ lực thống nhất châu Âu của họ. Trước hết là việc thành lập liên minh kinh tế tiền tệ. Liên minh sẽ dùng đồng tiền chung từ ngày 31-12-1996. Tuy vậy nếu đến cuối năm 1997 vẫn chưa thực hiện được việc này thì bắt buộc phải dùng đồng tiền thống nhất từ ngày 1-1-1999[1]. Điều đó giúp cho châu Âu sẽ đạt tới sự tiến bộ cân đối về kinh tế và xã hội, tạo cho Liên minh châu Âu một không gian chung, một sân chơi chung rộng lớn.

Mặt khác, để tiến tới một châu Âu thống nhất, Liên minh châu Âu tập trung vào việc thiết lập ba vành đai kinh tế: Các nước trong cộng đồng châu Âu, Hiệp hôi mậu dịch tự do châu Âu và một số nước Đông Âu. Trong đó cộng đồng châu Âu là vành đai hạt nhân của Liên minh. Xây dựng được ba vành đai này, Liên minh châu Âu sẽ có cơ sở để thống nhất châu Âu.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn để đi đến thống nhất châu Âu là các quốc gia châu Âu phải có hành động chung. Việc xác định trong trường hợp nào các nước có hành động chung được trao trách nhiệm chủ yếu cho Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, các nhà nước thành viên Liên minh châu Âu không được tiến hành bất cứ hoạt động nào đi ngược lợi ích chung của Liên minh. Như vậy các quốc gia thành viên sẽ cùng hành động trong một khuôn khổ chung, vì một lợi ích chung của Liên minh.

Biện pháp thứ hai là thiết lập một nền an ninh chung châu Âu. Trước hết các nước Liên minh châu Âu phải xác định được một chính sách quốc phòng chung và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xây dựng một nền quốc phòng chung.

Một tổ chức giữ gìn an ninh châu Âu đã được thành lập, đó là tổ chức “An ninh và hợp tác châu Âu” (OSCE). Về lâu dài, tổ chức này có thể nắm quyền kiểm soát toàn châu Âu. Dù OSCE hầu như không có quyền lực hành chính nhưng OSCE đã nổi lên như một diễn đàn thực sự được tín nhiệm và như là người trọng tài để giải quyết các xung đột, các rắc rối xảy ra ở lục địa châu Âu.

Bên cạnh đó, để thiết lập nền an ninh châu Âu, các nước Liên minh châu Âu cũng như liên bang châu Âu thiết lập quốc tịch liên bang. Nghĩa là: Bất cứ công dân nào của liên bang cũng đều có quyền tự do đi lại và sinh sống trên lãnh thổ của các nước thành viên; Công dân liên bang cũng có quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử cấp địa phương và bầu cử Nghị viện châu Âu khi công dân đó đang sống ở một nhà nước thành viên khác.

 Thứ hai, đối với các nước khác trên thế giới, các nước Liên minh châu Âu thống nhất những mục tiêu: Giữ gìn hoà bình, tăng cường an ninh quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc của định ước Helxinki; Khuyến khích hợp tác quốc tế. Các biện pháp mà Liên minh châu Âu sử dụng để thực hiện những mục tiêu này là:

Để giữ gìn hoà bình, tăng cường an ninh quốc tế, các nước Liên minh châu Âu khẳng định trong quan hệ quốc tế phải tuân thủ theo những nguyên tắc mà Hiến chương Liên Hợp Quốc đã thông qua từ năm 1945. Đó là các nguyên tắc: Bình đẳng về chủ quyền giữa các nước; Tôn trọng và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; Giải quyết hoà bình và các tranh chấp quốc tế; Từ bỏ dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia.

Mặt khác, để thực hiện mục tiêu giữ gìn hoà bình an ninh quốc tế, các nước Liên minh châu Âu cam kết thực hiện Đinh ước Henxinki (Phần Lan) 1-8-1975. Về cơ bản, những nguyên tắc của Định ước Henxinki giống các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Song Định ước có đề cập thêm một nguyên tắc là không quốc gia nào được vi phạm biên giới của các quốc gia khác.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Liên minh châu Âu coi mục tiêu khuyến khích hợp tác quốc tế là hết sức quan trọng, vì Liên minh cần thiết phải có sự hợp tác đa phương, đa dạng với các nước trên thế giới. Quan hệ hợp tác giữa liên minh châu Âu với các nước tập trung vào ba nhóm chính: Các nước công nghiệp phát triển; Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ; Các nước đang phát triển. Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu còn đang trong quá trình xây dựng, quan hệ của Liên minh với ba nhóm nước này chủ yếu dựa trên cơ sở của sự hợp tác về thương mại và về những liên kết chung.

Như vậy, nội dung chính sách đối ngoại giai đoạn đầu sau chiến tranh lạnh của Liên minh châu Âu chủ yếu tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, cần thiết nhất. Đó là việc nhất thể hoá một châu Âu để có thể đối mặt với những vấn đề đặt ra: Bình ổn nội khối, suy thoái về kinh tế, khả năng hợp tác cũng như phòng thủ tập thể kém, hay các vấn đề về xung đột… Mặc dù chính sách đối ngoại này của Liên minh châu Âu còn đang trong quá trình xây dựng và chưa hoàn thiện, nhưng có thể thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình hợp nhất châu Âu, Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra được một chính sách đối ngoại hợp lý, hiệu quả. Và dù chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu sau này có được bổ sung hay hoàn chỉnh hơn cho hợp với xu thế mới, thì chính sách đối ngoại dựa trên Hiệp ước Masstricht vẫn được xem như là nền tảng quan trọng cho những công trình được xây dựng sau này.

 Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, bên cạnh sự suy tàn của Liên Xô, sự hiện diện mờ nhạt của Mỹ ở khu vực châu Á là cơ hội bành trướng của Trung Quốc và sự gia tăng vai trò của Nhật Bản trong khu vực. Bên cạnh Đông Á và một Đông Nam Á đang phát triển năng động là một thị trường châu Âu đang bị bão hoà và có nguy cơ tụt hậu so với Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù mảnh đất châu Á trước đây chưa từng là mối quan tâm của Liên minh châu Âu nhưng xuất phát từ nhu cầu lợi ích của mình, Liên minh châu Âu đã đề ra “Chính sách châu Á mới”. Ngày 14-7-1994 Uỷ ban châu Âu công bố “Chiến lược mới hướng tới châu Á”, trong đó nhấn mạnh Liên minh châu Âu cần phải tiến hành “đối thoại rộng rãi hơn nữa” nhằm xây dựng mối quan hệ “bạn bè có tính xây dựng” với châu Á.

Chiến lược châu Á mới xác định được bốn mục tiêu tổng quát và lĩnh vực cho sự xuất hiện ở châu Á của Liên minh châu Âu. Bốn mục tiêu đó là: Tăng cường sự hiện diện kinh tế tại châu Á để duy trì vai trò dẫn dắt của Liên minh châu Âu trong nền kinh tế thế giới; Đóng gớp cho sự ổn định ở châu Á thông qua tiếp xúc hợp tác kinh tế và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; Thúc đẩy sự hợp tác kém phồn vinh trong khu vực; Đóng góp cho sự phát triển và củng cố dân chủ, cai quản bằng pháp luật, tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác ở châu Á.

Sự phát triển nhanh chóng của Đông Á đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Liên minh châu Âu thoát khỏi khó khăn. Khi mà thị trường châu Âu đang bị bão hoà thì một thị trường mới, năng động ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, được xem như là một lựa chọn thích hợp cho Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, thời gian này Mỹ và Nga cũng giảm bớt sự hiện diện quân sự trực tiếp ở châu Á, một khoảng trống quyền lực xuất hiện ở khu vực. Trong khi đó, lịch sử đã cho thấy, châu Á, dù muốn hay không, luôn cần có sự hiện diện của một cường quốc bên ngoài để duy trì sự cân bằng chiến lược giữa các nước trong khu vực đối lập nhau. Do đó việc Liên minh châu Âu xuất hiện ở đây không chỉ nhằm tạo lập mối quan hệ về kinh tế mà còn nhằm tăng cường, phát huy được vai trò của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cả về chính trị và quân sự. Phát triển quan hệ với châu Á, Liên minh châu Âu sẽ đảm bảo lợi ích của mình ở khu vực này và do đó tạo được đối trọng với các nước trong khu vực này như Trung Quốc, Nhật Bản… qua đó duy trì mục đích hàng đầu là vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới.

Chính sách châu Á mới, như vậy, là một sự điều chỉnh phù hợp trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu trong sự nổi lên mạnh mẽ của châu Á. Chính sách này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Liên minh không chỉ về kinh tế mà còn bước đầu đánh dấu vai trò của Liên minh trong đời sống chính trị, quân sự thế giới.

 Trong sự phát triển của quan hệ quốc tế, những vấn đề phi truyền thống nảy sinh như một tất yếu. Một trong số đó là vấn đề khủng bố. Đặc biệt, sau khi sự kiện 11-9-2001 xảy ra, Liên minh châu Âu không thể đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu dành ưu tiên hàng đầu cho cuộc chiến này. Đấu tranh chống khủng bố luôn là mối quan tâm bao trùm trong các chương trình nghị sự chính thức và không chính thức của Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu đưa ra các biện pháp hợp tác chống khủng bố: Tuyên bố lệnh bắt giữ toàn châu Âu; Chia sẻ thông tin tình báo; Tăng cường an ninh hàng không, hàng hải; Đồng thời Liên minh cũng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoài việc chính sách đối ngoại được điều chỉnh tập trung vào chống khủng bố, Liên minh châu Âu còn có những điều chỉnh chính sách trong quan hệ với các quốc gia, khu vực trên thế giới, đặc biệt là Nga, Mỹ và khu vực Trung Á.  Xin đưa ra đây một số điều chỉnh tiêu biểu của Liên minh châu Âu trong quan hệ với hai đối tác lớn là Nga và Mỹ.

Trong quan hệ với Nga, hội nghị cấp cao giữa Liên minh châu Âu và Nga họp tại Matxcova tháng 5-2002 thông qua tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến luợc Liên minh châu Âu – Nga. Theo đó, Liên minh châu Âu chính thức công nhận Nga là nước có nền kinh tế thị trường tự do. Sự thừa nhận này được xem như “giấy thông hành” không chỉ để hàng hoá Nga thâm nhập một cách bình đẳng vào thị trường các nước Liên minh châu Âu mà còn là điều kiện để Nga đàm phán gia nhập WTO. Không dừng lại ở đó, quan hệ hai bên còn có những bước tiến dài trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự. Điểm đặc biệt quan trọng là Liên minh châu Âu đã thay đổi thái độ về vấn đề Tresnia của Nga[2], trong khi trước đó không lâu cũng chính Liên minh này đã đi đầu trong việc công khai lên án rồi tuyên bố cấm vận để trừng phạt Nga về việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Tresnia.

Trong quan hệ với Mỹ, mặc dù hai bên còn có những bất đồng về một số vấn đề như: Mỹ không phê chuẩn Nghị đinh thư Kyoto, Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM, hay việc Liên minh châu Âu chỉ chích Mỹ quay về chủ nghĩa biệt lập… Liên minh châu Âu đã gạt sang một bên những mâu thuẫn này để sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Có thể thấy, trong cuộc chiến ở Afghanistan do Mỹ dẫn đầu, quân đoàn châu Âu đã tham gia với một lực lượng hùng hậu gồm 60.000 quân từ các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ và Luxemburg[3].

Có thể thấy, sau sự kiện 11-9, chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu không còn dừng lại ở việc hoạch định ra một chính sách nhằm thống nhất châu Âu. Chính sách đối ngoại này cũng không chỉ dừng lại ở việc xác định một “Chính sách châu Á mới” có lợi cho sự phát triển của Liên minh. Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu đã chuyển sang một trang mới: Liên minh châu Âu đã có những hành động trong lĩnh vực chính trị, quân sự trong quan hệ quốc tế. Tầm ảnh hưởng của Liên minh trong đời sống thế giới, có thể nói, đã không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn tràn sang các lĩnh vực chính trị, quân sự. Liên minh châu Âu cũng đã có uy tín trên trường quốc tế chứ không phải chỉ ở khu vực.

Dù vậy nếu chỉ nhìn Liên minh châu Âu dưới lăng kính chính sách đối ngoại và an ninh chung có thể sẽ không đánh giá đúng vị trí cũng như vai trò của Liên minh này trong quan hệ quốc tế hiện nay. Liên minh châu Âu còn thực sự là một tác nhân quan trọng trong quan hệ quốc tế.



[1] “Chính sách đối ngoại của các nước sau chiến tranh lạnh” (tr 70 – 71). Th.S Nguyễn Xuân Phách. Hà Nội 2000.

[2] “Nghiên cứu châu Âu – European Studies Review” (tr42)  Số 6(54).2003.

Các trường phái cơ bản trong nghiên cứu QHQT

 

Các trường phái trong nghiên cứu QHQT


Chủ nghĩa tự do (liberalism)
hay cách “tiếp cận tự do” là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Xuất hiện từ thời kỳ cải cách tôn giáo thế kỷ 16 ở Châu Âu, chủ nghĩa tự do đã phát triển thành một trường phái gồm nhiều nhánh tư tưởng khác nhau mặc dù cùng chung những giả định cơ bản. Theo đó, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, hạn chế vai trò của nhà nước, nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật đồng thời bảo vệ các quyền tự do dân sự cá nhân, quyền sở hữu tư nhân… Theo đó, đối với chính trị trong nước, chủ nghĩa tự do cho rằng các chính thể cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của các cá nhân, đặc biệt là các quyền tự do dân sự, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động của nền kinh tế.


Chủ nghĩa tân tự do
(neo-liberalism), còn được biết đến với tên gọi “chủ nghĩa tự do thể chế” (institutional liberalism), là một dòng nghiên cứu quan trọng trong các lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tân tự do ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước.

Chủ nghĩa hiện thực, bên cạnh chủ nghĩa tự do, là một trong hai trường phái lý thuyết quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế, được hình thành từ lâu đời và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư duy hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia. Chủ thể chính trong hệ thống quốc tế là các quốc gia – dân tộc có chủ quyền trong khi các chủ thể khác như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các nhóm hay các cá nhân không có vai trò đáng kể. Về bản chất, hệ thống quan hệ quốc tế là một hệ thống vô chính phủ, không tồn tại một quyền lực đứng trên các quốc gia nhằm điều chỉnh và quản lý mối quan hệ giữa họ với nhau.

Chính vì vậy mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài.

Chủ nghĩa hiện thực cổ điển

Cũng cho rằng các quốc gia luôn tìm cách theo đuổi quyền lực nhưng chủ nghĩa hiện thực cổ điểncho rằng chính bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người đã khiến các quốc gia và các cá nhân đặt lợi ích dưới dạng quyền lực lên trên các giá trị khác. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân trong chính trị quốc tế. Theo đó, Hans Morgenthaus, một trong những học giả chủ chốt của tư tưởng hiện thực cổ điển nhận xét rằng con người, tự bản thân nó, là con người của quyền lực, thể hiện qua việc chiếm đoạt hay tích lũy các nguồn lực để đạt đến mục đích cá nhân của mình. Dưới góc nhìn xã hội học, xu hướng theo đuổi quyền lực là nguyên tắc có thể tìm thấy trong mọi kết cấu tổ chức giữa người với người: từ nhà thờ cho tới các hội đoàn. Nơi nào có các nhóm liên kết giữa các cá nhân thì nơi đó xuất hiện các cuộc chiến giành quyền lực. Vì vậy, các quốc gia theo đuổi quyền lực và chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia bắt nguồn từ bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người, đặc biệt là cá nhân các nhà lãnh đạo.

Chủ nghĩa tân hiện thực

Khác với chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân, chủ nghĩa tân hiện thực nhấn mạnh cấp độ phân tích hệ thống quốc tế khi phân tích nguyên nhân các quốc gia tìm cách theo đuổi quyền lực. Theo đó, các nhà tân hiện thực cho rằng trong một hệ thống vô chính phủ, sự phân bổ quyền lực tương đối giữa các quốc gia trong hệ thống chính là yếu tố then chốt đối với an ninh của mỗi quốc gia. Vì thế các quốc gia tìm cách nâng cao quyền lực, vì càng có nhiều quyền lực thì vị trí của nước đó trong hệ thống thế giới càng cao và an ninh của quốc gia đó càng được đảm bảo.


Chủ nghĩa kiến tạo
lại cho rằng bản sắc, các chuẩn tắc, niềm tin và các giá trị cũng mang tính cấu trúc và tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ lên các hoạt động chính trị – xã hội. Chủ nghĩa kiến tạo nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của những cấu trúc chuẩn tắc tương đương nếu không nói là vượt trội hơn so với cấu trúc vật chất. Theo các nhà kiến tạo, mỗi quốc gia có một bản sắc quốc gia, hay cách quốc gia đó nhận thức về bản thân mình, và bản sắc quốc gia này giúp định hình các mục tiêu mà quốc gia đó theo đuổi, như an ninh, chính sách đối ngoại hay phát triển triển kinh tế. Tuy nhiên cách thức mà các quốc gia hiện thực hóa các mục tiêu này như thế nào lại phụ thuộc vào bản sắc xã hội, hay là cách các quốc gia nhận thức về bản thân mình trong mối quan hệ với các quốc gia khác trong xã hội quốc tế. Các quốc gia sẽ xác định lợi ích quốc gia của mình dựa trên cơ sở là những bản sắc này.

Bài mở đầu Quan hệ Quốc tế

 

Quan hệ quốc tế là mối quan hệ giữa các quốc gia đều có chủ quyền. Mỗi quốc gia đều có quyền quyết định tối cao và tự do. Các quốc gia không ở dưới một uy quyền nào và đối nghịch với nhau, sử dụng quyền lực để thực hiện các mục tiêu và thoả mãn các quyền lợi của quốc gia mình. Quan hệ quốc tế có thể bao gồm nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

- Quan hệ quốc tế là tổng thể những mối quan hệ về kinh tế, chính trị, tư tưởng, luật pháp, ngoại giao, quân sự…giữa những quốc gia & hệ thống quốc gia với nhau, giữa các giai cấp chính, các lực lượng tổ chức xã hội, kinh tế và chính trị chủ yếu hoạt động trên trường quốc tế (QHQT sau CTTG II. Nxb CTQG, 1962, tr.26).

- Quan hệ quốc tế là hiện tượng xã hội, song là loại quan hệ xã hội có đặc điểm riêng nảy sinh trong quá trình hoạt động của con người liên quan đến môi trường quốc tế. Quan hệ quốc tế này vượt khỏi biên giới quốc gia, có những thay đổi và trở nên vô cùng phức tạp, bởi trong môi trường quốc tế có các cơ chế hoạt động và luật chơi hoàn toàn khác với cơ chế trong nội bộ quốc gia (Vũ Dương Huân, Bản chất và đặc thù của quan hệ quốc tế, Nghiên cứu quốc tế, số 3, 9/2010).

- Quan hệ quốc tế là tất cả các loại hình trao đổi hoạt động, là đối tượng quan hệ giữa các quốc gia và giữa các trao đổi của cá nhân (Krapchenko, Liên Xô).

Chính trị quốc tế là một khía cạnh trong mối quan hệ giữa các quốc gia, trong đó quyền lực được sử dụng để kiểm soát, ảnh hưởng đến hành động của những quốc gia khác và những quốc gia này có quyền lợi đối nghịch nhau nên cũng phải sử dụng quyền lực để chống lại.

Những đặc điểm của Quan hệ quốc tế:

+ Sự tranh giành quyền lực, can thiệp, dính líu vào nước khác

+ Sự duy trì hiện trạng thế giới theo hướng có lợi cho mình.

Những động lực xâm lược của các quốc gia[1]:

+ Địa lý: nới rộng diện tích quốc gia với những lí do như nhu cầu đất sinh sống hoặc mở rộng theo ranh giới tự nhiên.

+ Kinh tế: tìm kiếm lợi ích về tài nguyên, thị trường và cơ hội đầu tư.

+ Chiến lược: xâm lược để đặt quyền kiểm soát ở các địa điểm chiến lược để phòng thủ hay xây dựng các căn cứ tấn công vào các quốc gia lân cận

+ Ý thức hệ: dùng một chính kiến thượng đẳng để biện giải việc bành trướng quyền lực của mình ở các quốc gia nhược tiểu hoặc đối lập.

+ Quyền lực: là nhân tố thúc đẩy các quốc gia kết hợp lại với nhau bởi nhiều nhóm người rộng lớn.

+ Ý tưởng dựa vào những cuộc xâm lược để củng cố an ninh quốc gia. Đó có thể là cách để củng cố vị trí và đảm bảo sinh tồn của quốc gia.

+ Sự hiện diện của giới thượng lưu hiếu động: một số cá nhân hay một nhóm người có thể vì lí do riêng mà chủ trương bành trướng. ngoài ra, họ còn dùng ảnh hưởng của mình để khuyến khích hành động xâm lược.

+ Tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng: chiến thắng ngoại bang gây được tình cảm dân chúng, củng cố lòng tự hào quốc gia và tăng thêm sức ủng hộ cho người lãnh đạo chính phủ.

Trên đây là 8 nguyên nhân để các nước đẩy mạnh quá trình xâm lược, bành trướng lãnh thổ cũng như khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, chúng ta chú trọng vào nội dung chính trị quốc tế. Sự can thiệp, dính líu hay duy trì hiện trạng…là những biểu hiện chính sách tham vọng của tất cả các quốc gia trên thế giới – mà đứng đầu là hai siêu cường: Liên Xô và Hoa Kì từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.



[1] Andrew Gyorgy, Hubert S.Gibbs (1964), Trọng đề trong Bang giao quốc tế, Nghiên cứu Việt Nam, tr 9-10.