VẤN
ĐỀ LƯƠNG THỰC
TRONG
CHÍNH SÁCH CỦA NHẬT BẢN Ở NAM
KÌ (1940 – 1945)
Lê Tùng Lâm·
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tháng 9.1940,
Nhật Bản chính thức xâm chiếm Việt Nam. Từ đó, nhân dân Việt Nam phải
chịu cảnh “một cổ hai tròng” dưới ách
thống trị của Pháp - Nhật. Sự thống trị tàn bạo của Nhật Bản đã làm cho hơn 2
triệu đồng bào miền Bắc Việt Nam chết đói cuối năm 1944 – đầu năm 1945. Vậy mục
đích của Nhật Bản khi nhảy vào Việt Nam là gì? Chính sách của Nhật Bản đối
với Nam Kì như thế nào? Hậu quả của những chính sách đó ra sao?
Nhiều nhà sử học
cho rằng “việc buôn bán lương thực của
Nhật Bản ở Việt Nam
(Đông Dương) - một nguyên nhân chủ yếu đưa tới nạn đói khủng khiếp này”[9,
364]. Không thể phủ nhận nguyên nhân của nạn đói năm 1944 – 1945 ở Việt Nam là
xuất phát từ chính sách bóc lột của đế quốc Pháp-Nhật. Đã 65 năm trôi qua, tội ác của Nhật Bản vẫn còn đó.
Chúng ta không nên cứ ôm mãi quá khứ nhưng cũng không được phép quên quá khứ
đau đớn này. Do đó, việc tìm hiểu, lý giải rõ chính sách của Nhật Bản về vấn đề
lương thực ở Nam Kì là điều cần thiết.
II. NỘI DUNG
1. Nhật Bản xâm
chiếm Đông Dương
Năm 1937, Nhật
Bản mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Từ năm 1939,
Nhật Bản cũng đẩy mạnh quá trình tiến xuống miền Nam châu Á. Tháng 2.1939, Nhật
Bản chiếm đảo Hải Nam (Trung Quốc) và chiếm luôn quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)
vào tháng 3.1939. Đây là bước khởi đầu cho quá trình mở rộng xâm lược xuống
vùng Đông Nam Á – đầu tiên là Đông Dương vì đây là một khu vực có vị trí rất
quan trọng về mặt chiến lược. Nếu chiếm được Đông Dương, Nhật Bản sẽ đạt được
hai mục tiêu:
- Thứ nhất: Ngăn
chặn sự tiếp viện từ bên ngoài cho Trung Quốc bằng con đường từ Hải Phòng tới
Côn Minh và nếu có thể, dùng con đường này để xâm nhập miền Nam Trung Quốc.
- Thứ hai: Nhật Bản
có thể loại bỏ tất cả các cường quốc phương Tây ra khỏi thuộc địa của họ ở Đông
Nam Á để thiết lập “Khu thịnh vượng chung Đại Đông Á”[1, 225].
Như vậy, việc
chiếm được Đông Dương sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc thôn tính toàn bộ
Trung Quốc cũng như để thực hiện kế hoạch thiết lập “Khu thịnh vượng chung Đại
Đông Á” là một vùng rộng lớn “bao gồm Đông
Dương và Indonesia (quần đảo Nam Dương-ND) thuộc Hà Lan” [7, 137] của Nhật Bản.
Để thực hiện kế
hoạch này, ngày 1.8.1940, Bộ Tham mưu Hải quân Nhật Bản công bố tài liệu “Nghiên cứu những chính sách đối với Đông
Dương” đã nêu lên 3 điều khiến Nhật Bản phải nhanh tay làm chủ Đông Dương:
- Làm căn cứ tiến
hành đánh chiếm Miến Điện và Mã Lai.
- Đóng giữ Cam
Ranh – cảng quân sự vào loại tốt nhất thế giới, nằm giữa đường đi Singapore đến
Hồng Kông và cũng có vị trí như vậy từ Biển Đông đến Bangkok, đến Manila, đến
các cảng ở Sarawak và Bắc Borneo.
- Thuận lợi cho
việc tập trung quân nhanh chóng chuyển đến mặt trận Thái Bình Dương một khi
chiến tranh nổ ra [9, 367-368].
Nhằm đẩy nhanh
hơn tiến trình xâm chiếm toàn bộ Đông Nam Á, ngày 2.8.1940 Nhật gởi cho Toàn
quyền Đông Dương – Đô đốc Jean Decoux một yêu cầu tối thiểu về việc di chuyển
những nhóm người Nhật ở Bắc Đông Dương và tự do về bầu trời hàng không.
Ngày 30.8.1940, Đại diện cho chính phủ Vichy
ở Nhật là Arsène Henry và Matsouka – Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật đã ký kết
Hiệp ước về việc bảo vệ chủ quyền Pháp ở Đông Dương với nội dung:
- Chính phủ Nhật cam kết tôn trọng và nhìn
nhận chủ quyền của Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
- Chính phủ Pháp chấp nhận cho quân đội
Nhật tạm đóng ở Bắc Kỳ để sớm giải quyết vấn đề Trung Quốc.
- Hai bộ tư lệnh Pháp và Nhật họp tại Hà
Nội sẽ ký một thỏa ước quân sự ấn định thể thức thi hành thỏa hiệp chính trị [1].
Hiệp ước này đã đánh dấu sự nhượng bộ của
thực dân Pháp trước Nhật Bản và cũng mở đầu cho quá trình hợp tác Pháp-Nhật tại
Đông Dương. Sở dĩ chính quyền Vichy chấp nhận điều kiện đó của Nhật vì Đông Dương
là cửa sổ bên ngoài của chính phủ Tưởng Giới Thạch khi rút về Trùng Khánh, là
chiếc chìa khóa chiến lược để đi vào toàn bộ vùng Đông Nam Á […]. Sự riệu rã
đột ngột của chế độ thực dân Pháp do sự sụp đổ về quân sự và chính trị vào
tháng 6.1940 ở chính quốc [3, 51].
Trong khi đó, ở
Đông Dương, Jean Decoux vẫn kiên quyết không chấp nhận những yêu cầu của Nhật
Bản với lý do: chưa nhận được chỉ thị từ chính phủ Vichy. Trước sự cứng rắn của Toàn quyền
Decoux, đúng 23 giờ ngày 22.9.1940,
quân Nhật từ miền Nam Trung Quốc tấn công vào các đồn binh Pháp ở Bắc Kỳ. Quá
thất vọng trước sự lưỡng lự của Pháp cho họ tự do đi qua thuộc địa, những chỉ
huy địa phương của Nhật đã nhanh chóng xua quân tràn vào hai đồn binh ở Lạng
Sơn và Đồng Đăng đánh bại lực lượng hỗn hợp Pháp – Việt trong vài trận đánh ác
liệt nhất mà quân Nhật tham gia tại Việt Nam. Sự thất thủ của Đồng Đăng và Lạng
Sơn đã cho chính quyền Pháp cả ở thuộc địa và lẫn chính quốc thấy rằng, bất
chấp những tuyên bố mạnh miệng, họ vẫn không thể chống lại sức mạnh của quân
Nhật. Cộng tác và thỏa hiệp là lựa chọn thực tế duy nhất nếu Pháp muốn duy trì
quyền kiểm soát Đông Dương [5, 49]. Sự kiện này được Hồ Chí Minh giải thích như
sau: “Người Nhật trở thành chủ nhân đích thực. Người Pháp trở thành một dạng
nô lệ được tôn trọng. Và người dân Đông Dương phải chịu cảnh một cổ hai tròng –
làm nô lệ không chỉ cho người Nhật mà còn là nô lệ của nô lệ”[5, 51].
Như vậy, sau thắng
lợi ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, phát xít Nhật đã chính thức nhảy vào Đông Dương. Từ
đây, nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một
cổ hai tròng” dưới sự thống trị của
Pháp - Nhật. Mục tiêu thật sự của Nhật khi nhảy vào Đông Dương là gì?
2. Vấn đề lương
thực trong chính sách của Nhật ở Nam Kì từ 1941 – 1945
Trong quá trình
xâm lược xuống Đông Nam Á, nỗi bận tâm lớn nhất của giới cầm quyền Nhật Bản chính
là nguồn lương thực để phục vụ cho chiến tranh. Ngay sau khi độc chiếm Việt Nam, Nhật thực hiện triệt để chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, nhằm
cướp đoạt đến cùng sức người, sức của, của nhân dân ta trên tất cả các hoạt
động kinh tế xã hội” [10, 357] để phục vụ cho các hoạt động quân sự của họ.
Tháng 1.1941,
Nhật Bản yêu cầu Toàn quyền Decoux ký thỏa thuận: “xuất 100 tấn gạo từ Sài Gòn sang Nhật và trong 1 năm vận chuyển 1 triệu
tấn gạo cho quân đội Nhật, bao gồm số gạo cung cấp cho hàng chục vạn quân Nhật đang
đóng ở Đông Dương”[13, 178].
Tháng 7.1941, Hiệp
định mới “Hoạch định phòng thủ chung Đông
Dương” (Darlan-Kato) được ký kết. Theo đó, Pháp cho Nhật được quyền đóng
quân và sử dụng các căn cứ, các hệ thống giao thông tại phía Nam Đông Dương,
từ đó, vài tháng sau họ sẽ hành quân chống lại đế quốc Anh [11, 35]. Để thực
hiện kế hoạch này, Tư lệnh Trưởng quân đội Nhật Bản – Terauchi kéo quân vào Nam
Việt Nam
mà không gặp phải kháng cự nào. Đến tháng 11.1941, đã có khoảng 80.000 quân
Nhật (trong tổng số 100.000 quân Nhật ở cả Bắc và Nam Kì) ở vùng này [13,179]. Rõ
ràng, việc có đến 80% quân đội Nhật ở Việt Nam đóng tại Nam Kì đã nói lên được
vai trò quan trọng của khu vực này trong chính sách của Nhật Bản.
Ngay khi vào miền
Nam, “quân đội Nhật giành quyền kiểm soát các sân bay và hải cảng, bao gồm khu
vực xung quanh vịnh Cam Ranh và các sân bay quanh Sài Gòn. Nhật sử dụng căn cứ
Đông Dương để hậu thuẫn cho cuộc tấn công mở rộng Đế chế Mặt Trời mọc xuống
Đông Nam Á” [5, 50].
Như vậy, từ năm 1941, Nam Kì trở thành căn
cứ xuất phát của quân Nhật đi đánh chiếm xuống vùng Đông Nam Á. Để đảm bảo cho
thắng lợi quân sự, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc buộc thực dân Pháp phải cung cấp
nguồn lương thực cho quân Nhật. Gạo Việt Nam được sử dụng để nuôi quân Nhật và xuất
khẩu sang đảo quốc này. Gạo và ngô còn được dùng để chưng cất thành cồn bù vào
sự thiếu hụt xăng dầu [5, 53].
Tác giả Futura Motoo cũng cho rằng “tài
nguyên quan trọng nhất mà Nhật trông đợi ở Đông Dương là gạo, việc nhập khẩu
gạo từ Đông Dương sang nước Nhật trong tổng lượng nhập khẩu năm 1940 là 25,9%,
năm 1941 là 25,2%, năm 1942 là 37%, năm 1943 là 56,3% và chiếm tỉ lệ cao nhất
trong thời kì có thể vận chuyển bằng tàu biển […]. Gạo Đông Dương được cấp thêm
cả cho quân đội Nhật triển khai ở khu vực thiếu lương thực” [6, 117]. Do đó, nguồn lương thực của Việt Nam là mục tiêu
quan trọng nhất trong cuộc xâm lược cũng như sự tồn tại của Nhật Bản.
Ngày 9.12.1941, Pháp – Nhật đã ký kết “Hiệp
ước phòng thủ chung”, thừa nhận sự chiếm
đóng của Nhật trên toàn Đông Dương” […]. Riêng về gạo, Pháp phải nộp cho Nhật
năm 1941 là 585.000 tấn, năm 1942 là 973.000 tấn, năm 1943 là 1.023.000 tấn,
năm 1944 là 900.000 tấn [13, 177]. Những chính sách này của Nhật đã được cụ
thể thành các hiệp định sau:
- Hiệp định ngày 18.7.1942 (được ký
kết tại Sài Gòn): Theo đó, “chính phủ Liên bang Đông Dương cam kết giao cho
chính phủ Nhật Bản 1.050.000 tấn gạo và tấm trước ngày 31.10.1942 và 45.000 tấn
bột gạo trắng vào trước ngày 31.12.1942. […] nhưng không bao gồm số dư nợ của
đợt giao 30.000 tấn dự kiến vào tháng 12.1941, được mang sang tháng 1.1942 lên
tới khoảng 24.000 tấn. Như vậy, số gạo xuất cho Nhật trong năm 1942 sẽ là
1.074.000 tấn” [15, 585].
- Hiệp định ngày 25.1.1943 với nội
dung: “chính phủ Đông Dương cam kết giao nộp cho chính phủ Nhật Bản 1.050.000
tấn gạo và tấm cùng 66.000 tấn bột gạo trắng trước ngày 31.12. Số kết toán của
hạn mức gạo, tấm phải nộp năm 1942 chưa nộp tính đến 31.12.1942 lên đến 75.904
tấn phải được giao nộp vào năm 1943, không nằm trong hạn mức 1.050.000 tấn”.
Như vậy, khối lượng toàn bộ số gạo và tấm phải xuất lên đến 1.125.904 tấn [15,
586].
- Hiệp định ngày 5.1.1944 (được ký tại
Sài Gòn) bao gồm các điều khoản chủ yếu: “chính phủ Đông Dương cam kết giao nộp
cho chính phủ Nhật 900.000 tấn gạo và tấm. Tuy nhiên, chính phủ Đông Dương cam
kết sẽ giao tối thiểu một khối lượng gạo 585.000 tấn gồm các loại 1-2-3 (tức
loại 25%, 40% và 50% tấm) và một khối lượng tối đa gồm: 135.000 tấn gạo trắng
có chất lượng bằng hay hơn loại gạo tròn và dài 20% tấm; 135.000 tấn gạo cargo
(gạo không đóng bao); 45.000 tấn tấm” [15, 587].
Như vậy, lương thực của Đông Dương chiếm
giữ một vai trò rất quan trọng trong chính sách xâm lược, mở rộng lãnh thổ của
Nhật Bản. Gạo của Việt Nam không chỉ cung cấp cho quân đội mà còn cung cấp cho
cả nước Nhật. Tuy nhiên, đây là số lượng gạo quá lớn so với sức cung cấp của
Đông Dương. Do đó, thường thực dân Pháp không cung cấp đủ số lượng cho Nhật.
Theo Đào Phiếu, số lượng gạo Việt Nam cung cấp cho Nhật như sau:
Năm
|
Tổng
số yêu cầu (tấn)
|
Tổng
số xuất cảng cho Nhật (tấn)
|
1940
|
Không rõ
|
408.000 tấn
|
1941
|
700. 000 tấn
|
585. 000 tấn
|
1942
|
1.074. 000 tấn
|
973. 000 tấn
|
1943
|
1.125. 000 tấn
|
1.023.471 tấn
|
1944
|
900. 000 tấn
|
498.525 tấn
|
1945
|
Không rõ
|
44.807 tấn
|
Nguồn: [10, 359].
Theo bảng số liệu trên, năm 1941, số lượng
gạo Việt Nam cung cấp cho Nhật đạt 83,6%; năm 1942 đạt 90,6%; năm 1943 đạt
90,9%; năm 1944 đạt 55,4%. Rõ ràng, số lượng gạo Việt Nam cung cấp
cho Nhật nhiều nhất là hai năm 1942, 1943. Sang năm 1944, tình hình mặt trận
Thái Bình Dương có nhiều thay đổi, con đường vận chuyển trên biển của Nhật bị
cắt đứt. Do đó, số lượng gạo xuất sang Nhật bị giảm sút đáng kể.
Cùng với gạo, ngô là nguồn lương thực quan
trọng cũng bắt buộc phải xuất khẩu sang Nhật Bản:
Năm 1941, xuất cảng 124.923 tấn
Năm 1942, xuất cảng 98.700 tấn (chiếm 46%
tổng sản lượng của Việt Nam)
Năm 1944, xuất cảng 18.263 tấn (chiếm 45%
tổng sản lượng của Việt Nam)
Năm 1945, xuất cảng 12.134 tấn (chiếm 9%
tổng sản lượng của Việt Nam)[10,
360]. Vậy là, gạo đã bị đem đi xuất khẩu, nhân dân Việt Nam ăn không đủ no, nay lại phải
xuất khẩu ngô. Do đó, đời sống nhân ngày càng thêm cơ cực.
Bên cạnh gạo, ngô, Nhật Bản còn tăng cường
vơ vét các loại ngũ cốc. Đông Dương cũng là nơi cung cấp ngũ cốc chính cho
Nhật. Trong những năm 1940 – 1945, Đông Dương xuất khẩu sang Nhật một lượng ngũ
cốc (ngoài gạo) như sau:
- Năm 1940: 149.000 tấn (chiếm 55,4% số ngũ
cốc nhập vào Nhật)
- Năm 1941: 135.000 tấn (chiếm 50,6% số ngũ
cốc nhập vào Nhật)
- Năm 1942: 125.000 tấn (chiếm 15,2% số ngũ
cốc nhập vào Nhật)
- Năm 1943: 634.000 tấn (chiếm 84,5% số ngũ
cốc nhập vào Nhật)
- Năm 1944: 335.000 tấn (chiếm 70,0% số ngũ
cốc nhập vào Nhật)[9, 379].
Rõ ràng, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng
là nguồn cung cấp lương thực quan trọng nhất cho Nhật Bản. Số lượng gạo của
Việt Nam nhập vào Nhật Bản chiếm đến 56,3% và
84,5% số lượng ngũ cốc nhập vào Nhật năm
1943 là minh chứng rõ ràng nhất về vị trí của Việt Nam trong việc cung cấp
lương thực cho Nhật. Do đó,
việc Nhật Bản xâm chiếm Đông Dương không phải chủ yếu từ mục tiêu chính trị là ngăn
chặn tiếp tế từ bên ngoài cho Trung Quốc mà là do nguồn cung cấp lương thực của
Đông Dương cho Nhật trong cuộc tồn tại và xâm lược của họ. Những hiệp định đã
được ký kết giữa Nhật với Pháp cùng những số liệu về việc cung cấp lương thực
cho Nhật đã chứng minh mục tiêu của Nhật khi xâm chiếm Đông Dương. Vậy hậu quả
của chính sách lương thực của Nhật như thế nào?
3. Hậu quả chính sách lương thực của Nhật
Bản
Việc Nhật buộc chính phủ Pháp ở Đông Dương
cung cấp lương thực với một số lượng lớn như trên đã gây ra những hậu quả vô cùng
to lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất: Pháp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp
cho Nhật. Báo cáo Mật của Sở Mễ cốc ngày 22.4.1942 đã nêu: “(…) Theo quy định, từ nay đến ngày 31.5, Sở Mễ
cốc phải nộp cho hãng Mitsui Bussan Kaisha trung bình mỗi tháng 120.000 tấn
gạo. Thế nhưng hiện nay Sở Mễ cốc chỉ có thể cung ứng 100.000 tấn gạo và tấm mà
thôi. (…)”[13, 153].
Hoặc Báo cáo của Sở Mễ cốc ngày 4.5.1942
“ (…), như vậy tổng cộng từ tháng 1 đến
tháng 5.1942 (Pháp phải nộp cho Nhật-ND) là 490.000 tấn. Tính đến nay, Sở Mễ cốc đã nộp cho hãng này (Mitsui
Bussan Kaisha) 379.000 tấn. Như vậy,
trong tháng 5 còn phải nộp tiếp cho Nhật 109.724 tấn gạo và tấm” [13, 164].
Rõ ràng, thực dân Pháp không có đủ lượng gạo cần thiết để cung cấp cho Nhật.
Tuy nhiên, vì mục tiêu chính trị nên Sở Mễ cốc phải ra sức thu mua lúa trong
nhân dân để đảm bảo cung cấp cho Nhật. Báo cáo của Chủ tỉnh Gò Công ngày 9.5.1942
đã nêu “(…) Tôi đã ra lệnh cho các chủ vựa khác phải bán gấp số lúa của họ
trong thời gian ngắn nhất. Các chánh tổng cũng đã được lệnh phải đích thân đến
các vựa lúa để kiểm tra và đốc thúc các chủ vựa bán ngay số lúa đã được quy
định” [13, 155].
Hoặc Báo cáo của chủ tỉnh Rạch Giá ngày 14.5.1942
viết: “(…) Sau cuộc họp từ ngày 5-5 ở Sài Gòn trở về, tôi đã ra lệnh khẩn cấp
cho các tổng, xã trong tỉnh buộc các điền chủ phải bán lúa của họ cho nhà nước
với khối lượng lớn và trong một thời hạn khẩn cấp”[13, 156].
Như vậy, thực dân Pháp đã dùng mọi biện
pháp để bắt nhân dân ta bán lúa, gạo cho họ để đủ cung cấp theo yêu cầu của
Nhật. Thậm chí, để thắt chặt thị trường lúa gạo, Toàn quyền Đông Dương còn ban
hành các Nghị định ngày 12.3.1942 và 31.3.1943 quy định: “những người có hai tấn lúa và 1 tấn gạo trở lên đều phải khai báo và
bán lại cho chính quyền thông qua Thương cục Gạo và Bắp” [12,192]
Nghị định của Thống đốc Nam Kì ký ngày
17.4.1943 quy định rõ “ai có 4 tạ thóc hay 2 tạ gạo đều phải khai báo và bán
cho nhà nước thấp hơn giá thị trường 1 đồng/tạ” [10, 361]
Ngày 17.4.1944, thay mặt Thống đốc Nam Kì,
Thanh tra Vụ Chính trị và hành chính Dufour ký “Nghị định khẩn” gồm 7 điều.
Theo đó quy định:
Điều
1: Trên toàn lãnh thổ Nam Kỳ (ngoại trừ vùng Sài
Gòn – Chợ Lớn) yêu cầu tất cả những người hiện đang chứa trữ lúa gạo và tấm
(gồm điền chủ, nông gia, chủ ghe bầu, người vận chuyển, người bán lúa, chủ nhà
máy xay, người xuất khẩu) phải khai báo trong ngày 5.5.1944, hạn chót trước 16
giờ. […][13, 161-162].
Có thể nói, chính quyền Đông Dương đã thực
hiện mọi biện pháp khắc nghiệt để tận thu lúa gạo trong nhân dân, thương buôn,
điền chủ…Tuy nhiên, Pháp vẫn không thỏa mãn được yêu cầu của Nhật. Thông tri
ngày 21.9.1942, Thống đốc Nam Kỳ Rivoal viết: “Trên thực tế, con số dự kiến 800.000 tấn nộp cho Nhật đã là một dự kiến
sai lầm. Thế mà phía người Nhật vẫn cho rằng chúng ta thiếu thiện chí và thành
thật, và họ đã tăng lên 1.050.000 tấn, ép buộc chúng ta phải chấp thuận”… [13,
158].
Bên cạnh những biện pháp ép buộc các nhà
nông, điền chủ, chủ vựa lúa gạo…phải khai báo và bán theo quy định của nhà
nước, thực dân Pháp còn quy định giá mua thấp hơn rất nhiều so với giá cả thị
trường. “Năm 1943, giá gạo chính thức do
chính quyền thuộc địa ấn định có 26 đồng/tạ (100kg), trong khi giá thị trường
lên đến 57 đồng. Rồi tới năm 1944, giá chính thức thu mua vẫn không tăng nhưng
giá thị trường lên đến 350 đồng – 400 đồng/tạ…” [14, 402].
Như vậy, chính sách vơ vét, bóc lột lương
thực của Nhật đã gây nhiều khó khăn cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên,
xét cho cùng, chính nhân dân Việt Nam là đối tượng gánh chịu tất cả những khó
khăn đó.
Thứ hai: chính sách trên của Nhật đã tạo nên cơn sốt giá cả
trầm trọng ở Việt Nam
vào những năm 1944-1945. Trong suốt thời gian bị quân Nhật chiếm đóng, giá cả
một số sản phẩm cần thiết tăng lên kinh khủng, làm phát sinh nạn chợ đen, khiến
cho những người có thu nhập thấp không thể nào với tới hàng hoá.
Cho đến giữa tháng 5.1942, khắp các tỉnh
Nam Kì giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng trung bình từ 10% đến 30%,
có lúc lên đến 70%. Theo báo cáo của chủ tỉnh Sa Đéc (tháng 5.1942), giá thực
phẩm của tỉnh so với cùng kì năm 1941 tăng ít nhất 11% và cao nhất là 77% như:
Cá khô tăng 11%; Các loại rau tăng 35%; Hàng tiêu dùng tăng 47%; Gà vịt tăng
77%...
Trong khi đó, giá cả ở Long Xuyên cùng kì (5.1942) cũng tăng lên đáng kể như:
gạo tăng 20%; rau tăng 30%; nước đá tăng 60%..[13, 253-254].
Sự gia tăng nhanh
chóng giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã tác động rất lớn đến đời sống
của nhân dân ta. Tình hình này ngày càng tội tệ hơn vào vụ mùa năm 1944 – 1945.
Trong giai đoạn này, từ Nam
đến Bắc Việt Nam,
hầu như gia đình nào cũng bị đói. Chi phí sinh hoạt tại Sài Gòn tăng lên 450%,
tại Hà Nội, chi phí sinh hoạt tăng lên đến 2000% [4, 135].
Trong khi đó, chính quyền Pháp còn tung ra
lượng tiền giấy ngày càng nhiều để làm đòn bẩy trong quan hệ làm ăn với Nhật, vừa
trả chi phí để duy trì quân đội Nhật tại Đông Dương, vừa trả lương cho công
chức và binh lính. Kết quả, lượng tiền lưu thông tăng từ 180 triệu đồng vào năm
1939 lên đến 1tỷ 364 triệu đồng vào năm 1944 [14, 402-403]. Tình hình này làm
cho nạn lạm phát tăng cao và làm cho đời sống nhân dân ngày càng cơ cực nhiều
hơn.
Thứ ba: chính sách thu mua lương thực cưỡng bức với giá rẽ
mạt, bắt nhân dân nhổ lúa, trồng đay phục vụ chiến tranh…là nguyên nhân gây nên
nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.
Toàn bộ số gạo mà Nhật mua của Việt Nam
với giá quy định thấp hơn thị trường rất nhiều. “Tháng 7.1945, giá chính thức thu mua do Nhật ấn định là 55 đồng/tạ, thì
giá thị trường là 700 – 800 đồng/tạ” [14, 402]. Như vậy, giá lúa Nhật thu
mua chưa bằng 1/12 giá thị trường. Trong khi đó, nhân dân nghèo muốn có “cơm
ăn” phải mua lại với giá đắt gấp 12 lần.
Trong khi đó, than đá từ miền Bắc không chở
vào Nam
được để cho các nhà máy hoạt động. Do đó, gạo, ngô đã được dùng đốt thay cho
than đá. Ngược lại, gạo của Nam Kì cũng không thể chở ra Bắc Kì được. Số lượng
gạo chuyển từ Nam
ra Bắc đã bị giảm sút nghiêm trọng. Năm 1941 là 185.620 tấn; năm 1942 là 126.670 tấn; năm
1943 là 29.200 tấn; năm 1944 là 6.830 tấn [10, 357]. Rõ ràng, số lượng gạo vận
chuyển ra miền Bắc trong năm 1944 chỉ bằng 3% so với năm 1941. Hệ quả tất yếu
là trong những tháng đầu năm 1945, hàng trăm ngàn người lang thang, ăn xin và
chết đói khắp các vùng quê miền Bắc và Miền Trung Việt Nam.
Mặt khác, để giải quyết tình hình
khó khăn về nguồn nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt và chiến tranh, chính phủ
Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu. Ngày 22.1.1945, Thống
đốc Nam Kì gởi các chủ tỉnh Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc một công văn
mật:
“[…] Phái bộ Nhật yêu cầu Phủ Toàn quyền cho phép hãng Memka KK và hãng
Mitsui Bussan Kaisha được lĩnh thầu việc trồng đay ở miền Nam Đông Dương. Riêng
Nam Kì, người Nhật yêu cầu 1.400ha diện tích trồng đay phân cho:
- Tokyo Menka KK: 700
ha ở Châu Đốc
- Mitsui Bussan Kaisha: 300
ha ở Long Xuyên ; 300 ha ở Sa Đéc
100
ha ở Cần Thơ [13, 199]
Nếu tính trung bình mỗi hecta thu hoạch 1,3
tấn thóc thì Nam Kì đã mất đi hết: 1400 x 1,3 tấn = 1.820 tấn thóc. Nếu trung
bình mỗi người tiêu thụ tối thiểu 120kg thì phải có hơn 15.000 người không có
gì ăn.
Ngoài ra, Nhật còn lấy đất ruộng để trồng
cây có dầu, lấy dầu trộn với dầu cá, dầu dừa, dầu đậu phọng để làm dầu máy.
Tính đến cuối năm 1944, diện tích đất bị Nhật chiếm để trồng đay, thầu dầu là
131.700 hecta [14, 400]. Như vậy, cuối năm 1944, số thóc bị mất trắng khoảng:
131.700 x 1,3 tấn = 171.210 tấn, tương đương gần 1,5 triệu người không có gì
ăn.
Tóm lại, chính sách cưỡng bức thu mua lương
thực với giá rẻ mạt của Nhật Bản cùng với tình trạng lạm phát tăng cao, giá cả
thị trường đặt đỏ, nhân dân mất đất trồng cây công nghiệp phục vụ chiến
tranh…đã gây nên nạn đói trầm trọng cho nhân dân Việt Nam cuối năm 1944 – đầu
năm 1945.
KẾT LUẬN
Tháng 9.1940, Nhật Bản chính thức xâm chiếm
Việt Nam.
Nhìn bên ngoài, Nhật chiếm Đông Dương vì đây là khu vực có vị trí chiến lược để
Nhật xâm nhập vào Trung Quốc từ phía Nam và là căn cứ để quân Nhật xuất phát đi
đánh chiếm xuống vùng Đông Nam Á. Nhưng thực chất, Nhật Bản quan tâm nhiều hơn
chính là nguồn lương thực của Việt Nam. Từ năm 1940- 1945, Nhật Bản ra sức ép
thực dân Pháp phải cung cấp cho họ một số lượng khổng lồ về gạo, ngũ cốc (đỉnh
cao là năm 1943) để cung cấp cho chính quốc lẫn quân đội để xâm chiếm xuống
vùng Đông Nam Á, thiết lập khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á.
Mặt khác, Nhật còn buộc nhân dân ta phải
nhổ lúa trồng đay, thầu dầu để phục vụ cho chiến tranh. Hậu quả, Pháp ra sức vơ
vét, bóc lột tàn nhẫn nhân dân ta để đủ lương thực cung cấp cho Nhật. Nhân dân
đã đói khổ lại phải mất đất để trồng cây công nghiệp, giá cả sinh hoạt đắt đỏ,
lạm phát tăng cao… Do đó, đời sống nhân dân ta vô cùng cơ cực. Hậu quả nặng nề
là hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc bị chết đói cuối năm 1944 đầu năm 1945. Do đó,
có thể kết luận là “vấn đề lương thực của
Nhật Bản ở Nam Kì là một
trong những nguyên nhân để Nhật nhảy vào Việt Nam
và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân Việt Nam”.
TÓM TẮT
Tháng 9.1940, Nhật Bản chính thức xâm chiếm
và thống trị Việt Nam.
Mục tiêu quan trọng của họ khi chiếm Việt Nam vì Việt Nam là “cửa ngỏ xâm chiếm Trung Quốc từ phía Nam và
là nơi cung cấp lương thực (gạo, ngũ cốc, cây công nghiệp) cho chính quốc lẫn
đội quân xâm lược của họ”. Do đó, từ 1940 – 1945, Nhật ép buộc Pháp cung
cấp số lượng lớn lương thực và ra sức bóc lột tàn nhẫn nhân dân Việt Nam. Đối với
Nam Kì, Nhật Bản vừa vơ vét lúa gạo, thu mua với giá rẻ mạt, bắt nhân dân Nam
Kì trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh…làm cho đời sống nhân dân vô cùng
cơ cực, đói khổ. Mặt khác, lúa gạo Nam Kì không vận chuyển ra Bắc được đã gây
ra nạn đói trầm trọng cho nhân dân Việt Nam năm 1945.
ABSTRACT
In September 1940,
jump on the official Japanese invaded and ruled Vietnam. The important goal of
accounting for them when Vietnam
is the "gateway invaded China from the
South and is a major supplier of food (rice, cereals, industrial crops) for the
country and their army of invaders". Thus, from 1940 - 1945, Japan forced the French to provide large
quantities of food and strive ruthlessly exploited the people of Vietnam.
For the Southern Vietnam, Japan
has rice plunder, and buying the cheap price, by the people of South Vietnam
growing industrial war service ... make people's life extremely hard, hungry.
On the other hand, Rice Southern Vietnam
were not transported to the North has caused severe famine for the people of Vietnam in 1945.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thế Anh (1974), Việt Nam
dưới thời Pháp đô hộ, Bộ VHGD và Thanh Niên, Sài Gòn.
2. Lý Hiệp Bình, Việt Nam dưới thời kì quân đội Nhật
chiếm đóng, Tia Sáng Nhật báo, ngày 13.9.1968.
3. Daniel Hémery (2005), Hồ
Chí Minh từ Đông Dương đến Việt Nam, Lê Toan biên dịch, NXB Phụ Nữ.
4. David C. Marr
(1980), “World War II and the Vietnamese Revolution” in Southeast Asia under
Japanese Occupation, Alfred W. McCoy [Ed], New Haven
5. Dixee R. Bartholomew-Feis (2008), OSS
và Hồ Chí Minh, Đồng minh bất ngờ trong cuộc
chiến chống phát xít Nhật, Lương Lê Giang dịch, NXB Thế Giới-
Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị.
6. Futura Motoo (1998), Việt Nam trong lịch sử thế giới¸
Nguyễn Văn Nguyệt dịch, NXB CTQG, HN.
7. Lê Đình Hà (2006), Cuộc đời Nhật Hoàng Hiro Hito,
NXB Thanh Niên.
8. Nguyễn Văn Khánh (1999), Cơ
cấu kinh tế xã hội Việt Nam
thời thuộc địa (1858 – 1945), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
9. Phan Ngọc Liên(2001), “Chiến
lược cung cấp lương thực” của Nhật trong thời kì chiếm đóng Việt Nam – Một
trong những nguyên nhân gây ra nạn đói 1944 – 1945 trong Chứng tích
Pháp – Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam 1858 – 1945, NXB Trẻ.
10. Đào Phiếu (2001), Chứng tích chiến tranh xâm lược
của phát xít Nhật ở Việt Nam trong Chứng tích Pháp – Nhật trong chiến
tranh xâm lược Việt Nam 1858 – 1945, NXB Trẻ.
11. Philipe Devillers (2003),
Paris-Sài Gòn-Hà Nội, Hoàng Hữu Đảm dịch, NXB Tổng hợp TP HCM.
12. Nguyễn Phan Quang (2004), Thị trường lúa gạo Nam Kỳ (1860 - 1945), NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Phan Quang (1998), Góp thêm tư liệu Sài Gòn – Gia Định từ 1859 – 1945, NXB Trẻ,
TP. Hồ Chí Minh.
14. BS. Ngô Văn Quỹ (2001), Sinh
mệnh hai triệu nông dân Bắc Kì và nạn đói 1945 – Kết quả sự đầu hàng nhục nhã
của Pháp trong Chứng tích Pháp – Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt
Nam 1858 – 1945, NXB Trẻ.
15. Văn Tạo - Furuta Motoo
(1995), Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam:những
chứng tích lịch sử, Viện sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét