5/12/14

QUỐC SÁCH ẤP CHIẾN LƯỢC

Mến gởi các Bạn quan tâm đến Blog của tôi về những vấn đề Lịch sử dân tộc. Tôi sẽ cố gắng tìm những bài HAY, CHẤT LƯỢNG và đăng lên để chúng ta cùng nhau chia sẻ về Kiến thức Lịch sử dân tộc. Tôi rất cám ơn vì các bạn đã dành một tình yêu đặc biệt cho lịch sử nước nhà. Trân trọng cám ơn các bạn.

“Quốc sách ấp chiến lược” - một sản phẩm chính trị thâm độc
của Ngô Đình Nhu tan theo số phận của gia đình họ Ngô

Bài viết của Nguyễn Đắc Xuân, đăng trên: http://sachhiem.net/NDX/NDX018.php

Sau Hiệp Định ngừng bắn Genève 1954, chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, được Hoa Kỳ viện trợ, yên ổn trên năm năm. Đến năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam VN ra đời và không ngừng phát triển, Nam Việt Nam trở thành 1 trong 10 khu vực thử thách và là khu vực thử thách đầu tiên của chiến lược toàn cầu mới của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thấy phải tăng cường chiến tranh để chống lại Phong trào giải phóng đang bùng lên. Ngày 29-4-1961 Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ phê duyệt "Kế hoạch chống nổi dậy". Kế đến nhiều phái đoàn nghiên cứu của Mỹ bay sang Việt Nam: Phái đoàn phó tổng thống Mỹ Johnson (5-1961), phái đoàn Tiến sĩ Staley thuộc Viện nghiên cứu Stanford (6-1961), phái đoàn của Taylor và Rosow trong bộ quốc phòng Mỹ (10-1961)..... Sau đó kế hoạch Staley - Taylor ra đời. Kế họach nầy có tham vọng giải quyết chiến tranh VN với 3 giai đọan:
Giai đoạn 1 thực hiện từ giữa năm 1961, nội dung chủ yếu là bình định miền Nam bằng biện pháp “Ấp chiến lược” (Strategic Hamlets).
Giai đoạn 2 thực hiện từ đầu năm 1963, khôi phục kinh tế, tăng cường lực lượng quân đội, hoàn thành công cuộc bình định.
 Giai đoạn 3 thực hiện đến cuối năm 1965, phát triển kinh tế, ổn định miền Nam và kết thúc chiến tranh.
Kế hoạch được mở đầu và có ý nghĩa quyết định ở giai đoạn 1 là thực hiện cho được “quốc sách Ấp chiến lược”. Đó vừa là mục tiêu cơ bản, biện pháp chiến lược, vừa là kế sách trước mắt và lâu dài để giành thắng lợi trong chiến tranh ở Việt Nam.
1. “Quốc sách Ấp Chiến Lược” (ACL)
Ngày 3-2-1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc luật 11/TTP, thiết lập Ủy ban Trung ương Đặc trách ACL, Ủy ban họp mỗi tuần 1 lần, do Cố vấn Ngô Đình Nhu giữ chức Chủ tịch, Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương giữ chức Tổng thư ký, Ủy viên gồm các bộ Quốc phòng, Nội vụ, Giáo dục, Công dân vụ, Canh nông v.v. và nhiều cán bộ cao cấp quân dân chính[1] (1) (Chính Đao, Việt Nam Niên biểu 1939-1975, Tập I-C : 1955-1963, Nxb Văn Hóa tại Houston TX 2000, tr. 251). Trụ sở đặt trong ba phòng ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). ACL là quốc sách của chính quyền anh em nhà họ Ngô. Với quốc sách ACL Mỹ và VNCH lúc đó dự định sẽ xây dựng 17.000 ấp, gom khỏang 10 triệu dân nông thôn, có thể bình định được vùng nông thôn Miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng.
Ngày 23-3-1962, Sài Gòn phát động chính sách ACL. Thí điểm đầu tiên là khu vực Bến Cát (Bình Dương) tức chiến dịch Mặt trời mọc (Sunrise). Người phụ trách chương trình ACL nầy là  Albert Phạm Ngọc Thảo. Chỉ huy tổng quát là tướng Văn Thành Cao (2) (Chánh Đạo, Việt Nam Niên biểu 1939-1975, Tập I-C : 1955-1963, Nxb Văn Hóa tại Houston TX 2000, tr. 251)
http://sachhiem.net/LICHSU/IMG/VNwar/ApChLc_danbiluavao_DDTB.jpg
Dân quê bị lùa vào "Ấp Chiến Lược" 
 Mỗi ACL được bao quanh (thường gồm ba hào, hai thành cài chông mìn, dây thép gai), có từ một đến nhiều chòi canh có tầm nhìn xa, có thiết lập hệ thống báo động để phát hiện mọi trường hợp xâm nhập bí mật, ban đêm các cổng chính ra vào được đóng lại. Việc quản lý Ấp do một Ban trị sự phụ trách, việc phòng thủ bảo vệ Ấp do lực lượng Phòng vệ dân sự phối hợp với các đơn vị Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa của Ấp sở tại phụ trách. ẤCL được tổ chức theo phương thức tự quản, tự phòng. nhằm tách rời du kích của lực lượng Giải phóng miền Nam ra khỏi dân nông thôn, cô lập du lích và cơ sở cách mạng để tiêu diệt hay kêu gọi chiêu hồi.
  “Quốc sách ACL” là một mô hình bình định nông thôn do Anh quốc thực hiện thành công ở Malaixia. Robert Thompson - chuyên gia quân sự về chống du kích,  được mời sang Nam Việt Nam làm cố vấn xây dựng ACL. Tháng 4-1962, quốc hội VNCH tuyên bố chương trình Âp chiến lược là một "quốc sách chống cộng"[2].
Để có tiền thực hiện “Quốc sách ACL”, ngày 21-8-1962, Hoa Kỳ đã ký kết với Chính phủ Diệm sẽ mua 10 triệu Mỹ kim tiền VNCH theo hối suất tự do, để VN có tiền tài trợ các dự án về Ấp Chiến Lược và giúp đỡ đồng bào Thượng tỵ nạn (3) (Đoàn Thêm, sđd. tr.328) Để cho Hoa Kỳ thấy hiệu quả của ngân sách Hoa Kỳ bỏ ra cho VNCH, ngày 30-9-1962 chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố đã có 1/3 Tổng số thôn ấp biến thành ALC (4) (Chính Đạo,  sđd. Tr. 261) Dưới áp lực của Cố vấn Ngô Đình Nhu, ngày 10-10-1962, Phong trào Nhân Dân tái thiết dinh Độc Lập quyên được hơn 19 triệu, phải dành 10 triệu cho ALC (5) (Đoàn Thêm, sđd. tr.331)
Ngày 26-3-1963, Ngô Đình Nhu chủ trì lễ khánh thành Trại “Nhân, Trí, Dũng” ở trung tâm huấn luyện cán bộ ACL tại suối Lồ Ô (6) (ĐoànThêm, sđd. tr.343). Để thấy sự quan trọng của “quốc sách ACL”, ngày 16-4-1963 tại Trại "Nhân, Trí, Dũng" (suối Lồ Ồ),  Ngô Đình Nhu đã chủ trì khóa học 11.
"Bộ trưởng Công dân vụ báo cáo về thành phần dự khóa 11 huấn luyện CB/XDACL gồm các thành phần sau:
-1/ cán bộ cao cấp trung ương, từ cấp Chánh sự vụ trở lên, mỗi bộ năm người. Riêng Bộ ngọai giao có thể cử nhiều hơn;
-2/ một số tỉnh trưởng, quận trưởng chưa thụ huấn, 60 sĩ quan thuộc bộ TTM, 133 sĩ quan khóa I Tâm lý chiến
-3/ Ngoài ra còn có ông luật sư Trần Văn Khiêm (7) (Trần Văn Khiêm, em ruột của Trần Thị Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) tình nguyện theo học nữa (8) (Intra Ministry Committee for Strategic Hamlets" , Douglas Pike Collection: Other Manuscripts , TexasTech University. Trích lại của Hữu Nghị: và cuộc đảo chính Diệm Nhu:Nhu va Ấp chiến lược.)
http://sachhiem.net/LICHSU/IMG/VNwar/ApChienLuoc.jpgNhiều giáo sư, giảng viên Đại học Huế đã có mặt trong khóa học nầy. Cũng nhờ qua khóa học ấy mà đa số các giáo sư, giảng viên Đại học Huế thấy được âm mưu phá họai lịch sử văn hóa tôn giáo truyền thống Việt Nam như thế nào. Nhiều người “tốt nghiệp”khóa học ấy đã về Huế tham gia Phong trào thanh đấu chống chế độ gia đình trị họ Ngô từ tháng 5 cho đến đầu tháng 11-1963. (nguồnđã dẫn ở trên(Nguồn: "Intra Ministry Committee for Strategic Hamlets" , Douglas Pike Collection: Other Manuscripts , Texas TechUniversity). Trong thời gian đang diễn ra khóa học ACL lần thứ 11, ngày 17-4-1963, nhân viên Phủ Tổng Thống khánh thành ACL Bình Hưng gần Phú Lâm, do Chi đòan Công chức bảo trợ (9) (Đoàn Thêm, sđd tr.345) các học viên khóa học có dịp thấy nhãn tiền tham vọng biến miền Nam trở thành “tiền đồn chống Cộng, chống văn hóa truyền thống VN” của anh em nhà họ Ngô. .
Từ khi thực hiện “Quốc sách ACL”, hành quân càn quét lập ấp chiến lược trở thành hoạt động chủ yếu nhất của quân đội VNCH, sôi nổi nhất trong những năm 1962 - 1963. Tính đến cuối năm 1962 đã có gần 4.000 cuộc hành quân càn quét phục vụ cho chương trình ACL, trong đó có nhiều cuộc càn quét quy mô lớn như "Chiến dịch mặt trời mọc", "Chiến dịch Bình Tây", "Chiến dịch Sao Mai", "chiến dịch Thu Đông"... Đến cuối năm 1962 đầu năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố đã xây dựng được 9.095 ấp, gom giữ được khoảng 8 triệu dân.
2. “Quốc sách Ấp Chiến Lược”mong manh
“bùa hộ mạng” của Ngô Đình Nhu
Với kết quả được báo cáo như thế, Cố vấn Ngô Đình Nhu rất tự hào về thành tích ấy. Nhưng Ngô Đình Nhu không được cơ sở báo cáo rằng hằng đêm đã có bao nhiêu ACL đã bị phá, có bao nhiêu ACL do người của Mặt trận Giải phóng tổ chức, chỉ huy, ví dụ như trường hợp Albert Phạm Ngọc Thảo ở ấp thí điểm Bến Cát (Bình Dương) nói trên.
http://vietnamaaa.numeriblog.fr/congsan/2009/06/li%C3%AAn-th%C3%A0nh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8F-qu%C3%AAn-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD.html
Mô hình tổng quát ấp chiến lược (ảnh history.sandiego.edu)
Sự thực thì việc xây dựng các ACL rầt mất thì giờ, rất tốn kém nhưng “kết quả” không như Nhu tưởng. ACL không giúp gì cho việc hành quân chống Cộng của quân đội mà ngược lại, miền Nam càng có nhiều ACL càng phát sinh nhiều đồn bót buộc quân đội VNCH phải thêm nhiệm vụ bảo vệ. Do đó quân đội VNCH rất lơ là với “quốc sách ACL”. Ngô Đình Nhu rất ưu tư vấn đề nầy.
Biên bản một cuộc họp của Ủy ban liên Bộ về ACL, ngày 2-3-1963, ghi lại nội dung thuyết giảng của Nhu về "quốc sách ACL" như sau:
"Tôi chỉ yêu cầu vùng, tiểu khu để ý đến những vùng lập ACL, chớ không phải chỉ lo cho ACL mà thôi. Vì dù có lập ACL hay không, bao giờ địch tập trung tấn công, thì quân đội cũng phải đối phó cả. Ủy ban ACL chỉ yêu cầu quân đội hai việc: một là đặc biệt cảnh giác vùng lập ACL; hai là đuổi địch đừng để cho địch tập trung đại đơn vị trong vùng lâp ACL được. ACL được thành lập sẽ chắc chắn làm nhẹ đi trách nhiệm của quân đội. Trước đến giờ, hành quân là tìm địch. Tìm không được, thì trở về, địch hoat động trở lại. Mình đi nhiều, địch phân tán hết. Mình đi ít, địch phục kích. Như vậy, dầu nhiều hay dầu ít, hành quân cũng bất lợi, vì tốn kém, mỏi mệt, ít khi thành công xứng đáng với cố gắng của quân đội". (nguồn: đã dẫn ở trên, trích lại của Hữu Nghị).
Ý kiến của Ngô Đình Nhu không được thực hiện như Nhu muốn, do đó trong cuộc họp ngày 12-4-1963 Nhu đã phê phán gắt hao Ủy ban liên bộ như sau:
- "Tôi nhận thấy việc tiếp viện cho các ACL bị VC tấn công không được thực hiện đúng mức và kịp thời. Các tỉnh phải liên lạc thường xuyên bằng vô tuyến với các quận để thông báo tin tức cho nhau đề cảo cảnh giác, đồng thời cấp quận cũng phải liên lạc luôn luôn với các ACL để hỏi biết tình hình, tin tức và đốc xuất họ đề cao cảnh giác, nhất là về ban đêm và các ngày nghỉ lễ, chiều thứ bảy, ngày chủ nhật. Thường, tôi thấy các địa phương còn thiếu ý thức cảnh giác, nhất là trong những ngày nghỉ, vì vậy tội yêu cầu các ông tỉnh trưởng, quận trưởng phải cố gắng làm việc nhiều hơn trong những ngày đó. Nếu cần nghỉ, thì nghỉ vào những ngày khác trong tuần, để tránh qui luật cố định mà địch có thể lợi dụng" (Trong một cuộc họp ngày 16-9-1963, Cố vấn  Ngô Đình Nhu đã nổi nóng với các tướng tá VNCH rằng:
"Sau mỗi lần VC tấn công một ấp chiến lược (ACL), tôi yêu cầu các Khu chiến thuật và cấp tỉnh, quận tổ chức hành quân trả đũa tức thới. Vấn đề này tôi đã đề cập nhiều lần nhưng chưa thấy các nơi tích cực thi hành. Nếu ta không hành quân trả đũa, thì đương nhiên ta khuyến khích địch tấn công mạnh các ACL. Tôi cũng nhận thấy bên quân đội không chú trọng nhiều tới việc yểm trợ công tác xây dựng ACL".
Tối 18-9-1963, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge mời cơm Cố vấn Ngô Đình Nhu và Bộ trưởng ngoại giao Trương Công Cừu. Trong điện tín đánh đi trưa hôm sau về Bộ ngọai giao Hoa Kỳ, Cabot Lodge có nhận xét: "Nhu nói thật nhiều, lập đi lập lại rằng y đã sáng tạo ra các ACL, rằng ai cũng bảo, kể cả người Mỹ, rằng y sẽ không làm nổi được đâu, song y vẫn đã làm được" (nguồn: FRUS, vol.IV, 129). Cabot Lodge viết như thế có nghĩa là Nhu muốn chứng tỏ cho Hoa Kỳ biết không ai có thể thay thế Nhu trong công cuộc “chống Cộng” ở miền Nam Việt Nam. Rõ ràng Nhu muốn lấy  “Sự thành công” của “Quốc sách ACL” làm cái bùa hộ mạng cho mình. Và, ACL  cũng là sự nghiệp chính trị lớn nhất của “Cố vấn Ngô Đình Nhu”.
3. Giải tán quốc sách Ấp Chiến Lược - lời chê tiếng khen
Quốc sách ACL biến những làng quê trở thành đốn bót quân sự sẵn sàng chiến đấu, những làng nào không thuận tiện biến thành làng chiến đấu thì phải dọn đến những nơi thuận tiện, bỏ hết nhà thờ họ, đình chùa, miếu mạo mang truyền thống văn hóa Việt ra đời từ thuở sinh cơ lập nghiệp và có thể thay vào đó một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo. Quốc sách ACL là một quốc sách phản dân (10) (Mười tám năm sau vụ đảo chính Diệm - Nhu. William Colby, nguyên giám đốc CIA, người đã từng làm trưởng luới CIA tại miền Nam từ năm 1959, trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình "Phỏng vấn sử học " của thư viện Lyndon Baines Johnson ngày 2-6-1981 đã phát biểu: "Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm của trào Diệm - Nhu khi nhấn mạnh đến ACL. Do lẽ ACL không phải là một bộ phận truyền thống của chính quyền. Nhu đã góp phần vào tư duy ACL đó, Nhu không muốn bộ máy quyền lực truyền thống trong làng mạc tồn tại. Lẽ ra Nhu nên giữ lại bộ máy quyền lực cổ truyền này".) (Trích lại của Hữu Nghi). (Do đó, tướng Dương Văn Minh sau khi đã triệt hạ được gia đình họ Ngô, vào ngày 9-3-1964 ra tiếp Sắc luận 103/SL/CT  “giải tán” cái gọi là “quốc sách ấp chiến lược” để cho dân lập lại làng quê cũ hay về lại làng quê đã bị  bắt buộc phải  ra đi.
http://sachhiem.net/LICHSU/IMG/VNwar/ApChLc_noidaychong_DDTB.jpg
Đồng bào nổi dậy đập tan hàng loạt ấp chiến lược của địch
Chủ trương nầy của Dương Văn Minh đã giúp cho dân chúng nông thôn phá rã hàng ngàn ấp chiến lược. Không những dân quê đứng lên phá ACL, ngay sinh viên Đại học Huế cũng đã tổ chức thành nhiều nhóm về các vùng nông thôn, nhân danh “chống dư đảng Cần lao” triệt hạ bộ máy cai trị ở làng xã ra đời thừ thời Diệm Nhu, phá các ACL, lập nên chính quyền “thân dân” ở nông thôn chung quanh Huế. Người đứng đầu Phong trào nầy là sinh viên Luật Nguyễn Thiết, sinh viên Cao đẳng Mỹ Thuật Lê Minh Trường, Sinh viên văn khoa Lê Mạnh Trinh…Phong trào phá Ấp chiến lược ở vùng nông thôn Thừa Thiên Huế đã góp một phần quan trọng cho Phong trào đồng khởi của Mặt trận Giải phóng Thừa Thiên năm 1964. 
 Linh mục Cao Văn Luận- nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, một trí thức phò Ngô, đã phê phán Sắc luật giải tán ACL của Dương Văn Minh như sau:
Tôi lại nghe một tướng lãnh cầm đầu phe Cách-Mạng (tức Trung tướng Dương Văn Minh) tuyên bố rằng ấp chiến lược không cần thiết, không ích lợi, những hàng rào quanh  Ấp chiến lược là hàng rào nhà tù.
 Không cần ông phải ký sắc lệnh cho phép dân chúng phá các hàng rào Ấp Chiến lược thì các cán bộ nằm vùng của Cộng sản cũng dựa lời tuyên bố vội vàng hớ hênh đó, giải thích sai lạc thêm lời tuyên bố đó, để mở ra một phong trào phá bỏ Ấp chiến lược, gỡ rào, san bằng hào lũy giải giới thanh niên chiến đấu. Nhiều Ấp chiến lược trước đây lập được những thành tích ngăn chận Cộng sản hữu hiệu, nay thanh niên chiến đấu và cán bộ công dân lo sợ bị tân chế độ đàn áp bắt bớ, vứt súng bỏ trốn, bỏ ngỏ các Ấp chiến lược cho du kích Việt Cộng và các cán bộ nằm vùng. Việt Cộng xúi dân nổi lên phá rào, san lũy, giải giới thanh niên chiếm đấu, mở ngỏ đón bọn Cộng sản nằm vùng. Nhiều Ấp chiến lược kiểu mẫu, qui tụ phần lớn giáo dân trở thành nạn nhân đầu tiên của phong trào sai lầm này” (11) (LM.Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Hồi ký 1940-1965, Nxb Trí Dũng, SG 1972, tr.381)
Trong buổi lễ “Tưởng niệm cố Đại tướng Dương Văn Minh” tổ chức tại Chùa Việt Nam (Los Angeles) vào ngày 18.9.2001, ông Đỗ Mậu - người cùng với tướng Dương Văn Minh tổ chức lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm tháng 11-193, tác giả hồi ký Việt Nam máu lửa quê hương tôi đã đọc bài “Khóc Dương Văn Minh” gồm 10 trang in cở A4. Trong những ý nghĩ cuối đời, ông Đỗ Mậu cho rằng ông Dương Văn Minh “là một lãnh tụ sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng”. Đỗ Mậu viết:
Với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Cách Mạng ông (Dương Văn Minh) đã đưa ra hai quyết định mà chỉ có thời gian và chánh tình quốc tế mới chứng minh được ông là một lãnh tụ sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng. Đó là việc ông ra lệnh hạ sát hai ông Diệm Nhu và quyết định hủy bỏ “Quốc sách ấp chiến lược” (NĐX nhấn mạnh) vì chương trình này là những chủ trương vô cùng thâm độc. Anh em nhà Ngô và người Công giáo Việt Nam lấy lý do chống Cộng sản để xây dựng chương trình, nhưng mục đích thầm kín là để triệt hạ nền văn hóa dân tộc, xóa bỏ đạo thờ cúng ông bà, xóa bỏ đời sống xã hội theo truyền thống cổ truyền cha ông để lại…” (12) (Hoành Linh Đỗ MậuKhóc cố Đại tướng Dương Văn Minh, 10 trang in cở A4, trước khi qua đời tác giả gởi cho Nguyễn Đắc Xuân một bản sao)
“Quốc sách ACL” bị giải tán, giai đoạn 1 thực hiện từ giữa năm 1961, nội dung chủ yếu là bình định miền Nam bằng biện pháp “Ấp chiến lược” (Strategic Hamlets) của kế hoạch Staley - Taylor hòan tòan thất bại. Vì thế Mỹ và VNCH không thực hiện được giai đọan hai và giai đọan ba để giành chiến thắng, kết thúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vào năm 1965 như họ đã lập kế họach. Sự thất bại của quốc sách ACL mở đầu cho những thất bại lớn hơn về sau không phải vì thiếu tiền, thiếu kỹ thuật phòng thủ, thiếu phương tiện mà chính vì nó thiếu chính nghĩa, thiếu cái tâm, đi ngược lại với truyền thống văn hóa của dân tộc. Không chỉ các lực lượng giải phóng dân tộc phá các ACL để cứu dân mà cả những người dù ở bên kia chiến tuyến mà còn một chút thương dân ở đáy lòng cũng  phải hành động như thế. Đó là trường hợp của tướng Dương Văn Minh đúng 45 năm trước (1964-2009).      
Nguyễn Đắc Xuân, Gác Thọ Lộc, Tháng Một 2009
NDVN, ngày 8/2/09



[1] Nguyễn Đắc Xuân (2010), “Quốc sách ấp chiến lược” - một sản phẩm chính trị thâm độc của Ngô Đình Nhu tan theo số phận của gia đình họ Ngô, nguồn: http://sachhiem.net/NDX/NDX018.php.
[2] Nguyễn Đắc Xuân (2010), “Quốc sách ấp chiến lược” - một sản phẩm chính trị thâm độc của Ngô Đình Nhu tan theo số phận của gia đình họ Ngô, nguồn: http://sachhiem.net/NDX/NDX018.php.