9/10/15

Sứ mệnh “canh gác” của USS Ronald Reagan

Sứ mệnh “canh gác” của USS Ronald Reagan
Việc Mỹ triển khai USS Ronald Reagan - tàu sân bay hạt nhân tiên tiến nhất của Hải quân Hoa Kỳ được cho là sự tiếp tục sứ mệnh “canh gác” châu Á - Thái Bình Dương...
Đầu tháng Mười này, USS Ronald Reagan - tàu sân bay hạt nhân tiên tiến nhất của Hải quân Hoa Kỳ, đã tới căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản) nhằm thắt chặt quan hệ với các đồng minh tại khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Philippines. Theo đó, hai nước sẽ tiến hành tập trận chung nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Nhật lẫn Hạm đội 7 Thái Bình Dương (Mỹ). Động thái của Washington đưa ra trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều biến cố quan trọng.
Trước hết, chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trong những năm qua đã gây quan ngại lớn cho nền hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc liên tục có những hành động “gây hấn” ở biển Đông và biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang diễn ra căng thẳng. Điều này đã khiến Tokyo quan ngại về an ninh của mình.
Thứ hai, Trung Quốc đã có nhiều sự chuẩn bị, đầu tư cho công nghiệp quốc phòng nhằm tăng cường vị thế về quân sự của Trung Quốc trên trường quốc tế. Bắc Kinh muốn xây dựng một hạm đội mạnh trên Thái Bình Dương để có thể trở thành đối trọng với Hoa Kỳ trong khu vực này. Mặt khác, những hành động xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây lo ngại rất lớn cho các nước có quyền lợi ở châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ ba, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng trước đã không mang lại kết quả như hai bên mong đợi. Ngoài một số thỏa thuận đạt được về kinh tế, vấn đề đảm bảo an ninh giữa hai nước và tự do hàng hải, an ninh trên Biển Đông đã không được nguyên thủ hai nước bàn luận. Nhiều người kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ nêu đậm và gây sức ép mạnh với Trung Quốc về vấn đề này, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo phi pháp ở Trường Sa. Nhưng kết quả là hai bên chỉ nhắc lại lập trường của mình về Biển Đông.
Vì vậy, việc tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ đến Nhật Bản sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường thực lực quân sự cho Hạm đội 7 Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chính sách “xoay trục” của Hoa Kỳ đối với châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu của Hoa Kỳ là triển khai 60% sức mạnh quân sự tại khu vực này.
Việc tăng cường lực lượng hải quân với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người, khoảng 80 máy bay và hệ thống radar phòng thủ hiện đại cùng việc tích hợp các hệ thống vũ khí và công nghệ liên lạc và chỉ huy tiên tiến đã làm gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại đây.
Đồng thời, mục đích của Hoa Kỳ là tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với đồng minh chiến lược ở vùng Đông Bắc Á. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi học thuyết phòng vệ tập thể với các đồng minh để Nhật Bản có vai trò lớn hơn về an ninh nhằm đối trọng sức mạnh quân sự của một Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên.
Phản ứng trước sự hiện diện của tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Nhật Bản, Đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cho rằng: "Điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác theo tinh thần đôi bên cùng có lợi là sự tin tưởng lẫn nhau. Hy vọng rằng phía Mỹ quan tâm đến những quan ngại của Trung Quốc, thật sự tôn trọng các lợi ích căn bản của chúng tôi, tránh những từ ngữ và hành vi phương hại đến quan hệ song phương và giảm bớt các hành động có thể gây ra hiểu lầm hoặc phán đoán sai lạc".
Tuyên bố trên vừa là sự “cảnh báo” của Bắc Kinh đối với Washington nhưng cũng thể hiện thái độ lo lắng trước những diễn biến mới tại khu vực.
Sự hiện diện của USS Ronald Reagan tại Nhật Bản có hạn chế được hành động gây hấn của Bắc Kinh và mang lại bầu không khí hòa bình cho khu vực hay không vẫn đang là dấu hỏi. Hy vọng tàu sân bay này sẽ thực hiện thành công sứ mệnh để tình hình Biển Đông được hòa bình, ổn định và phát triển.
Lê Lâm
nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/10/C3A0CB9E4658FAAC/