28/3/12

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ NHÀ TRẮNG

Hồ sơ: Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam - Kỳ cuối:
Sử gia Mỹ David Zierler: Trách nhiệm tối hậu thuộc về Nhà Trắng
TTCT - Trước ngày lên đường quảng bá Phát minh hủy diệt môi trường (nguyên văn tựa sách: The invention of ecocide: Agent Orange, Vietnam, and the scientists who changed the way we think about the environment) tại Mỹ, tác giả David Zierler đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi chân tình.
Trong chương trình Đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” được tổ chức năm 2004 tại công viên 30-4, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
* Trước hết, xin ông giải thích thêm về tựa đề của cuốn sách, đặc biệt là khái niệm tội ác môi trường (tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh “ecocide”).
Sử gia David Zierler - Ảnh: uga.edu
- David Zierler: Phát minh tội ác môi trường, theo tôi, là quá trình bao gồm ba nhân tố chính: một là những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã ra lệnh phát động loại hình chiến tranh diệt cỏ, hai là lực lượng quân đội Mỹ đã thực thi lệnh phát động này và ba là các nhà khoa học đã phản đối loại hình chiến tranh trên.
Nói cách khác, khái niệm hủy diệt môi trường không thể tồn tại nếu thiếu một trong ba nhân tố nói trên. Còn cụm từ tội ác môi trường là do tiến sĩ Arthur Galston đặt ra. Ông dùng cụm từ này để truyền đạt quan điểm rằng chất độc da cam không chỉ hủy hoại thiên nhiên Việt Nam mà còn hủy hoại con người nữa.
* Trong sách ông viết rằng sự quan tâm của ông đối với chất độc da cam là một phần trong sự quan tâm chung về mối liên hệ giữa môi trường và quan hệ quốc tế. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này?
- Môi trường luôn là vấn đề mang tính xuyên quốc gia. Khi thế giới ngày càng trở nên gắn kết về kinh tế và chính trị, nguồn tài nguyên chung mà cư dân thế giới đang chia sẻ sẽ trở thành trọng điểm trong chính sự toàn cầu. Trước chiến tranh Việt Nam, thế giới chưa quan tâm đến điều này.
Chính những tranh cãi xung quanh chất độc da cam đã nâng tầm các vấn đề môi trường trong nghị trình quốc tế. Chất độc da cam là một minh chứng của sự hủy diệt môi trường Việt Nam, đồng thời sự dễ dàng và rẻ mạt của việc tiến hành loại hình chiến tranh hóa chất đồng nghĩa với nguy cơ loại chiến tranh này có thể bị nhân rộng ở các quốc gia khác. Đó là lý do vì sao các nhà khoa học Mỹ (mà tôi nhắc đến trong sách) đã cố gắng hết sức để ngăn chặn (loại hình chiến tranh này).
* Tuy nhiên, các nhà khoa học mà ông nhắc đến đã thất bại trong việc ngăn chặn loại hình chiến tranh này trước khi nó diễn ra, do đó hàng ngàn người đã trở thành nạn nhân ở cả hai đầu cuộc chiến. Đây có phải là một nhận định công bằng không, theo ông?
- Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn những nỗ lực của các nhà khoa học trong bối cảnh rộng lớn hơn. Trong vô vàn công dân trên toàn thế giới phản đối chiến tranh Việt Nam, những nhà khoa học mà tôi nhắc đến là những người thật sự thay đổi chính sách của Chính phủ Mỹ thời bấy giờ. Dĩ nhiên mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu họ đạt được mục tiêu (ngăn chặn rải chất độc da cam) sớm hơn.
Nhưng nhờ những nỗ lực của họ, quân đội Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam từ năm 1970, năm năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đó là điều cần phải được ghi nhận. Thêm vào đó, những nỗ lực nói trên đã tạo tiền đề cho việc cấm sử dụng độc chất trong chiến tranh sau này - thành quả đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
* Bản thân cụm từ chiến tranh hủy diệt mang trong đó khái niệm tội ác. Ông có đồng ý với nhận định này?
- Theo quan điểm riêng của tôi, như đã được thể hiện trong sách, việc diễn dịch pháp lý hạn hẹp không phản ánh được toàn bộ bức tranh sự thật. Đứng từ góc nhìn của dư luận quần chúng và đạo đức nói chung, rõ ràng việc rải hóa chất độc hại xuống đất đai của dân thường là một hành động vô cùng sai trái. Nhờ những nỗ lực của các nhà khoa học nói trên, dẫn đến việc tổng thống Gerald Ford ký kết công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học, nếu ngày nay nước Mỹ tiến hành loại hình chiến tranh này sẽ bị coi là tội ác.
* Qua những cuộc phỏng vấn tiến sĩ Arthur Galston, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học Mỹ phản đối chiến tranh diệt cỏ và cũng là người phát minh chất diệt cây cỏ được sử dụng trong hợp chất da cam, ông có thể nói gì về quan điểm của tiến sĩ Galston? Ông ấy có bày tỏ sự trăn trở về thực tế lịch sử mà ông ấy là một phần trong đó?
- Tiến sĩ Galston nhận ra rất rõ sự nguy hiểm của việc leo thang chiến tranh diệt cỏ, và đó là lý do ông dành rất nhiều trí lực cho đề tài này. Mối lo lắng cấp kỳ của ông vào thời điểm đó (những năm 1960) là làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh diệt cỏ vì ông hiểu rõ tiềm năng hủy diệt tàn khốc của các loại độc chất đối với thiên nhiên và con người.
Còn mối quan tâm lớn hơn của ông là làm sao để trong tương lai không bao giờ còn loại hình chiến tranh này nữa. Tiến sĩ Galston cũng quan tâm sâu sắc đến vai trò của khoa học và đạo đức - quan điểm của ông là khoa học chỉ nên được dùng để cải thiện chất lượng sống của nhân loại - và cũng chính vì nền tảng đạo đức này mà ông lao vào cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh diệt cỏ. Là một trong những người phát triển ngành khoa học hóa chất diệt cỏ vào những năm 1940, câu hỏi “nếu như...” là nỗi ám ảnh thường trực đối với ông.
* Trong chương cuối cùng, ông chỉ ra rằng chính quyền của tổng thống Johnson, Lầu Năm Góc và nhiều cá nhân trong cộng đồng khoa học Mỹ vào những năm 1960 đã cố tình dập tắt phong trào phản đối sử dụng chất độc da cam. Vậy có thể nói rằng những định chế và cá nhân này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự hủy diệt của chất độc da cam? Liệu chúng ta có thể đưa ra tên những nhân vật cụ thể không?
- Trách nhiệm tối hậu của việc rải chất độc da cam thuộc về Nhà Trắng. Chiến tranh diệt cỏ được phát động từ thời tổng thống Kennedy, mở rộng ra dưới thời tổng thống Johnson và kết thúc dưới thời tổng thống Nixon. Mỗi vị tổng thống đều chịu trách nhiệm một phần trong khoảng thời gian mười năm chiến tranh diệt cỏ dưới quyền chỉ đạo của họ.
* Trong thời gian thu thập tư liệu cho Phát minh hủy diệt môi trường, ông đã đến Việt Nam. Ông cảm thấy gì khi nhìn thấy tận mắt thực tế những điều ông từng nghiên cứu qua sách vở?
- Đã đi khắp nơi trên thế giới, tôi có thể nói thật lòng rằng Việt Nam là một trong những đất nước vĩ đại nhất trên quả đất này. Tôi đến Việt Nam với mục tiêu nghiên cứu sự hủy hoại và nỗi đau khổ, nhưng thay vào đó, điều tôi tìm thấy lại sự kiên cường, sức mạnh, sự thông hiểu và thái độ thân thiện. Đi dọc chiều dài Việt Nam, tôi thật lòng khó hình dung nổi nước Mỹ đã thả nhiều bom trên đất nước này hơn là toàn bộ Thế chiến thứ hai, và chất diệt cỏ đã bị rải xuống mảnh đất miền Nam Việt Nam trên một diện tích rộng hơn cả bang Massachusetts của Mỹ.
Tôi không có ý nói rằng quá khứ đã bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng tôi nhìn thấy ở Việt Nam quyết tâm hướng tới tương lai và củng cố vị trí văn hóa, kinh tế của mình trên thế giới. Là một sử gia, thực tế đó càng làm tôi tăng quyết tâm nắm bắt sự thật về chất độc da cam trước khi nó phai nhạt dần vào quá khứ.
* Xin cảm ơn ông.
CAM LY thực hiện
Không bộc lộ cảm xúc của tác giả, không dựa vào thân phận đau lòng của những nạn nhân, không dùng những hình ảnh thương tâm để minh họa cho nội dung, David Zierler, với tâm thức của một sử gia, khám phá sự thật qua các sự kiện lịch sử. Và trong vai trò của một sử gia, ông cố gắng đưa những sự kiện ấy đến với công chúng bằng con đường thẳng nhất.
Phát minh hủy diệt môi trường cho thấy thành quả, dù muộn màng, của phong trào phản đối chiến tranh diệt cỏ trong lòng nước Mỹ không chỉ dừng ở việc chấm dứt rải chất độc da cam tại Việt Nam kể từ năm 1970, mà còn là việc thúc đẩy cộng đồng quốc tế thông qua một điều luật trong công ước Geneva cấm khai chiến bằng vũ khí hóa học kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Sức hủy diệt của chất độc da cam, qua con mắt của sử gia David Zierler, cũng là bài học lịch sử lớn lao cho nhân loại về ứng xử với môi trường: không thể tàn phá môi trường mà tránh được hủy hoại con người sống trong môi trường đó.
NGUỒN: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/445793/Su-gia-My-David-Zierler-Trach-nhiem-toi-hau-thuoc-ve-Nha-Trang.html

HOÀ HOÃN TRUNG - MĨ VÀ BIỀN ĐÔNG

Chủ Nhật, 26/06/2011, 09:30 (GMT+7)
Hòa hoãn Mỹ - Trung và cuộc cờ Biển Đông
TTCT - Tháng 7 này 40 năm trước, Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Richard Nixon, bí mật đến Bắc Kinh mở cánh cửa hòa hoãn với Trung Quốc. Sau này giới nghiên cứu chính trị quốc tế còn gọi sự kiện này mở đầu câu kết Mỹ - Trung lần thứ nhất.
Tiến sĩ Kissinger (bìa trái) trao đổi về những vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc do Thompson Reuters tổ chức tại New York ngày 14-6 - Ảnh: Reuters
Mục đích chính của chuyến đi 40 năm trước là nhằm đưa Mỹ thoát khỏi bãi lầy chiến tranh Việt Nam. Lúc đó 100 cuộc tiếp xúc Mỹ - Trung tại Warszawa bế tắc do vấn đề Đài Loan. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng cần thăm dò khả năng cùng Trung Quốc thiết lập một cấu trúc địa - chính trị mới thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam.
Trung Quốc kiên nhẫn ngoại giao
Đến năm 2011, sau 50 lần thăm Trung Quốc, tiến sĩ Kissinger, như báo Mỹ thường gọi, rút ra kết luận về đặc tính nổi trội của ngoại giao Trung Quốc là “tính kiên nhẫn” theo đuổi mục tiêu cuối cùng. Điều mà các nhà ngoại giao Mỹ muốn đạt được nhanh chóng với sự “linh hoạt” thì người Trung Quốc có thể chờ đợi với thời gian tính bằng thiên niên kỷ. Khi nắm được “thóp” chính quyền Nixon muốn gì, Bắc Kinh đòi đổi lấy chiếc ghế của Đài Loan tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời với việc này là từng bước giải tỏa sức ép bao vây cấm vận từ nhiều hướng.
Mới đây, khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, tướng Trần Bính Đức, tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, thừa nhận trong một số vấn đề mang tính nguyên tắc, Mỹ không hề có cam kết cải thiện. Trong buổi đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton liên tục lặp lại quan điểm rằng “trên thế giới hiện nay chỉ có một Trung Quốc, rằng Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc”.
Tướng Trần Bính Đức đáp lại: “Tôi đã nghe cam kết và tuyên bố như vậy kể từ khi tôi còn là một học sinh và tôi đang nghe điều tương tự khi tôi gần đến tuổi về hưu. Tôi tự hỏi khi nào tôi có thể thật sự chứng kiến thống nhất đất nước”. Khi tướng Trần Bính Đức rời khỏi Mỹ, gần nửa số nghị sĩ nước này đã liên danh đệ đơn hối thúc Tổng thống Obama phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Tướng Trần Bính Đức cho biết nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ “đấu tranh kiên quyết”.
Tại Đối thoại chiến lược - kinh tế Mỹ - Trung ở Washington (trong hai ngày 9 và 10-5), trưởng đoàn Trung Quốc, Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn đã đưa ra một nhận xét gây ngạc nhiên là “Mỹ nhìn nhận quá đơn giản về Trung Quốc”. Năm 1971, nền kinh tế Mỹ lớn gấp năm lần kinh tế Trung Quốc; năm 2011, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất nắm giữ các công trái Mỹ và việc chiếm ngôi quán quân kinh tế thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhượng bộ lẫn nhau
Sau năm 2010 cọ xát căng thẳng với Mỹ tại ba biển (Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải), từ đầu năm nay Trung Quốc chủ động mở cánh cửa hòa hoãn với Mỹ, với cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ tháng 1, trước đó thì mời bằng được Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates thăm Trung Quốc. Qua hai chuyến thăm liên tiếp trong tháng 5, hai bên đã thiết lập được khuôn khổ cho quan hệ mới với một số nhượng bộ lẫn nhau.
Trung Quốc nhượng bộ Mỹ một số vấn đề kinh tế thương mại, bày tỏ hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vai trò ở khu vực và quyết định thành lập các cơ chế tham vấn Trung - Mỹ về các sự vụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng trọng tâm mà Trung Quốc hướng tới là trung lập hóa Mỹ để Washington không can dự vào vấn đề biển Đông.
Trong chương cuối cuốn sách Về Trung Quốc xuất bản gần đây, tiến sĩ Kissinger nhận xét rằng sự nổi lên của Trung Quốc “làm cho quan hệ quốc tế một lần nữa hình thành thế lưỡng cực”, báo hiệu một thời kỳ chiến tranh lạnh (thậm chí là nóng) mới.
Một số nhà tư tưởng hiện đại duy lý tại Bắc Kinh khuyên rằng Trung Quốc “không nên hành xử theo cách thức truyền thống của một cường quốc mới nổi” và càng không nên đi theo vết xe đổ của Đức quốc xã sau khi vượt đế chế Anh về sức mạnh kinh tế đã gây ra Thế chiến thứ nhất. Đối với phía Mỹ, ông Kissinger khuyên thay vì “tái cấu trúc châu Á và lập ra khối trên cơ sở kiềm chế Trung Quốc”, nên hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một “cộng đồng Thái Bình Dương” mới.
Chỉ với lời khuyên trên, tiến sĩ Kissinger không những là một trưởng lão của ngành ngoại giao Mỹ, mà có thể được xem là công thần của Trung Quốc. Bởi không biết tiến sĩ Kissinger và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ai tạo cảm hứng cho ai, nhưng nhân dịp Đối thoại Washington vừa qua, phó đoàn Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, gợi ý rằng “Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng thống trị châu Á - Thái Bình Dương”.
Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu và bước vào giai đoạn mới trong chiến lược lấn chiếm biển Đông. Họ cho tàu bè thực hiện những cuộc cọ xát cục bộ trên biển nhằm biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” trên biển Đông, độc chiếm khai thác dầu khí tại vùng biển này.
Về phía Mỹ, phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội tháng 7-2010 đánh dấu sự chuyển biến chính sách của Mỹ đối với biển Đông từ “trung lập” sang “can dự”. Nhưng những tuyên bố của các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ ngay sau các chuyến thăm một phía của Trung Quốc tới Mỹ cho thấy dường như Washington đã trở lại lập trường “trung lập”.
Biển Đông - khu vực địa chính trị ồn ào nhất thế giới
Mỹ có thể giữ được lập trường trung lập bao lâu một khi Trung Quốc áp đặt thành công “đường lưỡi bò”? Một lần nữa Mỹ lặng lẽ điều siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đến khu vực gần kề biển Đông giữa thời điểm biển Đông đang rầm rộ các cuộc tập trận.
Mỹ cũng bắt đầu điều phối cuộc tập trận hải quân với sáu nước Đông Nam Á trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương và eo biển Malacca. Tiếp đó, hải quân Mỹ và Philippines sẽ tiếp tục cuộc tập trận chung kéo dài trong mười ngày trên biển Sulu.
Trong khi đó, 14 chiến hạm nổi của Trung Quốc cùng một số tàu ngầm tiến hành tập trận lớn trên vùng biển Tây Thái Bình Dương thuộc phía tây bờ biển Đài Loan đến hết tháng 6. Mỹ quan ngại vì các tàu khu trục của Trung Quốc có trang bị tên lửa siêu âm SS-N-22 có khả năng tiêu diệt tàu sân bay.
Còn quá sớm để thấy hết lập trường của Mỹ và Trung Quốc trong những vụ việc này, nhưng có thể thấy các cọ xát trên biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang thử thách cuộc hòa hoãn mới Mỹ - Trung.
Ván bài lần này có thể nhằm cho phép Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu giới hạn ở biển Đông, như phóng viên cao cấp Nhân Dân Nhật Báo viết trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 15-6 một cách không úp mở: “Không khai thác chung tại biển Đông, tất sẽ tự chuốc lấy phiền phức”, “Nếu cần hòa bình sẽ bắt buộc phải khai thác chung, chia sẻ lợi ích; bất cứ suy nghĩ nào muốn khai thác độc quyền, hưởng lợi một mình đều dẫn đến xung đột”.
Một quan điểm sặc mùi dầu. Nhưng đây có thể lại là một trong các thỏa thuận mà Trung Quốc đạt được tại Đối thoại Washington đầu tháng 5 vừa rồi: Mỹ ủng hộ (hoặc đứng trung lập) để Trung Quốc gây sức ép các bên liên quan ngồi vào thương lượng việc chia chác nguồn tài nguyên phía nam biển Đông. Còn Mỹ làm cái việc vừa là bên cầm trịch vừa là bên tham gia cuộc chơi mới ồn ào ở vùng biển này, nhằm không để xung đột tuột khỏi sự kiểm soát của mình.
Nhưng nếu có một hòa hoãn mới Mỹ - Trung, nó chỉ là một cuộc giải lao giữa hai hiệp đấu. Trung Quốc không thể độc chiếm biển Đông mà Mỹ cũng khó lòng để Trung Quốc làm điều đó. Cả Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản đều quan tâm đến mối liên kết giữa biển Đông với châu Á - Thái Bình Dương. Và rộng hơn nữa là với cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ lục địa Âu - Á.
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/Quoc-te/443924/Hoa-hoan-My---Trung-va-cuoc-co-Bien-Dong.html

CÁC TỔ CHỨC ỦNG HỘ NẠN NHÂN DA CAM VIỆT NAM

Chính trị - Xã hội
Thứ Bảy, 06/08/2011, 05:23 (GMT+7)
Nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam VN
TT - Sáng 5-8, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN Huỳnh Đảm đã có cuộc làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam VN. Hội cho biết nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở VN, nạn nhân chất độc da cam từ Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác sẽ tới tham dự hội nghị quốc tế các nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ 2, tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 8 và 9-8.
Sáng 5-8, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trao 10 phần quà (trị giá 400.000 đồng/suất) cho các nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: Đ.Cường
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam VN, hội đang tập hợp hồ sơ một số nạn nhân chất độc da cam mới và tiến hành vụ kiện mới đối với các công ty hóa chất Mỹ tham gia cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh ở VN. Phần lớn nạn nhân đứng đơn khởi kiện trong vụ kiện này là nạn nhân thế hệ thứ 2 (con của các cựu chiến binh).
Sáng cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng biểu dương “Những tấm lòng vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Bà Nguyễn Thị Hiền - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng - cho biết thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế rất quan tâm đến nạn nhân da cam trên địa bàn đã động viên, thăm hỏi và giúp đỡ chăm sóc nạn nhân da cam như tổ chức phi chính phủ của các nước Mỹ, Canada, Pháp, Hi Lạp...
LAN ANH - ĐOÀN CƯỜNG
NGUỒN: http://123.30.128.11/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/449918/Nhieu-to-chuc-quoc-te-ung-ho-nan-nhan-da-cam-VN.html

CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI CÔNG LÝ CỦA NẠN NHÂN DA CAM VIỆT NAM


Chính trị - Xã hội
Thứ Hai, 15/08/2011, 07:37 (GMT+7)
Nạn nhân da cam đoàn kết đấu tranh đòi công lý
TT - Ngày 14-8, Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam VN tại Mỹ đã kết thúc chuyến làm việc tại Đà Nẵng và lên đường đến TP.HCM để tiếp tục khảo sát về nạn nhân da cam.
Đoàn công tác gồm các cựu chiến binh, thế hệ thứ hai của nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ, Canada...
Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam VN tại Mỹ ký tên vì công lý cho nạn nhân da cam VN - Ảnh: Đoàn Cường
Sau ba ngày lưu lại Đà Nẵng, đoàn đã đến thăm, giao lưu với các nạn nhân da cam, thăm điểm nóng dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ông Kenneth Herbert Young (Canada) chia sẻ ông từng là một người lính và cũng là nạn nhân da cam chịu hậu quả phải cắt lá lách, ung thư đại tràng...
“Chúng tôi đã thành lập Hội Nạn nhân chất da cam Canada để tiến hành kiện Chính phủ Canada. Nạn nhân chất da cam ở Canada cũng như VN đều có cùng nỗi đau. Vì thế cần đoàn kết nhau lại để đấu tranh”. Còn bà Katherine Khanh Pham (người Mỹ gốc Việt) đang hoạt động cho Tổ chức VietUnity - đấu tranh cho các vấn đề công bằng xã hội, trong đó có vấn đề da cam - bày tỏ: “Đối mặt với các công ty hóa chất Mỹ, những nạn nhân da cam cần phải đoàn kết nhau lại. Hàng ngàn người Mỹ gốc Việt sẵn sàng đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì công lý này”.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng: “Sau cuộc làm việc này, đoàn công tác sẽ chuyển thông điệp kêu gọi đoàn kết đấu tranh vì nạn nhân da cam VN đến với cộng đồng thế giới”.
Đ.CƯỜNG
nguồn: http://123.30.128.11/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/451295/Nan-nhan-da-cam-doan-ket-dau-tranh-doi-cong-ly.html

Cuộc chiến chống Chiến tranh Hoá học trong lòng nước Mĩ

Tuổi Trẻ Cuối tuần
Thứ Bảy, 02/07/2011, 11:27 (GMT+7)
Hồ sơ: Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam - Kỳ 2:
Trận chiến trong lòng nước Mỹ
TTCT - Tháng 8-1962, Nhà Trắng phát tín hiệu về việc mở rộng chiến dịch Bàn tay nông trại từ giai đoạn thử nghiệm sang hoạt động quân sự thường xuyên nhằm hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn.
Dưới thời tổng thống Lyndon B. Johnson, số phi vụ rải hóa chất ngày càng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn 1966-1968. Tổng cộng trong suốt 10 năm, 5 triệu hecta đất trên toàn miền Nam, chiếm 12% diện tích Việt Nam, đã hứng chịu các loại hóa chất phát quang cây cỏ.
Triển lãm ảnh tư liệu “Nỗi đau chiến tranh ở VN” của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Murayana Yasufumi tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM tháng 6-2007 - Ảnh: Thanh Đạm
Wilfred Burchett, một phóng viên Úc, là người đầu tiên công khai phản đối chiến tranh diệt cỏ của Mỹ trong bài viết mang tựa đề Miền Nam Việt Nam: cuộc chiến chống lại cây cỏ, đăng trên tờ Thời Đại Mới tại Liên Xô. Không lâu sau đó, nhiều chính khách Mỹ bắt đầu bày tỏ sự quan ngại của mình.
Giới khoa học phản đối mạnh mẽ
Hạ nghị sĩ bang Wisconsin Robert Kastenmeier gửi thư cho tổng thống Kennedy từ năm 1963 kêu gọi ngừng các đợt rải hóa chất tại Việt Nam vì lý do pháp lý và đạo đức. Hai tuần sau đó, tạp chí chính trị hàng đầu tại Mỹ, tờ Tân Cộng Hòa, đăng tải bài xã luận đầu tiên phản đối loại hình chiến tranh diệt cỏ. Động thái của Tân Cộng Hòa gây tác động lớn trong cộng đồng khoa học Mỹ.
Năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.
Tháng 10-1964, tờ Bản tin của các nhà khoa học Mỹ, cơ quan phát ngôn của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), chính thức đăng bài kêu gọi Chính phủ Mỹ ngừng các đợt rải hóa chất: “...FAS thúc giục tổng thống tuyên bố chính sách cấm khai chiến bằng các loại vũ khí hóa sinh học, ngừng sản xuất các loại vũ khí sinh học, đồng thời ngưng phát triển các loại vũ khí mới”.
Một năm sau đó, Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) bắt đầu tham gia cuộc chiến chống chiến tranh diệt cỏ. Tại buổi họp thường niên của AAAS năm 1965, tổ chức này công bố một nghị quyết mang tên Dàn xếp chiến tranh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Việc kéo dài chiến tranh Việt Nam đe dọa không chỉ sinh mạng của hàng triệu người mà còn hủy hoại các giá trị và mục tiêu nhân bản mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ...
Với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi có trách nhiệm phải chỉ rõ cái giá mà nghiên cứu khoa học đang phải gánh chịu vì chiến tranh. Khoa học không thể phồn thịnh, thậm chí có thể bị thiệt hại, trong một quốc gia ngày càng tăng cường nguồn lực cho các mục đích quân sự”.
Mùa hè năm 1966, giáo sư Bert Pfeiffer thuộc Đại học Montana, thành viên của AAAS, khởi đầu phong trào khoa học phản đối chiến dịch Bàn tay nông trại bằng việc soạn thảo một văn bản kêu gọi tiến hành điều tra tác động của hóa chất phát quang cây cỏ tại miền Nam Việt Nam.
Ban đầu, hội đồng điều hành của AAAS bác bỏ yêu cầu của giáo sư Pfeiffer về việc hiệp hội này tham gia trực tiếp quá trình điều tra. Tuy nhiên đến tháng 9-1967, chủ tịch AAAS Don Price đã gửi thư cho bộ trưởng quốc phòng McNamara đề xuất việc bộ này phê chuẩn và hỗ trợ một cơ quan khoa học độc lập tiến hành nghiên cứu những tác động ngắn và dài hạn của chất độc da cam.
Trước đó tháng 1-1966, 29 nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và các cơ quan giáo dục khác tại thành phố Boston đã gửi đến Nhà Trắng một thư ngỏ phản đối chiến tranh diệt cỏ và yêu cầu chấm dứt các hoạt động quân sự liên quan. Trong lá thư, nhóm các nhà khoa học này tuyên bố việc rải hóa chất tại miền Nam Việt Nam là “man rợ”, tương đương với “một cuộc tấn công vào toàn bộ cư dân tại vùng mà mùa màng bị tiêu diệt”.
Theo một văn bản trong hồ sơ Nhà Trắng, đích thân tổng thống Johnson ra lệnh cho bộ tham mưu của mình làm ngơ với thư ngỏ này. Lá thư nói trên chính là ý tưởng tiền thân cho cụm từ “tội ác môi trường” (ecocide) mà tiến sĩ Arthur Galston đặt ra sau này.
Tháng 9-1966, một nhóm gồm 12 nhà lý sinh học do tiến sĩ Galston dẫn đầu tiếp tục gửi một lá thư khác đến Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Johnson ngừng rải hóa chất tại Việt Nam.
Trong thư, các nhà khoa học nhấn mạnh: “Một hóa chất được tạo ra để làm rụng lá cây cũng có thể gây ra tác động phụ đối với các loài cây cỏ khác, trong đó có cả vụ mùa... Do tính độc hại của một số hóa chất, không thể bảo đảm rằng hợp chất phát quang hoàn toàn không có ảnh hưởng độc hại đến con người và thú nuôi trong nhà... Sử dụng hợp chất phát quang cây cỏ một cách ồ ạt có thể làm phương hại đến hệ sinh thái của toàn vùng, thậm chí có thể đến mức thảm họa”.
Lá thư cũng đề cập tác hại của việc hủy hoại mùa màng đối với người dân vùng bị rải hóa chất, cụ thể là việc phụ nữ và trẻ em bị mất nguồn lương thực.
Hai tuần sau đó, tiến sĩ Galston nhận được hồi đáp của một trợ lý ngoại trưởng, khẳng định rằng những quan ngại khoa học đưa ra là không có cơ sở.
Ngay trong nội bộ AAAS, nhóm các nhà khoa học bày tỏ quan ngại về chất độc da cam cũng rơi vào tình trạng thiểu số. Một trưng cầu nội bộ của hiệp hội này tại thời điểm đó cho thấy 81% ủng hộ chiến dịch rải hóa chất của Chính phủ Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Viện Nghiên cứu trung tây (MRI) thuộc Đại học Kansas, cơ quan được Bộ Quốc phòng Mỹ giao hợp đồng tiến hành đánh giá tác động của chất độc da cam, kết thúc chương trình nghiên cứu vào tháng 12-1967 với kết luận chung rằng chiến dịch Bàn tay nông trại chỉ là phần mở rộng quân sự của các hoạt động phát quang cây cỏ thông thường, và chỉ có tác động lên cây cỏ “tương đương với việc phát quang rừng bỏ hoang”.
Những bằng chứng đánh động dư luận
Ngày 19-7-1968, ban giám đốc AAAS công bố tuyên ngôn trên tạp chí Khoa Học, kêu gọi tiến hành gấp rút các cuộc nghiên cứu dài hạn tại hiện trường miền Nam Việt Nam, yêu cầu quân đội Mỹ công khai tài liệu cho các cơ quan nghiên cứu độc lập, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc dẫn đầu một đoàn nghiên cứu đến Việt Nam.
Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu này. Tuy nhiên, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Charles Bohlen lại bày tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với quan điểm của AAAS. Dưới áp lực của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc nhượng bộ vào tháng 10-1968.
Tháng 8-1970, hai giáo sư Mỹ Bert Pfeiffer và Gordon Orians tiến hành đợt khảo sát đầu tiên trong vòng hai tuần tại miền Nam Việt Nam. Báo cáo của chuyến khảo sát này, đăng trên bản tin của Tổ chức vì trách nhiệm xã hội của khoa học (SSRS), ghi nhận sự thiếu vắng rõ ràng của chim chóc và các loài động vật hoang dã tại các vùng bị rải hóa chất, và sự khác biệt của chất lượng rừng phụ thuộc vào mức độ rải hóa chất - ở những vùng rừng bị rải nhiều đợt, các loại hạt và giống cây yếu chết hàng loạt trên diện tích rộng hàng trăm hecta.
Sinh thái của những vùng lân cận cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những vùng rừng cao su vốn nằm ngoài danh sách mục tiêu rải hóa chất trực tiếp.
Trước đó năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.
Haseltine cho biết phản ứng của ông lúc đó là: “Nếu loại chất này gây dị tật cho chuột sơ sinh, hẳn cũng phải có tác động xấu đối với con người. Công bố thông tin này chắc hẳn có thể giúp ngăn chặn được việc sử dụng chất độc da cam”.
Tháng 1-1970, Haseltine công bố thông tin này trên tạp chí Tân Cộng Hòa trong bài báo đồng tác giả với giáo sư Galston và một sinh viên Đại học Yale tên Robert Cook. Bài báo gây chấn động mạnh mẽ trong xã hội Mỹ.
Tháng 4-1970, Chính phủ Mỹ bắt đầu những nỗ lực tránh cho con người không phải tiếp xúc với chất 2,4,5-T ở cả hai phía Mỹ và miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng các bộ nông nghiệp, nội vụ, y tế, giáo dục và phúc lợi Mỹ đồng loạt công bố quyết định ngừng tức thì việc sử dụng hóa chất này trong mọi hoạt động liên quan đến tiêu thụ của con người.
Cũng trong tháng 4-1970, thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Packard cuối cùng đã hạ lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất độc da cam “cho đến khi kết thúc quá trình đánh giá tình hình (ảnh hưởng của chất này)”.
CAM LY lược dịch
__________
Kỳ cuối: Trách nhiệm tối hậu thuộc về Nhà Trắng
nguồn: http://123.30.128.11/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/444760/Tran-chien-trong-long-nuoc-My.html

VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN WILFRED BURCHETT

Việt Nam từ góc nhìn Wilfred Burchett
TT - Hai người đàn ông khoảng 60 tuổi, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thốt lên trước bức ảnh những người dân miền Bắc đang sửa chữa cầu đường sau trận bom Mỹ: “Có điều gì mà con người không làm được!”. Có lẽ nhà báo người Úc Wilfred Burchett cũng có suy nghĩ ấy khi chụp những bức ảnh này.
Một vài bức ảnh ở Điện Biên Phủ, ở chiến trường Nam bộ, người ta nhìn thấy Wilfred Burchett trong bộ bà ba sẫm màu, khăn rằn đặc trưng Nam bộ. (Ảnh trái). Trẻ em Hà Nội năm 1966. Ảnh: Wilfred Burchett (Ảnh phải).
Nhà báo người Úc Wilfred Burchett (1911-1983) - người được gọi là một huyền thoại gây nhiều tranh cãi với những bài viết trên khắp các chiến trường từ châu Âu sang châu Á, châu Mỹ. Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, ông có mặt ở nhiều điểm nóng của Thế chiến thứ nhất, chiến tranh Đông Dương, phong trào đấu tranh Mỹ Latin, chiến tranh biên giới Việt - Trung.
100 bức ảnh được trưng bày trong triển lãm “Wilfred Burchett và Việt Nam” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) cũng đủ để nói lên tình yêu và sự trân trọng của ông đối với mảnh đất này. Các chủ đề được phân chia rõ ràng: Phía Bắc vĩ tuyến 17 với những bức ảnh về chiến khu Việt Bắc, Điện Biên Phủ, cuộc sống lao động và sản xuất ở miền Bắc từ 1954-1956; Câu chuyện từ chiến khu ghi lại trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; Những hình ảnh miền Bắc năm 1966. Ông gặp và phỏng vấn hầu hết những con người đi đầu trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ...
Trong ảnh của Wilfred Burchett chụp Việt Nam có chiến tranh, hòa bình, có mất mát và những khoảnh khắc bình yên. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên nhìn và cung cấp những thông tin về chiến tranh Việt Nam từ “phía bên kia”, tức là từ phía miền Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Những bức ảnh, những bài viết và bản thân con người Wilfred Burchett đã mở ra cho thế giới biết một góc nhìn khác về những người cộng sản thời kỳ đó.
George Burchett - con trai của Wilfred Burchett - chia sẻ rằng hàng ngàn bài viết, bức ảnh suốt 25 năm về Việt Nam cũng mang đến khá nhiều hệ lụy cho người cha và gia đình mình và cái tên Wilfred Burchett vẫn là chủ đề gây tranh cãi cho đến tận ngày nay. George Burchett nhận rằng “Việt Nam luôn ngự trị trong tâm trí tôi”, không chỉ bởi ông sinh ra ở Hà Nội năm 1955 mà đơn giản bởi câu chuyện về Việt Nam mà người cha mang về sau mỗi chuyến đi.
HÀ HƯƠNG
Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/456009/Viet-Nam-tu-goc-nhin-Wilfred-Burchett.html