10/11/22

ĐỊA CHÍNH TRỊ TRUNG ĐÔNG VÀ ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH CỦA MĨ - TRƯỜNG HỢP CÁC NƯỚC Ả RẬP VÀ VIỆT NAM (1945 - 1967)

  

ĐỊA CHÍNH TRỊ TRUNG ĐÔNG VÀ ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH CỦA MĨ - TRƯỜNG HỢP CÁC NƯỚC Ả RẬP VÀ VIỆT NAM (1945 - 1967)

Lê Tùng Lâm

I.                   ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ hình thành chiến lược “ngăn chặn cộng sản” trên toàn thế giới mà mục tiêu trước hết là khu vực châu Âu. Do đó, từ 1945 – 1950, châu Âu chiếm vị thế quan trọng trong chính sách của Mĩ. Từ những năm 50 của thế kỉ XX, giới cầm quyền Mĩ bắt đầu dịch chuyển chính sách “ngăn chặn” sang châu Á – nơi có nhiều biến động quan trọng[1]. Ở Trung Đông, chính phủ Mĩ tìm cách can thiệp vào các nước Ả Rập. Ở Đông Nam Á, Mĩ từng bước can thiệp vào Việt Nam. Vậy các nước Ả Rập và Việt Nam có ý nghĩa gì về mặt địa chính trị đối với Mĩ? Chính sách của Mĩ đối với các nước Ả Rập và Việt Nam như thế nào? Kết quả ra sao? Đó là những vấn đề sẽ được lý giải trong bài viết này.

II.               NỘI DUNG

1.      Khái quát địa chính trị của Trung Đông và Việt Nam

Địa chính trị (Geopolitics) là thuật ngữ chỉ tác động của vị trí địa lý của một nước đối với nền chính trị hay một chính sách đối ngoại của đất nước. Ngày nay, địa chính trị có thể hiểu là sự cạnh tranh để giành quyền kiểm soát hoặc thống trị đối với các vùng lãnh thổ có quy mô lớn hoặc nhỏ và nó có vai trò đặc biệt là đối với chính sách đối ngoại của các nước (nhất là các nước lớn). Đối với Mĩ, Trung Đông và Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của Mĩ.

Trung Đông[2] (Middle East) là khu vực tiếp giáp của châu Á, châu Âu, châu Phi và được bao quanh bởi Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Khu vực này gồm các quốc gia Ả Rập theo đạo Hồi, các quốc gia Hồi giáo không Ả Rập (Thổ Nhĩ Kì và Iran) và Israel. Từ lâu, Trung Đông được đánh giá là khu vực có vị trí địa lý rất quan trọng vì sau kênh đào Suez, đây là cửa quan trọng nhất để các nước đế quốc can thiệp vào châu Á. Đồng thời, nó cũng là cửa ngõ để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống khu vực Trung Á. Ngày xưa, Trung Đông là điểm kết thúc của “con đường tơ lụa” nối liền từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải. Từ nửa sau thế kỉ XIX, giá trị chiến lược của Trung Đông được hình thành bởi Kênh đào Suez và dầu lửa.

Năm 1869, Kênh đào Suez được khánh thành và trở thành điểm thiết yếu trong con đường thương mại trên biển vì nó rút ngắn đến 42% lộ trình từ Bắc Âu đến Ấn Độ và 32% lộ trình đến Singapore (so với việc đi vòng xuống cực Nam châu Phi). Ngoài ra, sản lượng dầu lửa – mặt hàng có ý nghĩa chiến lược hàng đầu thế giới của Trung Đông cũng tăng nhanh chóng từ 16 triệu tấn (chiếm 4,2% sản lượng dầu thế giới) năm 1946 lên 637,9 triệu tấn (chiếm 29,5% sản lượng dầu thế giới) năm 1970(1). Như vậy, Trung Đông vừa có giá trị về mặt chiến lược để Mĩ ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô xuống vùng Trung Á, vừa là nơi có tiềm năng dầu lửa cao trên thế giới. Do đó, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ bắt đầu chương trình cạnh tranh với Anh và Pháp và không ngừng tăng cường sự ảnh hưởng của mình ở khu vực đầy tiềm năng này.


nguồn: https://zelvitamin.com/co-bao-nhieu-quoc-gia-o-trung-dong/

Năm 1948 – 1949, chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ giữa Israel và các nước Ả rập, tình hình khu vực này xảy ra nhiều biến động quan trọng:

1- Sự suy giảm tầm ảnh hưởng của Anh, Pháp với Trung Đông;

2-Liên Xô ngày càng can thiệp và giúp đỡ cho Ai Cập, Iran trong cuộc chiến tranh Trung Đông.

Mặc dù cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất kết thúc với sự thất bại của các nước Ả Rập và sự mở rộng lãnh thổ của Israel, nhưng cuộc chiến này đã làm tăng sự ảnh hưởng và can thiệp của Liên Xô vào các nước Ả Rập – điều mà giới cầm quyền Mĩ không mong đợi. Do đó, từ những năm 50 của thế kỉ XX, Mĩ bắt đầu tăng cường sự can thiệp ngày càng sâu vào tình hình các nước Ả Rập.

Ở Viễn Đông, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ đã chiếm đóng Nhật Bản và giúp đỡ Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc trong cuộc chiến giữa Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản. Đồng thời, Mĩ cũng giúp cho Lý Thừa Vãn (Rhee Sung-man) thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc ở Nam Triều Tiên (8/1948). Ở Đông Nam Á, Mĩ đã can thiệp vào Thái Lan[3]. Thái Lan được giới chức Mĩ đánh giá là “đối tác đáng tin cậy” (2) của Mĩ trong chính sách “ngăn chặn cộng sản” ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cuối 1949 đầu 1950, tình hình châu Á chịu tác động bởi 3 sự kiện chính:

1-Tháng 3/1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mĩ.

2-Ngày 1/10/1949, cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản kết thúc, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (do Đảng cộng sản đứng đầu) được thành lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/1950).

3-Ngày 25/6/1950, chiến tranh bùng nổ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Trước những biến động trên, ngày 31/1/1950, Truman đã lệnh cho Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng “duyệt xét và đánh giá lại toàn bộ các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kì dưới ánh sáng của các sự biến: Trung Quốc bị mất, Liên Xô làm chủ năng lượng hạt nhân…”(3). Trong bối cảnh khó khăn đó, Hội đồng An ninh quốc gia phải chấp nhận phương án quân sự hóa dựa trên nguyên tắc cơ bản của  NSC-68 của Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council - NSC) để tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội và tăng cường chi phí quân sự nhằm tìm cách mở rộng chính sách ngăn chặn cộng sản sang châu Á. Nhưng làm sao thuyết phục được Quốc hội nếu không có một biến cố nào xảy ra. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ đã khiến ngoại trưởng Dean Acheson phải thốt lên: “Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã cứu chúng ta”(4).

Thật vậy, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã giúp cho  cái cớ để trở lại Triều Tiên thực hiện công việc chống cộng sản như tổng thống Truman tuyên bố: “Sự phòng thủ của Hoa Kì phải vươn tới Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương”. Trong đó, Đông Dương là nơi có vị trí rất thuận lợi về mặt chiến lược để Mĩ có thể xâm nhập vào Trung Quốc từ phía Nam. Như vậy, giới quân sự Mĩ phát hiện được tầm quan trọng về chiến lược của Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng vì khu vực này tiếp giáp Nam Trung Quốc và là cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đó, Washington bắt đầu áp dụng chính sách ngăn chặn cộng sản ở Đông Nam Á bằng quá trình “can thiệp gián tiếp” vào Đông Dương thông qua giúp đỡ cuộc chiến tranh mà Pháp đang tiến hành trên bán đảo này.

Tuy nhiên, Mĩ đã thất bại trong nỗ lực giúp đỡ người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Tháng 7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã đánh dấu sự thất bại của Mĩ trong việc can thiệp gián tiếp vào Đông Dương thông qua người Pháp. Năm 1954, Tổng thống Eisenhower công bố Thuyết Domino và cho rằng “ nếu một nước nếu bị Cộng Sản chiếm thì các nước lân bang sẽ bị mất theo và nếu Nam Việt Nam bị mất về tay Cộng sản thì các nước tự do khác ở Đông Nam Á như Lào, Miên, Thái Lan… và ngay cả Đại Hàn, Đài Loan, Miến Điện, Ấn Độ cũng sẽ mất về tay Cộng Sản(5). Do đó, để tiếp tục giữ vai trò chủ đạo ở khu vực Đông Nam Á, chính quyền Eisenhower tiếp tục quá trình dính líu vào Việt Nam.

Như vậy, Trung Đông và Đông Nam Á nói chung, trong đó, các nước Ả Rập và Việt Nam nói riêng đã giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mĩ. Từ những năm 50, chính phủ Mĩ bắt đầu quá trình can thiệp trực tiếp vào các nước Ả Rập và Việt Nam.

2.      Chính sách của Mĩ đối với các nước Ả Rập

Ngay trước và trong lúc cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ và sự gia tăng ảnh hưởng của Liên Xô vào Ai cập, Mĩ đã từng bước thiết lập quan hệ với Iran. Ngày 20/6/1947, Mĩ kí với Iran Hiệp định về việc Mĩ sẽ cung cấp viện trợ quân sự. Tiếp theo, ngày 5/10/1948, Mĩ kí hiệp định cung cấp cho Iran số lượng vũ khí trị giá 250 triệu USD và một số khoản viện trợ kinh tế. Sau chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất, lợi dụng mâu thuẫn nảy sinh giữa Iran và Anh quanh vấn đề quốc hữu hóa ngành khai thác dầu khí của Iran[4]. Tháng 8/1951, Truman cử đại sứ Averell Harriman sang Teheran để làm trung gian hòa giải giữa Anh và Iran. Thậm chí, Mĩ còn gây áp lực tài chính khi không cho Iran vay 120 triệu USD(6) để buộc chính phủ Mosaddeq phải theo chính sách của Mĩ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Truman đều vấp phải sự phản đối từ Iran.

Ngày 20/1/1953, Eisenhower lên làm tổng thống thay cho Truman và tiếp tục thiện chí với Iran vì “Mosaddeq là niềm hi vọng duy nhất của phương Tây ở Iran và nếu Liên Xô mở rộng quyền kiểm soát đến tận Iran thì nguồn cung ứng dầu lửa ở Trung Đông sẽ không còn….”(7). Như vậy, chính phủ Mĩ quan tâm đến Iran một mặt vì vị trí chiến lược của nước này nhưng mặt khác là vì nguồn dầu lửa của Iran. Nhưng cuối cùng thì Eisenhower và Mosaddeq vẫn không tìm được tiếng nói chung và Washington cùng với London bắt đầu “Chiến dịch Trajax” để lật đổ chính phủ Mosaddeq. Ngày 22/8/1953, Mosaddeq và những nhà lãnh đạo thuộc đảng cầm quyền đã bị bắt, chính phủ Mosaddeq bị lật đổ.


Ngày 4/9/1953, đại sứ Mĩ Loy Henderson và thủ tướng Iran - Zahedi đã đồng ý tiếp tục chương trình viện trợ kĩ thuật trị giá 23,4 triệu USD và ngày 5/9, tổng thống Eisenhower loan báo sẽ cung cấp cho Iran một khoản viện trợ bổ sung 45 triệu USD. Trong năm 1954, Mĩ đã viện trợ cho Iran lên đến 85 triệu USD. Cũng từ năm 1954, 5 công ty dầu của Mĩ là Standard Oil Company of New Jersey, Standard Oil Company of California, Saconi Vacuum Oil Company, Tesax Oil Company và Gulf Oil Corporation được mua 40% sản lượng dầu của Iran. Đây là một thắng lợi lớn về mặt dầu lửa của Mĩ ở Trung Đông. Những sự kiện này đã xác lập sự ảnh hưởng của Mĩ tại Iran và giúp Mĩ hoàn tất khâu cuối cùng của vòng vây được tạo bởi “Các quốc gia mạn Bắc” gồm Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì và Iran, khóa chặt phần biên giới phía Nam của Liên Xô, ngăn chặn Liên Xô xâm nhập vào Trung Đông qua ngõ Caucasus và biển Caspien(8).

Bên cạnh đó, để tăng cường sức mạnh quân sự cho khu vực Trung Đông, Mĩ đã kết hợp cùng Anh giúp đỡ cho Thổ Nhĩ Kì chống lại sức ép từ phía Liên Xô. Từ năm 1947, Truman đã thông qua Kế hoạch Marshall và viện trợ 150 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kì – đưa quan hệ Mĩ - Thổ Nhĩ Kì ngày càng chặt chẽ hơn. Trong chiến tranh Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kì là nước Trung Đông duy nhất tham chiến cùng quân đội Mĩ và Liên Hiệp Quốc. Do sự tác động của Mĩ, ngày 18/2/1952, Thổ Nhĩ Kì được chính thức kết nạp vào NATO. Từ đây, vị thế của Thổ Nhĩ Kì không ngừng được tăng cao và quan hệ liên minh với Mĩ ngày càng chặt chẽ hơn.

Tháng 1/1954, tổng thống Celal Bayar công du sang Mĩ và thỏa thuận với tổng thống Eisenhower về việc thành lập liên minh quân sự Thổ Nhĩ Kì – Pakistan, mở đầu cho liên minh quân sự Baghdad. Ngoài ra, tháng 5/1950, Mĩ đã kí với Pakistan hiệp ước phòng thủ chung, Ngoại trưởng Foster Dulles đi công du  nhiều nước Trung Đông để vận động cho liên minh quân sự Baghdad. Sau đó, tháng 11/1953, đô đốc Wright thực hiện một loạt chuyến “viếng thăm xã giao” đến Lebanon, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kì và  và tuyên bố “các chính phủ vùng này có bổn phận khắc phục các bất đồng giữa họ để cùng phối hợp với phương Tây soạn thảo một kế hoạch phòng thủ chung” (9). Như vậy, mục tiêu của chính phủ Mĩ là thiết lập một liên minh ở Trung Đông để ngăn chặn sự xâm nhập của Liên Xô. Từ ngày 21 – 22/11/1955, các nước (bao gồm Mĩ, Iraq, Pakistan) đã họp ở Iraq và thành lập Khối quân sự Baghdad. Đây là một trong những nỗ lực của Mĩ để tập hợp các nước Trung Đông vào mặt trận chống Liên Xô. Ngày 21/8/1959, Hiệp ước Baghdad được đổi thành Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO). Do đó, Liên Xô cho rằng sự tồn tại của Khối quân sự Baghdad đã đe dọa trực tiếp đến an ninh của họ. Mặt khác, các nước Ả Rập (trừ Iraq) đều phản đối liên minh quân sự Baghdad. Tuy nhiên, sự hiện diện của CENTO là kết quả quá trình can thiệp sâu vào Trung Đông của Mĩ.

Mặc dù Mĩ đã thành công bước đầu trong việc hình thành một căn cứ quân sự ở Trung Đông nhưng quá trình can thiệp vào các nước Ả Rập lại đang gặp nhiều khó khăn. Từ những năm 50, Liên Xô và Ai Cập đang nhích lại gần nhau. Từ năm 1951, Cairo bắt đầu những động thái tích cực với Liên Xô. Ngày 27/9/1955, Văn kiện mua bán vũ khí giữa Ai Cập với Tiệp Khắc được ký kết. Theo đó, Tiệp Khắc sẽ cung cấp chi Ai Cập một khối lượng vũ khí trị giá 27 triệu USD. Từ tháng 5/1956, Ai Cập cũng bắt đầu mua một khối lượng lớn vũ khí của Liên Xô như phi cơ tiêm kích Mig 15 và Mig 17, phi cơ cường kích I.28, xe tăng và các loại vũ khí khác với trị giá lên đến 200 triệu USD. Đồng thời, số nhân viên Tòa đại sứ Liên Xô tại Ai Cập cũng tăng từ 40 người lên 150 người(10). Đây là những dấu hiệu cho thấy Liên Xô đang từng bước can thiệp sâu vào Ai Cập. Mục tiêu của Liên Xô là kiểm soát nguồn dầu lửa của Trung Đông, gây ảnh hưởng đến hoạt động của kênh đào Suez để gây khó khăn cho thương mại biển của các nước Tây Âu. Tình cảnh này đe dọa đến chính sách của Mĩ ở Ả Rập. Do đó, từ năm 1957, Tổng thống Eisenhower cho rằng việc Liên Xô  khống chế kênh đào Suez và kiểm soát dầu lửa Trung Đông sẽ bóp nghẹt nền kinh tế phương Tây.

Ngày 5/1/1957, Quốc hội Mĩ thông qua Chủ thuyết Eisenhower, cho phép tổng thống quyền sử dụng lực lượng quân sự tại Trung Đông mỗi khi thấy cần thiết và chính phủ Mĩ được “cộng tác hay trợ giúp bất kì quốc gia hay nhóm quốc gia nào trong toàn vùng Trung Đông trong nỗ lực phát triển sức mạnh kinh tế nhằm duy trì độc lập dân tộc” (11). Mục tiêu chính trong Chủ thuyết Eisenhower là các nước Ả Rập (trong đó quan trọng nhất là Ai Cập). Tuy nhiên, các nước Ả Rập không mặn mà lắm với Mĩ. Từ ngày 24 đến 27/2/1957, Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập họp ở Cairo và tổng thống Ai Cập – G. Nasser, vua Saudi Arabia – Said, vua Jordan – Hussein và thủ tướng Syria – Asali đã ra thông cáo chung và khẳng định quyết tâm của các nước Ả Rập là “đứng ngoài những hiểm họa của chiến tranh lạnh và tiếp tục trung thành với đường lối trung lập tích cực” (12). Như vậy, các nước Ả Rập từ đầu đã không ủng hộ cho chủ thuyết của Eisenhower, chỉ có Lebanon và Iran, Iraq là tỏ thái độ ủng hộ cho Chủ thuyết Eisenhower.

Tháng 3/1957, chính phủ Lebanon tuyên bố ủng hộ Chủ thuyết Eisenhower và tổng thống Shamun bổ nhiệm Charles Malik (người thân Mĩ nhất) làm Ngoại trưởng. Sư kiện này gây ra cuộc khủng hoảng ở Lebanon vì sự phản đối của các nước Ả Rập khác. Do đó, tổng thống Shamun đã tìm đến Mĩ để ổn định tình hình chính trị ở trong nước. Mặt khác, ngày 14/7/1958, lực lượng thân Mĩ ở Iraq do nhà vua Faisal và thủ tướng Nuri al-Said đã bị đảo chính quân sự và chính thể cộng hòa được thành lập do tướng Abd al-Karim Qasim đứng đầu đã phóng thích những người cộng sản bị giam cầm và đưa họ vào giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ. Động thái này của chính phủ Abd al-Karim Qasim được xem là đe dọa đến nền an ninh của Mĩ và “bước ngoặt ảm đạm này có thể sẽ xóa sạch ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông nếu chúng ta (Mĩ) không phản ứng mạnh mẽ…(13). Do đó, ngày 15/7/1958, Mĩ  đưa 1 vạn quân thuộc Hạm đội VI (nhiều hơn toàn bộ quân đội Lebanon) đổ bộ lên bãi biển Khalde. Sự kiện này đánh dấu quá trình can thiệp trực tiếp của Mĩ vào Lebanon. Sự hiện diện của quân đội Mĩ đã giúp Shamun tiếp tục nắm quyền cho đến ngày cuối nhiệm kì (23/9/1958), Lebanon sẽ không phải gia nhập vào nước Cộng hòa Ả Rập thống nhất(UAR)[5], Mĩ sẽ rút quân…Như vậy, có thể nói Chủ thuyết Eisenhower đã hoàn thành mục tiêu ngay lần thử nghiệm đầu tiên ở Lebanon vì nó giúp củng cố cho sự ảnh hưởng của Mĩ ở Trung Đông và hạn chế được sự ảnh hưởng của Liên Xô đến khu vực này.

Những năm 60 của thế kỉ XX, tình hình Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng do mâu thuẫn giữa các nước. Năm 1961, lần lược Syria và Yemen rút khỏi Cộng hòa Ả Rập thống nhất (UAR). Từ ngày 13 đến 17/1/1964, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập họp ở Cairo đã xem xét một dự án làm thay đổi dòng chảy của hai hay ba phụ lưu sông Jordan trước khi chảy vào lãnh thổ của Israel. Nếu được hoàn tất, công trình trên sẽ làm giảm 35% công suất các công trình thủy lợi và giảm 11% khối lượng nước nhận được của Israel. Do đó, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa Ai Cập và Israel về vấn đề nước. Tiếp sau đó, từ 28/5 đến 2/6/1964, Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) được thành lập ở Đông Jerusalem và cuộc chiến giữa người Palestine và Israel bùng nổ cho đến ngày nay.

Ngoài ra, từ tháng 11/1966, cuộc xung đột biên giới cũng bắt đầu bùng nổ giữa Israel với Jordan, Israel với Syria…Mặt khác, mâu thuẫn giữa Ai Cập và Israel ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, Liên Xô ngày càng can thiệp sâu vào Ai Cập bằng việc cung cấp và mua bán vũ khí cho Ai Cập làm gia tăng mối lo ngại cho Mĩ về vị trí của họ ở Trung Đông.

Trước những biến động trên, Mĩ bắt đầu tìm một đồng minh mới là Israel. Nhìn chung, quan hệ Mĩ – Israel đã được hình thành từ lúc nhà nước Israel mới thành lập. Tuy nhiên, trong thập niên 50, Israel chưa giữa vị trí quan trọng trong chính sách của Mĩ ở Trung Đông. Những khoản viện trợ của Mĩ cho Israel chỉ mang tính chất tượng trưng. Đến những năm 60, Mĩ bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn cho Israel. Năm 1962, Mĩ mới lần đầu tiên bán cho Israel hệ thống vũ khí tiên tiến - tên lửa đất đối không Hawk để đối phó lại với việc Liên Xô cung cấp vũ khí cho Ai Cập và Syria. Đồng thời, Mĩ cũng đã bí mật bán cho Israel một số vũ khí trị giá 60 triệu USD, cung cấp cho Israel xe tăng M48 Patton và một số chiến đấu cơ A-4E Skyhawk(14). Song song với việc bán vũ khí, chính phũ Mĩ cũng tăng cường viện trợ về các mặt cho Israel.

Bảng: Viện trợ của Mĩ cho Israel từ 1962 – 1967

Đơn vị tính: Triệu USD

Năm

Tổng số

Viện trợ quân sự

Viện trợ kinh tế

Viện trợ khác

1962

93,4

13,.2

45,4

34,8

1963

87,9

11,3

45,0

29,6

1964

37,0

-          

20,0

17,0

1965

65,1

12,9

20,0

32,2

1966

126,8

90,0

10,0

26,8

1967

23,7

7,0

5,5

11,2

Nguồn: Dẫn lại theo Lê Phụng Hoàng (2009), Lịch sử quan hệ quốc tế ở Trung Đông từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến các Hiệp định Oslo (1945 – 1995), tr 224.

 

Qua bảng số liệu trên, viện trợ quân sự của Mĩ cho Israel lên đến 90,0 triệu USD  vào năm 1966 để giúp Israel lấy lại thế cân bằng trong quan hệ với các nước Ả Rập. Nhờ vào nguồn trợ chủ yếu của Mĩ (ngoài Mĩ ra, Israel còn nhận viện trợ từ Pháp), Israel đã tăng cường sức mạnh quân sự và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba.

Ngày 22/5/1967, Ai Cập tuyên bố đóng eo biển Tiran đối với những tàu mang cờ Israel hay chở các vật liệu chiến lược và Ai Cập không thừa nhận nhà nước cộng hòa Israel. Ngoài ra, Ai Cập còn ký Hiệp ước phòng thủ chung với Iraq để chuẩn bị tiến công Israel. Như vậy, Israel phải cùng lúc đối phó với 4 nước Ả Rập là Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq. Mâu thuẫn giữa Israel với các nước Ả Rập lên đến đỉnh điểm khi 7 giờ 45 phút (giờ Israel) ngày 5/6/1967, lực lượng không quân Israel bắt đầu tấn công Ai Cập và làm bùng nổ cuộc “chiến tranh sáu ngày” (5/6-10/6/1967) ở Trung Đông và gây ra biết bao tổn thất về người và của cho các nước tham chiến..

Như vậy, Trung Đông nói chung và các nước Ả Rập nói riêng đã giữ một vị trí quan trọng trong chính sách ngăn chặn toàn cầu chống chủ nghĩa cộng sản của Mĩ ở châu Á. Do đó, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Mĩ tìm mọi biện pháp để can thiệp vào các nước Trung Đông. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thay đổi và thái độ của các nước Ả Rập đối với Mĩ cũng khác nhau nên Mĩ cũng có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Tổng thống Eisenhower tập trung vào các nước Ả Rập như Iraq, Lebanon… Từ những năm 60, Mĩ bắt đầu ưu tiên viện trợ quân sự cho Israel. Có thể nói, Chủ thuyết Eisenhower đã thành công đầu tiên ở Lebanon nhưng chính sự can thiệp quân sự và viện trợ của Mĩ cho Israel đã gây ra cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba. Nhưng dù dưới danh nghĩa là chống chủ nghĩa cộng sản thì quyền lợi của chính phủ Mĩ quan tâm nhất chính là “địa chính trị” và nguồn dầu mỏ to lớn của các nước Ả Rập.

3.      Chính sách của Mĩ đối với Việt Nam

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Ngày 20/8/1954, tổng thống Eisenhower tán thành Nghị quyết NSC 5429/2 của Hội đồng An ninh Quốc gia về việc Duyệt xét lại chính sách của Mĩ ở Viễn Đông” và cho rằng “Những thắng lợi của cộng sản ở Đông Dương mà đỉnh cao là Hiệp định Geneva…đã gây tổn hại đến an ninh của Mĩ(15). Tiếp theo, tháng 11/1955, tướng J. Lawton Collins được Eisenhower cử đến Nam Việt Nam để chuyển cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông điệp là “Mĩ sẽ cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể được cho chính phủ Diệm và chỉ cho chính phủ của ông” (16). Đây có thể được xem là bước khởi đầu cho sự can thiệp trực tiếp của Mĩ vào miền Nam Việt Nam để thực hiện mục tiêu chống cộng sản trong vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ năm 1959, vấn đề trọng tâm trong chính sách của Mĩ ở Đông Nam Á là cuộc khủng hoảng ở Lào, chứ không phải tình hình Việt Nam. Do đó, trong những năm cuối nhiệm kì tổng thống Eisenhower, Việt Nam bị rơi xuống hàng thứ yếu.

Tháng 1/1961, John F. Kennedy lên làm tổng thống và bắt đầu một chiến lược mới – “chiến lược phản ứng linh hoạt” - theo đó Mĩ sẽ “dùng vũ khí hạt nhân làm cái mộc che đỡ, dùng vũ khí thông thường làm lưỡi kiến tiến công vào phong trào giải phong dân tộc(17) ở các nước. Việt Nam trở thành nơi lý tưởng để thử nghiệm chiến lược mới này vì từ lúc còn là thượng nghị sĩ, Kennedy đã cho rằng “Việt Nam là hòn đá tảng trong thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó” (18). Do đó, ngay khi lên cầm quyền, Kennedy đã triển khai cuộc chiến tranh bí mật ở Đông Dương, cho các toán biệt kích lén lút vượt vĩ tuyến 17 và đánh vào các đường tiếp tế, phá hoại các mục tiêu quân sự và dân sự trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, điều sang Nam Việt Nam thêm 100 cố vấn quân sự và 400 lính thuộc Lực lượng đặc biệt để huấn luyện chống nổi dậy cho binh lính của Diệm. Không những thế, ngày 11/5/1961, Kennedy còn thông qua Nghị quyết NSAM 52 của Hội đồng An ninh Quốc gia về việc xem xét đề xuất tăng quân số Việt Nam Cộng hòa lên 20 vạn người(19). Những sự kiện trên đánh dấu bước đầu quá trình từng bước leo thang can thiệp của Washington vào vấn đề Việt Nam.

Đến năm 1962, viện trợ quân sự của Mĩ cho Sài Gòn tăng từ 65 triệu USD (1961) lên 144 triệu USD, số cố vấn quân sự tăng từ 3.205 (1961) lên 9.000 người (cuối 1962). Đây là những nỗ lực dính líu ngày càng sâu vào vấn đề Việt Nam nhằm cứu nguy cho chính quyền Ngô Đình Diệm đang lâm vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Mĩ không mang lại kết quả như mong muốn, tình hình Việt Nam vẫn ngày càng một xấu đi. Những thất bại cả trên chính trường lẫn trên chiến trường và tình hình an ninh ngày càng tội tệ ở nông thôn miền Nam Việt Nam cùng sự bùng nổ của phong trào đấu tranh của tín đồ Phật giáo (từ tháng 5/1963) đã làm cho quan hệ giữa Mĩ và Sài Gòn ngày càng rạn nứt. Thậm chí Kennedy còn tính đến giải pháp “chấm dứt mọi sự dính líu về quân sự” của Mĩ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1965 và cho rằng “Năm 1965, tôi sẽ trở thành vị tổng thống mất lòng nhất trong lịch sử. Khắp nơi sẽ nguyền rủa tôi là người xoa dịu cộng sản…”(20). Cuối cùng, ngày 1/11/1963, Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ và 3 tuần sau đó, ngày 22/11/1963, Kennedy bị ám sát tại Dallas, kết thúc một quá trình dính líu dần từng bước nhưng chưa dứt khoát vào Việt Nam của chính quyền Kennedy.

Như vậy, từ Eisenhower đến Kennedy, chính phủ Mĩ ngày càng dính líu từng bước vào chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện tổng thống Kennedy bị ám sát làm cho chiến lược “phản ứng linh hoạt” của Mĩ còn đang dang dở và L.B. Johnson sẽ kế tục nhiệm vụ của Kennedy.

Sau khi Lyndon B. Johnson lên thay, Mĩ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự can thiệp vào Việt Nam. Ngày 24/11/1963, Johnson đã triệu tập cuộc họp với các cố vấn của mình về Việt Nam. Ông coi việc những người cộng sản (bao gồm Bắc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam và cả Liên Xô, Trung Quốc) chiến thắng ở Nam Việt Nam là một bước để họ đạt được mục tiêu phá vỡ chính sách ngăn chặn của Mĩ và ông quyết tâm không để điều đó xảy ra. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh với các cố vấn của mình là “ ông muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này” (21). Rõ ràng, so với Kennedy thì Johnson có phần dứt khoát và cứng rắn hơn, ông xem vấn đề Nam Việt Nam là một thử thách về sự kiên quyết của Mĩ và đặc biệt là một thử thách đối với khả năng của Mĩ trước các cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc” (22). Như vậy, lập trường của chính phủ Johnson  là phải “giành thắng lợi trong cuộc chiến chống cộng sản ở Việt Nam” bằng mọi giá.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị ám sát, tình hình miền Nam Việt Nam ngày càng rơi vào ảm đạm và rất đáng lo ngại với Mĩ. Hội đồng Quân nhân cách mạng (do Dương Văn Minh đứng đầu) lên cầm quyền nhưng thực chất là một “chính phủ Diệm không có Diệm” (23) vì toàn bộ người của Hội đồng Quân nhân cách mạng đều là người từng làm việc cho Diệm trước đây. Tuy nhiên, Hội đồng Quân nhân cách mạng “ngày càng trở nên bất lực trong việc chấn chỉnh lại chính phủ và tổ chức lại quốc gia vì sự tranh chấp nội bộ của họ” (24). Do đó, đêm 29 rạng 30/1/1964, phe của Nguyễn Khánh làm đảo chính, lật đổ Hội đồng Quân nhân cách mạng.

Nhưng sau đó, chính phủ Nguyễn Khánh lại lâm vào tình trạng khủng hoảng và chia rẽ nghiêm trọng khiến chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ ở Nam Việt Nam đối mặt với nguy cơ phá sản vì có đến “40% lãnh thổ, hơn 50% dân số miền Nam thuộc quyền kiểm soát hay ảnh hưởng của cộng sản” (25). Thực trạng này được bộ trưởng quốc phòng Mĩ Robert McNamara dự đoán rắng “Xu thế hiện nay, trừ khi có thể đảo ngược trong hai - ba tháng tới, tốt nhất thì sẽ dẫn đến trung lập hoá, hoặc có nhiều khả năng hơn là sẽ dẫn đến một quốc gia do cộng sản kiểm soát” (26). Tuy nhiên, việc thất bại của Mĩ ở Nam Việt Nam sẽ gây ra một hậu quả nghiêm trọng đối với “sứ mệnh bảo vệ thế giới tự do” của Mĩ vì nếu Nam Việt Nam thất bại thì “Lào gần như chắc chắn sẽ nằm trong vòng ảnh hưởng của Bắc Việt Nam, Campuchia tuy mang vẻ bề ngoài trung lập nhưng trên thực tế sẽ phải chấp nhận sự khống chế của Trung Quốc cộng sản, Thái Lan sẽ rất không ổn định và Malaysia, vốn đã bị Indonesia quấy rầy cũng sẽ như vậy; kể cả Myanmar cũng sẽ coi những diễn biến này như một dấu hiệu rõ ràng là cả khu vực giờ đây phải hoàn toàn ngã theo chủ nghĩa cộng sản (với hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh của Ấn Độ)” (27). Vì vậy, giới cầm quyền Mĩ rất lo ngại về hậu quả của Học thuyết Domino.

Ngày 22/1/1964, trong NSAM 273, các tham mưu trưởng liên quân Mĩ quả quyết rằng “để giành thắng lợi, Mĩ phải sẵn sàng gạt sang một bên nhiều hạn chế tự áp đặt đang hạn chế những cố gắng của chúng ta, và Mĩ phải có những hành động táo bạo hơn dù có thể có những rủi ro lớn hơn” (28). “Hành động táo bạo hơn” ở đây ám chỉ việc tăng cường lực lượng quân sự Mĩ tại miền Nam Việt Nam và ném bom phá hoại miền Bắc, từng bước leo thang và mở rộng cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 15/12/1963, các chiến dịch bí mật chống lại Bắc Việt Nam mang mật danh Kế hoạch tác chiến 34A (OPLAN 34A[6]) được phê duyệt(29). Đến tháng 1/1964, Hội đồng An ninh Quốc gia cho phép CIA giúp đỡ Nam Việt Nam triển khai Kế hoạch 34A nhằm vừa phá hoại cơ sở vật chất, vừa ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đồng thời cảnh báo miền Bắc rằng “họ sẽ phải trả giá đắt, nếu còn tiếp tục nuôi dưỡng, cho quân xâm nhập vào miền Nam”. Thế nhưng, đến tháng 5/1964, sự chi viện của Miền Bắc cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam không hề suy giảm và “tình hình bao trùm ở Nam Việt Nam là cực kỳ mỏng manh… Nếu chiều hướng đang xấu đi này không bị chặn lại vào cuối năm nay (1964), thì vị trí chống cộng của Nam Việt Nam sẽ không thể đứng vững”. Trước những đánh giá ảm đạm trong báo cáo của CIA và trong những kiến nghị khẩn thiết của các tham mưu trưởng liên quân, Johnson đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng soạn thảo một kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả chính trị và quân sự chống lại Bắc Việt Nam(30). Đồng thời, Mĩ tiếp tục tăng cường lực lượng cố vấn Mĩ vào miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm 1964, số cố vấn quân sự Mĩ tăng từ 16.300 lên đến 23.000 người và viện trợ kinh tế tăng thêm 50 triệu USD.

Ngày 25/5/1964, Quốc hội Mĩ đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về những hành động ở Đông Nam Á theo đó “Mĩ coi việc duy trì độc lập và toàn vẹn quốc gia của Nam Việt Nam và Lào là có tính chất sống còn đối với lợi ích quốc gia của Mĩ và hòa bình thế giới” và “nếu Tổng thống thấy cần thiết…Mĩ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả việc đưa đến các lực lượng vũ trang…để chống lại hoạt động xâm lược hoặc lật đổ do bất kì một nước cộng sản nào ủng hộ, kiểm soát hoặc chỉ huy” (31). Như vậy, Quốc hội Mĩ đã cho phép tổng thống quyền sử dụng các lực lượng vũ trang, nếu điều đó là cần thiết, để can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Không những thế, theo thăm dò dư luận của Mĩ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, có đến 65% dân chúng tán thành việc chính phủ Mĩ sẽ có “hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Việt Nam, 47% dân chúng ủng hộ việc gởi thêm quân tới Nam Việt Nam, chỉ có 23% trả lời là không chắc chắn, 19% muốn giữ nguyên quân số và chỉ có 11% muốn rút quân khỏi Việt Nam” (32). Như vậy, dư luận Mĩ đã ủng hộ mạnh mẽ cho giải pháp cứng rắn hơn nữa và thậm chí gởi quân trực tiếp sang Nam Việt Nam. Hai sự kiện trên đây đã “mở đường” cho chính sách “leo thang chiến tranh” của Johnson trong năm 1965.

Từ tháng 8/1964, tình hình ở miền Nam Việt Nam không chuyển biến tích cực và chính quyền Sài Gòn đang lâm vào nguy cơ sụp đổ. Khả năng tồn tại của chính phủ Khánh đến cuối năm 1964 là 50/50. Đó là một chính phủ bất lực, đầy rẫy những bộ trưởng không có kinh nghiệm, ghen tị và nghi ngờ lẫn nhau(33). Trong khi đó, sự chi viện của Hà Nội không hề suy giảm, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành được một số thắng lợi quan trọng và kế hoạch Johnson – McNamara đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Tình hình ảm đạm này buộc chính quyền Johnson phải tìm ra giải pháp phù hợp : Mĩ cần phải mở rộng chiến tranh bằng cách đưa quân Mĩ can thiệp trực tiếp vào Nam Việt Nam. Giải pháp đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị loại bỏ bởi vì “đàm phán mà không tiếp tục các hoạt động quân sự thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu trong tương lai gần(34)”.

Được sự ủng hộ của Quốc hội [thông qua Nghị quyết tháng 5/1964] và của giới quân sự, ngày 10/9/1964, Johnson thông qua NSAM 314 cho phép hải quân tiếp tục các hoạt động tuần phòng trong vịnh Bắc Bộ, các hoạt động biệt kích phá hoại miền Bắc Việt Nam theo kế hoạch OPLAN 34A và thương lượng với chính phủ Vientiane nhằm hạn chế các hoạt động của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lãnh thổ Lào. Đồng thời, Johnson cũng chuẩn bị kế hoạch giáng trả theo cách “ăn miếng trả miếng” đối với những hành động tấn công của Quân giải phóng miền Nam hay của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ Mĩ không mang lại kết quả như mong đợi. Ngày 1/11/1964, Quân giải phóng pháo kích vào sân bay Biên Hòa làm 4 cố vấn Mĩ thiệt mạng. Tháng 12/1964, Quân giải phóng giành thắng lợi trong chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa). Những thắng lợi của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã chứng minh được sự suy yếu của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa (dù có Mĩ đứng sau hỗ trợ). Để đối phó lại tình hình, Johnson đã cho máy bay mở những cuộc tập kích trả đũa xuống miền Bắc Việt Nam. Cuối cùng, người Mĩ nhận ra rằng sự tăng cường ném bom miền Bắc lại tỉ lệ thuận với việc có mặt của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam. Những thất bại đó làm gia tăng mối lo sợ của Mĩ là Hà Nội và Việt Cộng đang chuẩn bị một cuộc tiến công tổng lực mà chế độ Sài Gòn khó có thể chịu đựng nổi. Nam Việt Nam dường như đang trên bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn(35).

Ngày 27/1/1965, McNamara và McGeorge Bundy đã gửi cho Johnson một bản báo cáo theo đó “chính sách hiện nay của chúng ta sẽ chỉ dẫn đến thất bại thảm hại. Điều chúng ta đang làm chủ yếu là chờ đợi và hy vọng có được một chính phủ ổn định. Các chỉ thị của chúng ta trong tháng chạp nói rất rõ rằng chúng ta sẽ không mở rộng hoạt động tiến công cộng sản, trừ phi chúng ta đạt được một chính phủ như vậy. Sáu tuần qua, cố gắng đó đã không đem lại kết quả. Bob và tôi [tức McNamara và McG. Bundy] cho rằng không hy vọng thành công trong việc lập một chính phủ ổn định, trừ khi và cho đến khi chúng ta thay đổi chính sách và các ưu tiên của chúng ta. Chúng tôi thấy có hai giải pháp.

-         Thứ nhất, sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta ở vùng Viễn Đông và buộc cộng sản phải thay đổi chính sách của họ.

-         Thứ hai, triển khai mọi nỗ lực theo hướng đàm phán nhằm cứu lấy những gì ít ỏi nhất có thể bảo vệ được mà không làm tăng thêm các rủi ro quân sự hiện tại của chúng ta. Bob và tôi thiên về phương án thứ nhất” (36).

Như vậy, Johnson đang phải đối mặt với những thách thức lớn ở Nam Việt Nam là sự thất bại trong việc duy trì một chính phủ ổn định và những “can thiệp quân sự hạn chế” như ném bom trả đũa miền Bắc Việt Nam, thả biệt kích (OPLAN 34A) ra phá hoại miền Bắc Việt Nam…đều không mang lại kết quả khả quan. Bây giờ, Tổng thống lại bị các phụ tá thúc ép về một giải pháp cho Việt Nam: hoặc là cứng rắn, quyết liệt với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hoặc đàm phán để kết thúc chiến tranh. Nhưng trong nội bộ của Johnson vẫn nghiêng về giải pháp thứ nhất.

Ngày 5/2/1965, Mac Bundy gởi cho tổng thống Johnson  một bản báo cáo có đoạn viết “Tình hình ở Việt Nam đang xấu đi và nếu Mĩ không có hành động mới, thì thất bại là tất yếu... Nguy cơ thất bại của Mĩ ở Việt Nam là cực kỳ cao... Uy tín quốc tế của Mĩ, và phần lớn ảnh hưởng của chúng ta, đang đứng trước nguy cơ trực tiếp ở Việt Nam. Không thể có chuyện trút gánh nặng lên chính người Việt Nam, và không thể có chuyện thương lượng đưa chúng ta ra khỏi Việt Nam vì hiện không có bất kỳ khả năng hứa hẹn nào... Một sự rút quân bằng thương lượng hôm nay sẽ có nghĩa là sự đầu hàng từng bước” (37). Những báo cáo của Mac G. Bundy trước Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổng thống đã xóa tan sự lưỡng lự trong giới cầm quyền của Mĩ. Bây giờ, Washington dường như chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là “phải can thiệp trực tiếp vào Việt Nam” nếu không muôn nhìn thấy sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa cũng như sự suy giảm uy tín của Mĩ trong cuộc chiến chống cộng sản.

Tuy nhiên, một biến cố quan trọng đã xảy ra vào thời gian này khiến Johnson đi đến quyết định “leo thang chiến tranh” là Thủ tướng Liên Xô Alexey Kosygin đã dẫn đầu phái đoàn viếng thăm chính thức Hà Nội. Ngày 10/2/1965, hai nước đã ra Tuyên bố chung và nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như là “một tiền đồn của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á”. Bản tuyên bố tái khẳng định rằng Liên Xô sẽ “không thể thờ ơ đối với việc bảo đảm an ninh của một nước xã hội chủ nghĩa anh em” và sẽ “cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những khoản viện trợ và sự giúp đỡ cần thiết” (38). Bản tuyên bố chung của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô đã xác nhận vị trí quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á và sự hậu thuẫn của Liên Xô dành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là điều mà người Mĩ không hề mong muốn.

Trước đó, ngày 7/2/1965, Quân giải phóng pháo kích dữ dội căn cứ trực thăng của trại Holloway và sân bay của Mĩ ở Pleiku làm 9 cố vấn quân sự Mĩ chết, 137 bị thương nhiều máy bay bị phá hủy. Hai sự kiện này đã tác động đến quyết định của Johnson.

Ngày 17/2/1965, Tổng thống đã quyết định cuộc tiến công thường xuyên miền Bắc sẽ bắt đầu vì nhiệm vụ đầu tiên của Johnson là “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á” và ném bom sẽ giúp đạt được mục tiêu đó. Nó sẽ không chấm dứt sự xâm nhập, nhưng sẽ góp phần làm suy yếu ý chí của Hà Nội muốn tiếp tục cuộc chiến. Bắt đầu vào ngày 2/3/1965, hơn 100 máy bay cất cánh từ các tàu sân bay ở biển Đông và từ các căn cứ không quân ở Nam Việt Nam đã tiến công một kho vũ khí ở Bắc Việt Nam. Chương trình không quân được gọi là chiến dịch “Sấm Rền” (Rolling Thunder) đã bắt đầu. Nó kéo dài trong ba năm và khối lượng bom thả ở Việt Nam đã lớn hơn ở toàn châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Ngày 23/2/1965, Ngoại trưởng Dean Rusk gửi Tổng thống một báo cáo rằng: “Tôi tin rằng sẽ là thảm hoạ cho Mĩ và Thế giới tự do nếu để cho Đông Nam Á bị miền Bắc cộng sản tràn qua”. Ông ta nói thêm: “Tôi cũng tin rằng cần phải làm mọi việc có thể để đẩy lùi cuộc xâm lăng của Hà Nội và Việt Cộng, thậm chí dù có mạo hiểm tiến hành leo thang lớn”. Về việc rút quân Mĩ khỏi Việt Nam, Dean Rusk viết: “Không thể chấp nhận thương lượng để che đậy cho việc bỏ rơi Đông Nam Á vào tay cộng sản Bắc Việt Nam” (39).

Như vậy, Johnson đã nỗ lực tránh một “sự leo thang lớn” vào miền Nam Việt Nam bằng cách cho hàng trăm cuộc máy bay ném bom oanh tạc miền Bắc Việt Nam để cứu nguy và lên tinh thần cho Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, thực tế thì “vấn đề cơ bản chưa được giải quyết” là tình hình thiếu an ninh cho người dân Nam Việt Nam; vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc Mĩ không có khả năng giành áp đảo về số lượng thậm chí 5 đấu 1 với Việt cộng, trong khi những chiến dịch chống nổi dậy thành công gần đây như ở Philippines và Mã Lai cho thấy sự cần thiết phải áp đảo về số lượng - 10 hay thậm chí 20 đấu 1. Do đó, để giành thắng lợi ở Nam Việt Nam, tướng Westmoreland kiến nghị Mĩ nên áp dụng “bất cứ biện pháp nào cần thiết để làm hoãn lại mãi mãi ngày sụp đổ” (40). Ngày 27/2/1965, Johnson cuối cùng cũng chấp thuận đề nghị của tướng Westmoreland về việc đưa quân đến Đà Nẵng để bảo vệ sân bay ở đây.

Ngày 8/3/1965, hai tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ đã đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho quá trình can thiệp trực tiếp của Mĩ vào Nam Việt Nam. Sau đó, lực lượng viễn chinh Mĩ không ngừng được tăng lên từ 23.310 người vào đầu  năm 1965 lên 537.000 người vào cuối năm 1968. Đây là một số lượng quân viễn chinh nhiều nhất trong lịch sử nước Mĩ. Sự kiện này đánh dấu bước mở đầu quá trình leo thang chiến tranh kéo dài của Mĩ ở Việt Nam. Từ đây, cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến trực tiếp giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và VNDCCH với quân đội Mĩ và VNCH. Đồng thời, nó cũng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chính sách của Mĩ đối với Việt Nam là từ “ngăn chặn đến can thiệp gián tiếp rồi dính líu từng bước và cuối cùng là can thiệp trực tiếp” vào vấn đề Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Như vậy, từ sau Hiệp định Geneva, Mĩ đã đi dần từng bước để can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Mục tiêu của Mĩ là biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản đang lan xuống vùng Đông Nam Châu Á. Trong hệ thống ngăn chặn đó, Việt Nam giữa một vai trò quan trọng, là “quân cờ chủ chốt của ván cờ đô-mi-nô” của Eisenhower. Do Việt Nam có một địa chính trị quan trọng như vậy nên sẽ là một thảm họa với nền an ninh của Mĩ khi mất Việt Nam. Vì thế, chính phủ Mĩ đã quyết định can thiệp trực tiếp vào Việt Nam.

III.            KẾT LUẬN

Các nước Ả Rập và Việt Nam là những quốc gia có ý nghĩa quan trọng về mặt “địa chính trị” đối với “an ninh và sự phát triển” của Mĩ. Do đó, từ những năm 50 của thế kỉ XX, chính phủ Mĩ đẩy mạnh quá trình can thiệp trực tiếp vào các nước này. Ở Trung Đông, Mĩ can thiệp, giúp đỡ cho Iraq, Lebanon, Ai Cập…Còn ở Đông Nam Á, Mĩ từng bước can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Tuy nhiên, lợi ích của Mĩ ở hai khu vực này không hoàn toàn giống nhau. Ở Trung Đông, Mĩ quan tâm nhiều đến nguồn dầu mỏ (quyền lợi kinh tê) ở các nước Ả Rập. Còn ở Đông Nam Á, Mĩ quan tâm đến vị trí chống chủ nghĩa cộng sản tại Nam Việt Nam (quyền lợi chính trị). Nhưng dù vì mục tiêu kinh tế hay chính trị, sự can thiệp của Mĩ đã tác động mạnh mẽ đến các nước. Tình trạng nội chiến, xung đột, chống chính phủ, li khai hiện nay ở Ai Cập, Palestine, Lebanon, đặc biệt và vấn đề giữa Israel và Palestine…là do tác động từ các chính sách của Mĩ. Còn ở Việt Nam, sự can thiệp của Mĩ đã gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc cho nhân dân Việt Nam suốt 21 năm (1954-1975).

 

 


CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14), Lê Phụng Hoàng (2009), Lịch sử quan hệ quốc tế ở Trung Đông từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến các Hiệp định Oslo (1945 – 1995), NXB ĐHSP TP.HCM, tr 27-28, 98, 101, 106, 141,149, 195-196, 198, 206, 224.

(2),(16),(19),(20),(25),(38), Lê Phụng Hoàng (2008), Lịch sử Quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối chiến tranh lạnh (1945 – 1991)NXB ĐHSP TP.HCM, tr 46, 199, 218, 224, 231, 238-239.

(15), Lê Phụng Hoàng (2009), Lịch sử Quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, NXB ĐHSP TP.HCM, tr 197.

(29), Vũ Đình Hiếu (2011), Cuộc chiến bí mật, NXB Thời Đại, tr 9.

(3), Joseph Amter (1985), Lời phán quyết về Việt Nam, bản Tiếng Việt, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr 49.

(17), Trần Bá Khoa (2000), Tìm hiểu những thay đổi lớn trong chiến lược quân sự của Mĩ, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 35.

(18),(21),(22),(26),(27),(28),(30),(32),(34),(35),(36),(37),(39),(40), Robert S.Mc Namara (1995), Nhìn lại quá khứ, Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 44, 112-113, 117, 116, 117, 118, 129-130, 193, 157, 170, 170-171, 175, 176-177, 180.

(31),(33), The Pentagon Papers (1971), Published by The New York Times, New York, p 287, 293.

(4), Thomas J. McCormick (2004), America’s Half- Century United States Foreign Policy in the Cold War and after, Bản tiếng Việt, NXB CTQG, HN, tr 214.

(23),(24), Trần Văn Giàu (1968),  Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 3, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 8, 34.

(5), Trọng Đạt (2012), Thuyết Domino trong chiến tranh Việt Nam, nguồn: http://quanvan.net/index.php?view=story&subjectid=27341#.T8Gk91IczQp



[1] Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước CHND Trung Hoa ra đời (1/10/1949), chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (1950-1953), Nhà nước Israel ra đời, chiến tranh Trung Đông bùng nổ…đã tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của Mĩ.

[2] Trung Đông Là một khu vực xuyên lục địa bao gồm các phần của Âu-Á và Châu Phi, Trung Đông bao gồm các quốc gia có chung các yếu tố như nhóm dân tộc, đặc điểm địa lý, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử chính trị. Khu vực này bao gồm 18 quốc gia. Đó là Bahrain, Cyprus, Ai Cập, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Palestine, Qatar, Ả Rập Saudi, Cộng hòa Ả Rập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen. Các quốc gia này chủ yếu nằm ở Tây Á , Ai Cập ở Bắc Phi, và một phần của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Đông Nam Âu.

[3] Tháng 12/1946, Mĩ cung cấp cho Thái Lan một khoản tín dụng 10 triệu USD. Từ năm 1946 - 1947, Mĩ mua của Thái Lan một khối lượng lớn cao su và toàn bộ khối lượng thiết bị ối đọng trong những năm chiến tranh. Vụ giao dịch này đã mang lại cho tư sản Thái Lan số lãi 12 triệu USD. Tháng 10/1949, Mĩ trả lại cho Thái Lan số vàng trị giá 43,7 triệu USD bị phong toả trong các ngân hàng của Mĩ trong thời gian chiến tranh [Lê Phụng Hoàng, 2008, tr 46].

[4] Ngày 15/3/1951, Quốc hội Iran thông qua sắc luật quốc hữu hóa “trên toàn lãnh thổ, không trừ ngoại lệ nào ngành công nghiệp dầu”. Ngày 2/5/1951, nhà vua Iran ban hành đạo luật quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu. [Lê Phụng Hoàng, 2009, tr 95]

[5] Ngày 1/2/1958, Ai Cập và Syria đã tuyên bố thống nhất thành lập nước Cộng hòa Ả Rập thống nhất (UAR) do tổng thống Gamal Abd al-Nasser đứng đầu. Ngày 8/3/1958, Yemen gia nhập UAR.

[6] Kế hoạch 34A bao gồm hai loại hình hoạt động: thứ nhất, tàu thuyền và máy bay tung điệp viên người Nam Việt Nam được trang bị máy vô tuyến điện vào miền Bắc để phá hoại và thu thập tin tức tình báo; thứ hai, tàu tuần tra tốc độ cao do người miền Nam hoặc lính đánh thuê nước ngoài điều khiển, tiến hành các cuộc tập kích ven bờ biển miền Bắc và đánh phá các căn cứ trên đảo [Robert S.Mc.Namara, 1995, 138].