28/4/19

Bài rất hay - Tư liệu quý về Nguyễn Hữu Thọ và Trần Bạch Đằng.

Tình tri ngộ giữa hai nhà yêu nước

TS. PHAN VĂN HOÀNG
nguồn: http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5884-hv132-tnh-tri-ng-gia-hai-nh-yu-nc.aspx

Dưới ngọn cờ tập hợp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trong suốt 15 năm (1960- 1975), quân và dân ta đấu tranh thắng lợi cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận (20-12- 1960), chúng tôi xin kể lại mối tình tri ngộ giữa hai vị lãnh đạo Mặt trận - luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) và ông Trần Bạch Đằng (bí danh Tư Ánh).
Giữa hai ông, có khá nhiều điểm không giống nhau. 
Trước hết, tuổi tác hai ông chênh lệch đến 16 năm: ông Ba sinh trước chiến tranh thế giới lần thứ I và Cách mạng tháng Mười Nga, còn ông Tư sinh sau, nên phải xếp hai ông vào hai thế hệ khác nhau. 
Ông Tư trải qua những năm tháng đầu đời ở các vùng quê hẻo lánh, hết Bến Bạ (Rạch Giá) đến Xóm Lò Gạch (Biên Hòa). Mười sáu tuổi ông mới xuống Sài Gòn, không phải để đi học mà để lao động mưu sinh và nhất là để hoạt động cách mạng. 
Tuổi trẻ của ông Ba thì khác hẳn. Ông Tư kể: “Mười một tuổi, anh Thọ đã xuống tàu sang Pháp du học. Anh qua bậc trung và đại học trên đất Pháp, bốn bề đều là Pháp - nước đang đô hộ Việt Nam”(1)
Do đó, con đường đi đến cách mạng của hai ông khác nhau xa. 
Ông Tư mới 17 tuổi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản, từ đó trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông giải thích: “Việc tôi hoạt động cách mạng sớm cũng dễ hiểu: gia đình tôi như thế, tôi phải như thế, không khác được”(2)
Còn ông Ba “ở Pháp 12 năm. Anh hồi hương với văn bằng cử nhân luật vào tuổi hai mươi ba. Sau một thời gian tập sự tại văn phòng một luật sư người Pháp, anh mở văn phòng luật sư riêng, trước ở tỉnh, sau lên Sài Gòn, là một luật sư Tòa thượng thẩm”(3)
Cách mạng tháng Tám rồi Nam Bộ kháng chiến có tác động ít nhiều đến suy nghĩ của vị luật sư trẻ tuổi, nhưng chưa đủ mạnh để làm thay đổi dòng chảy cuộc đời của ông. Trong khi các đồng nghiệp của ông, cũng được đào tạo tại Pháp như ông, có người còn mang quốc tịch Pháp - như các luật sư Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thuần, Bùi Thị Cẩm, Phạm Văn Bạch… - dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, thì ông Thọ nhận được quyết định làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long trong hệ thống tư pháp mà thực dân Pháp vừa tái lập sau khi tái chiếm Nam Bộ. 
Bìa sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh Anh, do Trần Bạch Đằng chủ biên
Nhưng không ai có thể sống ngoài tầm ảnh hưởng của những biến động lớn trong lịch sử đất nước được. Ông Tư kể: “Từ 1945, tức từ khi phần lớn thân chủ mà luật sư Thọ bảo vệ là những người kháng chiến hoặc liên quan với kháng chiến, những sự việc hằng ngày kết tụ lại trong luật sư, chờ dịp bùng nổ với tất cả sức mạnh tích lũy và tổng hợp của nó… Có lần luật sư bảo tôi: “Mình học chính trị tại văn phòng luật sư và tại tòa án, qua tiếp xúc với thân chủ và qua tranh luận với biện lý”(4). Bên cạnh ý thức bảo vệ công lý, bảo vệ người lương thiện, tình nghĩa đồng bào lớn mạnh trong ông. Ông chưa tham gia kháng chiến, nhưng ông tự nhận trách nhiệm phải bảo vệ những người của kháng chiến trước tòa án thực dân. Việc làm của ông được các vị lãnh đạo Ủy ban nhân dân Nam Bộ ghi nhận. Vì vậy ông được mời ra thăm chiến khu Đồng Tháp Mười. 
Trong một túp lều đơn sơ nép mình bên dòng kênh Dương Văn Dương, ông được các vị lãnh đạo Ủy ban tiếp đón và trò chuyện một cách thân tình. Các vị đưa ông đi thăm một số cơ quan kháng chiến và đơn vị quân đội, nhưng không đề cập tới chuyện công tác của ông trong tương lai, song chính ông tự nguyện xin ở lại chiến khu và sẵn sàng nhận bất cứ công việc nào được giao. Sau khi cân nhắc, các vị khuyên ông rời Vĩnh Long về Sài Gòn và tham gia các cuộc đấu tranh chính trị trong lòng địch, như thế có lợi cho kháng chiến hơn là ra bưng biền. 
Sau chuyến đi “đổi đời” ấy, ông chuyển về Sài Gòn hoạt động dưới sự dìu dắt của tiến sĩ luật khoa Hoàng Quốc Tân - người vừa từ Pháp về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Văn phòng luật sư của ông ở số 152 đường Charles de Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) trở thành trụ sở của Phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn (một tổ chức quần chúng thành lập năm 1950 do ông cầm đầu) đấu tranh công khai chống Pháp - Bảo Đại đến độ trùm thực dân Henry de la Chevrotière mỉa mai trên báo Union Française: “Nên treo lá cờ Việt Minh lên trụ sở của Phái đoàn đại biểu các giới, vì đó là cơ quan đại diện của Việt Minh”. 
Từ chiến khu, ông Tư theo dõi các hoạt động của ông Ba với lòng cảm phục. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1962, hai ông mới có dịp gặp mặt nhau, sau khi ông Ba được một đơn vị Quân Giải phóng giải thoát khỏi nơi an trí ở Phú Yên và đưa về chiến khu Dương Minh Châu (bắc Tây Ninh). Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ ngày 16-2 đến 3-3-1962) bầu ông Ba làm chủ tịch và ông Tư làm ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Từ đó hai ông có nhiều dịp công tác bên nhau. 
Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông Tư quen biết nhiều người nhưng ông luôn dành một thiện cảm hết sức đặc biệt đối với ông Ba mà ông gọi một cách thân thương là “Anh Ba Nghĩa kính thương”(5)
Ông Tư không phải là người dễ dãi trong việc nhận xét và đánh giá người khác, nhưng ông công nhận ông Ba là “một gương mặt lớn của đất nước”(6), “nhân vật lớn của thời đại chúng ta”(7), “một nhân vật tiêu biểu của nước Việt Nam hiện đại”(8) v.v… 
Giữa năm 1994, ông Ba bị tai biến mạch máu não lần thứ hai nên sức khỏe suy giảm. Vì vậy các đồng chí lãnh đạo cũ của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam quyết định biên soạn một quyển sách về ông Ba và giao cho ông Tư làm chủ biên. Trong Thư ngỏ của chủ biên, ông Tư viết: “Tập sách phải được hoàn thành thật khẩn trương bởi chúng tôi mong nó đến tay luật sư khi những ngày cuối cùng của luật sư cạn dần theo quy luật tự nhiên”(9)
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng
Người viết bài này hân hạnh được ông Tư chọn vào Ban biên tập và làm trợ lý cho chủ biên. Thời gian làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông để lại cho tôi nhiều kỷ niệm thú vị.
Một hôm, ông Tư nhận được bài của một đồng chí từng làm việc chung với ông Ba thời kháng chiến chống Mỹ. Bài khá ngắn, chỉ vài mươi dòng, chủ yếu là nhận xét những đức tính của luật sư. Ông Tư nói đùa: “Bài khô khan quá, giống như lời phê vào đơn xin việc!”. Ông bảo tôi đi gặp tác giả, gợi chuyện rồi viết thêm vào. Tôi làm theo lời ông. Quả thật tác giả này có nhiều kỷ niệm sâu sắc với luật sư, đưa ra nhiều nhận xét rất xác đáng. Tôi ghi chép đầy đủ rồi đưa thêm các chi tiết ấy vào bài. Hôm sau, tôi đọc cho tác giả nghe và được tác giả đồng ý. Lần này ông Tư tỏ vẻ hài lòng về bài viết. Hôm nhận tiền nhuận bút, tác giả ấy đưa phong bì cho tôi, nói: “Bài mang tên chú, nhưng công sức lao động là của cháu”. Tôi không dám nhận, nhưng ông ép tôi phải nhận cho bằng được, nói vui: “Như vậy mới là công bằng xã hội chứ!”. 
Ban biên tập phải chạy đua với thời gian. Không quá 2 tháng, cuốn sách dày hơn 440 trang ra mắt bạn đọc(10). Ông Tư cùng Ban biên tập vào bệnh viện Chợ Rẫy tặng sách cho luật sư. Nằm trên giường bệnh, luật sư rất vui, trò chuyện với chúng tôi.
Thời gian làm việc trong Ban biên tập giúp tôi hiểu vì sao ông Tư đánh giá cao ông Ba. 
Trước hết, ông Ba “đi vào Cách mạng… không qua kênh thành phần giai cấp, truyền thống gia đình, mà bằng sự giác ngộ dân tộc - điểm hội tụ của tấm lòng và tri thức”(11). Ông Tư giải thích: “Anh Thọ không thuộc giai tầng cần lao… Anh lại rời đất nước sang học ở Pháp rất sớm, lúc lên 11 tuổi. Như vậy, tuổi thơ của anh gần như ít gắn với hoàn cảnh đất nước vào những năm thực dân bắt đầu khai thác thuộc địa ồ ạt sau chiến tranh thế giới lần thứ I. Tuổi thơ ấy cũng không được tắm mình trong tiếng sáo của trẻ đồng lứa với anh trên lưng trâu, hay vui với cánh diều nhào lộn giữa khoảng trời xanh cách bờ sông Vàm Cỏ Đông không xa mấy…”. 
Trong suốt 11 năm du học ở Aix-en-Provence, “anh được đào tạo trong một môi trường giáo dục Pháp, trên đất Pháp. Hẳn nhiên anh thông thạo tiếng Pháp hơn tiếng Việt, lịch sử Pháp hơn lịch sử Việt, văn hóa Pháp hơn văn hóa Việt. Những năm hành nghề luật sư… anh dùng tiếng Pháp để bào chữa cho thân chủ của mình. Năm 1940, anh lập gia đình với một phụ nữ có quốc tịch Pháp, con gái của một đốc phủ khá nổi tiếng”(12)… Ông kết luận: “Một người sống trong một môi trường Pháp đến mức độ đó, chợt nghe lương tri dân tộc gọi thúc”(13) thì sẵn sàng từ bỏ nếp sống khá giả và hạnh phúc của một luật sư nổi tiếng, không do dự, không suy tính thiệt hơn, để dấn thân một cách toàn tâm toàn ý vào con đường đấu tranh yêu nước. 
Năm 1949, ông Ba tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản khi sắp bước vào tuổi 40, cái tuổi mà ông Tư mô tả là “bồng bột một cách chín chắn, đã đủ kinh nghiệm trên đường tranh đấu”(14)
Một khi đã vào cuộc, ông Ba quyết đi tới cùng, luôn “cống hiến theo điều kiện riêng cho sự nghiệp chung một cách liên tục, sắc sảo”(15) cho đến cuối đời, lúc đầu là để cứu nước, trong giai đoạn sau là để dựng nước, luôn “tùng phục lợi ích chung”(16) của dân tộc. Thêm một lý do để ông Tư cảm phục ông Ba. 
Được phân công hoạt động đấu tranh chính trị công khai trong lòng địch, ông Ba đã góp phần rất lớn vào việc làm dấy lên nhiều phong trào quần chúng ngay tại đô thành Sài Gòn “mà có lần tập hợp lên hàng trăm nghìn người, đã hợp đồng hiệu quả với cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra ở vùng rừng núi và đồng bằng”. Như vậy, “không phải đợi khi đánh Mỹ mới xuất hiện trạng thái ba vùng chiến lược - hai mũi giáp công” mà chính “các phong trào giữa Sài Gòn do luật sư cầm đầu đã mở ra một phương thức kết hợp đấu tranh cách mạng màu sắc Việt Nam”(17)
Ngay từ năm 1950, ông Ba giương cao ngọn cờ chống lại sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương, đuổi 2 tàu chiến Mỹ chạy khỏi cảng Sài Gòn. Mười hai năm sau, chính luật sư là người được chọn để gánh vác trách nhiệm đứng đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “một cuộc kháng chiến lừng lẫy vào bậc nhất của dân tộc ta. Hẳn rằng không phải bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghĩa vụ nặng nề và phức tạp như thế. Về phương diện này, dân tộc ta đời đời ghi công luật sư”(18)
Trong ngót 30 năm tham gia hai mùa kháng chiến, cuộc chiến đấu của ông Ba diễn ra trong 3 môi trường: trong lòng địch, trong lao tù và trong chiến khu. Ông Tư nhận định: “Luật sư có một cuộc sống dữ dội”(19) chứ “không phải diễn ra trên thảm nhung”(20). Đàn áp, tra tấn, bom đạn... tất cả không hề làm ông nao núng, nhụt chí, đúng như người xưa đã nói: Uy vũ bất năng khuất. Ngược lại, “trong trùng trùng gian khổ, kề cận với cái chết, luật sư luôn lạc quan, luôn đem hết trí tuệ và nhiệt tình của mình đóng góp cho thắng lợi của dân tộc”(21)
Cuối cùng, theo ông Tư, “trong những nhân vật tiêu biểu hàng đầu của cách mạng Việt Nam thời hiện đại, anh Nguyễn Hữu Thọ có những đặc thù, tức những giá trị riêng, vừa độc đáo, vừa cao quý”(22). “Những ai tiếp xúc trực tiếp với luật sư đều cảm thấy mình tiếp xúc với một trí tuệ, một tấm lòng, một nhân cách”(23). Luật sư “cương nghị, trong sáng, giản dị…, nhiệt tình và bao dung, ghét bất công và chia sẻ nỗi bất hạnh với mọi người…, chung thủy với đồng đội, bạn bè”(24). “Với uy tín xã hội rộng lớn, luật sư một mực khiêm tốn”(25), “gần như ít nói về cá nhân mình”(26)
Bản thân đi theo cách mạng, ông Ba còn “quy tụ các tầng lớp theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra”(27), “trở thành trung tâm đoàn kết mọi người yêu nước Việt Nam, kể cả Việt kiều ở hải ngoại, bằng đức độ, lòng quả cảm và tri thức uyên bác, nhìn xa trông rộng, vận dụng sâu sắc chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một số khá lớn nguyên thủ quốc gia châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và châu Âu gặp gỡ và khâm phục luật sư”(28). “Chưa gặp Bác Hồ một lần - nỗi ân hận khôn nguôi của luật sư - anh vẫn xứng đáng là người học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(29)
Hay tin luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua đời (24- 12-1996), ông Tư viết: “Cuộc đời của luật sư Nguyễn Hữu Thọ mang sắc màu huyền thoại… Anh cống hiến thật lớn lao cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng nước… Anh Ba Nghĩa kính thương! Hậu thế Việt Nam chịu ơn Anh, chịu ơn cuộc đời đầy sóng gió phi thường, đồng thời rất bình dị, rất “người” của Anh”(30)
Trong phút giây vĩnh biệt, chỉ bằng mấy câu ngắn gọn, ông Tư đã tổng kết một cách đầy đủ và sâu sắc cuộc đời sôi nổi của ông Ba. Ông làm được điều đó, vì - theo tôi nghĩ - dù có những điểm khác nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh xuất thân v.v…, ông Tư là người hiểu được ông Ba hơn ai hết, như ngày xưa Chung Tử Kỳ hiểu Bá Nha vậy!
_____ 
(1), (3), (5), (7), (11), (13), (16), (20), (25), (30) Trần Bạch Đằng, Kẻ sĩ Gia Định, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999. 
(2) Trần Bạch Đằng, Cuộc đời và ký ức, NXB Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 2016. 
(4), (6), (8), (9), (12), (14), (15), (17), (18), (19), (21), (22), (26), (28), (29) Trần Bạch Đằng (chủ biên), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh Anh, NXB Văn học, Hà Nội, 1995. 
(10) Ông Tư đặt tên cho cuốn sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh Anh (1995). Ba năm sau, sau ngày ông Ba qua đời, sách được tái bản và bổ sung, mang tên mới Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với Nước, tận hiếu với Dân
(23), (24), (27) Trần Bạch Đằng (chủ biên), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với Nước, tận hiếu với Dân, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.