30/8/15

SỰ TRỖI DẬY VÀ VỊ THẾ GIA TĂNG CỦA ẤN ĐỘ

Thế giới và Việt Nam, mục Thế giới toàn cảnh
Sự trỗi dậy và vị thế gia tăng của Ấn Độ
Vai trò và vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế thời gian qua tăng cao khiến Mỹ không thể không nhận ra sức mạnh tương lai cũng như vai trò quan trọng của nước này trong chính sách “xoay trục” trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Đầu thế kỉ XXI, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều tác động đến tình hình nước Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm suy giảm nghiêm trọng vai trò của Mỹ tại khu vực này. Do đó, từ năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực này nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ trở thành nhân tố quan trọng.
Những lợi ích chung
Mỹ và Ấn Độ có lợi ích chiến lược lâu dài hợp tác để đối phó với “nguy cơ” từ Trung Quốc. Trong lịch sử, quan hệ Trung - Ấn vốn tồn tại nhiều bất ổn và tranh chấp lẫn nhau. Ấn Độ cũng đang vấp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm… Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về mặt quân sự cũng không khỏi gây cho Dehli sự lo lắng.
Cùng với Ấn Độ, Mỹ cũng tỏ ra quan ngại khi cho rằng “Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với những lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Á”. Vì vậy, trong chính sách xoay trục, Mỹ phải tiếp tục nuôi dưỡng một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Trong tình hình xuất hiện nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc như hiện nay, Mỹ cho rằng, “sự trỗi dậy của Ấn Độ dân chủ và ngày càng hùng mạnh đem lại cơ hội tích cực duy nhất để thúc đẩy những lợi ích toàn cầu của Mỹ”.
Như vậy, xuất phát từ lợi ích chung khi đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Trong thời gian gần đây, quan hệ thương mại Ấn Độ - Mỹ cũng có những chuyển biến tích cực. Ấn Độ ngày càng trở thành thị trường quan trọng của Mỹ.
Kim ngạch thương mại Mỹ - Ấn giai đoạn 1990 – 2011
Đơn vị: Tỷ USD
Năm
1990
1995
2000
2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
Mỹ XK
2.5
3.3
3.7
7.9
9.7
15.1
17.7
16.4
19.3
21.6
Mỹ NK
3.2
5.7
10.7
18.8
21.8
24.1
25.7
21.2
30.0
36.2
Cân bằng
-0.7
-2.4
-7.0
-10.9
-12.1
-9.0
-8.0
-4.8
-10.7
-14.6
Nguồn: Phạm Thái Quốc (cb, 2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.127.
Qua bảng số liệu, chúng ta nhận thấy cán cân thương mại giữa xuất và nhập khẩu của Mỹ với Ấn Độ luôn âm và tình trạng thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng lớn. Năm 2000, mức độ thâm hụt là 0,7 tỷ USD thì năm 2011 đã tăng lên 14,6 tỷ USD (tăng gần gần 21 lần). Do đó, Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của mình.
Ấn Độ là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc. Đến năm 2030, Ấn Độ dự kiến sẽ có dân số lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ ba. Vì vậy, Mỹ nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với Ấn Độ. Tổng thống Obama từng đánh giá cao sự phát triển của Ấn Độ và cho rằng “từ Chính sách Hướng Đông cho đến những đóng góp cho an ninh hàng hải của Ấn Độ lẫn việc họ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức khu vực, Ấn Độ có thể làm được nhiều điều cho châu Á và thế giới”. Đồng thời, Tổng thống Obama cũng cho rằng “trong thập kỷ qua, Ấn Độ và Mỹ đã phát triển một quan hệ đối tác toàn cầu quý giá…”. Rõ ràng, tuyên bố trên đã chứng minh cho vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong chính sách của Mỹ ở châu Á.
Những chuyển biến tích cực
Thời gian qua, quan hệ Mỹ - Ấn đang có nhiều chuyển biến tích cực. Cuối tháng 1/2014, nhiều thông tin nghiên cứu cho thấy Mỹ đang tiếp cận Ấn Độ thông qua việc thiết lập các đơn vị quân đội và tình báo tại nước này nhằm chống lại các nhóm khủng bố ở Pakistan, vốn đe dọa lợi ích của cả Mỹ lẫn Ấn Độ. Đây có thể được xem là “sự thay đổi trong nhận thức” về Ấn Độ của Mỹ. Mục đích quan trọng trong sự thay đổi này của Mỹ nhằm thể hiện nỗ lực của Washington trong việc tạo một mắt xích mới trong chính sách bao vây Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Ấn không ngừng được Tổng thống Obama quan tâm và tìm cách tăng cường. Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 25-27/1 vừa qua của Tổng thống Obama, hai bên đã cùng thừa nhận về sự “bất an trước những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời quan tâm hơn tới các cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc”. Chính sự tương đồng trong nhận thức này đã thúc đẩy Mỹ nâng tầm quan hệ với Ấn Độ. Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ký tuyên bố chung và tái khẳng định "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không". Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cấp cao cũng đồng ý ký hiệp định hợp tác quân sự mới - “Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn” (thời hạn 10 năm). Theo đó, hai nước đã nhất trí là trong tương lai sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hơn. Hiệp định nói trên cũng kêu gọi Washington và New Dehli tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Ngược lại, Thủ tướng Ấn Độ cũng muốn thông qua sự hợp tác với Mỹ để nâng cao vai trò của nước này tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm góp sức để cân bằng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong tổ chức này. Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ quyết tâm giữ một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại châu Á với chính sách mang tên "hành động Phương Đông". Chính sách này của Ấn Độ cũng gần giống với chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Mục đích chung của hai nước nhằm kiềm chế sự trỗi dậy về mọi mặt Trung Quốc tại khu vực châu Á.
Nhận định về những động thái này, tờ South China Morning Post cho rằng, “chuyến thăm và sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama với tư cách khách mời danh dự tại lễ diễu hành nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ hôm 26/1 đã làm nổi bật mối quan hệ đang ngày càng khăng khít hơn giữa hai nước, đồng thời gửi đi thông điệp rằng nếu cần thiết, Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ bắt tay để cùng đối phó Trung Quốc.
Rõ ràng, Trung Quốc cũng rất quan ngại khi quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng tốt đẹp hơn. Sự hợp tác này mang lại thời cơ cho cả Ấn Độ và Mỹ trong sự phát triển và nâng cao vị thế của hai nước. Ấn Độ đã trở thành nhân tố “trực tiếp” và là “đối tác chiến lược” của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tùng Lâm, nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2015/8/3E2B060F243F2AD2/, truy cập ngày 30/8/2015.