17/9/15

PHƯƠNG PHÁP TƯỜNG THUẬT LỊCH SỬ

Phương pháp tường thuật
Khái niệm
- Tường thuật là một cách trình bày miệng quan trọng, nhằm tái hiện ở học sinh biến cố lịch sử quan trọng với đầy đủ tính cụ thể và gợi cảm của nó.
- Ta có thể hiểu: Tường thuật là trình bày có chủ đề về một biến cố hay một quá trình lịch sử trong sự phát triển, những hoạt động cụ thể của quần chúng nhân dân hay của một nhân vật lịch sử.
- Tường thuật bao giờ cũng có chủ đề, có tình tiết nhằm kích thích trí tưởng tượng tái tạo của học sinh về những hình ảnh của quá khứ.
- Chúng ta cần phân biệt những điểm khác nhau giữa tường thuật và thông báo: "thông báo" ở đây chỉ giới hạn trong việc nêu lên một cách chính xác những sự kiện, niên đại, số liệu, tên đất, tên người cần thiết cho việc ghi nhớ bài học, cho việc hình thành khái niệm rút ra kết luận. Việc thông báo không tạo cho học sinh hình ảnh cụ thể về quá khứ, không hấp dẫn, không gây hứng thú học tập cho học sinh. Tuy nhiên, thông báo cũng có ưu điểm là: tiết kiệm thời gian - trong một khoảng thời gian nhất định, giáo viên có thể truyền đạt cho học sinh nhiều sự kiện lịch sử, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhận thức lịch sử
Vd: Khi trình bày sự kiện lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945:
Thông báo: Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử trọng đại và ngày 2 tháng 9 năm 1945 trở thành ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam.
Tường thuật: 2 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tới 3 giờ chiều, toàn thể quốc dân tuyên thệ. Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn “Xin thề !” tỏ ra ý chí bền vững không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc đứng lên giành tự do độc lập. Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài một lần nữa. Người hô hào nhân dân kiên quyết hy sinh giữ vững nền độc lập vừa mới giành được. Lễ mít tinh bế mạc biến thành một cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại trong thành phố. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy !”. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 mãi đi vào lịch sử như một ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau ngót một thế kỉ đô hộ của thực dân Pháp. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 trở thành ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam và đó cũng là cái mốc chấm dứt lịch sử cận đại Việt Nam, mở ra một kỉ nguyên mới cho lịch sử dân tộc ta.
Nếu có điều kiện, giáo viên có thể cho học sinh xem những thước phim tư liệu về ngày 2 tháng 9 năm 1945 mà mình sưu tầm được.
Đặc trưng của phương pháp tường thuật
- Có đầu, có cuối một cách cụ thể và tỉ mỉ.
- Có chủ đề tư tưởng và tình cảm.


Các trường hợp cần sử dụng phương pháp tường thuật
- Thứ nhất, khi trình bày diễn biến 1 sự kiện, 1 biến cố lịch sử quan trọng có ý nghĩa lớn.
- Thứ hai, khi trình bày về những hành động điển hình của quần chúng, của một nhân vật lịch sử để tạo biểu tượng lịch sử chính xác và có nội dung phong phú.
- Thứ ba là khi cần rút ra kết luận khái quát về một sự kiện lịch sử trên cơ sở nắm vững biểu tượng của nó. Tức là, tường thuật không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lịch sử mà còn là một biện pháp để giải thích bản chất những sự kiện lịch sử phức tạp. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử phức tạp, tường thuật dẫn dắt học sinh đến những kết luận, khái quát quan trọng.
Cấu tạo của một bài tường thuật
Bài tường thuật được xây dựng trên cơ sở nội dung của sách giáo khoa, nhưng thông qua phần trình bày của giáo viên đã tạo cho học sinh những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác về bức tranh quá khứ đang học, vì vậy giúp học sinh hứng thú hơn khi học.
Cấu tạo của một bài tường thuật kịch tính gồm những phần sau:
- Mở đầu
- Tình tiết phát triển
- Tình tiết phát triển đến đỉnh cao
- Sự căng thẳng trong kết cấu
- Sự căng thẳng giảm đi
- Kết thúc
Ý nghĩa của phương pháp tường thuật
- Trong dạy học lịch sử, tường thuật đóng góp quan trọng trong việc tạo biểu tượng cụ thể sinh động cho học sinh về hình ảnh của quá khứ.
- Cung cấp những sự kiện, dẫn dắt học sinh đến những hiểu biết mới sâu sắc, có ấn tượng mạnh mẽ.
- Tạo sự hứng thú học tập. Sự hứng thú theo dõi bài giảng của học sinh sẽ giảm đi nếu người giáo viên chỉ thông báo một cách vắn tắt, khô khan nội dung mà không có một chút tình cảm nào khi tường thuật.
Yêu cầu đối với phương pháp tường thuật
- Phải mở đầu và kết thúc một cách cụ thể và tỉ mỉ.
- Phải tạo bức tranh sinh động, chân thực, có tính giáo dục và bảo đảm tính lịch sử.
- Tạo biểu tượng rõ ràng, chính xác.
- Kết hợp hài hòa giữa hai phương pháp miêu tả - tường thuật.
- Một yêu cầu quan trọng khác khi sử dụng phương pháp tường thuật là bản thân người giáo viên phải chọn đúng sự kiện cần trình bày; thông tin những kiến thức mới, bổ ích và phù hợp với trình độ học sinh (tài liệu phải vừa sức với sự tiếp thu của học sinh nhằm đảm bảo cho tất cả học sinh có thể hiểu bài, kích thích hoạt động trí tuệ của các em; biết cách trình bày mạch lạc, rõ ràng, kết hợp hợp lý với các hình thức trình bày miệng khác (miêu tả, giải thích), với các phương tiện dạy học (đồ dùng trực quan, phim ảnh, tài liệu mới...).

PHƯƠNG PHÁP MIÊU TẢ

I. Nhóm PP thông tin tái hiện LS
1.1. Phương pháp miêu tả
Khái niệm
Miêu tả là dùng lời văn có thanh sắc có hình ảnh để làm hiện lên trước học sinh về hình dáng, đặc điểm của một sự vật, hiện tượng lịch sử.
Miêu tả không có chủ đề mà chỉ có đối tượng cụ thể cần trình bày.
Vai trò
Miêu tả nhằm trình bày những đặc trưng của một sự vật, một sự kiện lịch sử để nêu lên những nét bản chất chủ yếu, cấu tạo bên trong cũng như hình dáng bên ngoài của chúng.
Miêu tả nhằm làm sáng tỏ những nét bản chất, những đặc trưng trong mối liên hệ bên trong của các sự kiện lịch sử.
Miêu tả góp phần hình thành biểu tượng lịch sử
Phân loại PP Miêu tả
+ Miêu tả giản đơn: chỉ rõ một vài đặc điểm chủ yếu để qua đó đi sâu vào phân tích cơ cấu bên trong của sự vật.
VD: Khi giảng về một cơ sở kinh tế, giáo viên chỉ cần nhấn mạnh vào một hoặc một vài chi tiết cụ thể nào đó giúp học sinh nhận rõ bản chất của cơ sở kinh tế. Khi giảng hình thái kinh tế tư bản, giáo viên cần nhấn mạnh và miêu tả một số chi tiết cụ thể: người chủ tư sản ăn mặc bảnh bao với rất nhiều công nhân ngồi dệt vải xung quanh. Đây là hình thức chuyên môn hóa trong sản xuất, cơ sở của kinh tế tư bản.
+ Miêu tả tỉ mỉ: khắc họa bức tranh trọn vẹn về đối tượng miêu tả.
VD: Khi miêu tả Trống Đồng - Trống Đồng vừa là công cụ sản xuất, vừa là công trình văn hóa và là đồ dùng trong đời sống nhân dân, giáo viên cần miêu tả tỉ mỉ hình dáng, kích thước của trống, những hoa văn có trên mặt trống: hình ngôi sao ở giữa, xung quanh là hình chim lạc bay theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, và đặc biệt là hình ảnh các hoạt động sản xuất, giã gạo, các hoạt động lễ hội nhảy múa... đều thể hiện trên mặt trống. Giáo viên cần miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết để cho học sinh thấy được nét độc đáo của Trống Đồng và để học sinh hiểu được tại sao Trống Đồng được xem là biểu tượng văn hóa lịch sử của dân tộc ta.
Phương pháp miêu tả
+ Miêu tả từ xa đến gần.
VD: Khi dạy bài văn hóa cổ đại. Kim Tự tháp là một công trình kiến trúc cổ đại vĩ đại. Để học sinh có được khái niệm trên thì giáo viên nên miêu tả Tim Tự Tháp tử xa đến gần để thấy được sự vĩ đại của công trình trên. Kim Tự Tháp ở Ai Cập dược xây dựng thành một hệ thống ở thung lũng có dạng hình chóp, đáy hình vuông được xây dựng bằng gạch hay đá. Kim Tự Tháp Kheops được xây dựng năm 2570.TCN, cao 146,6m.... Qua những chi tiết giáo viên miêu tả, học sinh sẽ dễ dàng nhận ra sự vĩ đại của Kim Tự Tháp - công trình kiến trúc vĩ đại thời cổ đại.
+ Từ ngoài vào trong.
VD: Khi giảng về cuộc chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, giáo viên có thể dùng bản đồ miêu tả điều kiện địa lí, vị trí địa lý nơi xảy ra sự kiện đó là Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới vời Lào, cách Hà Nội và Luông Pha Băng không xa. Bên trong thung lũng là nơi tập trung hầu hết các cứ điểm quan trọng của địch gồm 49 cứ điểm, được chia thành 3 phân khu. Từ đó có thể khắc họa cho học sinh nắm vị trí chiến lược quan trọng của Điện Biên Phủ và nơi đây trở thành chiến trường chính trong những năm 1953 - 1954.
+ Từ khái quát đến cụ thể.
VD: Khi giảng bài Cách mạng tư sản Pháp, để nói đến tình cảnh người nông dân trước cách mạng, giáo viên thường dùng hình ảnh một người nông dân gánh trên lưng hai người trông thật mệt mỏi. Người nông dân phải chịu sức ép đè nặng trên lưng của 2 người đại diện cho hai tầng lớp trong xã hội đương thời là quí tộc và tăng lữ với rất nhiều khế ước, văn tự trên tay của hai tầng lớp thống trị. Bên cạnh đó là hoàn cảnh mất mùa đã khiến cho hoàn cảnh nông dân trước cách mạng tư sản Pháp rơi vào cảnh bế tắc và bị áp bức bóc lột nặng nề
Yêu cầu của PP Miêu tả
+ Phải dựa vào những chi tiết chân thật nhất, cơ bản, điển hình nhất để miêu tả.
+ Miêu tả phải cụ thể gợi cảm, có hình ảnh để kích thích trí tưởng tượng của học sinh.
+ Miêu tả không có chủ đề nhưng người giáo viên phải tỏ thái độ dứt khoát đối với sự vật được miêu tả.
Ý nghĩa
Miêu tả là một trong những bước quan trọng nhất giúp học sinh nắm được, hiểu được những chi tiết, yếu tố bên ngoài của các sự vật, hiện tượng lịch sử. Từ đó giúp học sinh hình thành khái niệm, hiểu được những bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng lịch sử, làm cho bài giảng thêm phong phú sinh động, thu hút sự qun tâm học tập của học sinh vào các bài giảng lịch sử.

Giáo dục tình cảm, đạo đức cho HS trong dạy-học Lịch sử ở trường THPT

III. Giáo dục tình cảm, đạo đức cho HS trong dạy-học Lịch sử ở trường THPT.
3.1. Nguyên nhân phải coi trọng việc giáo dục tư tưởng, tình cảm và đạo đức cho học sinh
+ Vì mục tiêu giáo dục
+ Vì ưu thế của môn Sử trong việc giáo dục
Giáo dục bằng truyền thống
Giáo dục bằng sự nêu gương
Giáo dục bằng sự chứng minh của Lịch sử
3.2. Những nội dung tư tưởng, tình cảm, đạo đức cơ bản có thể và cần giáo dục cho học sinh qua môn lịch sử.
Bồi dưỡng lòng tự hào, lòng tin tưởng ở dân tộc, ở nhân dân lao động : tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc (về văn minh Văn Lang – Au Lạc, Văn minh Đại Việt, Chiến thắng giặc ngoại xâm...)
Bồi dưỡng lòng yêu nước, căm thù bọn xâm lược, bọn bán nước.
Nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường, tinh thần khắc phục khó khăn, quý trọng lao động.
Giáo dục lòng biết ơn tổ tiên, biết ơn các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ, các chiến sĩ từ trước tới nay.
Khơi dậy ý muốn cống hiến hết sức mình cho đất nước, cho dân tộc. Bồi dưỡng, xây dựng cho ọhc sinh ý chí, tinh thần vượt khó qua các bài học lịch sử.
Góp phần giáo dục tinh thần quốc tế vô sản.
3.3. Cách thức tiến hành
Thầy cô giáo phải có tư tưởng tình cảm, đạo đức tốt trước.
Phải có chủ định : dự định sẽ giáo dục những tư tưởng tình cảm gì cho học sinh trong mỗi bài dạy.
Tùy theo nội dung của từng bài mà xác định nội dung tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho phù hợp.
Trình bày sự kiện sao cho toát lên được chủ đề tư tưởng tình cảm cần giáo dục. Mặt khác cũng có thể liên hệ so sánh để giáo dục.
Cần lưu ý :
+ Về tài liệu sử dụng : phải phân biệt tài liệu sử, dã sử, không phải tài liệu sử...
+ Kiên quyết vứt bỏ những chi tiết dù rằng nó thú vị nhưng không đảm bảo tính giáo dục.

IV. Một số biện pháp phát triển tư duy cho HS
a. Phương pháp vấn đáp
Vấn đáp ( đàm thoại ) là phương pháp trong đó giáo viên đặt ra câu hỏi để học sinh trả lời, hoặc học sinh có thể tranh luận với nhau và với cả giáo viên; qua đó học sinh lĩnh hội được nội dung bài học. Căn cứ vào tính chất hoạt động nhận thức, người ta phân biệt các loại phương pháp vấn đáp:
- Vấn đáp tái hiện: giáo viên đặt câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ, không cần suy luận. Vấn đáp tái hiện là biện pháp được dùng khi cần đặt mối liên hệ giữa các kiến thức vừa mới học.
- Vấn đáp giải thích – minh hoạ : Nhằm mục đích làm sáng tỏ một đề tài nào đó, giáo viên lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh hoạ để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe – nhìn.
- Vấn đáp tìm tòi: giáo viên dùng một hệ thống câu hỏi được sắp xếp hợp lý để hướng học sinh từng bước phát hiện ra bản chất của sự vật, tính quy luật của hiện tượng đang tìm hiểu, kích thích sự ham muốn hiểu biết. Giáo viên tổ chức sự trao đổi ý kiến – kể cả tranh luận – giữa thầy với cả lớp, có khi giữa trò với trò, nhằm giải quyết một vấn đề xác định. Trong vấn đáp tìm tòi, giáo viên giống như người tổ chức sự tìm tòi, còn học sinh giống như người tự lực phát hiện kiến thức mới. Vì vậy, khi kết thúc cuộc đàm thoại, học sinh có được niềm vui của sự khám phá trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy.
b. Phương pháp đặt và giải quyết vấn đề.
Trong một xã hội đang phát triển nhanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh gay gắt thì phát hiện sớm và giải quyết hợp lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn là một năng lực đảm bảo sự thành công trong cuộc sống, đặc biệt trong kinh doanh. Vì vậy, tập dượt cho học sinh biết phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng không chỉ có ý nghĩa ở tầm phương pháp dạy học mà phải được đặt như một mục tiêu giáo dục và đào tạo.
Cấu trúc một bài học (hoặc một phần bài học) theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề thường như sau
- Đặt vấn đề, xây dựng bài toán nhận thức
Tạo tình huống có vấn đề;
Phát hiện, nhận dạng vấn đề nảy sinh;
Phát hiện vấn đề cần giải quyết
- Giải quyết vấn đề đặt ra
Đề xuất cách giải quyết;
Lập kế hoạch giải quyết;
Thực hiện kế hoạch giải quyết.
- Kết luận:
Thảo luận kết quả và đánh giá;
Khẳng định hay bác bỏ giả thuyết nêu ra;
Phát biểu kết luận;
Đề xuất vấn đề mới.
Phân biệt bốn mức trình độ đặt và giải quyết vấn đề:
Mức 1: Giáo viên đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên đánh giá kết quả làm việc của học sinh.
Mức 2: Giáo viên nêu vấn đề, gợi ý để học sinh tìm ra cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của giáo viên khi cần. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 3: Giáo viên cung cấp thông tin tạo tình huống có vấn đề. Học sinh phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự đề xuất các giả thuyết và lựa chọn giải pháp. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 4 : Học sinh tự lực phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc cộng đồng, lựa chọn vấn đề giải quyết. Học sinh giải quyết vấn đề, tự đánh giá chất lượng, hiệu quả, có ý kiến bổ sung của giáo viên khi kết thúc.
Trong dạy học theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, học sinh vừa nắm được tri thức mới, vừa nắm được phương pháp lĩnh hội tri thức đó, phát triển tư duy tích cực, sáng tạo, được chuẩn bị một năng lực thích ứng với đời sống xã hội, phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý các vấn đề nảy sinh.
c. Phương pháp hoạt động nhóm
Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ từ 4 đến 6 người. Tuỳ mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau.
Nhóm tự bầu nhóm trưởng nếu thấy cần. Trong nhóm có thể phân công mỗi người một phần việc. Trong nhóm nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu bết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiêu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Để trình bày kết quả làm việc của nhóm trước toàn lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc phân công mỗi thành viên trình bày một phần nếu nhiệm vụ giao cho nhóm là khá phức tạp.
Phương pháp hoạt động nhóm có thể tiến hành :
Làm việc chung cả lớp :
- Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức
- Tổ chức các nhóm, giao nhiệm vụ
- Hướng dẫn cách làm việc trong nhóm
Làm việc theo nhóm
- Phân công trong nhóm
- Cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi hoặc tổ chức thảo luận trong nhóm
- Cử đại diện hoặc phân công trình bày kết quả làm việc theo nhóm
Tổng kết trước lớp
- Các nhóm lần lượt báo cáo kết quả
- Thảo luận chung
- Giáo viên tổng kết, đặt vấn đề cho bài tiếp theo, hoặc vấn đề tiếp theo trong bài
Phương pháp hoạt động nhóm giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên.
Thành công của bài học phụ thuộc vào sự nhiệt tình tham gia của mọi thành viên, vì vậy phương pháp này còn gọi là phương pháp cùng tham gia. Tuy nhiên, phương pháp này bị hạn chế bởi không gian chật hẹp của lớp học, bởi thời gian hạn định của tiết học, cho nên giáo viên phải biết tổ chức hợp lý và học sinh đã khá quen với phương pháp này thì mới có kết quả. Cần nhớ rằng, trong hoạt động nhóm, tư duy tích cực của học sinh phải được phát huy và ý nghĩa quan trọng của phương pháp này là rèn luyện năng lực hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức lao động.Cần tránh khuynh hướng hình thưc và đề phòng lạm dụng, cho rằng tổ chức hoạt động nhóm là dấu hiệu tiêu biểu nhất của đổi mới PPDH và hoạt động nhóm càng nhiều thì chứng tỏ phương pháp dạy học càng đổi mới.
d. Phương pháp đóng vai
Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.
Phương pháp đóng vai có những ưu điểm sau :
- Học sinh được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn.
- Gây hứng thú và chú ý cho học sinh
- Tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của học sinh
- Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo chuẩn mực hành vi đạo đức và chính trị – xã hội
- Có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng :
Tình huống nên để mở, không cho trước “ kịch bản”, lời thoại
Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai
Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập đóng vai để không lạc đề
Nên khích lệ cả những học sinh nhút nhát tham gia
Nên hoá trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai
e. Phương pháp động não
Động não là phương pháp giúp học sinh trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó.
Thực hiện phương pháp này, giáo viên cần đưa ra một hệ thống các thông tin làm tiền đề cho buổi thảo luận.
Cách tiến hành
o Giáo viên nêu câu hỏi, vấn đề cần được tìm hiểu trước cả lớp hoặc trước nhóm
o Khích lệ học sinh phát biểu và đóng góp ý kiến càng nhiều càng tốt
o Liệt kê tất cả các ý kiến phát biểu đưa lên bảng hoặc giấy khổ to, không loại trừ một ý kiến nào, trừ trường hợp trùng lặp
o Phân loại ý kiến
o Làm sáng tỏ những ý kiến chưa rõ ràng và thảo luận sâu từng ý

HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CHO HỌC SINH THPT TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ

HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CHO HỌC SINH THPT TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ
Khái niệm
Khái niệm lịch sử là sự phản ánh được khái quát hoá của quá trình lịch sử, nó phản ánh mối liên hệ khách quan của các hiện tượng và quy luật lịch sử. Khái niệm lịch sử bao giờ cũng ở mức độ trừu tượng hoá cao.
Mỗi KNLS bao gồm nội hàm và ngoại diên
Ví dụ: CMTS + nội hàm-bản chất, phân biệt với cmvs
+ ngoại diên: tất cả các cuộc CMTS diễn ra dưới hình thức khác nhau.
Vai trò của khái niệm lịch sử
Giúp HS hiểu bản chất của SKLS, hiểu mối quan hệ nhân quả và quy luật phát triển của xã hội.
Giúp HS hệ thống hoá tri thức LS, từ đó, phân biệt được cái chung, cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù trong quá trình phát triển của xã hội.
Giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng thế giới quan khoa học, tạo niềm tin cho HS.
Giáo dục tình cảm, đạo đức, hành vi văn minh cho HS như lòng yêu nước, lý tưởng XHCN…
Góp phần phát triển tư duy và hoạt động thực tiễn của HS
Phân loại KNLS
Phân loại theo nội dung của khái niệm
+ Khái niệm về kinh tế
+ Khái niệm phản ánh chính trị, xã hội
+ Khái niệm về trình độ văn hoá
+ Khái niệm về các lĩnh vực tư tưởng
+ Khái niệm về đấu tranh giai cấp
Phân loại theo mức độ khái quát của nội dung KN
+ Những khái niệm sơ đẳng
+ Những khái niệm trừu trượng, ít phức tạp
+ Những khái niệm trừu trượng, khái quát cao
+ Những khái niệm chung, lý luận
Con đường hình thành KNLS
Xác định nội dung cơ bản của nội hàm khái niệm
Nêu thuật ngữ (tên gọi của khái niệm)
Định nghĩa khái niệm
Sử dụng khái niệm

HÌNH THÀNH TRI THỨC LỊCH SỬ CHO HỌC SINH

Hình thành tri thức lịch sử cho HS
2.1. Tạo biểu tượng lịch sử cho HS
Khái niệm
Biểu tượng lịch sử (BTLS) là hình ảnh về những sự kiện, nhân vật lịch sử, điều kiện địa lý…được phản ánh trong óc HS với những nét chung nhất, điển hình nhất.
Vai trò của BTLS
BTLS là cơ sở hình thành khái niệm LS, là giai đoạn nhận thức cảm của quá trình học tập LS
Việc tạo BTLS còn có ý nghĩa giáo dục lớn với HS
Mục đích của BTLS
Tạo hình ảnh của những SK diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: vật chất, tinh thần…
Tạo nên nhận thức cụ thể về thời gian SKLS
Xác định được không gian diễn ra các SKLS
Phân loại BTLS
Biểu tượng về hoàn cảnh địa lí
Biểu tượng về văn hoá vật chất
Biểu tượng về nhân vật chính diện, phản diện
Biểu tượng về thời gian, về những quan hệ xã hội của con người.
Biện pháp tạo BTLS cho HS
Cụ thể hoá thời điểm diễn ra sự kiện
Xác định địa điểm diễn ra sự kiện
Sử dụng tài liệu hiện vật để tạo cho HS biểu tượng cụ thể về đời sống con người qua các thời đại.
Sử dụng bản đồ cụ thể để tạo BTLS cụ thể về một sự kiện hay hiện tượng LS.
Sử dụng tài liệu văn học (Chị Dậu)
Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương
Sử dụng tài liệu về tiểu sử các nhân vật lịch sử

Hình tượng hoá một hiện tượng LS (con hổ đói đến bàn tiệc muộn)

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Phần I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Lịch sử là những gì đã diễn ra theo thời gian trong toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của con người và xã hội loài người, là bản thân đời sống xã hội qua các giai đoạn tiến triển khác nhau và cả giới tự nhiên trong phạm vi những gì có liên quan đến con người. Hay nói cách khác, Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ của xã hội loài người. Nó đã tồn tại cách chúng ta hàng chục năm, hàng trăm năm, thậm chí hàng triệu năm. Do đó, việc tiếp cận và tái hiện lại lịch sử gần giống như nó đã từng tồn tại là rất khó khăn.
I. Khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của PPDHLS
1.1. Phương pháp dạy học Lịch sử
Phương pháp (methodos = con đường nghiên cứu, phương thức nhận thức, là ngọn đuốc soi đường cho kẻ lữ hành trong đêm tối). Phương pháp là con đường đi tới nhận thức sự vật khách quan hay là tập hợp những phương tiện tác động vào đối tượng để đạt đến mục đích đặt ra.
Phương pháp dạy học là con đường, cách thức hoạt động thống nhất của thầy và trò, trong đó thầy tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học.
Dạy học lịch sử là một quá trình nhận thức, tuân theo một quy luật chung là TQSĐ – TDTT – Nhận thức, song nó cũng có những đặc thù của bộ môn để người học nhận thức được bản chất của sự việc và rút ra được quy luật lịch sử.
Muốn đạt được điều đó, cần phải có một phương pháp phù hợp, đúng đắn. Do đó, PPDHLS là một khoa học nghiên cứu về cách thức nhận thức và hình thành tri thức lịch sử theo quy luật và đặc thù của bộ môn.
PPHDLS được xem là một khoa học vì: Nó có đối tượng riêng; chức năng, nhiệm vụ riêng, phương pháp nghiên cứu riêng và có mối quan hệ chặt chẽ với các Khoa học khác, đặc biệt là Khoa học giáo dục và Khoa học lịch sử.
Tính khoa học là tuân thủ những quy luật nhất định, chính xác, đúng đắn.
Có mối quan hệ chặt chẽ với các khoa học khác như: Triết học Mác – Lênin: là cơ sở chung cho tất cả các khoa học.
Khoa học lịch sử (sử liệu, sự kiện lịch sử, quá trình lịch sử, quy luật lịch sử, nguyên tắc biên niên => là nguyên tắc tối cao của KHLS - không theo thứ tự thời gian thì không phải là sử học)
Tóm lại, PPDHLS là một khoa học vì nó:
+ Tuân thủ những quy luật của nhận thức cuả chủ nghĩa Mác – Lênin.
+ Tuân thủ những quy luật của KHGD, Tâm lý học, Khoa học Lịch sử
+ Phù hợp với đối tượng (tính khoa học, tính sư phạm).
1.2. Đối tượng của bộ môn PPDHLS
Đối tượng nghiên cứu của bộ môn:
+ Quá trình dạy học lịch sử (của giáo viên) ở trường phổ thông, là việc tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh theo những nguyên tắc của khoa học giáo dục, tránh nhàm chán, cứng nhắc, chính trị hoá hoặc nhảm nhí.
+ Quá trình học tập của học sinh phù hợp với mục đích và nội dung học tập bộ môn.
Quá trình dạy học lịch sử gồm 3 yếu tố: mục đích, nội dung và phương pháp.
1.3. Chức năng, nhiệm vụ của môn PPDHLS
Chức năng:
+ PPDHLS không nghiên cứu quá trình, quy luật phát triển của xã hội loài người (như sử học) mà chỉ nghiên cứu lịch sử với tư cách là môn học ở trường phổ thông.
+ Nghiên cứu những kiến thức cơ bản, phổ thông, cần thiết cho sự hiểu biết của HS về lịch sử thế giới, dân tộc và địa phương.
Nhiệm vụ: Trang bị cho GV kiến thức về dạy học LS
+ Nguyên tắc xây dựng chương trình và KT cơ bản
+ Cách thức kiểm nhận thức và hoạt động của HS
+ Có PP phát triển tư duy, năng lực của HS
+ Ưu thế bộ môn về giáo dục tư tưởng, chính trị cho HS

+ Có biện pháp tạo hứng thú cho HS