22/3/12

CNTT trong Đào tạo theo Hệ thống tín chỉ


VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
TRONG HOẠT ĐỘNG DẠY - HỌC MÔN LỊCH SỬ
THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ
ThS Lê Tùng Lâm[1]
ĐẶT VẤN ĐỀ
Công nghệ thông tin ngày càng có vai trò quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến tất cả các mặt đời sống xã hội. Công nghệ thông tin đang trở thành một trong những công cụ hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và cả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cụm từ “ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học” ngày càng được nhiều người nhắc đến trong các trường cao đẳng và đại học. Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta đang chuyển dần từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng càng trở nên cấp thiết. Vậy công nghệ thông tin là gì? Công nghệ thông tin có vai trò gì trong việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ nói chung và với bộ môn Lịch sử nói riêng?…Đó là những vấn đề vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn, đang thu hút sự quan tâm của nhiều giảng viên, sinh viên ở Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội nói riêng và trường Đại học Sài Gòn nói chung.

NỘI DUNG

1. Khái niệm Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin ( IT – Information Technology) là ngành ứng dụng công nghệ quản lý và xử lý thông tin, cũng là ngành sử dụng máy tính và các phần mềm của nó để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu nhập thông tin. Theo Nghị quyết 49/CP của Chính phủ ngày 4 tháng 8 năm 1993 thì “công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại- chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông- nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”[2].
Như vậy, công nghệ thông tin là tập hợp các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại như máy tính, máy chiếu Projector, mạng Internet… để cung cấp nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng cho mọi lĩnh vực trong đời sống con người và xã hội. Đặc biệt, ngày nay Internet với các kết nối băng tầng rộng đã đi tới tất cả các trường học (cả đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường phổ thông) đã giúp cho việc ứng dụng các kiến thức, kĩ năng và hiểu biết về công nghệ thông tin vào dạy học đã dần trở thành hiện thực.

2. Công nghệ thông tin với việc Đào tạo theo Hệ thống tín chỉ
Đào tạo theo Hệ thống tín chỉ là phương pháp đào tạo mới – lấy người học làm trung tâm. Người học vừa đóng vai trò là người tiếp nhận kiến thức, vừa là người chủ động tạo ra kiến thức nhằm hướng tới đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Theo khoản 1 Điều 19 của Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ “…điểm tổng hợp đánh giá học học phần được tính căn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phận, bao gồm: điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập; điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận; điểm đánh giá phần thực hành; điểm chuyên cần; điểm thi giữa học phần; điểm tiểu luận và điểm thi kết thúc học phần, trong đó, điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%”[3]. Như vậy, theo Quy chế này, Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi người học phải đảm bảo 3 yếu tố sau:
- Người học phải đảm bảo thời gian học tập trên lớp, tham gia thảo luận, thuyết trình và thi kết thúc học phần. Đây là một khó khăn cho người học. vì phải có đủ thời gian tham gia học tập trên lớp. Do đó, người học phải chủ động sắp xếp thời gian để tham gia trong quá trình học tập sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Muốn vậy, sinh viên phải nắm được toàn bộ chương trình học theo từng học kì hoặc từng năm học để có kế hoạch đăng ký tham gia học tập cho hợp lí. Sinh viên phải thường xuyên cập nhập các thông tin môn học, đăng ký học tập qua mạng Internet. Do đó, công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân phối quá trình học tập của sinh viên.
- Người học phải có thời gian hoạt động thực tế bộ môn như làm ở các phòng thí nghiệm, thực tập chuyên môn, hoặc làm các phần việc khác…
- Người học phải có thời gian tự học. Ngoài giờ học ở lớp, sinh viên phải tự tìm các nguồn tư liệu như: sách, báo, tư liệu trên mạng Internat… để chuẩn bị cho các bài thuyết trình của mình. Do đó, việc tìm tài liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Công nghệ thông tin với những nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo yêu cầu tìm tòi, học tập của sinh viên.
Như vậy, các yêu cầu trên trong Hệ thống tín chỉ nhằm đảm bảo cho quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên được kết quả cao nhất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Muốn vậy, sinh viên phải dựa vào các công cụ hỗ trợ như: các phần mềm quản lí của nhà trường, mạng Internet… để có thể chủ động trong việc đăng ký môn học, thời gian học, tìm tài liệu cho quá trình học tập… Vì vậy, sự ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập theo hệ thống tín chỉ là cần thiết.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin và công tác dạy – học cũng mang tính cấp thiết vì:
Thứ nhất, nó phù hợp với yêu cầu của thời đại vì “thời đại tin học thật sự đến rồi và thời đại công nghiệp coi như kết thúc. Nền giáo dục của thời đại công nghiệp nay không còn thích hợp với xã hội nữa”[4]. Trong hệ thống giáo dục của phương Tây, công nghệ thông tin chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học. Người ta nhanh chóng nhận ra rằng nội dung về công nghệ thông tin đã có ích cho tất cả các môn học khác nhau. Do đó, việc ứng dụng nó vào dạy học ở các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam là phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: “từng bước phát triển giáo dục dựa trên công nghệ thông tin…công nghệ thông tin và đa phương tiện sẽ tạo ra thay đổi lớn trong hệ thống quản lí giáo dục, trong chuyển tải nội dung chương trình đến người học, thúc đẩy cuộc cách mạng về phương pháp dạy và học[5].  Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định con đường phát triển cho giáo dục Việt Nam là “dựa trên công nghệ thông tin” và nó là phương tiện để thúc đẩy cuộc “cách mạng về phương pháp dạy và học” – nghĩa là thay đổi phương pháp dạy học trong nhà trường.
Tóm lại, công nghệ thông tin đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Đó là những công cụ hỗ trợ tích cực cho công cuộc đổi mới phương pháp đào tạo ở trường đại học, cao đẳng…của Việt Nam. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ là cần thiết.

3. Sử dụng Công nghệ thông tin trong việc dạy – học môn Lịch sử theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học, cao đẳng.
Lịch sử là những gì đã diễn ra theo thời gian trong toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của con người và xã hội loài người, là bản thân đời sống xã hội qua các giai đoạn tiến triển khác nhau và cả giới tự nhiên trong phạm vi những gì có liên quan đến con người[6]. Hay nói cách khác, Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ của xã hội loài người. Nó đã tồn tại cách chúng ta hàng chục năm, hàng trăm năm, thậm chí hàng triệu năm. Do đó, việc tiếp cận và tái hiện lại lịch sử gần giống như nó đã từng tồn tại là rất khó khăn. Nó đòi hỏi rất nhiều nguồn tư liệu như: hình ảnh, bản đồ….Vì thế, nó rất cần sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin. Vậy công nghệ thông tin có vai trò gì với hoạt động học của sinh viên và hoạt động dạy của giáo viên?

3.1. Đối với sinh viên
Trước hết, công nghệ thông tin sẽ giúp cho sinh viên khắc phục được khó khăn về nguồn tài liệu học tập. Khó khăn khách quan đối với sinh viên là nguồn tư liệu ít và chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập của họ. Để viết một bài thuyết trình, thảo luận về một vấn đề lịch sử, sinh viên cần rất nhiều nguồn sử liệu khác nhau. Do đó, những tư liệu, hình ảnh, bản đồ…trên mạng Internet là công cụ cần thiết để sinh viên tiếp cận, tái hiện và hiểu đúng bản chất của một sự kiện lịch sử.
Thứ hai, công nghệ thông tin là phương tiện để sinh viên trao đổi tư liệu, thảo luận qua mạng với nhau. Ví dụ, gặp một vấn đề nào đó khó hiểu, sinh viên có thể chia sẻ với bạn bè, thầy cô cố vấn học tập hoặc với giảng viên bộ môn của mình qua thư điện tử, tin nhắn…. Từ đó, hình thành cho sinh viên kĩ năng làm việc theo nhóm, chia sẻ thông tin với nhau trong quá trình học tập.
Thứ ba, công nghệ thông tin cũng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành kĩ năng thuyết trình của sinh viên. Một bài thuyết trình được xem là mạch lạc, khúc chiết và đúng trọng tâm khi nó có những công cụ hỗ trợ như phần mềm như Powerpoint, Activestudio… Ví dụ, khi sinh viên trình bày về diễn biến một trận đánh, nếu có hình ảnh minh họa, bản đồ, phim tư liệu…thì sẽ tạo được ấn tượng và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, công nghệ thông tin cũng giúp sinh viên thêm tự tin và giải quyết vấn đề chính xác, nhanh chóng hơn.

3.2. Đối với giảng viên
Việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ cũng đòi hỏi giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy sang “lấy người học làm trung tâm”. Theo quy định của Luật giáo dục, giảng viên phải chuyển dần từ phương pháp dạy học truyền thống (giảng viên giữ vai trò trung tâm) sang phương pháp dạy học tích cực – lấy sinh viên làm trung tâm của hoạt động dạy và học, để sinh viên có thể phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hứng thú trong học tập. Ngoài ra, giảng viên còn phải bồi dưỡng cho sinh viên kĩ năng nhận thức bản chất các vấn đề lịch sử, có năng lực tư duy độc lập và vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tiễn. Để đạt mục tiêu trên, giảng viên phải tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy học vì:
Thứ nhất: công nghệ thông tin sẽ góp phần hiện đại hóa các phương tiện dạy học, các phần mềm dạy học như Activestudio, Powerpoint…sẽ giúp giảng viên tạo bài giảng phù hợp nhu cầu của sinh viên, giúp họ có nhiều phương pháp tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, nó sẽ giúp cho giảng viên tạo ra một lớp học mang tính tương tác hai chiều: giảng viên –sinh viên và ngược lại. Điều này phù hợp với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì “học là quá trình thu nhận thông tin có định hướng, có sự tái tạo và phát triển thông tin; dạy là quá trình phát thông tin và giúp người học thực hiện quá trình trên một cách có hiệu quả”[7] . Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người học tiếp nhận thông tin bài học hiệu quả hơn và nhanh chóng biến những thông tin đó thành kiến thức của mình. Đồng thời, nó cũng phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học thông qua việc khai thác nhiều giác quan khác nhau để lĩnh hội tri thức.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học cũng giúp giảng viên rút ngắn thời gian giảng dạy, có thời gian đầu tư cho quá trình dẫn dắt, tạo tình huống có vấn đề để kích thích tư duy sáng tạo của sinh viên. Sinh viên có thể dễ dàng hình dung và có khái niệm chính xác về các hình ảnh, sự vật, hiện tượng khi tiếp xúc với chúng bằng những hình ảnh trực quan (hình tư liệu, bản đồ, những đoạn phim tư liệu …). Bài giảng có ứng dụng công  nghệ thông tin của giảng viên sẽ trở nên sinh động hơn, dễ hiểu hơn và tạo hứng thú cho người học. Ví dụ, khi giảng về bài Xã hội nguyên thủy (trong chương trình môn: Lịch sử thế giới nguyên thủy – cổ đại), giảng viên cung cấp cho sinh viên những hình ảnh về cảnh sinh hoạt của người nguyên thủy, cảnh săn bắt thú rừng, cảnh tạo ra lửa … sẽ giúp sinh viên dễ dàng hình dung ra cuộc sống đương thời của người nguyên thủy.
Thứ ba, việc khai thác tư liệu từ mạng Internet cũng sẽ giúp cho giảng viên có nhiều nguồn tư liệu cập nhật khác nhau với những quan điểm khoa học khác nhau về một sự kiện lịch sử sẽ giúp cho cả giảng viên lẫn sinh viên có một cách nhìn khách quan hơn, chuẩn xác hơn về vấn đề đó. Từ đó, giảng viên sẽ định hướng cho sinh viên cách tiếp cận vấn đề khoa học hơn.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy – học bộ môn Lịch sử theo Hệ thống tín chỉ là cần thiết đối với cả giảng viên lẫn sinh viên. Nó vừa đáp ứng được yêu cần của bộ môn, vừa đảm bảo được sự năng động, sáng tạo trong tư duy của người học.

KẾT LUẬN
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự chuyển biến tích cực của nền giáo dục Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông vào giảng dạy theo Hệ thống tín chỉ là cấp thiết vì nó đáp ứng được những yêu cầu của chương trình đào tạo. Đối với bộ môn Lịch sử, điều này càng cần thiết hơn vì nó giúp sinh viên chủ động hơn trong kế hoạch học tập của mình. Sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có thể tái hiện lại lịch sử giống như nó đã từng tồn tại. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông vào dạy học cũng giúp giảng viên có nhiều thời gian hơn để dẫn dắt sinh viên nắm bắt vấn đề, tạo tình huống có vấn đề để kích thích sự tư duy sáng tạo của người học. Mặt khác, nó cũng sẽ giúp sinh viên chủ động hơn trong quá trình lĩnh hội tri thức. Từ đó, hình thành cho người học kĩ năng độc lập trong tư duy và hứng thú, hăng say trong học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://vi.wikipedia.org/wiki/khoa-hoc-thong-tin.



[1] Giảng viên Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội – Trường Đại học Sài Gòn
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/khoa-hoc-thong-tin.
[3]  Bộ GD&ĐT, Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT)
[4] Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Đăng Quang…(2006), Giáo trình Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tài liệu lưu hành nội bộ, Khoa Tin học trường CĐSP Thành phố Hồ Chí Minh, tr 2.
[5] Huỳnh Minh Trí, sđd, tr 3
[6] Nguyễn Thế Kim, Nhập môn Sử học, Tập Bài giảng, khoa Lịch Sử, trường ĐHSPTPHCM, 1999, tr7.
[7] Bộ GD&ĐT, Tài liệu Bồi dưỡng giáo viên, Thực hiện chương trình Sách giáo khoa Lịch sử 11, NXB GD, 2007, tr 25.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét