Tuổi Trẻ Cuối tuần
Hồ sơ: Hành trình 10 năm hủy diệt của chất độc da cam - Kỳ 2:
Trận chiến trong lòng nước Mỹ
TTCT - Tháng 8-1962, Nhà Trắng phát tín hiệu về việc mở
rộng chiến dịch Bàn tay nông trại từ giai đoạn thử nghiệm sang hoạt
động quân sự thường xuyên nhằm hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn.
Dưới thời tổng thống Lyndon B. Johnson, số phi vụ rải
hóa chất ngày càng tăng cao, đặc biệt là giai đoạn 1966-1968. Tổng cộng
trong suốt 10 năm, 5 triệu hecta đất trên toàn miền Nam, chiếm 12% diện
tích Việt Nam, đã hứng chịu các loại hóa chất phát quang cây cỏ.
Triển lãm ảnh tư liệu “Nỗi đau chiến tranh ở VN” của nhà nhiếp ảnh Nhật Bản Murayana Yasufumi tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM tháng 6-2007 - Ảnh: Thanh Đạm |
Wilfred Burchett, một phóng viên Úc, là người đầu tiên
công khai phản đối chiến tranh diệt cỏ của Mỹ trong bài viết mang tựa đề
Miền Nam Việt Nam: cuộc chiến chống lại cây cỏ, đăng trên tờ Thời Đại
Mới tại Liên Xô. Không lâu sau đó, nhiều chính khách Mỹ bắt đầu bày tỏ
sự quan ngại của mình.
Giới khoa học phản đối mạnh mẽ
Hạ nghị sĩ bang Wisconsin Robert Kastenmeier gửi thư
cho tổng thống Kennedy từ năm 1963 kêu gọi ngừng các đợt rải hóa chất
tại Việt Nam vì lý do pháp lý và đạo đức. Hai tuần sau đó, tạp chí chính
trị hàng đầu tại Mỹ, tờ Tân Cộng Hòa, đăng tải bài xã luận đầu tiên
phản đối loại hình chiến tranh diệt cỏ. Động thái của Tân Cộng Hòa gây
tác động lớn trong cộng đồng khoa học Mỹ.
Năm
1969, William Haseltine, sinh viên ngành sinh học tại Đại học Harvard,
tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan chức Chính phủ Mỹ đang giấu
thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất 2,4,5-T (một thành phần trong
hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài chuột.
|
Một năm sau đó, Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ
(AAAS) bắt đầu tham gia cuộc chiến chống chiến tranh diệt cỏ. Tại buổi
họp thường niên của AAAS năm 1965, tổ chức này công bố một nghị quyết
mang tên Dàn xếp chiến tranh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Việc kéo dài
chiến tranh Việt Nam đe dọa không chỉ sinh mạng của hàng triệu người mà
còn hủy hoại các giá trị và mục tiêu nhân bản mà chúng ta đang cố gắng
gìn giữ...
Với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi có trách nhiệm
phải chỉ rõ cái giá mà nghiên cứu khoa học đang phải gánh chịu vì chiến
tranh. Khoa học không thể phồn thịnh, thậm chí có thể bị thiệt hại,
trong một quốc gia ngày càng tăng cường nguồn lực cho các mục đích quân
sự”.
Mùa hè năm 1966, giáo sư Bert Pfeiffer thuộc Đại học
Montana, thành viên của AAAS, khởi đầu phong trào khoa học phản đối
chiến dịch Bàn tay nông trại bằng việc soạn thảo một văn bản kêu gọi
tiến hành điều tra tác động của hóa chất phát quang cây cỏ tại miền Nam
Việt Nam.
Ban đầu, hội đồng điều hành của AAAS bác bỏ yêu cầu của
giáo sư Pfeiffer về việc hiệp hội này tham gia trực tiếp quá trình điều
tra. Tuy nhiên đến tháng 9-1967, chủ tịch AAAS Don Price đã gửi thư cho
bộ trưởng quốc phòng McNamara đề xuất việc bộ này phê chuẩn và hỗ trợ
một cơ quan khoa học độc lập tiến hành nghiên cứu những tác động ngắn và
dài hạn của chất độc da cam.
Trước đó tháng 1-1966, 29 nhà khoa học thuộc Đại học
Harvard và các cơ quan giáo dục khác tại thành phố Boston đã gửi đến Nhà
Trắng một thư ngỏ phản đối chiến tranh diệt cỏ và yêu cầu chấm dứt các
hoạt động quân sự liên quan. Trong lá thư, nhóm các nhà khoa học này
tuyên bố việc rải hóa chất tại miền Nam Việt Nam là “man rợ”, tương
đương với “một cuộc tấn công vào toàn bộ cư dân tại vùng mà mùa màng bị
tiêu diệt”.
Theo một văn bản trong hồ sơ Nhà Trắng, đích thân tổng
thống Johnson ra lệnh cho bộ tham mưu của mình làm ngơ với thư ngỏ này.
Lá thư nói trên chính là ý tưởng tiền thân cho cụm từ “tội ác môi
trường” (ecocide) mà tiến sĩ Arthur Galston đặt ra sau này.
Tháng 9-1966, một nhóm gồm 12 nhà lý sinh học do tiến
sĩ Galston dẫn đầu tiếp tục gửi một lá thư khác đến Nhà Trắng kêu gọi
tổng thống Johnson ngừng rải hóa chất tại Việt Nam.
Trong thư, các nhà khoa học nhấn mạnh: “Một hóa chất
được tạo ra để làm rụng lá cây cũng có thể gây ra tác động phụ đối với
các loài cây cỏ khác, trong đó có cả vụ mùa... Do tính độc hại của một
số hóa chất, không thể bảo đảm rằng hợp chất phát quang hoàn toàn không
có ảnh hưởng độc hại đến con người và thú nuôi trong nhà... Sử dụng hợp
chất phát quang cây cỏ một cách ồ ạt có thể làm phương hại đến hệ sinh
thái của toàn vùng, thậm chí có thể đến mức thảm họa”.
Lá thư cũng đề cập tác hại của việc hủy hoại mùa màng
đối với người dân vùng bị rải hóa chất, cụ thể là việc phụ nữ và trẻ em
bị mất nguồn lương thực.
Hai tuần sau đó, tiến sĩ Galston nhận được hồi đáp của
một trợ lý ngoại trưởng, khẳng định rằng những quan ngại khoa học đưa ra
là không có cơ sở.
Ngay trong nội bộ AAAS, nhóm các nhà khoa học bày tỏ
quan ngại về chất độc da cam cũng rơi vào tình trạng thiểu số. Một trưng
cầu nội bộ của hiệp hội này tại thời điểm đó cho thấy 81% ủng hộ chiến
dịch rải hóa chất của Chính phủ Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Viện Nghiên cứu trung tây (MRI) thuộc Đại học Kansas,
cơ quan được Bộ Quốc phòng Mỹ giao hợp đồng tiến hành đánh giá tác động
của chất độc da cam, kết thúc chương trình nghiên cứu vào tháng 12-1967
với kết luận chung rằng chiến dịch Bàn tay nông trại chỉ là phần mở rộng
quân sự của các hoạt động phát quang cây cỏ thông thường, và chỉ có tác
động lên cây cỏ “tương đương với việc phát quang rừng bỏ hoang”.
Những bằng chứng đánh động dư luận
Ngày 19-7-1968, ban giám đốc AAAS công bố tuyên ngôn
trên tạp chí Khoa Học, kêu gọi tiến hành gấp rút các cuộc nghiên cứu dài
hạn tại hiện trường miền Nam Việt Nam, yêu cầu quân đội Mỹ công khai
tài liệu cho các cơ quan nghiên cứu độc lập, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc
dẫn đầu một đoàn nghiên cứu đến Việt Nam.
Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu này. Tuy nhiên, trợ lý ngoại
trưởng Mỹ Charles Bohlen lại bày tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với quan
điểm của AAAS. Dưới áp lực của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc nhượng bộ vào
tháng 10-1968.
Tháng 8-1970, hai giáo sư Mỹ Bert Pfeiffer và Gordon
Orians tiến hành đợt khảo sát đầu tiên trong vòng hai tuần tại miền Nam
Việt Nam. Báo cáo của chuyến khảo sát này, đăng trên bản tin của Tổ chức
vì trách nhiệm xã hội của khoa học (SSRS), ghi nhận sự thiếu vắng rõ
ràng của chim chóc và các loài động vật hoang dã tại các vùng bị rải hóa
chất, và sự khác biệt của chất lượng rừng phụ thuộc vào mức độ rải hóa
chất - ở những vùng rừng bị rải nhiều đợt, các loại hạt và giống cây yếu
chết hàng loạt trên diện tích rộng hàng trăm hecta.
Sinh thái của những vùng lân cận cũng chịu ảnh hưởng
nặng nề, đặc biệt là những vùng rừng cao su vốn nằm ngoài danh sách mục
tiêu rải hóa chất trực tiếp.
Trước đó năm 1969, William Haseltine, sinh viên ngành
sinh học tại Đại học Harvard, tiếp cận được tài liệu cho thấy các quan
chức Chính phủ Mỹ đang giấu thông tin về ảnh hưởng tiềm ẩn của chất
2,4,5-T (một thành phần trong hợp chất da cam) đối với phôi thai ở loài
chuột.
Haseltine cho biết phản ứng của ông lúc đó là: “Nếu
loại chất này gây dị tật cho chuột sơ sinh, hẳn cũng phải có tác động
xấu đối với con người. Công bố thông tin này chắc hẳn có thể giúp ngăn
chặn được việc sử dụng chất độc da cam”.
Tháng 1-1970, Haseltine công bố thông tin này trên tạp
chí Tân Cộng Hòa trong bài báo đồng tác giả với giáo sư Galston và một
sinh viên Đại học Yale tên Robert Cook. Bài báo gây chấn động mạnh mẽ
trong xã hội Mỹ.
Tháng 4-1970, Chính phủ Mỹ bắt đầu những nỗ lực tránh
cho con người không phải tiếp xúc với chất 2,4,5-T ở cả hai phía Mỹ và
miền Nam Việt Nam. Bộ trưởng các bộ nông nghiệp, nội vụ, y tế, giáo dục
và phúc lợi Mỹ đồng loạt công bố quyết định ngừng tức thì việc sử dụng
hóa chất này trong mọi hoạt động liên quan đến tiêu thụ của con người.
Cũng trong tháng 4-1970, thứ trưởng Bộ Quốc phòng David
Packard cuối cùng đã hạ lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất độc
da cam “cho đến khi kết thúc quá trình đánh giá tình hình (ảnh hưởng của
chất này)”.
CAM LY lược dịch
__________
Kỳ cuối: Trách nhiệm tối hậu thuộc về Nhà Trắng
nguồn: http://123.30.128.11/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/444760/Tran-chien-trong-long-nuoc-My.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét