Hòa hoãn Mỹ - Trung và cuộc cờ Biển Đông
TTCT - Tháng 7 này 40 năm trước, Henry Kissinger, cố
vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Richard Nixon, bí mật đến Bắc
Kinh mở cánh cửa hòa hoãn với Trung Quốc. Sau này giới nghiên cứu chính
trị quốc tế còn gọi sự kiện này mở đầu câu kết Mỹ - Trung lần thứ nhất.
Tiến sĩ Kissinger (bìa trái) trao đổi về những vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc do Thompson Reuters tổ chức tại New York ngày 14-6 - Ảnh: Reuters |
Mục đích chính của chuyến đi 40 năm trước là nhằm đưa
Mỹ thoát khỏi bãi lầy chiến tranh Việt Nam. Lúc đó 100 cuộc tiếp xúc Mỹ -
Trung tại Warszawa bế tắc do vấn đề Đài Loan. Ngoài ra, chính quyền Mỹ
cũng cần thăm dò khả năng cùng Trung Quốc thiết lập một cấu trúc địa -
chính trị mới thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam.
Trung Quốc kiên nhẫn ngoại giao
Đến năm 2011, sau 50 lần thăm Trung Quốc, tiến sĩ
Kissinger, như báo Mỹ thường gọi, rút ra kết luận về đặc tính nổi trội
của ngoại giao Trung Quốc là “tính kiên nhẫn” theo đuổi mục tiêu cuối
cùng. Điều mà các nhà ngoại giao Mỹ muốn đạt được nhanh chóng với sự
“linh hoạt” thì người Trung Quốc có thể chờ đợi với thời gian tính bằng
thiên niên kỷ. Khi nắm được “thóp” chính quyền Nixon muốn gì, Bắc Kinh
đòi đổi lấy chiếc ghế của Đài Loan tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,
đồng thời với việc này là từng bước giải tỏa sức ép bao vây cấm vận từ
nhiều hướng.
Mới đây, khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, tướng Trần Bính
Đức, tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, thừa nhận trong
một số vấn đề mang tính nguyên tắc, Mỹ không hề có cam kết cải thiện.
Trong buổi đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton liên tục lặp lại
quan điểm rằng “trên thế giới hiện nay chỉ có một Trung Quốc, rằng Đài
Loan là một bộ phận của Trung Quốc”.
Tướng Trần Bính Đức đáp lại: “Tôi đã nghe cam kết và
tuyên bố như vậy kể từ khi tôi còn là một học sinh và tôi đang nghe điều
tương tự khi tôi gần đến tuổi về hưu. Tôi tự hỏi khi nào tôi có thể
thật sự chứng kiến thống nhất đất nước”. Khi tướng Trần Bính Đức rời
khỏi Mỹ, gần nửa số nghị sĩ nước này đã liên danh đệ đơn hối thúc Tổng
thống Obama phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Tướng Trần Bính
Đức cho biết nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ “đấu tranh
kiên quyết”.
Tại Đối thoại chiến lược - kinh tế Mỹ - Trung ở
Washington (trong hai ngày 9 và 10-5), trưởng đoàn Trung Quốc, Phó thủ
tướng Vương Kỳ Sơn đã đưa ra một nhận xét gây ngạc nhiên là “Mỹ nhìn
nhận quá đơn giản về Trung Quốc”. Năm 1971, nền kinh tế Mỹ lớn gấp năm
lần kinh tế Trung Quốc; năm 2011, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất nắm giữ
các công trái Mỹ và việc chiếm ngôi quán quân kinh tế thế giới chỉ còn
là vấn đề thời gian.
Nhượng bộ lẫn nhau
Sau năm 2010 cọ xát căng thẳng với Mỹ tại ba biển
(Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải), từ đầu năm nay Trung Quốc chủ động mở
cánh cửa hòa hoãn với Mỹ, với cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ tháng 1,
trước đó thì mời bằng được Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates thăm Trung
Quốc. Qua hai chuyến thăm liên tiếp trong tháng 5, hai bên đã thiết lập
được khuôn khổ cho quan hệ mới với một số nhượng bộ lẫn nhau.
Trung Quốc nhượng bộ Mỹ một số vấn đề kinh tế thương
mại, bày tỏ hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vai trò ở khu vực và quyết
định thành lập các cơ chế tham vấn Trung - Mỹ về các sự vụ ở khu vực
châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng trọng tâm mà Trung Quốc hướng tới là
trung lập hóa Mỹ để Washington không can dự vào vấn đề biển Đông.
Trong chương cuối cuốn sách Về Trung Quốc xuất bản gần
đây, tiến sĩ Kissinger nhận xét rằng sự nổi lên của Trung Quốc “làm cho
quan hệ quốc tế một lần nữa hình thành thế lưỡng cực”, báo hiệu một thời
kỳ chiến tranh lạnh (thậm chí là nóng) mới.
Một số nhà tư tưởng hiện đại duy lý tại Bắc Kinh khuyên
rằng Trung Quốc “không nên hành xử theo cách thức truyền thống của một
cường quốc mới nổi” và càng không nên đi theo vết xe đổ của Đức quốc xã
sau khi vượt đế chế Anh về sức mạnh kinh tế đã gây ra Thế chiến thứ
nhất. Đối với phía Mỹ, ông Kissinger khuyên thay vì “tái cấu trúc châu Á
và lập ra khối trên cơ sở kiềm chế Trung Quốc”, nên hợp tác với Trung
Quốc để xây dựng một “cộng đồng Thái Bình Dương” mới.
Chỉ với lời khuyên trên, tiến sĩ Kissinger không những
là một trưởng lão của ngành ngoại giao Mỹ, mà có thể được xem là công
thần của Trung Quốc. Bởi không biết tiến sĩ Kissinger và các nhà hoạch
định chính sách Trung Quốc ai tạo cảm hứng cho ai, nhưng nhân dịp Đối
thoại Washington vừa qua, phó đoàn Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, gợi ý
rằng “Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng thống trị châu Á - Thái Bình Dương”.
Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu và
bước vào giai đoạn mới trong chiến lược lấn chiếm biển Đông. Họ cho tàu
bè thực hiện những cuộc cọ xát cục bộ trên biển nhằm biến các khu vực
không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi
bò” trên biển Đông, độc chiếm khai thác dầu khí tại vùng biển này.
Về phía Mỹ, phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Hà
Nội tháng 7-2010 đánh dấu sự chuyển biến chính sách của Mỹ đối với biển
Đông từ “trung lập” sang “can dự”. Nhưng những tuyên bố của các quan
chức ngoại giao và quân sự Mỹ ngay sau các chuyến thăm một phía của
Trung Quốc tới Mỹ cho thấy dường như Washington đã trở lại lập trường
“trung lập”.
Biển Đông - khu vực địa chính trị ồn ào nhất thế giới
Mỹ có thể giữ được lập trường trung lập bao lâu một khi
Trung Quốc áp đặt thành công “đường lưỡi bò”? Một lần nữa Mỹ lặng lẽ
điều siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đến khu vực gần kề
biển Đông giữa thời điểm biển Đông đang rầm rộ các cuộc tập trận.
Mỹ cũng bắt đầu điều phối cuộc tập trận hải quân với
sáu nước Đông Nam Á trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương và eo biển
Malacca. Tiếp đó, hải quân Mỹ và Philippines sẽ tiếp tục cuộc tập trận
chung kéo dài trong mười ngày trên biển Sulu.
Trong khi đó, 14 chiến hạm nổi của Trung Quốc cùng một
số tàu ngầm tiến hành tập trận lớn trên vùng biển Tây Thái Bình Dương
thuộc phía tây bờ biển Đài Loan đến hết tháng 6. Mỹ quan ngại vì các tàu
khu trục của Trung Quốc có trang bị tên lửa siêu âm SS-N-22 có khả năng
tiêu diệt tàu sân bay.
Còn quá sớm để thấy hết lập trường của Mỹ và Trung Quốc
trong những vụ việc này, nhưng có thể thấy các cọ xát trên biển Đông
giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang thử thách cuộc hòa hoãn
mới Mỹ - Trung.
Ván bài lần này có thể nhằm cho phép Trung Quốc theo
đuổi các mục tiêu giới hạn ở biển Đông, như phóng viên cao cấp Nhân Dân
Nhật Báo viết trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 15-6 một cách không úp mở:
“Không khai thác chung tại biển Đông, tất sẽ tự chuốc lấy phiền phức”,
“Nếu cần hòa bình sẽ bắt buộc phải khai thác chung, chia sẻ lợi ích; bất
cứ suy nghĩ nào muốn khai thác độc quyền, hưởng lợi một mình đều dẫn
đến xung đột”.
Một quan điểm sặc mùi dầu. Nhưng đây có thể lại là một
trong các thỏa thuận mà Trung Quốc đạt được tại Đối thoại Washington đầu
tháng 5 vừa rồi: Mỹ ủng hộ (hoặc đứng trung lập) để Trung Quốc gây sức
ép các bên liên quan ngồi vào thương lượng việc chia chác nguồn tài
nguyên phía nam biển Đông. Còn Mỹ làm cái việc vừa là bên cầm trịch vừa
là bên tham gia cuộc chơi mới ồn ào ở vùng biển này, nhằm không để xung
đột tuột khỏi sự kiểm soát của mình.
Nhưng nếu có một hòa hoãn mới Mỹ - Trung, nó chỉ là một
cuộc giải lao giữa hai hiệp đấu. Trung Quốc không thể độc chiếm biển
Đông mà Mỹ cũng khó lòng để Trung Quốc làm điều đó. Cả Mỹ, Trung Quốc và
các nước lớn khác như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản đều quan tâm đến mối liên
kết giữa biển Đông với châu Á - Thái Bình Dương. Và rộng hơn nữa là với
cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ lục địa Âu - Á.
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/Quoc-te/443924/Hoa-hoan-My---Trung-va-cuoc-co-Bien-Dong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét