“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”
CHARLES FENN
Phan Văn Hoàng dịch và chú thích
Ngày 2–11–1944, máy bay của trung úy Rudolph Shaw
(thuộc Phi đội 51, Không đoàn 14 đóng căn cứ ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc)
bị bắn. Viên phi công Mỹ phải nhảy dù xuống một nơi gần tỉnh lỵ Cao Bằng. Quân
Pháp và quân Nhật lùng bắt anh, nhưng anh được du kích Việt Nam giải cứu và đưa
đến gặp Bác Hồ.
Tháng 2–1945, Bác Hồ sang Côn Minh,
có Shaw đi cùng. Tại đây, Bác gặp nhiều viên chức Mỹ như thiếu tướng Claire L.
Chennault, đại tá Jacques de Sibour, thiếu tá Austin Glass, đại úy Archimedes
Patti, trung úy Charles Fenn…
Fenn sinh năm 1909 ở Anh. Năm 22
tuổi, anh sang Mỹ, sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Từ 1940 đến 1943, anh sang Trung
Quốc, có lúc làm phóng viên nhiếp ảnh cho hãng thông tấn Associated Press. Nhờ
biết tiếng Quan Thoại nên anh được cơ quan tình báo Mỹ OSS tuyển dụng.
Năm 1973, sách Ho Chi Minh – A Biographical Introduction (Hồ Chí Minh – Giới thiệu
tiểu sử) được hai nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons (ở New York, Mỹ) và
Studio Vista Books (ở London, Anh) ấn hành cùng một lúc.
Sau đây, chúng tôi dịch chương 8
của sách nói trên, viết về những tiếp xúc đầu tiên giữa Bác Hồ các viên chức Mỹ
trong năm 1945. Chúng tôi lược bỏ một số đoạn không cần thiết (chẳng hạn công
việc của OSS ,
của AGAS v.v…). Tựa và các chú thích là của người dịch.
… Tôi làm việc cho OSS (1)
ở Trung Quốc được một năm, đến năm 1944 được chỉ thị làm việc với một nhóm độc
lập đang tổ chức một mạng lưới bên trong Đông Dương với các điệp viên dân sự
của nước Pháp tự do (2).
Nhóm này được biết dưới cái tên GBT ghép chữ đầu của tên ba người điều hành
nhóm: Laurence L. Gordon (người Canada ),
Harry Bernard (người Mỹ) và Frank Tan (người Mỹ gốc Hoa). Trước đây, ba người
này làm công cho một hãng dầu ở Sài Gòn, cả ba đều đáng khen theo kiểu của
mình. Họ sử dụng những người Pháp mà họ tiếp xúc được một cách tuyệt vời đến độ
không một nhóm tình báo nào, kể cả quân sự lẫn dân sự, có thể sánh với thành
tích thu thập và phổ biến tin tức của họ.
… Thời gian sau, nhóm GBT nhận tiền và trang bị của OSS cũng như của một tổ chức khác của Mỹ là
AGAS (3), công tác của
tổ chức này gồm có giải cứu những phi công bị bắn rơi, liên lạc với tù binh
chiến tranh và thu thập tin tình báo.
Khi OSS quyết định mở rộng hoạt động của họ vào Đông Dương, họ muốn tiếp
quản nhóm GBT và bước đầu tiên của họ là chỉ định tôi làm việc với nhóm (…)
Nhóm GBT chuyển về AGAS cùng với công việc của tôi.
Việc này vừa mới dàn xếp xong thì cuộc đảo chính ngày 9–3–1945 khiến nhóm
GBT và toàn bộ mạng lưới phải nằm im. Điều đó có nghĩa là không còn những thông
tin về mục tiêu, về sự phòng không, về sự di chuyển của quân Nhật, cũng không
còn những báo cáo thời tiết. Do đó, Tổng hành dinh [của Mỹ ở Trung Quốc] chỉ
thị tôi phải thay những điệp viên người Pháp không còn nữa bằng một mạng lưới
người Việt.
Ở Côn Minh có nhiều người Việt, nhưng vì trước đây chúng tôi được cảnh
báo là không được dùng họ, nên chúng tôi không có ý niệm rằng ai là người có ích và đáng tin cậy. AGAS
nói với tôi về một người Việt Nam
lớn tuổi không chỉ đã cứu giúp một phi công bị bắn rơi mà còn có liên kết với
một nhóm chính trị lớn. Người ta nói rằng ông ấy vẫn còn ở Côn Minh và đôi khi
thấy ông ấy ở trụ sở AOWI (4)
để đọc mọi thứ, từ tạp chí Time đến
Từ điển Bách Khoa Mỹ (The Encyclopaedia Americana ). Tôi nhắn
với một người bạn của tôi cố dàn xếp một cuộc gặp với ông ấy. Một vài ngày sau,
tôi được biết tin ông ấy. Ông tên là Hồ, muốn gặp tôi chiều nay. Nhật ký của
tôi ngày 17–3 [1945] chép:
“Hồ đến cùng một người trẻ tuổi hơn là Phạm [Văn Đồng]. Hồ không như tôi
tưởng. Trước hết, ông không thực sự “già”: chòm râu bạc cho ta biết tuổi của
ông, nhưng khuôn mặt khỏe mạnh, đôi mắt sáng long lanh. Chúng tôi nói chuyện
bằng tiếng Pháp. Dường như ông đã gặp Hall, Glass và De Sibour [các sĩ quan OSS ] nhưng không đạt kết
quả gì. Tôi hỏi ông muốn gì ở họ. Ông nói: chỉ muốn họ công nhận nhóm của ông
(gọi là Việt Nam
Độc lập Đồng Minh hay Việt Minh). Tôi đã nghe phong thanh tổ chức này là cộng
sản và tôi hỏi ông điều đó. Ông nói: Pháp gọi tất cả những người Việt Nam mong muốn
độc lập là cộng sản. Tôi kể cho cho ông nghe công việc của chúng tôi và hỏi ông
có thích giúp đỡ chúng tôi không. Ông nói nhóm của ông có thể làm được, nhưng
không có người sử dụng điện đài và dĩ nhiên không có thiết bị gì cả. Chúng tôi
thảo luận việc đưa vào [Việt Nam ]
một điện đài, một máy phát điện và một người sử dụng các máy đó. Ông nói máy
phát điện có thể gây nhiều tiếng động, trong khi bọn Nhật luôn có mặt xung
quanh. Sao chúng ta không dùng loại điện đài chạy bằng pin như người Tàu vẫn
dùng? Tôi giải thích: loại máy ấy quá yếu, không thể dùng cho khoảng cách xa,
nhất là khi pin yếu. Tôi hỏi ông muốn những gì khi giúp chúng tôi. Ông nói: vũ
khí và thuốc men. Tôi nói: vũ khí thì khó, vì e Pháp [phản đối]. Chúng tôi thảo
luận vấn đề Pháp. Ông nhấn mạnh: Việt Minh chỉ chống Nhật (5). Tôi ấn tượng bởi cách nói
dứt khoát của ông, ông điềm tĩnh như đức Phật, ngoại trừ những cử động của các
ngón tay da nâu và nhăn của ông. Phạm [Văn Đồng] ghi chép. Chúng tôi thỏa thuận
sẽ gặp nhau một lần nữa. Họ ghi tên họ bằng chữ Tàu được la-tinh hóa: Fam Fuc
Pao và Ho Tchih Ming”.
Sau buổi gặp đó, Harry Bernard và Frank Tan đồng ý rằng: nếu có thể làm
được một điều gì đó thì chúng tôi sẽ đưa ông Hồ về lại Việt Nam và một trong những nhân viên
điện đài người Hoa của chúng tôi sẽ đi theo ông. Có người gợi ý rằng Tan sẽ đi
cùng với ông. Ba ngày sau, tôi sẵn sàng để dàn xếp chuyện đó.
“Ngày 20–3:
Có một cuộc gặp gỡ lần thứ hai với những người Việt Nam ở quán cà-phê Đông Dương trên
đường Chin Pi. Hình như chủ quán là bạn của họ (6). Chúng tôi ngồi trên gác và uống cà-phê phin theo
kiểu Pháp, đậm và rất ngon. Căn phòng vắng người nhưng ông Hồ nói khách hàng có
thể vào. Chúng tôi thỏa thuận dùng vài từ: người Tàu thì gọi là “bạn”, người Mỹ
là “anh em”, người Pháp là “người trung lập”, người Nhật là “người chiếm đóng”,
người Việt Nam là “người bản địa”. Ông nói về việc đưa hai người Hoa sang [Việt
Nam ],
một trong hai người ấy là người Mỹ gốc Hoa, điều đó có thể gặp khó khăn vì chắc
chắn họ sẽ dễ bị nhận diện. Nhóm của ông có khuynh hướng nghi ngờ người Hoa.
Nhưng vì không có nhân viên điện đài người Việt Nam nên đành phải sử dụng người
Hoa. Song thay vì lấy Frank Tan, ông sẽ đi với một người và sau đó chúng tôi sẽ
thả dù một sĩ quan người Mỹ. Ông hỏi tôi có muốn đi [Việt Nam ] không? Tôi đáp tôi muốn. Ông
nói nhóm của ông sẽ hoan nghênh tôi. Rồi chúng tôi thảo luận chuyện tiếp tế.
Phạm [Văn Đồng] đề cập tới “chất nổ mạnh” mà Hall đã nói với anh. Tôi cố làm nhẹ
bớt chuyện này, nhưng đồng ý rằng chúng tôi sau này có thể thả dù xuống vũ khí
nhẹ, thuốc men và thêm nhiều điện đài nữa. Nhân viên của chúng tôi có thể huấn
luyện một vài người của ông Hồ sử dụng các máy móc đó. Ông cũng muốn gặp
Chennault (7). Tôi đồng
ý thu xếp việc đó, nếu ông Hồ đồng ý không yêu cầu Chennault điều gì: không đòi
hàng tiếp tế, cũng không đòi [Mỹ] hứa hẹn ủng hộ [Việt Minh]. Hồ đồng ý. Ông
già (8) mặc quần vải
theo kiểu Tàu và áo cài nút đến cổ, màu vàng nhạt, chứ không phải màu xanh. Ông
mang dép dây da theo kiểu thường dùng ở Đông Dương. Râu ông bạc và thưa, nhưng
lông mày của ông màu nâu nhạt ngả sang màu xám ở cuối, tóc ông hầu như vẫn còn
đen nhưng thưa. Người thanh niên họ Phạm mặc bộ đồ Tây, có xương gò má cao và
cằm khỏe. Cả hai nói chuyện một cách nhẹ nhàng nhưng đôi khi họ phá lên cười
khúc khích. Chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý”.
… Sau khi thu xếp để giới thiệu ông Hồ với Chennault như một “người bản
xứ” đã cứu giúp Shaw, tôi đưa Tan cùng đi gặp ông tại nơi mà ông và Phạm [Văn
Đồng] ở trong một căn phòng trên một cửa hàng bán nến. Tầng dưới đầy những cây
nến nhỏ đủ màu: đỏ, trắng, cam với một chậu sáp sắp sôi đặt trên một bếp lò ở
phía sau. Hồ và Tan hợp với nhau nên ông già đồng ý đưa Tan theo [về Việt Nam ].
Tan bây giờ sẵn sàng cho chuyến đi. Bernard bảo anh ta chỉ mang theo những gì
cần thiết: một điện đài, một súng lục, một ít quà nhỏ. Nhưng Tan khăng khăng
đòi mang theo đủ thứ…
Buổi gặp Chennault diễn ra mấy ngày sau đó.
Bernard và tôi phải đi đón Hồ vào lúc 10 giờ 30 sáng 2–3 để tới chỗ hẹn
vào lúc 11 giờ. Tôi để ý thấy ông đã thay một cái nút bị thiếu trên áo vải của
ông, chắc chắn là vì dịp long trọng này. Khi chúng tôi tự giới thiệu ở phòng
ngoài của Chennault, người ta bảo thiếu tướng đang bận. Lúc đó, cô thư ký
[Doreen] xuất hiện và trấn an chúng tôi rằng ông ta không bận lâu lắm đâu. Năm
phút sau, chúng tôi bước vào văn phòng của Chennault. Doreen mang ra hai ghế,
còn Chennault đặt chiếc ghế thứ ba rất lịch sự. Rồi ông tới ngồi sau bàn giấy
lớn bằng một cái giường đôi. Năm người, mỗi người một vẻ: Chennault mặc quân
phục rất sang trọng, đeo huân chương; Bernard mặc quần soóc và áo sơ-mi bằng
vải ka-ki; tôi thì mặc áo có thắt lưng bằng vải ga-bác-đin, đội nón Thủy quân
lục chiến; ông già Hồ mặc áo dài bằng vải bông, mang dép săng-đan; Doreen mặc
đồ ka-ki có lẽ do Saks Fifth Avenue may và chở sang bằng máy bay đặc biệt.
Chennault nói với ông Hồ ông ta rất biết ơn về việc cứu viện phi công.
Ông Hồ nói ông luôn vui lòng được giúp người Mỹ và đặc biệt giúp tướng
Chennault mà ông rất ngưỡng mộ. Hai người chuyện trò về đội Phi Hổ (Flying Tigers) (9). Chennault hài lòng về việc ông già biết
chuyện đó. Chúng tôi nói về việc cứu thêm những phi công nữa. Không ai nói gì
về Pháp hay về chính trị. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi chúng tôi chuẩn bị ra về.
Bỗng ông Hồ nói ông xin thiếu tướng một ân huệ nhỏ. “Bây giờ chúng ta về thôi,
cầm lấy mũ lên đi”, nét mặt của Bernard muốn nói lên câu đó. Tất cả những gì
ông Hồ muốn là một tấm ảnh của thiếu tướng. Chennault chẳng thích gì hơn là
tặng ảnh. Vì vậy ông nhấn chuông và Doreen bước vào. Đúng lúc đó, một cô gái
khác mang đến một tập ảnh bóng loáng cỡ 8 x 10. Chennault nói: “Ông hãy chọn
đi”. Ông Hồ lấy một tấm ảnh và hỏi liệu thiếu tướng có vui lòng ký tên vào tấm
ảnh. Doreen đưa một cây bút máy hiệu Parker
51 và Chennault viết ở dưới tấm ảnh: “Thân
mến, Claire L. Chennault”. Và chúng tôi kéo nhau ra về trong không khí lấp
lánh của Côn Minh.
… Bernard dàn xếp với Ban hành quân của Không đoàn 14 để có hai chiếc
L-5, loại máy bay taxi nhỏ mà chúng tôi vẫn dùng lúc đó. Hồ bay xuống biên giới
[Việt Nam
– Trung Quốc] trong một máy bay với Mac Sin, nhân viên điện đài người Hoa. Một
hay hai ngày sau, Tan bay trong máy bay thứ hai với tất cả thiết bị. Có một
đường băng cho máy bay ở Tĩnh Tây (10) và từ đó họ sẽ đi bộ vào [Việt Nam ]. Phạm [Văn Đồng] ở lại Côn
Minh để làm công tác liên lạc. Khi tôi đến gặp Hồ để biết mọi chuyện dàn xếp
này, ông đề nghị thêm một ân huệ nữa: sáu khẩu súng lục tự động hiệu Colt .45 mới tinh còn nguyên trong bao
bì.
Khi Bernard và
tôi tiễn Hồ ra sân bay và đưa ông lên chiếc máy bay sẽ mang ông vượt 300 dặm
núi rừng, ông nói đây là lần thứ ba ông đi máy bay. Khoảng một tuần sau, Mac
Sin liên lạc với chúng tôi bằng vô tuyến. Chúng tôi biết được: Hồ đã vượt biên
giới và về tới căn cứ của ông đặt trong một hang đá. Ông đã gửi hai mươi người
của ông đi hộ tống Tan và Mac Sin để bảo vệ họ không chỉ chống bọn Nhật mà còn
chống lại bọn cướp nữa. Một thời gian sau, chúng tôi nhận được báo cáo đầu tiên
của Tan: “Những người hộ tống đến ngày 15-4 và 4 giờ sáng hôm sau chúng tôi lên
đường, ăn mặc như những người buôn lậu qua biên giới với toàn bộ thiết bị đựng
trong các giỏ tre để người khác tưởng rằng chúng tôi là dân buôn bán bất hợp
pháp ở vùng biên giới. Chúng tôi đi bộ dọc theo biên giới tới 15 giờ, ăn uống
rồi chờ cho đến khi trời tối mới rẽ về phía biên giới. Chặng đường này nổi
tiếng cướp bóc, vì vậy khi vượt biên, chúng tôi tháo súng ra khỏi bao và cầm
sẵn trên tay”. Tan còn mô tả chuyến đi gian khổ và nguy hiểm đã đưa họ về tới
căn cứ của Hồ trong hang Pác Bó (11),
một túp lều ở lối vào một thác nước. Các thành viên của Việt Minh đến túp lều
này để trao đổi ý kiến. Tan viết: “Tôi có thể đánh giá rằng Việt Minh rất mạnh
và có nhiều trăm hội viên. Trước khi rời Tĩnh Tây, tôi được nhà cầm quyền Trung
Quốc cảnh báo rằng phần lớn họ là cộng sản và chúng tôi phải biết điều mà chúng
tôi sẽ bị nhiễm. Dĩ nhiên người Tàu nhìn sự vật theo quan điểm của Quốc dân
đảng [Trung Hoa]”. Bây giờ, Pháp cũng làm ầm lên chuyện chúng ta làm việc với
Hồ và tôi bị AGAS yêu cầu phải viết báo cáo. Khi Tổng hành dinh nhận được báo
cáo, chúng tôi được lệnh cứ tiếp tục công việc…
Chúng tôi thu xếp để Hồ gửi cho chúng tôi vài người của ông đặng chúng
tôi huấn luyện. Thư ông viết: “Chúng tôi rất biết ơn ông đã chăm sóc các chàng
trai của chúng tôi. Tôi mong họ có thể học về vô tuyến và các thứ khác cần
thiết cho cuộc chiến đấu chung của chúng ta chống bọn Nhật. Tôi hy vọng ông sẽ
sớm sang thăm chúng tôi ở căn cứ của chúng tôi. Điều đó sẽ trọng đại. Cho phép
tôi gửi lời kính trọng đến tướng Chennault”.
Những lá thư đầu tiên do Hồ viết tay bằng ngòi bút thép trên giấy thông
thảo Trung Quốc. Lá thư kế tiếp viết trên nửa trang giấy thông thảo có kẻ hàng
mờ và nhuộm màu xanh nhạt:
“Ông Fenn thân mến,
Ông Tan và người trợ lý của ông ấy [Mac Sin] mạnh khỏe. Tôi hy vọng ông
sớm đến thăm chúng tôi.
Ông làm ơn chuyển lá thư này đến bạn tôi là Tống Minh Phương ở quán
cà–phê Đông Dương. Mười hay mười hai ngày sau, họ sẽ trao cho ông một gói cờ
của các nước Đồng Minh. Tôi rất biết ơn ông nếu ông gởi gói đó cho tôi bằng
cách nhanh nhất.
Xin gửi tới ông bạn lớn [Chennault] và ông Bernard cùng toàn thể các bạn
của chúng ta lời chúc tốt đẹp nhất của tôi.
Chúc ông sức khỏe và may mắn.
Thân mến,
Hồ
9-6-1945”
Người mang những bức thư này (nhân viên của ông Hồ) nói tiếng Pháp giỏi
và chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu…
Không bao lâu sau đó, chúng tôi thả dù nhiều hàng tiếp tế, máy vô tuyến,
thuốc men, đồ dùng, vũ khí. OSS
cung cấp cho chúng tôi phần lớn những thứ ấy vì họ có một số lượng lớn hàng
tiếp tế. Theo Tan, việc thả dù này làm dư luận xôn xao và kho hàng của Hồ tăng
thêm mười điểm nữa. AGAS không đồng ý thả dù tôi [Fenn] xuống, do đó chúng tôi thả dù một sĩ quan AGAS còn trẻ là [trung úy Dan]
Phelan. Anh ta miễn cưỡng đi làm nhiệm vụ đặc biệt này bởi vì anh ta nghe nói Hồ là cộng
sản. Trong vòng một tuần sau khi đến [Việt Nam ], anh gửi điện về, chứng minh
rằng Hồ chẳng phải cộng sản chút nào hết. Chúng ta [tức người Mỹ] đều nhầm lẫn.
Bức điện của anh ta viết: “Các anh hiểu lầm quan điểm của Việt Minh. Họ không
chống Pháp. Họ chỉ là những người yêu nước, xứng đáng được chúng ta hoàn toàn
tin tưởng và ủng hộ”.
Robert Shaplen trích dẫn một câu mà Phelan viết
cho ông ta sau đó, mô tả doanh trại của Hồ: “Bốn túp lều, mỗi cái rộng 12 feet
vuông, dựng trên các cột tre cách mặt đất 4 feet. Túp lều của Hồ cũng trống
trơn như những túp lều khác. Phelan kể rằng Hồ đề nghị anh ta cho ý kiến về câu
mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ mà ông muốn đưa vào bản Tuyên ngôn Độc
lập [của Việt Nam ].
Phelan nói: “Nhưng hình như ông ta biết về điều đó hơn tôi”. Khi bắt đầu làm
nhiệm vụ [ở Việt Nam ],
Phelan cứ cằn nhằn với chúng tôi rằng Hồ là cộng sản, nhưng Phelan kết thúc lời
phát biểu bằng câu: “Ông là một người hết sức đáng mến. Nếu tôi phải chọn ra
một đức tính nào về ông già ngồi trên đồi trong rừng thì đó là tính hòa nhã” (12).
… May thay, Tan và Hồ đã thiết lập một mạng lưới tình báo của người bản
xứ để thay thế một cách rộng rãi mạng lưới của người Pháp bị cuộc đảo chính của
Nhật làm cho biến mất. Mạng lưới của Việt Minh đã cứu thoát tổng cộng 17 phi
công bị bắn rơi (13).
Việt Minh cũng xây được một đường băng cho máy bay hạ cánh trong tổng hành dinh
của họ. Nhờ vậy, chúng tôi có thể gửi sang một máy bay L-5 để đưa Tan [về lại
Côn Minh]. Anh ta trở về với tình cảm chứa chan về Hồ.
Áp-phích của
Việt Minh hướng dẫn nhân dân cứu giúp phi công Mỹ bị nạn :
“Quân đội Mỹ
là bạn ta / Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”
… Tan mang về cho tôi một lá thư khác của Hồ, lá thư này được đánh máy
bằng một máy đánh chữ cũ nhưng chữ vẫn rõ ràng: “Tôi muốn viết cho ông một bức
thư dài thật dài để cảm ơn tình hữu nghị của ông. Không may, tôi không thể viết
nhiều được, vì sức khỏe của tôi hiện nay không tốt (bệnh của tôi không nặng lắm
đâu, ông đừng lo lắng!). Những điều tôi muốn nói, ông Tan sẽ nói thay tôi. Nếu
ông gặp các ông Bernard, Vincent, Reiss và Carlton (ở AOWI) và các bạn khác của chúng
ta, xin vui lòng chuyển tới họ lời chúc thân ái nhất của tôi.
Phạm [Văn Đồng] nói ông sẽ tới đây. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ông một
cách nồng nhiệt nhất. Hãy đến càng sớm càng tốt nếu ông có thể.”
… Theo Tan, ông Hồ vẫn còn bệnh, nhưng ông nói ông không bệnh lắm để tôi
an tâm, không phải lo.
… Lá thư cuối cùng của Hồ gửi tôi ghi “tháng Tám 1945” được viết vào một
thời gian ngắn sau khi Hiroshima
bị ném bom nguyên tử (6-8-1945):
“Chiến tranh kết thúc. Điều đó tốt cho mọi người. Tôi chỉ lấy làm tiếc
rằng tất cả những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá sớm. Và việc họ rời đất
nước này có nghĩa là quan hệ giữa các bạn và chúng tôi sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chiến tranh kết thúc thắng lợi. Nhưng những nước nhỏ và chưa độc lập như
chúng tôi chẳng được hưởng phần, hoặc hưởng một phần rất nhỏ trong thắng lợi
của tự do và dân chủ. Nếu chúng tôi muốn có một phần đầy đủ, có lẽ chúng tôi
vẫn phải chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn dành
thiện cảm cho chúng tôi.
Tôi cũng tin chắc rằng, chẳng chóng thì chầy, chúng tôi sẽ đạt được mục
đích của mình, bởi vì mục đích đó là chân chính. Và đất nước chúng tôi sẽ giành
được độc lập. Tôi chờ mong sẽ có ngày hạnh phúc được gặp ông và các người bạn
Mỹ của chúng tôi, hoặc ở Đông Dương, hoặc trên đất Mỹ!”
Số mệnh (14) đã
định rằng chúng tôi sẽ không được gặp nhau. Với việc thả bom nguyên tử [xuống
nước Nhật] và xung đột kết thúc, công việc của AGAS ở Đông Dương được xem như
hoàn tất.
(1)
OSS (Office
of Strategic Services): cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ, tiền thân của
CIA ngày nay.
(2)
Nước
Pháp tự do (La France
libre): chỉ những người Pháp theo tướng De Gaulle chống lại Đức Quốc xã và
chính phủ Vichy
(do thống chế Pétain cầm đầu)
(3)
AGAS
(Air Ground Aid Services): cơ quan
giúp đỡ không quân trên mặt đất.
(4)
AOWI
(American Office of War Information):
Phòng Thông tin Chiến tranh của Mỹ.
(5)
Chỉ
thị ngày 12-3-1945 của Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương viết:
“Sau cuộc đảo chính này, đế quốc phát-xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể
trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông Dương” và “đem khẩu hiệu Đánh đuổi phát-xít Nhật! thay cho khẩu
hiệu Đánh đuổi Nhật, Pháp!”
(6)
Chủ
quán cà–phê Đông Dương là vợ chồng Tống Minh Phương và Trần Việt Hoa.
(7)
Claire
Lee Chennault (1893-1958) từng tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới. Lúc đó,
ông là thiếu tướng, tư lệnh Không đoàn 14 đóng ở Côn Minh. Thăng lên trung
tướng trước khi về hưu.
(8)
Fenn
gọi Hồ Chí Minh là “Ông già” để phân biệt với một người khác trẻ hơn cũng mang
họ Hồ.
(9)
Đội
Phi Hổ (hay Cọp Bay): biệt danh của Phi đoàn tình nguyện Mỹ số 1 (The First American Volunteer Group)
thuộc Không lực Trung Hoa Dân quốc, gồm những phi công Mỹ đánh thuê cho Trung
Hoa (lương cao gấp ba lần lương lãnh trong Quân đội Mỹ). Do Chennault chỉ huy.
Thành lập năm 1941 trước khi Mỹ tham chiến ở châu Á – Thái Bình Dương. Sáp nhập
vào Không lực của Lục quân Mỹ năm 1942.
(10)
Tĩnh
Tây: tên một huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), gần biên giới với Việt Nam .
(11)
Hang
Pác Bó: đúng ra là hang Cốc Bó (tiếng Nùng, nghĩa là đầu nguồn) thuộc làng Pác
Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
(12)
Robert
Shaplen, The Lost Revolution, Nxb
André Deutsch, London ,
1966, trang 33.
(13)
Tạp
chí Time số ra ngày 12-9-1969.
Không phài “số mệnh” mà là chính sách ngăn chặn Cộng
sản” (the containment policy) của
Harry S. Truman đã chấm dứt “cái thuở ban
đầu lưu luyến ấy” trong quan hệ Việt – Mỹ. Ngày 24-8-1945 tại Nhà Trắng,
viên tổng thống Mỹ này cam kết với chủ
tịch Chính phủ lâm thời Pháp Charles de Gaulle : “Trong mọi trường hợp, đối với
Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp
quay trở lại xứ ấy” (En tout cas, pour ce
qui est de l’Indochine, mon gouvernement ne fait pas opposition au retour de
l’autorité et de l’armée francaises dans ce pays - Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Nxb Plon, Paris,
1959, tập III, tr. 249-250). Trong 30
năm kế tiếp, Mỹ giúp kẻ thù của dân tộc Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét