4/11/14

KẾT HỢP ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO VỚI ĐẤU TRANH QUÂN SỰ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)



PGS.TS. Hồ Khang
 Viện Lịch sử quân sự
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của toàn dân thể dân tộc Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Trong suốt tiến trình kháng chiến, Đảng LĐVN, Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân kết hợp với sức mạnh của thời đại, tiến công đối phương trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - tư tưởng, nhằm đánh bại ý chí xâm lược của kẻ xâm lược. Nhận thức rằng, "quân sự là việc chủ chốt trong kháng chiến"[1], Đảng LĐVN luôn nắm vững mối quan hệ giữa mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao, nâng ngoại giao thành một mặt trận có ý nghĩa chiến lược phối hợp chặt chẽ với các mặt trận quân sự, chính trị trong chiến tranh, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường và củng cố, mở rộng thắng lợi đó bằng hoạt động ngoại giao.

1. Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng LĐVN khẳng định mặt trận ngoại giao là một mặt trận kháng chiến có vị trí chiến lược quan trọng, nhằm động viên cao độ mọi lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, mặt trận đấu tranh ngoại giao phải trở thành một điểm sáng của sự phối hợp rất chặt chẽ và trong nhiều thời điểm phải phát triển thật nhịp nhàng với mặt trận quân sự, chính trị để cùng giành thắng lợi, làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự trên chiến trường, đấu tranh ngoại giao phải tạo hiệu quả mới, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, cục diện đan xen giữa “đánh” và “đàm” giúp làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tiến tới kết thúc chiến tranh đúng thời cơ. Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao chính là sự phát huy cao độ sức mạnh chính trị của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, thêm bạn, bớt thù, phân hoá và cô lập đối phương. Đây là một mặt trận có vai trò to lớn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Một đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp, sắc bén sẽ làm tăng thêm sức mạnh của cuộc kháng chiến. Tuy đấu tranh ngoại giao là một mặt trận quan trọng, nhưng kinh nghiệm lịch sử cũng đã chứng minh rằng, nó chỉ có thể tiến triển, thu được kết quả trên cơ sở những thắng lợi về quân sự và chính trị mà quân và dân giành được trên chiến trường. Do bản chất cực kỳ ngoan cố của những kẻ xâm lược, nên chỉ khi xây dựng lực lượng chính trị và quân sự ngày càng lớn mạnh, đánh cho đối phương thất bại nặng nề, làm cho lực lượng chính trị và quân sự suy yếu nghiêm trọng, các âm mưu chiến lược liên tiếp bị phá sản, thì mới đè bẹp được ý chí xâm lược của đối phương, kéo đối phương vào thế phải vừa đánh, vừa đàm, buộc phải ký kết ngoại giao, tiếp nhận những điều kiện có lợi cho dân tộc Việt Nam. Như vậy, thắng lợi quân sự trên chiến trường là yếu tố quyết định cho thắng lợi trên bàn đàm phán và ngược lại, thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giành được thắng lợi lớn hơn trên chiến trường, buộc đối phương phải xuống thang. Mặt trận ngoại giao cùng với mặt trận quân sự và chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
 2. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành lực cản chính trong cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. Tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại đế quốc Mỹ vì độc lập, tự do, vì những quyền dân tộc thiêng liêng, bất khả xâm phạm, cuộc kháng chiến của toàn Đảng và toàn  thể nhân dân Việt Nam được sự đồng tình, ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới; kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của dân tộc Việt Nam cũng là kẻ thù chung của nhân loại tiến bộ. Để động viên một cách cao nhất mọi lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ cho cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phân tích tình hình, chiến lược của các nước lớn có liên quan, đặc biệt là chiến lược của Mỹ, Việt Nam trong trào lưu vận động, biến chuyển của thế giới, gắn liền việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam với việc đề ra mục tiêu, phương hướng, đường lối, chính sách đối ngoại, chiến lược, sách lược đấu tranh, tập hợp lực lượng, xây dựng nền tảng chính sách đối ngoại và nền ngoại giao Việt Nam, tiến công đối phương trên chính trường quốc tế. Thực hiện tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 (1-1967) “đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất của cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”[2], trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, phát triển công tác ngoại giao thành một lực lượng đấu tranh, một phương thức tiến công kẻ xâm lược trên trường quốc tế, thành một diễn đàn tập hợp những tiếng nói chính nghĩa ủng hộ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự, mặt trận chính trị, lấy chính nghĩa làm điểm tựa, lấy hữu nghị, đoàn kết giữa các quốc gia dân tộc làm mục tiêu, lấy hoà bình, hoà hiếu làm tư tưởng xuyên suốt, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mặt trận ngoại giao góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho hoà bình và tiến bộ trên thế giới, hình thành thế và lực tiến công ngoại giao ngày càng mạnh. Bằng những hoạt động ngoại giao hiệu quả, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tranh thủ được các nước ủng hộ, chi viện về vật chất cũng như tinh thần, tăng cường và củng cố hậu phương quốc tế, đồng thời làm xói mòn hậu phương đối phương, cô lập đối phương về chính trị trên trường quốc tế, góp phần không nhỏ vào việc triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ, bế tắc của đế quốc Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, làm cho nội tình của nước Mỹ ngày càng chia rẽ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam, khiến giới lãnh đạo Washington bị phản ứng, bị chống đối và rơi vào tình thế lúng túng, bị động. Willlam Duiker - một học giả, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, đã phải tự hỏi: “Làm thế nào mà người Việt Nam chiến thắng bằng cách duy trì một cuộc tiến công ngoại giao vượt trội hơn hẳn một quốc gia vốn được coi là hùng mạnh nhất thế giới?”.
Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, kết hợp cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên chính trường quốc tế, đánh đúng vào chỗ yếu cơ bản về chính trị của đối phương, đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực sự mang lại hiệu quả to lớn, góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện. Điều đó được thể hiện rõ ràng, sinh động, nhất là từ khi VNDCCH mở cục diện vừa đánh vừa đàm.
Chọn đúng thời cơ để mở đòn tiến công ngoại giao, kéo Mỹ vào bàn đàm phán cả một vấn đề nghệ thuật. VNDCCH đã mở cuộc tiến công ngoại giao năm 1967 đúng lúc, khi đang ở thế thắng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn mưu toan "đàm phán trên thế mạnh", đòi miền Bắc phải "giảm hoạt động quân sự ở miền Nam, giảm thâm nhập vào miền Nam" (đòi phải chấm dứt sự chi viện cho quân dân miền Nam chống Mỹ - một điều hết sức phi lý), đồng thời đưa ra công thức thương lượng "có đi, có lại"... Trong thư gửi Tổng thống Johnson tháng 2-1967, Hồ Chí Minh đã bác bỏ yêu cầu đó và tuyên bố dứt khoát: "Chính phủ Mỹ đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược"[3]. Chỉ đến khi quân và dân miền Nam  giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, làm đảo lộn toàn bộ tính toán chiến lược và làm lung lay ý chí xâm lược của Chính quyền Mỹ, buộc họ phải phi Mỹ hoá và xuống thang chiến tranh, thì Tổng thống Johnson mới chịu tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20o trở ra, cử đại diện Mỹ thương lượng với Việt Nam và không ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ mới (31-3-1968). Tuyên bố đó của Johnson tuy chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của VNDCCH, nhưng để ép đối phương tiếp tục xuống thang chiến tranh và đi vào thương lượng, ngày 3-4-1968, Việt Nam tuyên bố chấp nhận đi vào đàm phán. Cuộc đàm phán Paris đã mở ra cục diện "vừa đánh vừa đàm", phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa VNDCCH và Mỹ. Trên bàn đàm phán diễn ra sự đấu trí gay cấn, kiên quyết, đòi hỏi chiều sâu trí tuệ và những bước đi quyết sách thông minh, song cẩn trọng. Khác với Hội nghị quốc tế Gieneve về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam  thắng lớn, thế và lực của Việt Nam mạnh hơn năm 1954. Vì sự thất bại nặng nề do cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968, Mỹ buộc phải coi Việt Nam là một bên đối thoại trực tiếp, bình đẳng và miễn cưỡng chấp nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự.
Trên chiến trường, trong những năm 1971-1972, quân dân miền Nam  mở các đợt hoạt động quân sự mạnh mẽ, đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của Mỹ, quân đội Sài Gòn sang Campuchia, Nam Lào. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với ba chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng trên ba hướng Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hai chiến dịch tổng hợp ở Bắc Bình Định và đồng bằng Nam Bộ đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán. Hoà nhịp với thắng lợi to lớn của quân và dân trên các chiến trường, những năm 1971 -1972, VNDCCH đẩy mạnh thế tiến công trong đàm phán Paris trên thế chủ động hơn bao giờ hết. Kết hợp chặt chẽ đánh với đàm, Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi Mỹ phải rút hết quân viễn chinh về nước. Dù phản ứng quyết liệt, song phía Mỹ vẫn buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân đội. Tuy nhiên, trong nỗ lực vớt vát cuối cùng, Mỹ đẩy mạnh “Việt Nam hoá chiến tranh”, nhằm ép Việt Nam thương lượng trên thế mạnh. Để tăng thêm sức ép, Mỹ xuất con bài cuối cùng - dùng B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng. Trước đòn giáng trả kiên cường, anh dũng, quyết liệt của quân và dân Việt Nam, Mỹ chuốc lấy thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 cuối năm 1972; âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ bị phá sản, ý chí xâm lược của Mỹ bị bẻ gãy. Bên cạnh đó, kết hợp những vận động, biến chuyển quốc tế, tính toán lại những mục tiêu mang tính khu vực, toàn cầu, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, đơn phương rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh về nước, chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam. Thắng lợi của Hội nghị Paris thể hiện sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng mặt trận quân sự và ngoại giao đạt tới đỉnh cao; là sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế, đẩy mạnh cuộc vận động quốc tế, đánh vào hậu phương của Mỹ, kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, tạo điều kiện cho quân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
3. Đánh giá đúng so sánh lực lượng hai bên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là đánh giá, phân tích mọi mặt chiến lược của Hoa kỳ, hạ quyết tâm đánh và quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, Bộ thống soái tối cao Việt Nam đã đề ra chủ trương, chiến lược, sách lược kết hợp các mặt đấu tranh để giành thắng lợi. Đây đồng thời là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến chiến thắng mùa Xuân 1975. Đứng vững trên lập trường yêu nước, hành động vì dân tộc, có phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng, Đảng LĐVN lúc đó đã xem xét chỗ mạnh, chỗ yếu của mình và đối phương một cách tổng hợp trong không gian và thời gian cụ thể, theo quan điểm vận động phát triển, luôn chú ý cả yếu tố khách quan lẫn yếu tố chủ quan trong chỉ đạo chiến tranh. Nhờ đánh giá đúng tương quan lực lượng, thấu hiểu âm mưu và chiến lược chiến tranh của đối phương, thấu hiểu chiến lược của các nước lớn, đánh giá đúng thời cuộc, cho nên các quyết sách được đề ra đã nhằm đúng, nhằm trúng những điểm “tử huyệt” của đối phương, nâng cao, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cộng đồng dân tộc. Như vậy, dù xét theo ý nghĩa nào, thì việc theo sát thời cuộc, nắm bắt xu thế phát triển của thời cuộc, kịp thời đổi mới tư duy luôn luôn là tiền đề cho việc hoạch định chính xác chính sách, xác định đúng đắn phương hướng, thực hiện chuẩn xác kế hoạch phối hợp có hiệu quả giữa các mặt đấu tranh, trong đó có đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự. Kết hợp đánh trên chiến trường với tiến công trên mặt trận ngoại giao, Đảng LĐVN đã tranh thủ hoà bình với những thời gian ngừng chiến cần thiết trong những hoàn cảnh nhất định, để chấn chỉnh lực lượng và phát triển lực lượng, chuẩn bị cho  những trận chiến đấu mới. Trong công tác đối ngoại, Đảng LĐVN không ngừng tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ quốc tế ngày càng lớn hơn trong quá trình chiến tranh và phát huy hiệu lực ngày càng cao sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Chính vì vậy và có như vậy, nhân dân Việt Nam mới có thể tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và cuối cùng đã tạo nên sức mạnh đủ để đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất non sông.
Từ những luận giải nêu trên, trong thời cơ và vận hội mới của đất nước, khi xu thế quốc tế hoá đời sống của các quốc gia dân tộc trên hành tinh đang trở thành xu thế nổi trội, để có thể đứng vững và ngày càng phát triển, kế thừa những kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời với việc phát triển, hội nhập kinh tế thế giới, thì việc xây dựng chiến lược ngoại giao đúng đắn của Việt Nam song song với việc củng cố nền quốc phòng toàn dân, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước luôn luôn cần được chú trọng, cần được coi là nhiệm vụ cấp thiết và dốc sức thực hiện thành công.

Tải bài viết tạiWeb NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
 


[1] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 204
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tập 28, tr. 170.
 [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 10, tr.516.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét