TOÀ ÁN QUỐC TẾ BƠTƠRAN RAXƠN XÉT XỬ TỘI ÁC ĐẾ QUỐC MĨ:
đế quốc Mĩ ngày càng mở rộng chiến tranh đánh phá ác liệt
toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam, gây nhiều tội ác man rợ. Ngày 15.11.1966,
theo sáng kiến của nhà triết học người Anh Bơtơran Raxơn (Bertrand Russell; 1872
- 1970), toà án quốc tế xét xử tội ác của đế quốc Mĩ được thành lập tại Luân
Đôn. Toà án Quốc tế Bơtơran Raxơn đã cử 4 đoàn tới điều tra trực tiếp ở Việt
Nam, thu thập tài liệu, nhân chứng, sau đó đã họp hai phiên để xét xử tội ác
chiến tranh của đế quốc Mĩ. Phiên họp thứ nhất tại Xtôckhôm, Thuỵ Điển từ ngày
2 đến 15.5.1967. Toà kết luận: Chính phủ Mĩ đã phạm tội ác xâm lược chống nước
Việt Nam, các Chính phủ Ôxtrâylia, Niu Zilân, Hàn Quốc là đồng loã. Phiên họp
thứ hai tại Côpenhaghen, Đan Mạch, từ ngày 20.11 đến 1.12.1967. Toà kết luận:
Mĩ đã dùng các loại vũ khí man rợ nhất để tàn sát trẻ em, phụ nữ và dân thường
Việt Nam. Đồng thời, Mĩ đã tiến hành xâm lược Lào và có dã tâm xâm lược
Cămpuchia. Đây là lần đầu tiên cuộc chiến tranh xâm lược cũng như tội ác mà đế
quốc Mĩ gây ra ở Việt Nam đã bị toà án quốc tế bao gồm một tập thể đông đảo các
luật gia, sử gia, các nhà bác học, nhà báo có tiếng thuộc nhiều nước, kể cả nước
Mĩ lên án một cách toàn diện có hệ thống, có sức thuyết phục đối với dư luận
toàn thế giới. "Sự lên án đó có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công
lí và quyền tự quyết của các dân tộc" (Hồ Chí Minh)[1].
[1]
Nguồn: http://daitudien.net/chinh-tri-hoc/chinh-tri-hoc-ve-toa-an-quoc-te-botoran-raxon-xet-xu-toi-ac-de-quoc-mi.html.