NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH “VĂN MINH HÓA GIÁO DỤC” Ở NHẬT BẢN NỬA
CUỐI THẾ KỈ XIX – BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM
TS. Lê Tùng Lâm[1]
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đầu
thế kỉ XIX, sự xâm lược của các nước phương Tây vào châu Á đã tạo ra quá trình
“văn minh hóa” ở hầu hết các nước. Ở Nhật Bản, quá trình này đã có tác động mạnh
mẽ đến nền giáo dục. Sự tiếp xúc với những tiến bộ khoa học, kĩ thuật của các
nước Âu – Mĩ đã thúc đẩy sự chuyển biến trong nền giáo dục Nhật Bản. Đặc biệt,
từ sau cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, Nhật Bản đã đẩy mạnh quá trình giáo dục
theo hướng các nước tư bản. Từ đó, Nhật Bản trở thành cường quốc Á châu trong
những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Vậy văn minh hóa là gì? Quá trình này
đã tác động đến nền giáo dục Nhật Bản như thế nào? Sự phát triển của Nhật Bản từ
đầu thế kỉ XX đến nay để lại bài học kinh nghiệm gì cho Việt Nam trong giai đoạn
phát triển đất nước hiện nay? Thiết nghĩ, việc tìm hiểu lại quá khứ để rút ra
bài học cho hiện tại là một điều cần thiết.
NỘI DUNG
1. Quá trình
văn minh hóa ở Nhật Bản thế kỉ XIX.
Văn
minh là một thuật ngữ xuất phát từ tiếng Latin civilis, là tĩnh từ của danh từ
civis, có nghĩa là “người thành phố”, tức một người sống ở thành phố và chịu sự
quản lý của pháp luật tại thành phố. Về cơ bản đó là mô hình của cuộc sống ở
Rôma và các thành phố lớn khác, trái ngược với cuộc sống ở nơi khác trong nước,
cuộc sống thành phố được coi là phát triển hơn, hoàn hảo hơn. Ngày nay, Văn
minh (Civilization) là chỉ trạng thái tiến bộ về mặt vật chất lẫn tinh thần của
xã hội con người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hóa. Thế kỉ XIX,
người Nhật tiếp nhận từ civilization mà dịch thành Bunmei để chỉ khái niệm văn
minh.
Văn
minh hóa có thể hiểu là quá trình tiếp nhận văn minh bên ngoài và cải biến,
nhân rộng nó ra trong cả nước với quy mô lớn hơn. Ở đây, chúng tôi nói đến sự
tiếp nhận và phổ quát nền văn minh phương Tây vào Nhật Bản thế kỉ XIX. Ở Nhật Bản,
Văn minh hóa (hay văn minh khai hóa -
Bunmei Kaika) là thuật ngữ xuất hiện vào thời kì Minh Trị duy tân để “chỉ
những chính sách cách tân của chính phủ hướng đến văn minh phương Tây, học tập
văn minh phương Tây để tiến hành cận đại hóa Nhật Bản…”([2]).
Như vậy, văn minh hóa là quá trình tiếp nhận những thành tựu của nền văn minh
bên ngoài (ở đây là văn minh phương Tây) về các lĩnh vực như kinh tế, chính trị,
xã hội, văn hóa giáo dục và phổ biến nó trên một vi mô rộng lớn. Quá trình này
đã diễn ra rất mạnh mẽ ở Nhật Bản vào thế kỉ XIX.
Đầu
thế kỉ XIX, Nhật Bản lâm vào tình trạng suy yếu và đứng trước nguy cơ xâm lược
của thực dân Âu – Mĩ. Trong khi Anh biến Ấn Độ thành thuộc địa (1787), sau đó
chiếm Mã Lai, eo biển Malacca, xâm nhập vào Trung Quốc, Pháp xâm chiếm Đông
Dương…thì Mĩ cũng bắt đầu tìm đường đến “mở cửa” Nhật Bản.
Tháng
7-1853, bốn chiến thuyền của Mĩ do Đô đốc Matthew C. Perry chỉ huy đã mang quốc
thư của Tổng thống Mĩ Fillmore đến cảng Uraga (trong vịnh Tokyo) và yêu cầu Nhật
Bản mở cửa và đặt quan hệ thông thương. Sự kiện này có thể được xem là mốc mở đầu
cho quá trình tiếp xúc với những thành tựu khoa học kĩ thuật bên ngoài của Nhật
Bản vì:
Tàu
đâu tỉnh giấc thanh bình (Taihen no yume
samasu jokisen)
Chỉ
có bốn chiếc, giật mình không yên (Tatta
yonhai de yoru mo neranezu)([3]).
Sự
kiện này đã làm cho người Nhật bàng hoàng trước sự thay đổi của thế giới bên
ngoài. Tháng 3-1854, Nhật Bản chính thức ký kết với Mĩ điều ước Kanagawa. Theo
đó, Nhật Bản phải: 1- cung cấp nhiên liệu và thực phẩm cho tàu bè của Mĩ, 2- cứu
trợ thủy thủ Mĩ bị tai nạn, 3- mở hải cảng Shimoda ở miền Nam bán đảo Izu và
Hakodate ở Hokkaido làm địa điểm cung cấp nhiên liệu và thực phẩm cho tàu bè
Mĩ, 4- xem Mĩ là “nước được ưu đãi nhất”, 5- thỏa thuận cho Mĩ đặt lãnh sự ([4]).
Có thể xem đây là Hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên Mạc phủ Tokugawa ký với nước
ngoài. Nó cũng đánh dấu sự cáo chung của chính sách bế quan tỏa cảng với bên
ngoài của Mạc phủ Tokugawa.
Theo
sau Mĩ, các nước Anh, Nga, Hà Lan cũng bắt Nhật Bản ký kết các hiệp ước bất
bình đẳng với họ. Những hiệp ước này được xem là bất bình đẳng vì “Nhật Bản
không được đánh thuế vào các hàng nhập cảng của nước ngoài trên mức hải quan
chiếu lệ và người nước ngoài không thuộc quyền xét xử của tòa án Nhật Bản mà phải
được xử theo luật tại toàn án đặc biệt tại lãnh sự quán nước họ ([5]).
Với hai nội dung trên, Nhật Bản đang đánh mất dần chủ quyền quốc gia của Nhật Bản.
Do đó, những hiệp ước này đã gây nên nỗ bất bình trong nhân dân Nhật Bản. Đó
cũng là nguyên nhân chính làm cho Mạc phủ mất đi niềm tin của nhân dân và sụp đổ
vào năm 1868. Tuy nhiên, những sự kiện này cũng tạo ra sự tiếp xúc mạnh mẽ của
người Nhật với nền văn minh bên ngoài.
1.1.
Những hệ quả
“văn minh hóa” thời kì Tokugawa
Về
kinh tế, từ giữa thế kỷ XVIII, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu
phát triển ở thành thị và nông thôn. Nhiều công trường thủ công xuất hiện và
ngày càng phổ biến. Nông dân thường nhận nguyên liệu từ những chủ kinh doanh, sản
xuất tại nhà và giao hàng cho chủ theo định kỳ (hình thức phường hội). Sản phẩm
của họ làm ra đều thuộc về chủ, có nhiều nơi nông dân lĩnh lương của nhà buôn.
Mỗi khu vực trong nước chuyên môn sản xuất một mặt hàng nào đấy.
Vào
nửa sau thế kỷ XVIII, công trường thủ công sản xuất lụa vải xuất hiện ở nhiều tỉnh.
Năm 1850, ở Tokyo có công trường sử dụng 10 – 20 máy dệt. Đến giữa thế kỷ XIX,
các phiên quốc Tây Nam đã thành lập được các xưởng luyện thép, đóng tàu. Quá
trình công nghiệp hóa xâm nhập mạnh mẽ vào nông nghiệp. Nhiều phiên quốc (han)
chỉ tập trung sản xuất một số mặt hàng như bông sợi, trà, đồ sơn mài…và phục vụ
cho quá trình xuất khẩu ra bên ngoài. Từ năm 1859, mậu dịch với các nước phương
Tây tăng lên đáng kể. Những mặt hàng xuất chủ yếu là trà, dồ sơn mài, sợi tơ…
Tuy nhiên, do xuất cảng không có kế hoạch nên đã gây ra tình trạng thiếu hụt
hàng hóa trong nước, gây ra tình trạng giá cả tăng vọt.
Sự
tiếp xúc với phương Tây cũng làm cho ý thức của các phiên quốc thay đổi từ chống
phương Tây sang tiếp thu thành tựu của họ. Năm 1863, sau khi giao tranh với tàu
chiến Mĩ, Pháp thất bài, phiên quốc Choshu thay đổi chính sách từ “chống phương
Tây” sang trang bị cho quân đội theo hình mẫu của phương Tây. Choshu trở thành
nơi đào tạo những người chỉ huy lục quân ưu tú nhất trong quân đội Nhật Bản cho
đến chiến tranh thế giới thứ hai. Phiên quốc Satsuma sau khi thua Anh trong mùa
hè năm 1863 cũng đã chuyển sang lập trường hòa hiếu với Anh. Người Anh cũng
giúp Satsuma xây dựng lực lượng hải quân hiện đại nhất Nhật Bản. Satsuma cũng
là nơi xuất than của các Bộ trưởng hải quân Nhật cho đến thế chiến thứ hai. Như
vậy, quá trình văn minh hóa ở Nhật Bản đã làm thay đổi rất nhiều về kinh tế
cũng như ý thức của các phiên quốc. Chính hai phiên quốc Choshu và Matsuma là
những lực lượng giữa vai trò quan trọng trong cuộc “đảo Mạc” năm 1868.
Nhiều
thành thị đông dân xuất hiện như Edo – nơi có số dân sinh sống lên đến 1 triệu
người (gấp 2 lần dân số London bấy giờ), còn Osaka trở thành nơi tập hàng hoá
khắp cả nước . Rõ ràng, sự xuất hiện của những trung tâm thương mại quy mô lớn
đã tác động mạnh đến sự phân hoá xã hội và tạo tiền đề thuận lợi cho kinh tế tư
bản chủ nghĩa du nhập và phát triển.
Về
mặt xã hội, giai cấp tư sản bao gồm chủ các công trường thủ công và tầng lớp
thương nhân kiêm cho vay – họ ngày càng giàu lên nhanh chóng, thế lực kinh tế của
họ ngày càng lớn. Họ là chủ nợ của các võ sĩ và Đaimyo. Như vậy, sự phát triển
của mầm móng kinh tế tư bản chủ nghĩa đã làm xuất hiện một giai cấp mới và ngày
càng có ảnh hưởng đến xã hội là giai cấp tư sản.
Sự
du nhập nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã làm cho hàng ngũ giai cấp phong kiến
cũng có sự phân hóa sâu sắc. Các phiên quốc miền Bắc như Hokkaido có nền kinh tế
kém phát triển và trở thành lực lượng bảo thủ, cản trở quá trình canh tân đất
nước. Ở miền Nam, các phiên quốc Tây Nam như Hizen, Satsuma, Tosa, Choshu… đã sớm
tiếp xúc với kinh tế tư bản chủ nghĩa nên ngày càng giàu mạnh lên và có xu hướng
canh tân, chống lại sự bảo thủ và sự hạn chế của chế độ quân sự phong kiến. Do
đó, họ là những thế lực đóng vai trò quan trọng trong cuộc “đảo Mạc” năm 1868.
Ngoài
ra, tầng lớp Samurai (võ sĩ đạo) cũng có sự thay đổi quan trọng. Họ là những
người được luyện cả văn lẫn võ, là người có học thức, có kiến thức tổ chức và
quân sự, trong xã hội phong kiến họ là tầng lớp được ưu đãi. Thời cận đại, số
lượng Samurai đã lên tới hơn hai triệu. Số lượng phát triển đông đảo làm cho
các Đaimyo không đủ sức thỏa mãn những nhu cầu kinh tế của họ. Các võ sĩ lớp dưới
bổng lộc thấp, không đủ sống trước sự phát triển của kinh tế hàng hóa, phải
chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp, hoặc làm bác sĩ, nhà giáo. Nhờ có học
vấn nên họ nhanh chóng nắm được kiến thức mới. Họ trở thành bộ phận quý tộc bị
tư sản hoá nên có tư tưởng chống lại những cản trở công việc sản xuất của chính
quyền phong kiến. Họ gây áp lực với phiên chủ đòi thực hiện một số cải cách tiến
bộ như giảm tô thuế cho nông dân vào những năm mất mùa, chú trọng phát triển
công nghiệp, hàng hải, khuyến khích học tập khoa học tự nhiên... Đây là một
nhân tố khá quan trọng cho cuộc cải cách của Minh Trị năm 1868.
Bên
cạnh đó, tầng lớp thương nhân cũng này càng giữa vai trò quan trọng trong xã hội.
Thương nhân Osaka đã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.
Những tập đoàn thương gia lúa gạo lớn đã nắm được mạch sống của đất nước. Do
đó, thương nhân ngày càng trở thành lực lượng giàu có nhưng lại thiếu quyền lực
và vị trí xã hội. Họ là tiền thân của giai cấp tư sản sau này ở Nhật Bản. Quá
trình phát triển của họ vấp phải một hàng rào cản trở quan trọng là chế độ
phong kiến. Vì thế, họ sớm có ý thức chống phong kiến để mở đường cho chủ nghĩ
tư bản phát triển .
1.2.
Hệ quả quá
trình “văn minh hóa” thời Minh Trị duy tân
Sau
cuộc “đảo Mạc” năm 1868, chính quyền Minh Trị bắt đầu công cuộc duy tân đất nước
theo phương Tây một cách mạnh mẽ và toàn diện. Công cuộc Minh Trị duy tân
(Meiji Ishin) bắt đầu trên các lĩnh vực như:
Về
kinh tế, nguồn thu chủ yếu từ địa tô không đáp ứng được nhu cầu đất nước. Từ
tháng 9-1868 đến tháng 12-1872, chi phí tổng cộng của chính phủ là 148,3 triệu
yên, trong khi nguồn thu chỉ 50,4 triệu yên([6]).
Do đó, chính quyền Meiji đã thực hiện hàng loạt cải cách về tiền tệ, ngân hàng,
địa tô. Họ bắt đầu xây dựng xưởng đúc tiền, quy định yên là đơn vị tiền tệ của
Nhật Bản và thiết lập hệ thống ngân hàng quốc gia thống nhất như của Mĩ.
Bên
cạnh đó, chính phủ cũng ra sức xây dựng một nền công nghiệp hiện đại. Năm 1870
chính phủ Minh Trị đã cho thành lập Bộ công nghiệp và Bộ tài chính (1874).
Chính phủ Minh Trị đã tập trung nguồn lực quốc gia, xây dựng cơ sở thiết bị và
cơ sở công nghiệp. Năm 1869, Nhật cho khánh thành hệ thống điện tín Tokyo –
Yokohama, Tokyo – Nagasaki (1873), đường điện thoại giữa Tokyo và Yokohama được
sử dụng từ năm 1876.
Hệ
thống đường xe lửa cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Năm 1872, đường xe lửa
Tokyo – Yokohama được khánh thành, khai thông đường xe lửa Osaka – Kobe năm
1874, Kyoto – Osaka năm 1877 và năm 1889, tuyến đường xe lửa nối liền Tokyo –
Kobe hoàn thành. Hệ thống vận chuyển đường biển cũng được chú trọng, các công
ty hàng hải cũng xuất hiện như Mitsubishi, Mitsui, Nihon Yusen Kaisha…cũng lần
lượt được thành lập. Đến năm 1893, Nhật Bản có tổng cộng 2.000 dặm đường xe lửa,
100.000 tấn tàu chạy bằng hơi nước và 4.000 dặm đường điện tín([7]).
Trong
nông nghiệp, tháng 9-1871 chính phủ đã cho phép nông dân được tự do canh tác.
Tháng 2-1872, chính phủ bãi bỏ lệnh cấm mua bán đất đai. Chính quyền mới cũng
tiến hành cải cách địa tô từ năm 1873-1881. Việc bãi bỏ những quy định về quyền
sở hữu cho phép tự do kinh doanh, mua bán đất đai, ban hành chính sách thuế thống
nhất bằng 3% giá đất… có ý nghĩa như một cuộc cách mạng ruộng đất trong lịch sử
Nhật Bản. Như vậy, những cải cách về ruộng đất, đầu tư vào công nghiệp, xây dựng
cơ sở vật chất kĩ thuật, thông tin liên lạc…đã mạng lại sự thay đổi tích cực
cho nền kinh tế Nhật Bản. Từ đó, Nhật Bản từng bước phát triển và trở thành cường
quốc châu Á cuối thế kỉ XIX.
Như
vậy, từ khi tiếp xúc với các nước phương Tây, Nhật Bản đã tiến hành cuộc duy
tân và có nhiều chuyển biến quan trọng về kinh tế, xã hội, quân sự. Nhật Bản từng
bước trở thành một cường quốc Á châu vả thoát khỏi sự xâm lược của đế quốc.
Trong những nội dung cải cách đó, quan trọng nhất là cuộc cải cách về giáo dục.
Vậy quá trình văn minh hóa trong giáo dục ở Nhật Bản như thế nào?
2. Tác động của
quá trình văn minh hóa đến nền giáo dục Nhật Bản
Một
trong những nguyên nhân quan trọng để chuyến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc
hậu trở thành một cường quốc tư bản chủ nghĩa là cải cách về giáo dục. Từ thời
Mạc phủ Tokugawa, bên cạnh nền văn hoá Nho học (Tống Nho) đã xuất hiện một nền
văn hoá mới – văn hoá Chonin([8])
của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội nhưng lại có thế lực về kinh tế.
Họ đã sớm tiếp thu văn minh phương Tây và hình thành nên phong trào Lan học
(Rangaku). Nơi tiếp xúc sớm nhất với
văn minh phương Tây là khu buôn bán của người Hà Lan ở Nagasaki. Người Hà Lan
thường cử những đoàn sứ giả đến Edo để tạo lập quan hệ với Nhật Bản. Nhiều học giả
của Rangaku đã đến đây và học hỏi những kiến thức mới từ Hà Lan.
Rangaku là phong
trào nghiên cứu khoa học và kĩ thuật của phương Tây bằng tiếng Hà Lan. Với sự khuyến khích của chính quyền Tokugawa, phong
trào Rangaku đã nghiên cứu học hàn lâm viện, y học, địa lý, hàng hải… Mặt
khác, từ khi chứng kiến sức mạnh của Mĩ
(1853), chính quyền Bakufu cũng bắt đầu tìm cách đào tạo người thông thạo về
ngôn ngữ Tây phương và khoa học hiện đại. Năm 1857, Bakafu cho thành lập Viện
nghiên cứu sách phương Tây (Bansho shirabesho) ở Edo để chủ yếu giảng dạy tiếng
Hà Lan, nghiên cứu khoa học của Hà Lan. Đến năm 1860, Viện này mở rộng việc giảng
dạy ngôn ngữ các nước phương Tây khác. Đến thời Minh Trị, Viện nghiên cứu sách
phương Tây trở thành Trung tâm nghiên cứu phương Tây của chính phủ. Có thể nhận
thấy, chính quyền Bakufu đã bước đầu nhận thức được vai trò của việc tiếp giáo
dục phương Tây vào Nhật Bản và việc làm này đã tạo tiền đề cho cải cách ở Nhật
Bản sau này thuận lợi hơn.
Chưa
dừng lại ở đó, năm 1860 và 1861, Bakufu còn cử 2 phái đoàn sang Mĩ và châu Âu để
học hỏi từ các nước phương Tây. Qua hai chuyến đi này, các tùy viên của phái
đoàn cũng đã ý thức được vai trò của việc tiếp thu văn minh của các nước Âu-Mĩ.
Đây là tiền đề quan trọng cho cuộc duy tân sau này của Nhật Bản. Nhờ những nỗ lực
của chính quyền Bakufu, hầu hết các quan chức cao cấp hoặc những người Nhật có
học thức cao đều nhận thức được sự lạc hậu của Nhật Bản về một số lĩnh vực như
thiên văn học, y học, địa lý, hàng hải… Do đó, người Nhật bắt đầu chú trọng vào
việc giáo dục khoa học và thực hành trong chương trình giảng dạy của mình.
Những học giả
Rangaku ngày càng trở nên bất mãn với chính sách đóng cửa, lỗi thời của chính
quyền Tokugawa. Trước sự can thiệp và đòi “mở cửa Nhật Bản” của các nước phương
Tây, phong trào Rangaku mở rộng đối tượng nghiên cứu không chỉ nước Hà Lan mà
còn bao gồm các nước châu Âu khác. Từ đó, Rangaku trở thành Yogaku – Dương học
để nghiên cứu về các nước phương Tây([9]).
Những thức giả tiêu biểu cho phong trào này là Hayashi Shihei, Honda Toshiaki,
Sato Nobuhiro…
Hayashi Shihei
viết cuốn Kaikoku Heidan (Hải quốc binh đàm) kêu gọi Nhật Bản, một nước bốn bề
là biển, áp dụng kỹ thuật và khí giới Tây phương để canh phòng tàu bè nước
ngoài.
Honda Toshiaki
chủ trương cần khuếch trương mậu dịch để chấn hưng Nhật Bản. Vì Nhật Bản là “hải
quốc” nên việc mở mang giao thông, mậu dịch đường biển là trách nhiệm của chính
quyền. Chính quyền phải đưa ra những chính sách tích cực để biến Nhật Bản thành
một nước giàu mạnh như các nước Tây phương.
Sato Nobuhiro
xem việc chấn hưng kinh tế là biện pháp duy nhất đưa Nhật Bản trở thành một cường
quốc và “Nhật Bản là trục quay của các nước khác…có địa thế thuận tiện dễ chinh
phục các nước khác mà khó bị các nước khác chinh phục”([10]).
Như vậy, phong
trào Rangaku và sau đó là Yogaku đã mở đầu quá trình tiếp xúc với văn minh
phương Tây ở Nhật Bản. Do đó, những người theo các phong trào này là những người
đi tiên phong, thức tỉnh quần chúng trong nước về những tiến bộ của phương Tây
sau Cách mạng công nghiệp. Hayashi Shihei, Honda Toshiaki, Sato Nobuhiro…là những
người nhận ra được chính sách “bế quan toả cảng” của Mạc Phủ Tokugawa đã lỗi thời.
Họ chủ trương mở cửa để giao dịch với thế giới bên ngoài để cứu nguy cho Nhật Bản.
Các bậc thức giả này cũng yêu cầu
phải “tiếp thu khoa học kĩ thuật của phương Tây để chấn hưng kinh tế, phát triển
quốc phòng và bành trướng thế lực ra bên ngoài”. Rõ ràng, những chính sách này
là nguyên mẫu chính sách phú quốc cường binh của chính quyền Minh Trị sau này.
Do đó, những tư tưởng mới này là nhân tố tích cực cho cuộc Duy tân Minh Trị
thành công.
Mặt khác, một học giả rất nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc Duy tân của
Minh Trị là Fukuzawa Yukichi. Theo ông, "Đường
giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi
vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn
minh này"([11]). Ông đã
đưa ra thuyết “Thoát Á” (quan điểm thoát li khỏi châu Á) và cho rằng “… Nhật Bản bên
cạnh các nước Trung Quốc và Triều Tiên không khác gì trường hợp trong một làng
có một người sống bên cạnh toàn những người ngu đần, vô trật tự, hung bạo và
nhẫn tâm thì dù người đó có là người đúng đắn lương thiện đến đâu đi chăng nữa
cũng bị nhiều người khác cho rằng là “cá mè một lứa”. Do đó, Nhật Bản phải tiếp
thu văn minh phương Tây và “tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các
nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây”([12]). Có như thế, Nhật Bản mới thoát khỏi số phận của các
dân tộc châu Á bị lệ thuộc, thống trị bởi thế lực đế quốc.
Như vậy, từ cuối thời Tokugawa, Nhật Bản đã bắt đầu diễn ra quá
trình tiếp thu văn minh Tây phương và đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Nhật Bản
đã dần thoát khỏi cái khuôn khổ của nền giáo dục Nho học Đông phương và chú trọng
đến khoa học kĩ thuật Tây phương. Đây là tiền đề quan trọng cho cuộc duy tân
năm 1868.
Sau
cuộc đảo Mạc thành công, chính quyền trở về tay Thiên hoàng Minh Trị (Meiji).
Năm 1868, Minh Trị tiến hành cuộc duy tân (Meiji Ishin). Nội dung quan trọng nhất
trong cuộc duy tân này là lĩnh vực giáo dục.
Năm
1871, chính quyền thành lập Bộ giáo dục và ban hành một chế độ giáo dục thống
nhất trong cả nước (1872). Hệ thống giáo dục tiểu học được hoàn thiện và trẻ em
cả nam lẫn nữ từ 6 đến 12 tuổi đều được đi học tại các trường tiểu học ở các địa
phương. Ngoài ra, chính phủ còn tham khảo thêm chế độ giáo dục của Pháp và chia
cả nước thành 8 khu đại học, mỗi khu đại học chia làm 32 khu trung học, mỗi khu
trung học chia làm 10 khu tiểu học. Bên cạnh đó, chính phủ còn ban hành Lệnh cưỡng
bức giáo dục, buộc trẻ em (không kể nam hay nữ) đều phải học ít nhất là 3 năm.
Năm 1875, Nhật Bản có 54% phái nam và 19% phái nữ học xong tiểu học 6 năm([13]).
Thành tựu này ở châu Á thời đó chưa hề có, nó sánh vai với những phát triển ở
những nước tiên tiến nhất của châu Âu([14]).
Chính
phủ cũng chú trọng việc mời các giáo sư người Anh, Pháp, Đức, Mĩ về Nhật Bản để
giảng dạy. Từ năm 1868 – 1911, Nhật đã mời khoảng 170 người ngoại quốc sang làm
việc trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều học giả nước ngoài đã có công lớn đến thành
tựu văn minh hóa ở Nhật Bản như Ludwig Reiss (người Đức) giúp thiết lập Trung
tâm nghiên cứu lịch sử ở đại học Đông Kinh; H. Roessler và A. Mosse đã giúp soạn
thảo Hiến pháp Minh Trị; Erasmus Smith dạy về kĩ thuật ngoại giao hiện đại…
Đặc biệt, chính phủ rất chú trọng đến việc đổi
mới phương pháp và nội dung của giáo dục. Phương pháp giáo dục được chú trọng
nhiều nhất là sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học như tranh ảnh, bản đồ,
hình mẫu cụ thể… Lối học “tầm chương trích cú” bị phê phán mà nhấn mạnh việc thực
học gắn với đời sống, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh.
Về
nội dung, việc học tập hướng vào nâng cao lòng yêu nước, lòng trung thành với
Thiên hoàng, cống hiến hết mình cho đất nước. Với khẩu hiệu “khoa học phương
Tây và đạo đức phương Đông”([15]),
giáo dục Nhật chú trọng giảng dạy khoa học kĩ thuật ứng dụng, kỹ thuật thương mại,
ngân hàng…Ngoại ngữ được chú trọng – đặc biệt là Tiếng Anh. Năm 1874, Nhật Bản
có 91 trường dạy tiếng nước ngoài và có 13.000 sinh viên học tập([16].
Như vậy, Nhật Bản là một trong những nước sớm nhất ở châu Á đã tiếp thu và vận
dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây vào giáo dục.
Nhật
Bản cũng đưa các học thuyết triết học phương Tây vào các trường học và phổ biến
cho giới lãnh đạo quốc gia. Nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tinh thần pháp luật của
Montesquieu, Khế ước xã hội của J.J. Rousseau…đã được dịch sang tiếng Nhật. Sau
20 năm Minh Trị duy tân đã có 633 đầu sách của phương Tây đã được dịch ra tiếng
Nhật. Đây là một thành tựu quan trọng để người Nhật tiếp xúc được với những tư
tưởng tiến bộ bên ngoài và góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Song
song với việc mời giáo sư nước ngoài về trong nước để dạy học, chính phủ còn
đây mạnh việc đưa học sinh sang phương Tây du học. Từ năm 1862, chính phủ Nhật
đã cử những thanh niên ưu tú sang các nước Âu-Mĩ để học tập. Hai nước có nhiều
du học sinh Nhật nhất là Mĩ và Anh. Năm 1873, Nhật Bản có 373 sinh viên du học ở
các nước phương Tây. Nhật Bản gởi sinh viên sang Anh để học về hải quân, hàng hải,
sang Đức để học bộ binh, y khoa và sang Mĩ để học kinh doanh, sang Pháp học về
luật… Sau khi tốt nghiệp, họ trở về phục vụ đất nước, hình thành đội ngũ trí thức
hiện đại và giữ những chức vụ cao trong chính quyền. Họ là những nhấn tố tích cực
để đưa Nhật phát triển nhanh theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Như
vậy, trong lúc các quốc gia phong kiến Đông phương khác như Trung Quốc, Việt
Nam vẫn còn đang mãi mê chìm đắm trong đêm trường trung cổ với nền giáo dục “tầm
chương trích cú”, đề cao văn chương, lễ nghi Nho giáo để cuối cùng trở thành
thuộc địa hoặc phụ thuộc vào đế quốc thì Nhật Bản đã chuyển mình vươn lên thành
cường quốc số một châu Á. Thành tựu này là kết quả quan trọng quá trình văn
minh hóa ở Nhật Bản thế kỉ XIX. Đặc biệt, nền giáo dục Nhật Bản từng bước thoát
khỏi khuôn khổ Nho giáo Đông phương và xây dựng, cải tiến theo mô hình của các
nước tiến bộ như Mĩ, Anh, Pháp, Đức…Sự thay đổi này đã tác động tích cực đến sự
chuyển biến của Nhật Bản vào nữa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Do đó, có thể
nói “quá trình văn minh hóa giáo dục thế kỉ XIX là một trong những nhân tố quan
trọng để Nhật Bản phát triển đất nước, trở thành cường quốc Á châu, thoát khỏi
sự xâm lược của đế quốc”. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các nước nói
chung, Việt Nam nói riêng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
3. Bài học
kinh nghiệm cho Việt Nam
Nhìn
lại quá trình văn minh hóa giáo dục và những thành công của Nhật Bản trong quá
trình cận đại hóa, chúng tôi rút ra được những bài học cần thiết phục vụ cho
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam hiện nay.
Thứ
nhất: nhà nước phải quan tâm, đầu tư cho giáo dục. Chính phủ Việt Nam luôn cho
rằng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng thật sự thì sự đầu tư cho giáo dục
còn rất nhiều vấn đề bất cập như lạc hậu trong chương trình giảng dạy. Hầu hết
các giáo trình áp dụng tại các trường đại học (đặc biệt là các ngành khoa học
kĩ thuật) đề đã lạc hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, việc mời
chuyên gia, giáo sư nước ngoài về giảng dạy cho sinh viên, tạo điều kiện cho
sinh viên tiếp xúc được với những tiến bộ bên ngoài là cần thiết.
Thứ
hai, chính phủ phải xây dựng một “triết lý giáo dục” phù hợp với những yêu cầu
của xã hội. Hiện nay, nền giáo dục Việt Nam đang tỏ ra rất lạc hậu về nội dung
lẫn phương pháp giảng dạy. Thời gian qua, những bất cập trong giáo dục đã tạo
ra tầng lớp trí thức thụ động, thiếu sự sáng tạo (nếu không nói là không dám
sáng tạo) trong học tập. Nội dung giảng dạy còn nặng về lý thuyết, thiếu tính
thực tiễn và không còn phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục,
đào tạo của Việt Nam cũng chú trọng đào tạo ra người có đức nhiều hơn là người
có tài. Người học được giới hạn trong mộ khuôn mẫu, quy trình cụ thể nên không
thể có sự năng động, tích cực trong tư duy lẫn hành động. Vì vậy, sự thay đổi về
nội dung và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết.
Thứ
ba, quá trình đưa học sinh đi du học cũng còn rất nhiều vấn đề bất cập như:
chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể; phong trào du học còn mang tính tự phát,
chủ yếu là do các con em gia đình giàu có đi học mà thôi. Chúng tôi đang trực
tiếp giảng dạy trong trường Quốc tế và nhận thấy một thực trạng là phần lớn du
học sinh của Việt Nam đều đang ở tuổi trung học phổ thông, nền tảng kiến thức
còn hạn chế nhưng gia đình có tiền nhiều nên cho con đi du học tự túc. Thậm chí
không ít trường hợp, học sinh không thi đậu được đại học trong nước và một giải
pháp khác là cho con đi du học. Bên cạnh đó, số lượng du học sinh đi học do
quan hệ, con em cháu cha…chiếm tỉ lệ rất lớn trong lượng du học sinh ở các nước.
Họ với trình độ thấp, năng lực kém và “đi du lịch” đúng hơn là “đi du học”. Do
đó, chất lượng du học sinh còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước.
Vì vậy, chúng ta cần phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể trong việc đưa học
sinh sang các nước du học. Đồng thời, phải mở rộng phạm vi các nước đến du học.
Đặc biệt, những đối tượng được chọn đi du học phải là những người có năng lực
thực sự, có trình độ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của công việc học tập,
nghiên cứu và có ý thức dân tộc, ý thức về quyền và nghĩa vụ của một công dân đối
với đất nước. Có như thế mới hi vọng lực lượng du học sinh có nhiều đóng góp với
sự phát triển của đất nước.
Thứ
tư, chính phủ phải có chính sách trọng dụng nhân tài – đặc biệt là đối với những
du học sinh trở về nước. Đây thực sự là một vấn đề bỏ ngõ từ lâu ở Việt Nam,
nhiều du học sinh đã lấy bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ về nước nhưng không có vị trí
làm việc và mức lương tương xứng. Rất nhiều người đã bỏ cơ quan nhà nước để đi
làm cho các công ty 100% vốn nước ngoài. Thực trạng “chảy máu chất xám” trầm trọng
đang diễn ra trong tất cả các ngành – nhiều nhất là giáo dục. Thử hỏi, một Tiến
sĩ Pháp về công tác tại trường đại học với mức lương 3 – 4 triệu đồng/ tháng
thì họ sống bằng cái gì? Mức lương của ngành giáo dục hiện tại cũng là một vấn
nạn. Một cử nhân ra trường, mức lương là 2.34 x 1.050.000đ = 2.457.000đ/tháng.
Với mức lương này thì làm sao ngành giáo dục có thể thu hút được người học, người
tài? Làm sao đủ để có “chén cơm đầy đặn” cho gia đình và có thời gian để học tập,
nghiên cứu?
Nhìn
lại Nhật Bản, từ thời Minh Trị đã chú trọng đến tất cả những điều chúng tôi đã
trình bày mà chạnh lòng cho nền giáo dục nước nhà. Nói nền giáo dục Việt Nam còn
lạc hậu hơn Nhật Bản gần 150 năm cũng không quá đáng. Thiết nghĩ trong bối cảnh
hội nhập hiện nay, chúng ta có điều kiện tiếp xúc với các mô hình giáo dục tiên
tiến thế giới (trong đó có Nhật Bản), chúng ta cần phải biết học hỏi, tiếp thu
những ưu điểm của họ để cải cách nền giáo dục quốc dân. Có như vậy, Việt Nam mới
có thể thu ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới.
Kết luận
Cách
nay gần 150 năm, Thiên hoàng Minh Trị đã tiến hành cuộc duy tân đất nước. Trong
đó, sự cải cách trong giáo dục là nhân tố quan trọng để đưa Nhật Bản thoát khỏi
thân phận thuộc địa và trở thành cường quốc châu Á. Với khẩu hiệu “học hỏi
phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt qua phương Tây”, người Nhật đã tiếp thu
giáo dục phương Tây để đem về phát triển đất nước. Sự thành công của nền giáo dục
Nhật Bản không thể thiếu vai trò lãnh đạo đất nước hiệu quả của chính phủ.
Hiện
nay, Việt Nam đang trên đường phát triển và hội nhập với nền giáo dục thế giới.
Thiết nghĩ, việc nghiên cứu những chính sách về giáo dục của Nhật Bản thời cận
đại để áp dụng vào việc đào tạo nguồn nhân lực là một việc làm cấp thiết. Những
bài học về cải cách giáo dục của chính phủ Minh Trị vẫn là những kinh nghiệm
quý báu đối với Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đại học Quốc gia
Hà Nội, Nhật Bản, NXB Văn hóa Thông
tin.
2.
Fukugawa Yukichi
(15/01/2010), Thoát Á luận, Hải Âu, Kuriki Seiichi dịch, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-14-thoat-a-luan
3.
Phạm Thị Thu
Giang (2012), “Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và sự nghiệp khai hóa văn minh Nhật
Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”, Tạp
chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2(132) 2-2012.
4.
Phan Ngọc Liên
(cb, 2005), Lịch sử thế giới cận đại,
NXB ĐHSP, Hà Nội.
5. Nguyễn
Tiến Lực (2010), Minh Trị Duy tân và Việt
Nam, NXB Giáo dục Việt Nam.
6.
R.H.P Mason
& J.G.Caiger (2008), Lịch sử Nhật Bản,
Nguyễn Văn Sĩ dịch, NXB Lao Động.
7.
Vĩnh Sính
(1991), Nhật Bản cận đại, NXB TP.HCM.
[2] Phạm Thị
Thu Giang (2012), “Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và sự nghiệp khai hóa văn minh
Nhật Bản cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”, Tạp
chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2(132) 2-2012, tr 31.
[11] Fukugawa Yukichi (15/01/2010), Thoát Á luận, Hải Âu và Kuriki Seiichi dịch, nguồn http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-14-thoat-a-luan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét