Tình hình nước Mỹ sau Thế chiến II
Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, người Mỹ vẫn kiên trì chính
sách “biệt lập” (Isolationism) trong đường lối đối ngoại. Mỹ không quan tâm đến
những thay đổi của thế giới ngoài châu Mỹ khi cho rằng “các vấn đề châu Âu chia
rẽ không ảnh hưởng gì đến nước Mỹ” . Thế nhưng, trong cuộc Chiến tranh thế giới
thứ nhất (1914 - 1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Mỹ đều
không thể đứng ngoài những biến động của thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ
nhất, Tổng thống Wilson đã nhận thấy việc cần thiết phải tăng cường vai trò và
sự ảnh hưởng của Mỹ ra thế giới bên ngoài. Do đó, Tổng thống Wilson đã đề ra
Chương trình 14 điểm với những nội dung quan trọng như việc chấm dứt các thỏa
thuận quốc tế bí mật, tự do thương mại giữa các quốc gia, cắt giảm quân bị, quyền
tự trị cho những quốc gia châu Âu bị nô dịch và thành lập Hội quốc liên nhằm bảo
đảm độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không phân biệt nước lớn hay nước
nhỏ... Mục đích Chương trình 14 điểm của Tổng thống Wilson là nhằm bảo đảm sự
hòa bình, hợp tác giữa các nước trên thế giới. Qua đó, vị trí và vai trò của Mỹ
ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Chương trình 14 điểm của Tổng thống Wilson đã
không được chấp nhận vì các nước thắng trận đòi phải trừng phạt nghiêm khắc các
nước bại trận. Mặc dù vậy, ý tưởng thành lập một tổ chức quốc tế của Tổng thống
Wilson vẫn được hiện thực hóa bằng việc thành lập Hội quốc liên. Đây có thể xem
là một thành công trong đường lối đối ngoại của Tổng thống Wilson. Thế nhưng,
Quốc hội Mỹ đã bác bỏ quan điểm trên của Tổng thống Wilson. Nước Mỹ lại quay về
với chủ nghĩa biệt lập truyền thống. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, những
người theo chủ nghĩa biệt lập vẫn chủ trương không tham gia vào các cuộc xung đột
ở châu Âu và châu Á, không can dự vào tình hình chính trị quốc tế . Nhưng thực
tế, Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai đều ảnh hưởng và lôi kéo Mỹ vào cuộc
chiến. Do đó, từ những năm 40 của thế kỷ XX, giới cầm quyền Mỹ dần chuyển sang
một Học thuyết ngoại giao mới - chủ nghĩa toàn cầu (Globalism).
Tổng thống F.D. Roosevelt được xem là người có nhiều đóng
góp quan trọng trong quá trình chuyển sang chủ nghĩa toàn cầu của Mỹ. Từ năm
1928, F. Roosevelt đã nhận thấy được sự yếu thế trong chủ nghĩa biệt lập và cho
rằng “trong tương lai, tình trạng cô lập của các quốc gia cũng khó như tình trạng
cô lập của New England hay miền Nam [nước Mỹ] - hiện nay” . Vì vậy, trước khi
trở thành tổng thống có nhiều nhiệm kỳ nhất nước Mỹ, F. Roosevelt đã ý thức phải
thay đổi dần chính sách đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh mới. Năm 1933, ngay khi
đắc cử, Tổng thống F. Roosevelt đã nhận thấy xu hướng cần thiết trong tương lai
của Mỹ là phải tham gia tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, quan
điểm này đã bị xem là quan điểm của cá nhân Tổng thống F. Roosevelt và nó bị hạn
chế bởi sức mạnh của tư tưởng “chủ nghĩa biệt lập” trong Quốc hội. Do đó, quan
điểm này của Tổng thống F. Roosevelt chưa được vận dụng vào thực tế trong chính
sách đối ngoại của Mỹ.
Năm 1936, trong diễn văn đọc tại New York, Tổng thống F. Roosevelt
cho rằng, “chúng ta không phải là những người theo xu hướng biệt lập, trừ trường
hợp chúng ta tự cách ly khỏi chiến tranh” . Tuy nhiên, quan điểm này vẫn chưa
nhận được sự ủng hộ của Quốc hội và nhân dân Mỹ. Thậm chí, năm 1939, khi Chiến
tranh thế giới thứ hai bùng nổ và lan rộng khắp châu Âu thì người Mỹ vẫn cho rằng
“họ không có bổn phận phải hy sinh xương máu và sinh kế cho hòa bình của nước
khác” . Do đó, Tổng thống F. Roosevelt chưa có điều kiện cần thiết để thay đổi
chính sách đối ngoại của Mỹ. Vấn đề quan trọng là phải có một “cái cớ” cần thiết
để Tổng thống F. Roosevelt có thể phá bỏ thế biệt lập.
Ngày 07-12-1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Mỹ tại Trân Châu
Cảng. Sự kiện này đã làm thay đổi căn bản chiến lược đối ngoại của Mỹ. Trước
đó, Tổng thống F. Roosevelt chưa biết làm cách nào để thuyết phục Quốc hội và
nhân dân ủng hộ việc phá bỏ chính sách biệt lập và tham chiến Philíppin bị Nhật
Bản tấn công. Thế nhưng, sự kiện Trân Châu Cảng đã trở thành một “cơ may” cho Tổng
thống F. Roosevelt và nội các của mình. Ngày 08-12-1941, Tổng thống đã “yêu cầu
Quốc hội tuyên bố rằng do cuộc tiến công không bị khiêu khích và hèn nhát của
Nhật Bản ngày Chủ nhật 07-12-1941, tình trạng chiến tranh đã xuất hiện giữa Hợp
chúng quốc và Đế quốc Nhật Bản” . Tuyên bố này được Quốc hội thông qua nhanh
chóng với số phiếu tuyệt đối ở Thượng viện và chỉ một phiếu chống ở Hạ viện.
Như vậy, lời tuyên chiến của Mỹ đối với Nhật Bản ngày 08-12-1941 đã đánh dấu
quá trình Mỹ bắt đầu chuyển sang chủ nghĩa toàn cầu trong bối cảnh đầy biến động.
Mặt khác, năm 1942, Nicholas J. Spykman cũng cho rằng “Chủ
nghĩa biệt lập dựa trên đại dương bao quanh để bảo vệ nước Mỹ sẽ thất bại” .
Hai năm sau, trong sách The Geography of the Peace (xuất bản năm 1944), N.J.
Spykman cho rằng “một trong những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại
của Mỹ là phải làm sao ngăn cản không cho khối Âu - Á có thể thống nhất dưới một
cường quốc” vì “Đông bán cầu [gồm châu Âu, châu Á và châu Phi] rộng gấp 2,5 lần
diện tích Tây bán cầu [châu Mỹ] mà dân số lại gấp 10 lần... nên nếu có chiến
tranh thế giới kéo dài thì Tây bán cầu khó lòng mà chống nổi” . Do đó, Mỹ không
thể để cho châu Âu và châu Á có thể thống nhất dưới sự lãnh đạo của bất kỳ một
quốc gia nào, vì nước nào “thống trị được hai châu Âu - Á thì kiểm soát được vận
mạng cả thế giới” . Quan điểm này đã có tác động mạnh mẽ đến việc hoạch định
chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Mỹ.
Thế nhưng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô cũng trở
thành cường quốc hùng mạnh nhất châu Âu, là trung tâm của phong trào cộng sản
quốc tế. Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ),
là một trong những quốc gia đi đầu trong công nghiệp vũ trụ, công nghiệp điện hạt
nhân, v.v.. Tầm ảnh hưởng của Liên Xô ngày càng lan rộng, tiếp đó là sự ra đời
của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sự phát triển của phong trào giải
phóng dân tộc đã thực sự trở thành thách thức đối với Mỹ. Đầu năm 1946, tình
hình châu Âu và Trung Đông có nhiều sự kiện chính tác động đến chính sách đối
ngoại của Tổng thống H. Truman là:
- Sự suy yếu của chính phủ các nước Pháp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ
sau khi chiến tranh kết thúc... Trong khi đó, Đảng Cộng sản ở các nước này đang
tăng cường hoạt động và ảnh hưởng của Liên Xô đang ngày càng rõ nét ở Đông Âu;
- Mỹ đã thất bại trong việc yêu cầu Liên Xô rút quân khỏi miền
Bắc Iran vào đầu năm 1946. Ngược lại, Anh, Pháp cũng đang mất dần vị thế tại
Trung Đông;
- Liên Xô gây sức ép lên Chính phủ Iran, buộc họ nhượng quyền
khai thác dầu khí và thành lập một tỉnh tự trị Azerbaijan ở miền Bắc Iran;
- Liên Xô nỗ lực để buộc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trao cho họ cơ
sở và quyền vận chuyển thông qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ;
- Liên Xô đã “từ chối kế hoạch Baruch về kiểm soát quốc tế với
năng lượng hạt nhân và vũ khí trong tháng 6-1946” .
Rõ ràng, sự trỗi dậy của Liên Xô ở Đông Âu và khả năng Liên Xô lãnh đạo thế giới hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là điều mà giới cầm quyền Mỹ không hề mong đợi. Do đó, Mỹ phải thay đổi cách đánh giá tình hình, đưa ra chiến lược mới nhằm ngăn chặn Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Tháng 12-1946, G. Kennan đã gửi cho Tổng thống H. Truman một bản báo cáo dài 8.000 chữ và cho rằng “chính sách của Mỹ là phải lâu dài, ngăn chặn và cảnh giác trước xu hướng mở rộng của Nga” . Nếu Mỹ làm được điều này thì nguy cơ chủ nghĩa cộng sản lớn mạnh sẽ không còn nữa vì Liên Xô là đầu tàu của con tàu cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới. Báo cáo của Kennan đã đặt nền tảng cho một chính sách đối ngoại lâu dài của Chính phủ Mỹ là Chính sách ngăn chặn (The Containment Policy) chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới. Chính quyền Truman phải có một chính sách đối ngoại mới để phù hợp với tình hình thế giới và khẳng định được vai trò của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước tư bản đều bị chiến
tranh tàn phá nặng nề, trở thành con nợ của Mỹ. Ngược lại, Mỹ bước ra khỏi cuộc
chiến tranh với sức mạnh tăng lên vượt bậc. Về tiềm lực quốc gia, năm 1945, dự
trữ vàng của Mỹ là 20 tỉ USD, chiếm gần 2/3 tổng dự trữ vàng thế giới. Xuất khẩu
của Mỹ chiếm 1/3 tổng xuất khẩu thế giới. Sản lượng công nghiệp của Mỹ chiếm
62% của thế giới, tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ chiếm hơn 50% của thế giới... .
Về quân sự, lực lượng vũ trang Mỹ năm 1939 chỉ có 335.000 quân, ngân sách quân
sự chỉ có 0,5 tỉ USD; đến năm 1945 trước khi chiến tranh kết thúc, tổng số quân
Mỹ lên đến 14 triệu người và ngân sách quân sự tăng lên 90 tỉ USD2, là quốc gia
có tiềm lực quân sự và ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới lúc đó.
Mỹ trở thành trung
tâm kinh tế, tài chính số một thế giới, là chủ nợ lớn nhất thế giới, có quân đội
đứng hàng đầu thế giới và trang thiết bị vũ khí hiện đại. Năm 1946, quân đội Mỹ
đóng tại 56 quốc gia, rải khắp các châu lục. Đến năm 1947, Mỹ đã lần lượt xây dựng
484 căn cứ quân sự ở nước ngoài, độc quyền về vũ khí nguyên tử . Vũ khí nguyên
tử là “công cụ” nặng ký nhất trong cuộc chạy đua vươn lên bá chủ thế giới của Mỹ.
Cựu Tổng thống Herbert Hoover cũng khẳng định rằng: “Hiện nay, chúng ta, và chỉ
có chúng ta, nắm được bom nguyên tử, chúng ta có thể áp đặt chính sách của
chúng ta trên toàn thế giới” . Về phương diện chính trị, phạm vi ảnh hưởng của
Mỹ được mở rộng hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Mỹ đã có đủ những cơ sở quan
trọng để hoạch định chiến lược mới với mục tiêu làm bá chủ thế giới.
Ngày 12-3-1947, Tổng thống Truman đã công bố “Chủ thuyết
Truman” (The Truman Doctrine) và cho rằng Mỹ “sẽ buộc Liên Xô phải lùi bước, sẽ
làm tan rã Nhà nước Liên Xô và xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản bất cứ ở nơi đâu trên
thế giới” và “phải ủng hộ những “dân tộc tự do” chống lại các mưu toan nô dịch,
bất kể chúng xuất phát từ những thiểu số có vũ trang hay từ sức ép bên ngoài” .
Đồng thời, Tổng thống Truman cũng khẳng định “sứ mệnh [của Mỹ] lãnh đạo thế giới
tự do, chống lại sự tăng cường ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và đồng thời
yêu cầu Quốc hội thông qua việc cấp 400 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp
và Thổ Nhĩ Kỳ” . Chủ thuyết Truman đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền
tảng chính sách đối ngoại của Mỹ. Từ thời điểm này, giới cầm quyền Mỹ, dù đảng
Dân chủ hay đảng Cộng hòa cầm quyền cũng sẽ dùng Chiến lược toàn cầu (Global
Strategy) làm cơ sở cho nền ngoại giao và “nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận tổn phí để
thực hiện sứ mệnh cao cả là tự do và dân chủ, nhằm biện minh cho sự cần thiết bảo
vệ những tư tưởng của Mỹ, quyền lợi quốc gia của Mỹ và nhân dân Mỹ”3. Có thể
nói, Chiến lược toàn cầu thực chất là chiến lược đối ngoại để bảo vệ lợi ích của
Mỹ trên toàn thế giới.
Chiến lược toàn cầu là chiến lược của đế quốc Mỹ nhằm thực
hiện những tham vọng, âm mưu thống trị toàn thế giới sau Chiến tranh thế giới
thứ hai. Ba mục tiêu cơ bản của nó là: 1) ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt
hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; 2) đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và
phong trào công nhân; 3) bắt các nước tư bản, đế quốc khác phụ thuộc vào sự chỉ
huy của đế quốc Mỹ . Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Mỹ là lãnh đạo “thế giới
tự do” chống lại sự mở rộng, ảnh hưởng của Liên Xô trên phạm vi thế giới. Đồng
thời, Mỹ chi phối, khống chế các nước đồng minh theo quỹ đạo của Mỹ, phục vụ
cho mưu đồ bá chủ toàn cầu, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Từ năm 1947, Mỹ bắt đầu triển khai Chiến lược toàn cầu để
ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản khi tuyên bố “bất kỳ ai, dù trực tiếp hay gián tiếp
xâm lược, đe dọa hòa bình đều liên quan đến nền an ninh của Mỹ” . Phương tiện
chủ yếu để Mỹ thực hiện Chiến lược toàn cầu là sức mạnh quân sự với vũ khí
nguyên tử, máy bay chiến lược B.52 và hệ thống căn cứ quân sự khổng lồ khắp thế
giới để khống chế, chi phối các nước đồng minh. Từ thời điểm này, nhiệm vụ trọng
tâm của Chính phủ Mỹ là lãnh đạo “thế giới tự do” chống lại sự mở rộng, ảnh hưởng
của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Đồng thời, Mỹ chi phối,
khống chế các nước đồng minh theo quỹ đạo của Mỹ, phục vụ cho mưu đồ bá chủ
toàn cầu, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Các Tổng thống Mỹ
dù có thực hiện các sách lược khác nhau nhưng luôn thống nhất với nhau về mục
tiêu chiến lược đó.
Toàn cầu nhưng “châu Âu trước hết”
Từ những năm 1947 - 1949, giới cầm quyền Mỹ tập trung triển khai chiến lược toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu. Với khẩu hiệu “châu Âu trước hết” (Europe First), Tổng thống Truman tập trung triển khai chiến lược toàn cầu ở châu Âu vì khu vực này đang bị đe dọa trực tiếp bởi sự mở rộng của Kremlin ở Đông Âu. Tổng thống Truman “đã cho Quốc hội Mỹ thấy rằng việc đối đầu với Liên Xô là điều không thể tránh khỏi” và coi châu Âu là trọng tâm chiến lược toàn cầu. Chiến lược của Mỹ là phải bao vây, ngăn chặn Liên Xô và chủ nghĩa xã hội, chống những phong trào giải phóng dân tộc đang lên ở các nước.
Tháng 6-1947, tại Đại học Harvard, Bộ trưởng Ngoại giao
George Marshall đã công bố “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (thường gọi là Kế hoạch
Marshall - The Marshall Plan) và cho rằng “chiến tranh đã để lại sự tàn phá đến
mức mà những nhu cầu của châu Âu lớn hơn khả năng thanh toán của nó. Cần phải
tính đến một sự viện trợ thêm, một sự viện trợ không hoàn lại, nếu không, nguy
cơ tan vỡ về kinh tế, xã hội và chính trị là rất quan trọng” . Do đó, ngày
03-4-1948, Quốc hội Mỹ thông qua Kế hoạch Marshall và phê duyệt kinh phí hơn 12
tỉ USD cho Tây Âu trong vòng 4 năm (90%
là cho không và 10% là cho vay) nhằm giúp đỡ các quốc gia này khôi phục lại đất
nước sau chiến tranh và cùng Mỹ hình thành một liên minh chống cộng sản ở châu
Âu. Trong đó, Tây Đức, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là những khu vực then chốt trong
chính sách ngăn chặn của Mỹ.
Ở trung tâm lục địa châu Âu, Mỹ quyết tâm giữ cho được Tây
Berlin và cả vùng Tây Đức trước ảnh hưởng của những người cộng sản ở Đông
Berlin. Đảng Cộng sản Đức đang lớn mạnh và tăng cường ảnh hưởng ở Đông Đức. Đại
tướng Lucius D. Clay - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Tây Berlin cho rằng: “chúng ta (Mỹ)
đã mất Tiệp Khắc, Na Uy bị đe dọa. Khi Berlin mất, tiếp theo sẽ đến lượt nước Đức.
Nếu chúng ta rút lui, vị trí của chúng ta ở châu Âu sẽ bị đe dọa và chủ nghĩa cộng
sản sẽ lan tràn nhanh chóng, tương lai của dân chủ buộc chúng ta phải ở lại
đây” . Đồng quan điểm này, Ngoại trưởng Byrnes cũng cho rằng: “Quân đội Mỹ sẽ
chiếm đóng Đức cho đến khi nào không cần chiếm đóng nữa” . Rõ ràng, Berlin giữ
vị trí địa chính trị quan trọng trong chính sách ngăn chặn cộng sản của Mỹ ở
trung tâm lục địa châu Âu. Do đó, Mỹ phải bằng mọi giá giữ cho được Tây Đức
không rơi vào vòng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Hy Lạp là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng vì “bất kỳ
một cường quốc nào ở lục địa Âu châu cũng có thể đe dọa các đường giao thông ở
biển Địa Trung Hải từ những căn cứ ở Hy Lạp” . Hy Lạp gần như “án ngữ” con đường
giao thương xuyên Địa Trung Hải qua kênh đào Suez đến Ấn Độ Dương. Mọi sự di
chuyển qua đây đều có thể bị kiểm soát bởi bất kỳ một cường quốc nào chiếm giữ
Hy Lạp. Trước chiến tranh, Anh từng là đồng minh, cũng là chỗ dựa của Hy Lạp.
Sau chiến tranh, lực lượng cách mạng của quần chúng do Đảng Cộng sản lãnh đạo
đang phát triển mạnh. Ngược lại, Anh tuyên bố “đến ngày 31-3-1947 sẽ không còn
cung cấp cho quân đội và viện trợ kinh tế cho Chính phủ Hy Lạp trong cuộc nội
chiến chống lại Đảng Cộng sản Hy Lạp” . Trong khi đó, Mỹ tin rằng Liên Xô đã hậu
thuẫn cho các nỗ lực chiến tranh của cộng sản Hy Lạp và “nếu cộng sản chiếm ưu
thế trong cuộc nội chiến Hy Lạp, cuối cùng, Liên Xô sẽ ảnh hưởng đến chính sách
của Hy Lạp” và “một chiến thắng của cộng sản trong cuộc nội chiến ở Hy Lạp sẽ
gây nguy hiểm cho sự ổn định chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và làm suy yếu sự ổn định
chính trị ở Trung Đông”3. Rõ ràng, Mỹ rất lo ngại nếu một khi Chính phủ Hy Lạp
không thể đàn áp được các phong trào cách mạng trong nước. Nếu điều này xảy ra,
toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và vùng Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng. Mỹ quyết
không để chuyện này xảy ra. Do đó, Tổng thống Truman yêu cầu Quốc hội tăng cường
viện trợ cho Hy Lạp để thành lập được chính phủ thân Mỹ, loại bỏ dần ảnh hưởng
của Anh và Liên Xô ở đây.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cho rằng đây là khu vực dễ bị ảnh hưởng
từ Liên Xô. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng
vì “là tâm điểm của các mối tương tranh giữa các đại cường quốc ở Đông Địa
Trung Hải. Eo biển Dardanelles và Bosphores là con đường thủy duy nhất nối liền
Biển Đen với Địa Trung Hải. Quốc gia nào kiểm soát eo biển này có thể hạn chế sự
di chuyển của tàu bè ngang qua đó... Ngoài ra, quyền kiểm soát hải cảng
Constantinople và biển Marmora tạo khả năng một cuộc tấn công hải quân lên phía
Bắc vào Biển Đen hoặc xuống phía Nam vào Địa Trung Hải” . Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ
có một vị trí địa chính trị - quân sự quan trọng bậc nhất ở vùng Địa Trung Hải.
Trong khi Liên Xô tăng cường ảnh hưởng ở đây thì Anh không đủ sức để tiếp tục
viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Mỹ phải viện trợ về kinh tế, quân sự... để xây
dựng Thổ Nhĩ Kỳ thành một tiền đồn phòng thủ đối phó với “sự thử thách của cộng
sản” ở Tây Nam châu Âu và sự xâm nhập của Liên Xô vào Trung Đông.
Ngoài ra, năm 1949, Mỹ và các nước Tây Âu thành lập Khối quân
sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thực hiện thế bao vây, cô lập và tấn công Liên
Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ý đồ của Mỹ và các nước tư bản châu Âu đã bị
Liên Xô vạch trần. Trong Bị vong lục gửi các thành viên của NATO ngày 31-3 và
ngày 04-4-1949, Chính phủ Liên Xô đã chỉ rõ “Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hoàn
toàn không có gì liên quan đến mục đích tự vệ của các nước thành viên, những nước
không bị ai đe dọa và không ai có ý định tấn công. Trái lại, Hiệp ước này mang
tính chất xâm lược rất rõ ràng và nhằm chống lại Liên Xô” . Liên Xô đã thấy rõ
sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chỉ là “công cụ” để Mỹ mở rộng
phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới. NATO ra đời là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến
tranh mới chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Nó đi ngược lại Hiến
chương Liên hợp quốc.
Như vậy, từ những năm 1945 - 1949, chính quyền Truman chủ yếu
thực hiện khẩu hiệu “châu Âu trước hết”, tập trung chiến lược toàn cầu vào khu
vực châu Âu với ba vị trí địa chính trị quan trọng là Tây Đức, Hy Lạp và Thổ
Nhĩ Kỳ. Đây là những “tiền đồn” quan trọng để Mỹ tiến hành bao vây, ngăn chặn sự
bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Đó cũng là nơi thí điểm chính
sách ngăn chặn cộng sản (The Containment Policy) của Mỹ. Đồng thời, với kế hoạch
Marshall, Washington tăng cường sự giúp đỡ cho các nước Tây Âu khác như Anh,
Pháp... để có thể lôi kéo họ đứng cùng “chiến tuyến” với Mỹ. Sự hiện diện của
NATO là một biểu hiện cụ thể nhất để bao vây, chuẩn bị tấn công Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét