21/4/20

"Lá thư từ Việt Nam" trên trang The Washington Spectator.

Andrew Lam hay Andrew Lâm Quang Dũng vừa có bài viết "Lá thư từ Việt Nam" trên trang The Washington Spectator, mô tả về công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Andrew Lâm Quang Dũng (sinh năm 1964) là một nhà văn và ký giả người Mỹ gốc Việt. Ông là con của trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Lâm Quang Thi. Ở Việt Nam, ông học trường trung học Lycée Yersin tại Đà Lạt (bây giờ là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt).
Lâm rời khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Ở Mỹ, ông theo học tại Đại học California tại Berkeley với môn chính là Sinh Hóa. Chẳng bao lâu ông từ bỏ ý định theo học Y khoa, mà tham dự vào các chương trình tập viết sáng tạo tại Đại học Tiểu bang San Francisco. Trong khi còn đi học ông đã viết cho Pacific News Service và vào năm 1993 được giải thưởng cho phóng viên trẻ tuổi xuất sắc (the Outstanding Young Journalist Award) của Society of Professional Journalists).
Theo Wikipedia, ông cũng là một phóng viên và nhà văn viết truyện ngắn. Vào năm 2005, ông cho phát hành tập truyện Perfume Dreams, về vấn đề quan hệ và vai trò của một người Việt đang sống ở Mỹ. Lâm đã được trao giải PEN Open Book Award vào năm 2006 cho cuốn Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora. ("Những giấc mơ hương") Ông cũng đóng góp thường xuyên cho National Public Radio's All Things Considered.
Cuốn sách thứ hai của ông: "East Eats West: Writing in Two Hemispheres" ("Đông ăn Tây") là một suy ngẫm về các quan hệ Đông-Tây, và vấn đề sự nhập cư của người Á châu đã thay đổi phương Tây như thế nào. Nó được xếp vào 10 cuốn sách đứng đầu theo xếp hạng của tạp chí Shelf Unbound vào năm 2010.
"Birds of Paradise Lost," cuốn sách thứ ba của ông, là một sưu tập nhiều chuyện ngắn về những người Việt mới tới Mỹ, lập lại cuộc đời tại vịnh San Francisco.


LÁ THƯ TỪ VIỆT NAM

Về cuộc chiến chống dịch của Việt Nam

Andrew Lâm Quang Dũng - The Washington Spectator
Tầm nhìn từ căn hộ của tôi nhìn ra sông Sài Gòn gồm phần lớn trung tâm TP.HCM lấp lánh, với nhiều tòa nhà cao tầng mới được xây dựng và cây cầu Thủ Thiêm nổi tiếng. Vào một ngày bình thường trong tuần, cầu có rất đông ô tô và xe máy. Tuy nhiên, lúc này, dòng người thưa thớt, chỉ lác đác tiếng ô tô xe máy vọng lên cửa sổ chỗ tôi.
Cứ như thể thành phố tự bốc hơi hết và ở đó là nhịp độ chậm rãi gần chạm tới trạng thái hoang vắng.
Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang chiến đấu trong một trận chiến chống lại một kẻ thù vô hình, và trong nỗ lực ngăn chặn kẻ thù, nhiều thứ đã phải chịu hy sinh. Hiện tại, quy tắc giãn cách xã hội được thực thi nghiêm ngặt (cho đến ít nhất ngày 15.4, và có tin sau đó có thể thêm một vài tuần cách ly nữa, tất cả phụ thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm). Người dân được yêu cầu chỉ ra ngoài khi mua thực phẩm và thuốc men mà thôi. Không có cửa hàng cắt tóc, không có rạp chiếu phim, không cửa hàng ăn uống, không có phòng tập thể dục, không có trung tâm mua sắm, không có sự tụ tập nào ngoài các thành viên trong gia đình.
Vào buổi sáng trong khu chung cư của tôi, tiếng loa phát ra khoảng nửa tiếng, với giọng nói của một người phụ nữ nhắc nhở mọi người thực hành vệ sinh cá nhân, đó là rửa tay, và dĩ nhiên, đeo khẩu trang khi chúng ta ra ngoài và giữ khoảng cách an toàn với nhau. Sau đó, loa phát bài hát corona nổi tiếng của Việt Nam, với thông điệp về vệ sinh cá nhân, một bài hát đã lan truyền khắp nơi.
Điện thoại di động của tôi nhận được một hoặc hai tin nhắn mỗi ngày từ Sở y tế thông báo cho tôi về số các ca được cập nhật. Và tin nhắn nhắc nhở tôi, tất nhiên, tuân theo các quy tắc cách ly. Và tin khuyến cáo chủ thuê bao thông báo tình trạng bản thân hoặc người khác qua đường dây nóng nếu có các triệu chứng liên quan đến COVID-19 xuất hiện.
Nếu bạn không đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì sẽ đối mặt với việc bị phạt. Mọi người sẽ nhắc bạn đeo khẩu trang trong trường hợp bạn quên. Người dân luôn cảnh giác cùng nhau. Hôm qua, tôi đã chứng kiến ​​một bà cụ mắng hai thiếu niên vì không đeo khẩu trang khi chơi trong sân và nét mặt của họ nói lên tinh thần hợp tác mà mọi người cùng chia sẻ.
Du khách và công dân trở về từ nước ngoài được yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Theo tư vấn du lịch của Việt Nam, nếu bạn có bất kỳ liên hệ nào như chung chuyến bay, phương tiện giao thông hoặc khách sạn với những người đã xác nhận dương tính với COVID-19, bạn có thể được xét nghiệm virus và chịu cách ly kiểm dịch 14 ngày. Đối với những người trở về từ các khu vực có nguy cơ cao, họ cũng có thể được cách ly tại các cơ sở tập trung ở thành phố. Trong nhiều trường hợp, đây là những doanh trại quân đội được chuyển đổi công năng tạm thời.
Và trong trường hợp xác nhận có trường họp nhiễm bệnh ở đâu đó, toàn bộ tòa nhà hoặc khu phố sẽ bị phong toả.
So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á và nước láng giềng phía bắc Trung Quốc - nơi bắt nguồn đại dịch, thì những nỗ lực của Việt Nam đã được đền đáp bằng những kết quả ấn tượng. Tính đến ngày 12.4.2020, đất nước 96 triệu dân này chỉ ghi nhận 260 trường hợp dương tính, với hơn 50% tổng số ca nhiễm đã hồi phục và không có trường hợp tử vong. 
Tôi nhắc lại, không có ca tử vong.
Nhiều người Việt Nam và nước ngoài đặt câu hỏi khi trao đổi: làm thế nào có thể thế được? Một số suy đoán rằng số trường hợp nhiễm chắc cao hơn nhiều. Có cả những người suy đoán rằng số số ca tử vong bị che giấu với công chúng. Nhưng nhiều người khác cho rằng không giống như Trung Quốc nơi mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ, người dùng Facebook Việt Nam sẽ nhanh chóng chia sẻ thông tin nếu có ca tử vong. Rốt cuộc, Facebook là kênh thông tin với gần 50% dân số Việt Nam tham gia chỉ sau vài năm. (Ý của tác giả trong đoạn này là ngay trên Facebook cũng không hề có tin nào nói về ca tử vong ở Việt Nam được chia sẻ nên thông tin mà chính quyền Việt Nam đưa ra trong đại dịch là hết sức minh bạch).
Trong khi có vài tin đồn và những lời thì thào thì trên thực tế, mọi người đều đồng ý rằng chính quyền đã nhanh chóng ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan virus. Chính quyền đã cấm tất cả các cuộc tụ họp công cộng và sau đó, khi có nhiều trường hợp xuất hiện do người Việt trở về từ nước ngoài và du khách nước ngoài mang bệnh vào, họ đã cấm nhiều chuyến bay.
Trên thực tế, dù việc khống chế COVID-19 là niềm tự hào nhưng cái giá phải trả cho nó cũng đắt: mất việc làm, kinh tế chững lại và việc phong toả tác động lên đời sống từng ngày.
Theo Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, dịch COVID-19 sẽ dẫn đến thiệt hại ước tính từ 5,9 đến 7 tỉ USD cho nền du lịch của Việt Nam trong ba tháng tới và trong phần còn lại của năm 2020 là bức tranh cũng không khá hơn.
Tôi biết một số sinh viên đại học Việt Nam đã phải rời khỏi thành phố trở về quê. Trường học đã đóng cửa và những công việc họ làm thêm như bồi bàn và nhân viên bán hàng đều không còn. Những người khác còn không may mắn như vậy. Họ bị mắc kẹt trong thành phố mà không có nơi nào để đi, không có việc làm, tất cả đang chờ đợi tình hình tốt hơn và phải chạy vạy vay tiền nuôi sống bản thân. Thiệt hại kinh tế khó có thể ước tính vào lúc này, nhưng chỉ bằng cái nhìn vào các cửa hàng đang phải đóng cửa, con số đó không nhỏ và đang phình to dần.
Nhưng đó là cái giá mà đất nước sẵn sàng trả để chiến đấu với kẻ thù vô hình này. Và gần đây, khẩu hiệu được chính phủ sử dụng để khuyến khích công dân tiếp tục cuộc chiến chống lại là những ngôn từ từng được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh ở Việt Nam như: “Đoàn kết chống COVID-19” và gọi các bác sĩ và y tá là những người lính trong bộ đồ trắng
Cuối tháng tư này đánh dấu kỷ niệm 45 năm kết thúc Chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng Việt Nam còn quá nhiều việc phải lo hiện giờ. Và trong cuộc chiến mới này, rõ ràng Việt Nam hướng tới mục tiêu giành chiến thắng, một lần nữa.
Anh Tú (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét