Bài phổ biến
21/4/20
Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay
Đinh Công Tuấn (17-7-2015), Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/dieu-chinh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-trung-quoc-hien-nay.
ĐINH CÔNG TUẤN
Thứ sáu, 17 Tháng 7 2015 21:20
1. Đặt vấn đề
Hơn 90 năm qua kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), hơn 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949), mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không hề thay đổi, đó là xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 lãnh đạo thế giới. Từ sau Đại hội 18 ĐCSTQ (2012), TQ đặc biệt nhấn mạnh xây dựng “CHXH đặc sắc Trung Quốc”, với nền tảng lý luận là kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “ba đại diện” của Giang Trạch Dân, quan điểm phát triển khoa học, hài hòa XHCN của Hồ Cẩm Đào. Và hiện nay Trung Quốc đã bổ sung lý luận về việc “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” với hai mục tiêu có tính tiêu chí của Tập Cận Bình (2 mục tiêu 100 năm, một là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ (1921 – 2021) nhằm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, và hai là kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHNDTH (1949 – 2049) xây dựng thành công nhà nước TQ hiện đại hóa XHCN, văn minh, dân chủ, giàu mạnh, hài hòa[1].
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích những điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước và những tác động của nó đến khu vực và thế giới.
2. Vì sao TQ phải điều chỉnh chính sáchđốingoại?
2.1. Do tình hình thế giới đã có những biến đổi sâu sắc
- Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo thế giới và đẩy mạnh sự can dự trên phạm vi toàn cầu. Mỹ đã và đang thực thi chiến lược “xoay trục” từ Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc nhận thức rằng, điều đó đã đe dọa, thách thức đến địa vị lãnh đạo khu vực mà TQ đã ấp ủ thực thi bao lâu nay.
- Châu Âu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức to lớn cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, châu Âu đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng Ucraina. Với việc bao vây cấm vận nước Nga, EU đang gặp nhiều khó khăn trong việc vấp phải sự phản kháng mãnh liệt từ phía Nga. Hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giải quyết bình thường, ổn định vấn đề này.
Về kinh tế, một mặt châu Âu đang phải tập trung khắc phục những tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, mặt khác những phản đòn kinh tế của Nga nhằm vào EU cũng đang gây nên nhũng hệ lụy xấu trong thương mại, đầu tư, sản xuất ở các nước thành viên.
Những diễn biến xấu ở châu Âu đang tạo cơ hội mới cho Trung Quốc trong việc phát huy, mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế của mình ở châu Âu hiện nay.
- Đối với các nước đang phát triển ở khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh: TQ trong những năm qua đã tận dụng mọi thời cơ, tạo ra các cơ hội mới để mở rộng quan hệ hợp tác cả về chính trị, kinh tế với các nước này, trên cả 3 cấp độ: toàn cầu, khu vực, song phương. TQ đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới, khai thác những yếu kém của các nước, tập trung mở rộng đầu tư, thương mại, viện trợ cho các nước, với mục tiêu hết sức thực dụng, nhằm thu về những lợi ích tối đa (nhiều phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc đang ráo riết thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở các nước đang phát triển trong phạm vi toàn cầu). Tình hình thế giới hiện nay đã tạo thuận lợi lớn cho việc điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
2.2. Do tình hình trong nước có những biến chuyển và thay đổi lớn lao
Thứ nhất:thực lực, vị thế hiện nay của TQ đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng có lợi, điều đó buộc TQ phải điều chỉnh, thay đổi chính sách đối ngoại của mình.
Sau hơn 35 năm cải cách, mở cửa với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10% một năm, hiện nay GDP của TQ đã đạt mức 10.500 tỷ USD, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) thì GDP của TQ còn cao hơn so với Mỹ, đứng đầu thế giới. Khi bắt đầu cải cách mở cửa (1978), GDP của TQ chỉ bằng 1/3 của Nga, đến năm 2014 GDP của TQ đã lớn gấp 6 lần GDP của Nga. Năm 2014, dự trữ vàng và ngoại hối của Trung Quốc đã đạt gần 4000 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Kim ngạch thương mại cũng đạt hơn 4000 tỷ USD, đứng đầu thế giới. Như thế, nếu tính từ khi cải cách (1978), GDP của TQ hiện nay (2014) đã tăng gấp 15 lần, sản xuất công nghiệp tăng 20 lần, kim ngạch thương mại tăng hơn 100 lần, đã biến TQ từ một “công xưởng thế giới” thành một “nhà máy của tri thức”[2].
TQ đã kết thúc thời kỳ bị động “im lặng chờ thời”, “trỗi dậy hòa bình” do Đặng Tiểu Bình đề ratừ thập kỷ 1990, và hiện nay đã chuyển sang giai đoạn mới thực hiện ngoại giao nước lớn, chủ độngđề xuất sáng kiến mới, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, TQ hiện nay đã điều chỉnh chính sách đối ngoại mới nhằm đẩy mâu thuẫn, xung đột trong nước ra bên ngoài. Do hiện nay, TQ có nhiều mâu thuẫn, xung đột nội tại đất nước như mâu thuẫn trong cách đi, cách thực hiện công cuộc chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”, mâu thuẫn về hệ lụy phát triển đất nước, chênh lệch giữa nông thôn – thành thị, vùng ven biển – vùng nội địa, đặc biệt vùng phía Đông và Tây Nam, giữa công nghiệp với nông nghiệp, các vấn đề chống đối ở Tây Tạng, Tân Cương, vấn đề về việc làm – thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, phân tầng xã hội, phân hóa giàu - nghèo, văn hóa – xã hội, người nhập cư và người yếu thế trong xã hội v.v… Những thuận lợi và thách thức khó khăn kể trên đã thúc đẩy TQ phải chuyển đổi chính sách đối ngoại mới nhằm thúc đẩy hoàn thành nhanh chóng sự nghiệp cải cách mở cửa đất nước, thực hiện chấn hưng Trung Hoa, hoàn thành giấc mộng Trung Hoa do Tập Cận Bình khởi xướng.
3. TQ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại mới ra sao?
3.1. Chiến lược đối ngoại của TQ đã thay đổi theo từng giai đoạn của đất nước.
- Sau khi nước CHNDTH ra đời (1949), thập kỷ 50 của thế kỷ XX, TQ thực hiện chính sách đối ngoại “nhất biên đảo” (ngả một bên) (ngả về Liên Xô).
- Đến thập niên 60 (thế kỷ XX) TQ điều chỉnh thành “Lưỡng biên phản” (chống cả hai bên: Liên Xô, Mỹ).
- Bước vào thập niên 70 (thế kỷ XX), TQ chuyển sang chính sách “Nhất điều tuyến” ( một tuyến).
- Thập kỷ 80, TQ thực hiện chính sách “Độc lập cán” (thực hiện chính sách độc lập tự chủ).
- Sau chiến tranh lạnh thập kỷ 90,TQ thực hiện chính sách đối ngoại mới “tăng cường kết bạn”. Cho đến nay, đường lối đối ngoại “tăng cường kết bạn” ngoại giao bạn bè vẫn được TQ duy trì tiếp tục.
3.2. Những điều chỉnh mới trong chiến lược “Ngoại giao bạn bè”
- Đặc trưng chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ là:
1) Thực dụng, cùng có lợi
2) Trên cơ sở tự nguyện đôi bên
3) Công khai, không chống nước thứ 3
4) Được thiết lập bằng con đường ngoại giao chính thống
5) Cơ chế vận hành là đối thoại nhiều tầng nấc, xây dựng mô hình hợp tác song phương (nước với nước, bộ ngành địa phương với nhau, các lĩnh vực khác nhau, hình thức: gặp gỡ cấp cao thường kỳ, đường dây nóng, trao đổi…).
6) Khung quan hệ được xác định gồm 4 tầng nấc:
+ Tầng thứ nhất: “Mô hình ổn định” chỉ quan hệ hai nước đạt đến trình độ mật thiết, ổn định. Ví dụ: quan hệ TQ với LB Nga.
+ Tầng thứ hai: “Mô hình thông thường” chỉ quan hệ mới bắt đầu khởi sắc, chưa có biểu hiện gì đặc sắc. Ví dụ: quan hệ TQ – Canada.
+ Tầng thứ 3: “Mô hình có triển vọng”, chỉ mối quan hệ đã được xác lập, nhưng phát triển chưa toàn diện, có nhiều vấn đề cọ xát gay cấn. Ví dụ: quan hệ TQ – Hoa Kỳ.
+ Tầng thứ 4: “Mô hình tiềm năng”, chỉ mối quan hệ tương lai có thể xây dựng và phát triển quan hệ tốt trên nhiều lĩnh vực”[3].
7) Cơ cấu chủ thể trong chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ bao gồm 3 bộ phận chủ yếu:
Thứ nhất: “Điểm”, là nói đến quan hệ của TQ với các nước lớn trên thế giới, bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, những nước này có ảnh hưởng lớn đến các công việc quốc tế. TQ đặc biệt chú ý phát triển quan hệ toàn diện với các nước lớn, nước trở thành “điểm” cực kỳ quan trọng trong chiến lược “ngoại giao bạn bè” của TQ.
Thứ hai: “Tuyến”, thực chất chỉ “cương tuyến” (đường biên giới quốc gia). TQ chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, coi đây là “tuyến” sống còn, an nguy quốc gia.
Thứ ba: “Diện” chỉ TQ xây dựng với tất cả các quốc gia trên thế giới với tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi[4].
3.3. Những điều chỉnh mới trong chính sách ngoại giao hiện nay, thời Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước
- Sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã tiến hành điều chỉnh rất nhiều về chính sách đối nội và đối ngoại, đáng chú ý nhất là chiến lược, chính sách ngoại giao. Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 ngày 5/3/2015, TQ đã đưa ra tiêu đề điều chỉnh ngoại giao mới: “Đẩy mạnh điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, thúc đẩy triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường”, nội dung đã nêu rõ: “Đi sâu đối thoại chiến lược và hợp tác thực chất với các nước lớn, xây dựng khung quan hệ nước lớn lành mạnh, ổn định. Thúc đẩy toàn diện ngoại giao chu biên (láng giềng mở rộng), xây dựng “cộng đồng vận mệnh chu biên”. Theo đó, TQ sắp xếp thứ tự ưu tiên:
1) “Ngoại giao nước lớn” được đặt ở vị trí đầu tiên
2) “Ngoại giao láng giềng” được đặt ở vị trí thứ hai.
- Trung Quốc đang tính toán xây dựng “chiến lược ngoại giao đại chu biên” cho 10 năm tới, với các nội dung sau: (1) Xác lập điểm ngoại giao “đại chu biên”, (2) Xây dựng nước lớn kiểu mới với Mỹ và 3 nước lớn xung quanh là Nhật, Nga, Ấn Độ, (3) Thống nhất đồng bộ, liên thông ngoại giao láng giềng của 6 địa bàn Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và Nam Thái Bình Dương, (4) Kết hợp điều phối 4 mặt tư duy ngoại giao láng giềng giữa “đột phá trên biển” với “tích cực Tây tiến”, “đứng vững trong nước” và “triển khai ra ngoài”[5]. Với 4 phương châm: “chân thành, thân thiện, cùng có lợi và “dung” (hài hòa, chi phối, thôn tính).
- Cụ thể, các hướng điều chỉnh ngoại giao mới của TQ là:
+ Ở phía Đông Bắc: cạnh tranh mãnh liệt với Nhật Bản với chính sách “nhận diện phòng không”, tranh chấp chủ quyền biển đảo.
+ Ở phía Đông Nam, đưa cơ sở lý luận đường biên giới lịch sử về “đường lưỡi bò, 9 đoạn”, đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, xây dựng 7 đảo nhân tạo trên vùng biển của Việt Nam, thách thức an ninh chủ quyền và an ninh hàng hải của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippin, Malayxia, Brunei.
+ Ở phía Bắc, tạm thời hòa hoãn với Nga, nhưng vẫn thực hiện âm mưu thôn tính vùng đất Viễn Đông rộng lớn của Nga khi có điều kiện, thực hiện âm mưu mở rộng bành trướng biên giới với Mông Cổ.
+ Ở phía Nam, ấp ủ âm mưu chia rẽ, mua chuộc, thôn tínhcácvùng đất của Myanma, Lào, Campuchia.
+ Ở phía Tây, lôi kéo các nước Pakistan,Nepal, các nước Trung Á(SNG) nhằm chia rẽ với Ấn Độ và Nga.
- Đặc biệt TQ đưa ra sáng kiến mới kết nối Đông – Tây, Á – Âu – Phi bằng chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBAOR), xây dựng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), xây dựng khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)
+ Ý tưởng đầu tiên được Tập Cận Bình đề ra chiến lược cùng nhau xây dựng “vành đai kinh tế, con đường tơ lụa” (NSR) được phát biểu tại trường Đại học Natrapaep, Kazastan ngày 7/9/2013.
+ Sau đó đến ngày 3/10/2013, Tập Cận Bình đề xuất trước Quốc Hội Indonexia rằng TQ sẵn sàng cùng các nước ASEAN xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21” (MSR).
+ Tập Cận Bình lại nêu đề nghị nàytại Hội nghị APEC 11/2014,Trung Quốc coi thời điểm ngày ra đời của NSR và MSR được gọi chung là chiến lược “một vành đài, một con đường” (OBAOR).
+ OBAOR chính thức trở thành chính sách quốc gia từ tháng 11/2013 bằng nghị quyết trung ương 3 khóa 18: “Phải xây dựng cơ cấu tài chính tiền tệ mở, đẩy nhanh xây dựng hỗ liên hỗ thông cơ sở hạ tầng với các quốc gia và khu vực xung quanh, thúc đẩy xây dựng “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “con đường tơ lụa trên biển” hình thành một cục diện mới mở cửa toàn phương vị”.
- Mục tiêu TQ xây dựng chiến lược “một vành đai, một con đường” (OBAOR) là:
(1) Chủ động đề xuất mới với tư duy nước lớn, vai trò nước lớn, khát khao thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, xây dựng TQ là trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu, độc chiếm biển Đông, thực hiện đường lưỡi bò.
(2) Chống lại “chiến lược xoay trục” của Mỹ, đối trọng với TPP và TTIP của Mỹ, do Mỹ chi phối, lấylạivị trí lãnh đạo số 1 thế giới từ tay Mỹ.
(3) Tận dụng yếu tố lịch sử, hơn 2100 năm trước, TQ khởi xướng con đường tơ lụa để khuếch trương thanh thế, mở rộng lợi ích của mình (ngày nay TQ cũng có điều kiện để sử dụng yếu tố lịch sử phục vụ cho chiến lược quốc gia) nhằm phá thế cô đơn, gia tăng ảnh hưởng ra khu vực, thế giới.
(4) Nhu cầu thúc đẩy kinh tế, ngăn đà thiểu phát: cầu thị trường, nguồn năng lượng, nguyên liệu, phát triển cân bằng vùng - miền. Cụ thể, TQ sẽ sử dụng những nguyên liệu sản xuất dư thừa trong nước (sắt thép, xi măng, vật liêu xây dựng...) cùng lực lượng lao động dư thừa và đồng nhân dân tệ để chuyển đổi, để xây dựng một vành đai, một con đường, thông qua ngân hàng AIIB.
- Quy mô của “1 vành đai, 1 con đường” (OBAOR):
+ Thế giới sẽ có một khu vực rộng lớn dưới sự khống chế của TQ:
· Một không gian nối liền 3 châu lục Á – Âu – Phi
· Qua 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới, GDP đạt 21.000 tỷ USD, chiếm 29% GDP toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ đạt 23,9% toàn cầu.
+ Hai con đường đều xuất phát từ TQ theo đường bộ và đường biển, hội tụ tại Venise (Ý) tạo thành một vòng tròn khép kín lớn, một hành lang kinh tế dài nhất xuất phát từ TQ, thông qua Trung Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, qua một phần châu Âu, phía Đông đối với vành đai kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, phía Tây đối với vành đai kinh tế châu Âu.
+ NSR và MSR chia làm 3 tuyến: (1) Tuyến Bắc: xuất phát từ Bắc Kinh – Nga – Đức – Bắc Âu, (2) Tuyến giữa (Trung): xuất phát từ Bắc Kinh – Tây An – Urumsi – Apganistan – Kazastan – Hungary – Paris, (3) Tuyến Nam: Tuyền Châu – Phúc Châu – Quảng Châu – Hải Khẩu – Bắc Hải – Hà Nội – Kuala Lumpur – Jakarta – Colombo – Calcuta – Nairobi – Athens – Venise.
- Những khó khăn thực thi “một vành đai, một con đường” của TQ
(1) Nội bộ TQ
+ Tiềm lực TQ còn hạn chế (kinh tế)
+ Nội bộ phân tán, mâu thuẫn xã hội sâu sắc (chính trị)
(2)Bên ngoài
+ Mỹ và phương Tây gây cản trở
+ TQ không có đồng minh chiến lược, các nước láng giềng và trên thế giới đều nghi ngờ giữa nói và làm của Trung Quốc, không đi đôi với nhau, nghi ngờ động cơ bành trướng, thôn tính lãnh thổ của TQ ẩn náu trong sáng kiến mới hiện nay.
+ Không có cơ sở pháp lý vững vàng để thực hiện, thiếu cơ chế đảm bảo. Các nước tham gia vì có lợi ích của đất nước họ, nhưng nếu kết quả không đạt được như mong đợi, nhất định các nước sẽ bỏ cuộc giữa đường[6]
4. Những hệ lụy và tác động của sự điều chỉnh chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc đến bản thân Trung Quốc và các nước trong khu vực.
4.1. Những hệ lụy và tác động đến Trung Quốc.
(1) Chính sách đối ngoại, đặc biệt chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn, quyết liệt hơn.
(2) Với việc Trung Quốc thực hiện chính sách “khác biệt cự li”, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thủ đoạn “chia để trị” đối với các nước láng giềng.
(3) Trung Quốc sẽ tăng cường yếu tố an ninh và yếu tố chiến lược trong chính sách láng giềng, đặt việc “kiên quyết bảo vệ chủ quyền an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” vào vị trí ưu tiên số 1 (lợi ích cốt lõi) trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách ngoại giao láng giềng nói riêng, chính sách ngoại giao láng giềng sẽ phải phục vụ tốt hơn cho chiến lược đối ngoại chung của quốc gia.
(4) Trung Quốc sử dụng khung “quan hệ nước lớn kiểu mới Trung – Mĩ” để ngăn chặn quan hệ giữa các nước láng giềng với Mĩ, đồng thời tìm cách chia chác lợi ích với Mĩ qua đầu các nước vừa và nhỏ xung quanh.
(5) Điều chỉnh chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới, Trung Quốc càng có nhiều điều kiện để dùng kinh tế để thúc đẩy chính trị phục vụ cho những lợi ích của mình.
4.2. Tác động đến các nước trong khu vực.
Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng mới của Trung Quốc hiện nay cuối cùng đều nhằm mục tiêu thực hiện chính sách “chia để trị”, gây bất hòa trong các nước láng giềng, tạo ra những nguy cơ mới, thách thức đe dọa đến mọi lĩnh vực đời sống của các quốc gia láng giềng, cụ thể:
Thứ nhất, tác động tiêu cực tới nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực.Trong lĩnh vực thương mại, Trung Quốc thực hiện chính sách cạnh tranh thiếu lành mạnh, khiến cho các nước Đông Nam Á bị đẩy vào thế nhập siêu chỉ đóng vai trò là nơi cung cấp nguyên liệu thô, tài nguyên, năng lượng giá trị thấp cho Trung Quốc, trong khi đó lại nhập về thiết bị, máy móc, đồ gia dụng. Hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ, chất lượng thấp, thậm chí còn gây độc hại sức khỏe đã tràn ngập thị trường, tác động rất tiêu cực đến sản xuất nội địa, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của nhân dân và làm gia tăng nạn thất nghiệp ở nhiều nước; gây lo lắng bất bình trong nhân dân, làm mất ổn định chính trị.
Trong hợp tác đầu tư, Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến bất động sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các nước Đông Nam Á; đồng thời lợi dụng các dự án để đưa hàng loạt lao động phổ thông, trình độ thấp tới làm việc tại các nước này. Đây là phương thức giải quyết nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu ngày càng gia tăng do quá trình phát triển kinh tế nóng và tạo công ăn việc làm cho số lượng dân chúng thất nghiệp ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Điều này khiến cho chính quyền và nhân dân các nước Đông Nam Á đặc biệt lo lắng, bởi hệ lụy không chỉ là mất đất, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lợi ích của nước sở tại bị tổn hại, dân chúng bản địa mất việc làm và cơ hội, mà còn gây ra nhiều yếu tố đe dọa an ninh quốc gia. Mặt khác, việc Trung Quốc không ngừng đổ tiền đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản và khai thác nguyên, nhiên liệu tại các nước ASEAN, làm tăng mức độ phụ thuộc của các nước ASEAN vào nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó gây ra nguy cơ: bất cứ một cuộc khủng hoảng kinh tế nào của Trung Quốc cũng sẽ gây ra những tác động rất xấu, thậm chí là khủng hoảng mang tính dây chuyền đối với nền kinh tế ASEAN. Ngoài ra, Trung Quốc có thể lợi dụng những quan hệ hợp tác kinh tế để gây sức ép với các nước ASEAN về chính trị, đối ngoại… nhằm thỏa mãn mục đích và mưu đồ bành trướng của họ.
Thứ hai, tác động tiêu cực tới văn hóa xã hội các nước Đông Nam Á. Với thế mạnh của lịch sử văn hóa lâu đời 5000 năm, Trung Quốc sử dụng “sức mạnh mềm” văn hóa để tiếp cận các nguồn lực và từng bước mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách mở các học viện Khổng Tử, hợp tác giáo dục, cấp học bổng cho học sinh các nước đến Trung Quốc học tập, trong đó dành nhiều ưu tiên cho khu vực Đông Nam Á. Những nguồn nhân lực được đào tạo cả về chuyên môn và tư tưởng Trung Quốc sẽ là lực lượng chính để thao túng và giúp sức cho quá trình thực hiện “sức mạnh mềm” của Trung Quốc tại các nước sở tại; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước; xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc… ra toàn thế giới, tạo điều kiện để quảng bá ngôn ngữ và làm cho làn sóng văn hóa Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á. Hiện nay, làn sóng phim truyền hình Trung Quốc với chủ đề lịch sử hấp dẫn hay những vấn đề nổi cộm của xã hội đương đại đang chiếm thời lượng lớn trên hầu hết các kênh truyền hình của các nước Đông Nam Á, thậm chí khiến cho một số người dân các nước bản địa “thuộc” lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước mình. Điều này gây tác động xấu đến truyền thống văn hóa của các dân tộc, tới tâm trạng xã hội của các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa tại khu vực Đông Nam Á rất đông đảo, có năng lực về tiền vốn và kinh doanh, có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, văn hóa với Trung Quốc, đã và đang góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Tuy nhiên, cộng đồng người Hoa luôn là vấn đề trong quan hệ đối nội và đối ngoại của các nước Đông Nam Á; đôi khi tác động tiêu cực tới nền kinh tế các nước và gây mâu thuẫn với người dân sở tại (như việc người Hoa lợi dụng khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực để đầu cơ, nâng giá lương thực khiến cho nhiều người dân bản địa nổi giận).
Thứ ba, tác động tiêu cực, gây chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Viện trợ và sức ảnh hưởng ngày càng to lớn của Trung Quốc đối với Đông Nam Á làm tăng tính phụ thuộc của các nước trong khu vực vào Trung Quốc; đây chính là cơ hội và chiêu bài mà Trung Quốc có thể sử dụng để khống chế, ép buộc các nước phải phục vụ mục đích chính trị và lợi ích kinh tế của mình. Trung Quốc ra sức sử dụng con bài kinh tế: hào phóng viện trợ, cho vay, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mời chào những lợi ích kinh tế… khiến một số nước trong khu vực (điển hình là Campuchia) luôn hoan nghênh, chào đón, ủng hộ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Philippines, Indonesia, Việt Nam… đều cho rằng, mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược của Trung Quốc xưa nay vẫn là khẳng định vị trí bá quyền và tạo phạm vi ảnh hưởng của nước lớn bá chủ bao trùm khu vực. Điều này tạo ra sự bất đồng quan điểm, gây chia rẽ giữa các nước trong khu vực, phá hoại sự đoàn kết - sức mạnh ảnh hưởng của ASEAN.
Thứ tư, nguy cơ chạy đua vũ trang và nổ ra xung đột vũ trang trong khu vực.Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế Trung Quốc có điều kiện và thực lực để tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt chú trọng thực lực hải quân, đồng thời bộc lộ bản chất bá quyền qua những hành động hung hăng trên biển Đông nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm biển Đông. Điều này gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực, nhất là các nước ven biển Đông. Tăng cường sức mạnh quân sự là phản ứng tự nhiên của các nước Đông Nam Á, song song với biện pháp tăng cường hợp tác quân sự khu vực, nhằm đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và hung hăng. Tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông ngày càng được thổi bùng do triển vọng các mỏ dầu khí dồi dào, khiến cho Malaysia, Philippines, Brunie và Việt Nam cố gắng tìm cách cân bằng trước sức mạnh hải quân đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngay cả những nước không dính líu trực tiếp vào cuộc tranh chấp (như Thái Lan, Singapore) thì an ninh biển vẫn là một trọng tâm then chốt. Do vậy, các nước Đông Nam Á liên tục tăng cường mua sắm vũ khí (chủ yếu là các chiến hạm, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu cùng với các tàu ngầm và tên lửa chống hạm) để bảo vệ các tuyến hàng hải, các cảng và biên giới biển quan trọng đối với dòng chảy xuất khẩu và năng lượng. Như vậy, luôn hiện hữu một nguy cơ sẽ xảy ra xung đột vũ trang khi các bên trong tranh chấp thiếu kiềm chế cần thiết.
Kết luận
Kể từ khi Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo đất nước, ông đã tập trung mọi quyền lực để khống chế tình hình, thúc đẩy cải cách. Về đối nội lấy “Bốn toàn diện” làm ngọn cờ (toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện “y pháp trị quốc” và toàn diện nghiêm khắc quản lý, quản trị Đảng), lấy “xây dựng pháp trị” làm khâu đột phá, lấy “chống tham nhũng” làm công cụ xiết chặt kỷ cương. Về đối ngoại, TQ hoàn toàn từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời”, chuyển sang “hành động thể hiện”, chủ động đưa ra các sáng kiến trong việc tham gia và hoạch định luật chơi quốc tế. TQ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, thể hiện vai trò “nước lớn kiểu mới” Trung – Mỹ và “Ngoại giao chu biên, đại chu biên” với đột phá là triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường”, với sáng kiến xây dựng ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Mục tiêu đưa TQ vào vị trí trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu, nhằm gạt bỏ Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu. Từ đó TQ cho phép mình hành xử với các nước láng giềng trên cương vị là đất nước lãnh đạo khu vực và toàn cầu trong quan hệ quốc tế cường quyền mới: “thuận sống, chống chết”, “chia để trị”, phân hóa, chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa các nước, độc chiếm biển Đông, hoàn thành giấc mộng Trung Hoa.
[1]Báo cáo chính trị Đại hội 18 ĐCSTQ và những tổng hợp của tác giả
[2] “TQ phiên bản đặc biệt của CNXH”, http://nghiencuubiendong.vn
[3] Tìm hiểu chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ hiện nay: đặc trưng, bản chất, mục tiêu”, http://dltntq.laocai.gov.vn
[4] Tìm hiểu chiến lược “Ngoại giao bạn bè” của TQ hiện nay: đặc trưng, bản chất, mục tiêu”, http://dltntq.laocai.gov.vn
[5]Tạp chí “Kinh tế và chính trị thế giới”, 12/12/2013
[6]Hồ Sỹ Tuệ, Trung Quốc năm 2015: Những vấn đề nổi bật vào giai đoạn cuối cùng của thời kỳ “thời cơ chiến lược”, Kỷ yếu hội thảo Dự báo một số vấn đề về tình hình thế giới năm 2015 và những tác động đối với Việt Nam, Hà Nội, tháng 3/2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét